Xuất khẩu thủy sản đạt 2,8 tỷ USD; Samsung đầu tư thêm 2,5 tỉ USD tại Bắc Ninh; Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp; FLC lập hãng hàng không Tre Việt
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-05-2017
- Cập nhật : 30/05/2017
Bộ Tài chính “bác” đề xuất ưu đãi thuế của Pepsico Việt Nam
Theo Bộ Tài chính, chi nhánh của Pepsico Việt Nam không được hưởng ưu đãi theo diện đầu tư mới mà chỉ là đầu tư mở rộng.
Ảnh minh họa.
Tại văn bản trả lời, Bộ Tài chính dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định: “Dự án đầu tư thành lập cơ sở kinh doanh mới thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư và cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm theo quy hoạch, cơ sở kinh doanh di chuyển đến địa bàn khuyến khích đầu tư được miễn thuế tối đa là 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa là 9 năm tiếp theo…”
Dẫn thêm các quy định hiện tại, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, năm 2008, Pepsico Việt Nam có thực hiện một dự án đầu tư được thành lập dưới hình thức chi nhánh tại Cần Thơ và chi nhánh được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 24/1/2008 thì chi nhánh Pepsico Việt Nam tại Cần Thơ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp diện đầu tư mở rộng.
Trước đó, năm 2008, Pepsico Việt Nam đã đầu tư một dự án mới tại khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ và được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo giấy chứng nhận, nhà máy tại Cần Thơ được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện đầu tư mới gồm thuế suất 15% áp dụng trong 12 năm (kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh); miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, tới năm 2012, Tổng cục Thuế tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp, đưa ra ý kiến, nhà máy Cần Thơ không được hưởng ưu đãi theo diện đầu tư mới mà thuộc diện ưu đãi theo đầu tư mở rộng. Cụ thể, nhà máy không được hưởng ưu đãi về mức thuế suất mà chỉ được hưởng miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sau đó, ngày 9/2/2015, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành quyết định truy thu hơn 18 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2012 và 2013 và phạt hành chính nộp chậm thuế hơn 3,5 tỷ đồng.
Sau đó, công ty đã có nhiều buổi làm việc với các cơ quan có liên quan. Trong văn bản mới đây gửi tới cơ quan chức năng vào tháng Tư, phía Pepsico Việt Nam tiếp tục kiến nghị áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà máy Cần Thơ theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. (Bizlive)
--------------------------
Vốn FDI tăng trưởng mạnh giúp kinh tế TP Hồ Chí Minh phục hồi tốt
Trong 5 tháng qua, tình hình kinh tế TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu phục hồi tốt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng đã góp phần làm tăng thu ngân sách cho TP Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa – xã hội cho người dân thành phố.
Thu hút đầu tư nước ngoài tăng
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm 2017 tiếp tục được cải thiện với tổng số vốn 1,37 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng vốn đầu tư lớn nhất (27,8%) với 95,11 triệu USD, tiếp theo là Malaysia chiếm 13,2% với 45,07 triệu USD, Singapore chiếm 11,7% với 39,91 triệu USD, Nhật Bản chiếm 11,4% với 38,9 triệu USD...
Lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào là các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, truyền thông, bất động sản... Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất (35,9%) với 122,7 triệu USD; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 27,1% với 92,75 triệu USD; thông tin và truyền thông với 55,21 triệu USD, chiếm 16,2%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 11,8% với 40,25 triệu USD.
Bên cạnh đó, môi trường hoạt động của các doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục được cải thiện. Trong 5 tháng đầu năm, thành phố có khoảng 15.500 DN được cấp phép thành lập với tổng vốn đăng ký gần 193.800 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 10,4% về số DN và tăng 54,2% về vốn. Chính quyền thành phố cũng đã có nhiều hỗ trợ để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển sang loại hình DN và đến nay, đã có 413 hộ cá thể chuyển lên DN.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết trong những tháng tới, Thành phố tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách cho khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức DN bằng các chính sách hỗ trợ DN. Mục tiêu TP Hồ Chí Minh nhắm đến là đến năm 2020 đạt con số 500.000 DN và trước mắt trong năm nay, tăng khoảng 60.000 DN. Tổng số DN hoạt động tại TP Hồ Chí Minh hiện thống kê được khoảng 300.000 DN.
Thu ngân sách tăng cao
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong 5 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP Hồ Chí Minh đạt hơn 375.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN trên địa bàn thành phố ước đạt 14 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2016. Theo đánh giá, thị trường xuất khẩu tại một số nước tăng nhanh, điển hình có Singapore (tăng 142%), Malaysia (tăng 98,3%), Tây Ban Nha (tăng 50,4%), Úc (tăng 49,1%)... Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại Philippines, Indonesia, Cambodia, Canada, Israel… có dấu hiệu chậm lại. Một số mặt hàng xuất khẩu được duy trì và có mức tăng: Cao su tăng 39,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 67,3%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng tăng 95,1%.
