Việt Nam sẽ ký hợp đồng thương mại 15-17 tỷ USD với Mỹ; Trung Quốc dẫn đầu nguồn cung mặt bằng bán lẻ toàn cầu; Trung Quốc khiến thế giới ngập trong bông; Việt Nam phải vay ODA với lãi suất cao từ tháng 7
Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-05-2017
- Cập nhật : 30/05/2017
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gia tăng xuất khẩu và doanh số
Báo cáo tại hội thảo Tổng kết 3 năm thực hiện Dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường Châu Âu” được tổ chức ngày 29/5 tại Hà Nội, bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC) cho biết, trong số hơn 200 doanh nghiệp tham gia dự án, đã có tới 98% doanh nghiệp gia tăng doanh số bán hàng và 36% doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.
Sản xuất dây điện tại Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Tiến Thịnh (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Báo cáo kết quả tại dự án cũng cho biết, sau 3 năm triển khai, dự án đã đóng góp đáng kể vào việc gia tăng năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam; kết nối doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng với người mua trên thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu; hỗ trợ và xây dựng các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Đặc biệt, nhờ có sự hỗ trợ của dự án, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã được ra đời vào tháng 3/2017, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
Dự án này đã tổ chức 30 khoá tập huấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và thương mại cho gần 1.500 lượt học viên; tổ chức 67 gian hàng cho các doanh nghiệp tại 8 hội chợ quốc tế ở Châu Âu...
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, đại diện Hiệp hội Điện tử Việt Nam, dự án đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng sản phẩm cho Samsung.
Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, có các gian hàng mang màu sắc Việt Nam tại quốc tế. Sự hiện diện của Việt Nam ngoài việc tạo cơ hội thị trường thì còn chứng tỏ, Việt Nam có ngành công nghiệp hỗ trợ và đang phát triển rất tốt.
“Bên cạnh đó, cũng cần các hỗ trợ mềm trong đào tạo, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác làm ăn, trong đó vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng giúp các doanh nghiệp nhỏ trong nước gắn kết chặt hơn”, bà Hương nói.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất đa dạng, nhưng ở thị trường quốc tế, Việt Nam đang cơ lợi thế ở các sản phẩm kết hợp giữa “máy móc và tay chân” như lắp ráp các bảng mạch điện tử với sự khéo léo, hay dây điện... Rất nhiều sản phẩm dạng này đã bán được ngay khi trưng bày tại các hội chợ quốc tế.
Song để làm được thì doanh nghiệp cũng phải có công nghệ, tổ chức sản xuất tốt để có giá cạnh tranh. Hiện so với Thái Lan, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn quá ít ỏi, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, trong khi Thái Lan là khoảng 2.000 doanh nghiệp.
Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi cho những đầu tư ban đầu, để tác động đến doanh nghiệp như vốn vay, công nghệ, đào tạo... , khuyến khích thương mại hàng hoá 2 chiều EU-VN.
Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ cũng cần tăng cường làm đầu mối thương mại về máy móc, thiết bị; nâng cao năng lực tư vấn và đào tạo năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp...
Dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường Châu Âu" do Liên minh Châu Âu tài trợ với tổng ngân sách hơn 412.000 EUR.
Dự án được thực hiện từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2017. Mục tiêu dự án nhằm nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong lĩnh vực cơ khí, điện – điện từ, nhựa – cao su...(TTXVN)
--------------------------------
Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế năm 2017.
Công ty Lưới điện Cao Thế thực hiện công trình “Thay máy biến thế 110/22 kV Tân Bình 1, TP.Hồ Chí Minh, phục vụ nâng cấp điện áp lên 22kV” nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tăng cường thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ, cụ thể hóa những nhiệm vụ được giao trong giai đoạn 2016-2020, trong đó phải xác định rõ danh mục nhiệm vụ, đề án, chương trình, tiến độ và thời gian hoàn thành cụ thể đối với từng nhiệm vụ; tăng cường giám sát, đánh giá quá trình thực hiện, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với kiến nghị về việc thay đổi cách thức làm việc, thực thi của Chính phủ và các địa phương trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế năm 2017; trường hợp gặp vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.(TTXVN)
-------------------------
Doanh thu dịch vụ Hà Nội tăng mạnh
Cục thống kê thành phố Hà Nội cho biết, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm đạt 917.793 tỷ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ; trong đó, bán lẻ đạt 214.568 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2016.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ kinh tế Nhà nước ước tính đạt 267.788 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ; kinh tế ngoài nhà nước 606.208 tỷ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 43.797 tỷ đồng tăng 7,6%.