Tính chung từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu của TP Hồ Chí Minh ước đạt 17 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất (sản phẩm điện tử và linh kiện, kim loại, linh kiện, phụ tùng ô tô…).
Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, cho biết tổng thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm đạt 147.461 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và đạt 43% dự toán năm. Trong đó, các khoản thu ngân sách tăng cao so cùng kỳ như thu nội địa tăng gần 23%, thu từ dầu thô tăng 27%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 9,24% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Thắng, nền kinh tế phục hồi góp phần vào ngân sách TP Hồ Chí Minh, chẳng hạn như thu cổ tức và lợi nhuận được chia tăng cao, một số đơn vị có số nộp lớn, chẳng như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn nộp gần 1.800 tỷ đồng.
Trong 5 tháng, một số DN nộp tiền sử dụng đất dự án rất lớn như: Công ty TNHH Liên danh Thành phố Đế Vương nộp 2.825 tỷ đồng cho dự án tại Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh nộp 264 tỷ đồng… góp phần cho thu ngân sách từ tiền sử dụng đất của TP Hồ Chí Minh trong 5 tháng tăng đến 77% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, tiền thuê đất, thuê mặt nước tại TP Hồ Chí Minh cũng tăng gần 30% do một số doanh nghiệp nộp tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước một lần cho cả thời gian thu của dự án.
Khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng cũng tăng khoảng 20% so cùng kỳ, thuế thu nhập DN cũng tăng khoảng 19% do DN làm ăn có lãi, thu nhập DN từ hoạt động chuyển nhượng vốn của DN, trong đó phải nói đến việc chuyển nhượng vốn từ Holcim Việt Nam sang Công ty TNHH Siam City Cement nộp ngân sách số tiền 1.800 tỷ đồng.(Baotintuc)
------------------------------------
Trung Quốc lại can thiệp vào đồng Nhân dân tệ?
Việc thay đổi cách tính tỷ giá trung tâm có thể đi ngược lại tuyên bố trước đó của Trung Quốc về mục tiêu tự do hóa đồng Nhân dân tệ.
Trung Quốc đang xem xét thay đổi cách tính tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD. Đây là một động thái có thể làm giảm sự biến động của tỷ giá hối đoái, nhưng cũng đồng thời làm suy giảm tầm ảnh hưởng của các yếu tố thị trường.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể thêm một "yếu tố phản chu kỳ" vào tỷ giá ấn định hàng ngày của NDT, theo một tuyên bố của chính phủ hôm thứ 6. Thông tin này tương tự với một báo cáo trước đó của Bloomberg News.
Các nhà phân tích cho biết sự thay đổi này sẽ cho phép các nhà chức trách tăng kiểm soát tỷ giá ấn định, và hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố thị trường.
Việc quản lý chặt chẽ hơn đồng NDT có thể cho phép Trung Quốc "dễ thở" hơn trong việc đẩy mạnh chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy, vốn là điều được nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ. Tuy nhiên, nó sẽ đánh dấu bước lùi so với cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013 về việc trao vai trò trung tâm cho thị trường. Hệ thống tỷ giá ấn định hiện hành của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã nhận được nhiều lời tán dương của quốc tế về việc theo đuổi định hướng thị trường, và giúp đồng NDT được đưa vào rổ tiền tệ dự trữ của IMF.
Sean Callow, chiến lược gia tiền tệ cao cấp của Tập đoàn Ngân hàng Westpac ở Sydney, cho biết: "Các yếu tố điều chỉnh phản chu kỳ có vẻ sẽ khiến tỷ giá ấn định đi chệch khỏi các quy luật của thị trường. Các hành động của chính phủ Trung Quốc cho thấy thực tế họ lo ngại về sự ổn định của đồng NDT nhiều hơn so với trong các tuyên bố công khai của họ".
Việc tăng sức mạnh đồng NDT là ưu tiên chính sách trong năm nay của chính quyền Trung Quốc, khi họ đang nỗ lực ngăn chặn dòng vốn tháo chạy và những cú sốc tài chính trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản vào cuối năm 2017. Và việc này sẽ cần thiết hơn nữa, khi gần đây Trung Quốc đã mạnh tay kiềm chế đòn bẩy trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong nước.
Theo thông báo tuần này của PBOC về công thức tỷ giá ấn định, các định chế cung cấp báo giá về tỷ giá ấn định phải thêm một yếu tố phản chu kỳ cho mô hình hiện tại của họ. Theo những người am hiểu, mô hình hiện nay tính toán tỷ giá ấn định dựa trên giá cả chốt phiên hôm trước cộng thêm biến động rổ tiền tệ. Các ngân hàng hiện đang tinh chỉnh và thử nghiệm mô hình của họ và sẽ sớm cung cấp báo giá bằng cách sử dụng hệ thống mới, những người này nói thêm.
Theo một tuyên bố chính thức trên trang Chinamoney.com, được điều hành bởi Hệ thống Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc (CFETS), thị trường ngoại hối của Trung Quốc có thể bị tác động bởi những kỳ vọng phi lý, dẫn đến việc cung và cầu "không thực tế" làm tăng rủi ro tỷ giá biến động quá mức. Theo thông cáo này, yếu tố phản chu kỳ có thể làm giảm "hành động bầy đàn" và giúp các nhà đầu tư quan tâm hơn đến các yếu tố cơ bản của kinh tế.
Đồng NDT tại đại lục hiện được giao dịch giới hạn trong biên độ +/-2% so với tỷ giá ấn định.
Đối với chính phủ Trung Quốc, hệ thống tỷ giá ấn định hiện tại khiến cho tỷ giá khó kiểm soát hơn. Đà sụt giảm 6,5% của đồng NDT vào năm 2016 đã tạo ra một vòng luẩn quẩn dẫn tới các dòng vốn tháo chạy và làm tăng lượng đặt cược về sự suy yếu của đồng NDT. Sự cố này khiến chính quyền Trung Quốc phải tiêu tốn hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối và đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ hơn.
Có lẽ các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng công thức tỷ giá ấn định mới sẽ giúp họ ổn định đồng NDT với một cái giá rẻ hơn nhiều. Họ đã sử dụng tỷ lệ ấn định nhằm tăng sức mạnh NDT trong những tuần gần ây, áp tỷ giá ấn định ở mức cao hơn nhiều so với dựa đoán của các nhà phân tích.
Sue Trinh, người đứng đầu mảng chiến lược ngoại hối Châu Á tại RBC Capital Markets ở Hồng Kông, cho biết: "PBOC trước nay vẫn điều tiết đồng NDT theo ý muốn của họ, và việc thêm yếu tố phản chu kì lần này là một minh chứng cho điều đó."
Đồng NDT đã dao động trong biên độ hẹp quanh mức 6,9 NDT đổi 1 USD trong hầu hết thời gian từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, nó đã tăng mạnh trong hai ngày qua, và bị nghi vấn là do có can thiệp của chính phủ. NDT đã tăng 0,1% lên 6,8622 đổi 1 USD vào thứ Sáu, hướng đến hai ngày tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 3.
Chênh lệch giữa giá NDT(lượng NDT để đổi một USD) chính thức và giá ấn định của PBOC trong 2 phiên gần nhất, khoanh tròn màu đỏ cho thấy giá NDT chính thức cao hơn so với giá ấn định (nghĩa là theo giá chính thức thì cần ít NDT hơn để mua 1 USD). Ảnh: Bloomberg/CFETS
Theo ông Tim Condon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại ING Groep NV ở Singapore, bằng cách thực hiện các bước để thu hẹp vai trò của thị trường trong công thức tỷ giá ấn định, các nhà chức trách có thể làm suy yếu nỗ lực tự do hóa giao dịch đồng NDT.
Ông nói: "Việc điều chỉnh cơ chế tỷ giá ấn định PBOC là một bước lùi, so với mục tiêu là thả nổi đồng NDT như các đồng tiền chủ chốt khác”.(Bizlive)
----------------------------------
Samsung thâm nhập thị trường Cuba
Samsung Electronics Co., hãng điện tử hàng đầu Hàn Quốc vừa khai trương một cửa hàng trưng bày tại Cuba, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thâm nhập thị trường này.
Cửa hàng mới của Samsung tại Cuba nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Samsung với nhà bán lẻ TRD Caribe (Cuba, TRD), vốn đang nắm hơn 50% thị phần tại thị trường điện tử Cuba.
Cửa hàng mới này sẽ trưng bày các sản phẩm cao cấp của Samsung, trong đó có điện thoại thông minh, Tivi và tủ lạnh.
Trong một thông tin có liên quan, Samsung mới đây đã trình làng Tivi QLED 75 inch, nhằm từng bước thúc đẩy doanh số bán các mẫu TV cao cấp và tăng lợi nhuận.
Samsung cho hay hãng đã bắt đầu bán mẫu TV Q8 màn hình cong và Q7 màn hình phẳng ở thị trường nước nhà, với giá bán lần lượt là 11,9 triệu won và 10,4 triệu won (9.292 USD). Được trang bị công nghệ màn hình chấm lượng tử (Quantum dot), Samsung cho biết những chiếc TV này có thể hiện thị màu sắc sống động, với độ chân thực và chính xác hoàn hảo.
Samsung cũng cho biết hãng dự kiến mở rộng sự hiện diện trên thị trường Tivi cao cấp, cùng với các dòng 55 inch và 65 inch được tung ra trước đó. (TTXVN)