Nguyên nhân của chỉ số này tăng mạnh nhờ kinh tế Thủ đô đang trên đà phục hồi và tăng trưởng mạnh; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện nên các doanh nghiệp tìm đến hợp tác nhiều hơn.
Bên cạnh đó, thành phố luôn tìm cách tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, vay vốn ưu đã để các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất sản phẩm ngày càng có chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng trong và ngoài nước. Nhờ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích phát triển dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình vui chơi, tham quan nên đã thu hút đông đảo khách du lịch tham quan mua sắm.
Từ đầu năm đến nay, khách du lịch quốc tế vào địa bàn ước đạt 1.516 nghìn lượt khách tăng 15,1% so cùng kỳ; trong đó, khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng tăng 29,3% so cùng kỳ, khách đến vì công việc tăng 64,2%. Lượng khách trong nước đạt đạt hơn triệu lượt khách tăng 5,3% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 24.826 tỷ đồng tăng 7% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng có chất lượng hướng tới thị trường xuất khẩu cũng đang cải thiện mạnh, trong 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.730 triệu USD, tăng 12,2% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 3.924 triệu USD tăng 14,3%. Nhóm hàng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ là hàng điện tử, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi; máy móc thiết bị phụ tùng; phương tiện vận tải.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 11.676 triệu USD tăng 20,8 % so cùng kỳ . Trong đó, nhập khẩu địa phương ước đạt 5.165 triệu USD tăng 20 %. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so cùng kỳ là hóa chất tăng 34,3%; xăng dầu tăng 26,8%; chất dẻo tăng 25,2 %..(Baotintuc)
--------------------------------
5 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng thấp
Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất xe chuyên dụng tại xí nghiệp cơ khí ôtô An Lạc thuộc Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco). Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, tuy vẫn thấp hơn mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016 nhưng cao hơn mức tăng 5,2% của 4 tháng đầu năm nay.
Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,1%.
Trong 5 tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước là ti vi tăng 42,8%; sắt, thép thô tăng 29,6%; thép cán tăng 27,7%; phân u rê tăng 18,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên, sơn hóa học, sữa bột, điện sản xuất tăng từ 10,3% đến tăng 15,3%
Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là ô tô tăng 2,4%; than đá tăng 1,1%; thuốc lá điếu tăng 0,9%; đường kính tăng 0,7%. các sản phẩm điện thoại di động; khí hóa lỏng (LPG); giày, dép da; khí đốt thiên nhiên, dầu thô giảm từ 0,6% đến 13,6%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm nay của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn so với cùng kỳ năm trước có mức tăng từ 5% đến 20,5%; trong đó các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hải Phòng tăng lần lượt 10,8%, 17%, 20,5%. Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Dương, Đồng Nai ở mức tăng dưới 10%, trong khi Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 5%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2017 giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 9,3%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/5/2017 tăng 11% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,7%). Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 1,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 5,6%; sản xuất thuốc lá giảm 16,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 43,1%.
Bên cạnh đó, có một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung như sản xuất kim loại tăng 82,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 69,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 50,1%; sản xuất thiết bị điện, sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (chủ yếu là xi măng), đồ uống tăng từ 26,2% đến 40,6%.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2017 tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,1%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,8%.
Cụ thể, lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2017 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương như Bắc Ninh tăng 17,7%; Vĩnh Phúc tăng 16%; Bình Dương tăng 6,4%; Hải Dương tăng 6,3%; Hải Phòng tăng 5,6%. Các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh tăng nhẹ từ 0,2% đến 4%. Trong khi đó, lao động trong các doanh nghiệp của Bà Rịa Vũng Tàu giảm 8,6%.(TTXVN)