Ủy ban Giám sát tài chính: Sức ép tỷ giá mạnh lên trong năm 2016
Chính phủ không bảo lãnh các tập đoàn đang mắc nợ
Viettel được tăng vốn điều lệ gấp 3
Nông sản Việt bị tiếng xấu
Giải ngân FDI 2015 cao kỷ lục
Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-12-2015
- Cập nhật : 28/12/2015
Giám đốc VTC Intecom kiến nghị phải thu thuế Google và Facebook
Giám đốc VTC Intecom đã kiến nghị Bộ TT&TT cần có biện pháp quản lý nội dung, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp quốc tế hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, tạo ra sân chơi công bằng so với các doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, lãnh đạo VTC Intecom vẫn tỏ ra tin tưởng đất nước sẽ có những thay đổi và chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Nhà nước và cụ thể hơn là Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ và nội dung số Việt phát triển, bởi doanh nghiệp chính là hạt nhân của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực nội dung số, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của các công ty toàn cầu. Trong đó, thị trường quảng cáo trực tuyến là sôi động và lớn nhất nhưng doanh thu của thị trường này có tới 80-90% nằm trong tay 2 ông lớn Google và Facebook.
Thị trường lớn thứ 2 là giải trí trực tuyến hiện nay ngoài việc các doanh nghiệp Việt cạnh tranh với nhau thì còn có sự tham gia của các game lậu cũng như các game cung cấp toàn cầu nên tỷ suất lợi nhuận còn rất thấp.
Đặc biệt ở xu hướng mobile có thể nhìn thấy rất rõ, trên hai chợ ứng dụng Google Play và Apple Store, các game và ứng dụng nhiều người dùng và doanh thu cao nhất hầu hết của công ty nước ngoài. Doanh thu thấp nhưng doanh nghiệp Việt còn phải trả thêm 30% cho Apple và Google. Vì thế doanh nghiệp Việt giảm dần nguồn lực để đầu tư ngược lại cho ngành, chủ yếu tập trung để thu về lợi nhuận ngắn hạn.
Ông Hưng cũng kiến nghị, Bộ TT&TT xem xét cấp phép cho các game của công ty VTC Intecom. “VTC Intecom thực sự mong muốn tuân thủ quy định pháp luật. Bởi VTC Intecom làm game đã tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động và lợi nhuận nộp cho nhà nước ngày càng tăng lên”.
Trước những kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Soncho biết, Bộ TT&TT hoàn toàn ủng hộ VTC Intecom và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên đối với việc cấp giấy phép trò chơi trực tuyến, Bộ trưởng nêu rõ, đối với game G1 bắt buộc phải được phê duyệt nội dung kịch bản. Các game VTC đã gửi xin cấp phép đang trong quá trình thẩm định, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp phép trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu, VTC phải gương mẫu thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh.
Tổng công ty VTC hiện đang dẫn đầu thị trường dịch vụ nội dung số cả về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2015, riêng khối dịch vụ nội dung số (có hai công ty là VTC Intecom và VTC Mobile) đạt 2.740 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 202 tỷ đồng. Năng suất lao động bình quân lao động của VTC Intecom và VTC Mobile cũng lần lượt đạt ở mức 47 triệu đồng/người/tháng và 32 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập bình quân người lao động Việt Nam thua Singapore, Malaysia vài chục lần
Phải đến năm 2035 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới có thể đạt hơn 10.000 USD, tức là chỉ tương đương GDP/người của Malaysia hiện nay.
Theo tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD.
GDP bình quân đầu người đi sau vài chục năm
Mặc dù GDP bình quân đầu người đã tăng 57 USD so với năm 2014, song Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Như vậy, với GDP bình quân đầu người năm 2015 tăng thêm 57 USD, phải đến năm 2035 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới có thể đạt hơn 10.000 USD, tức là chỉ tương đương GDP/người của Malaysia hiện nay.
Đáng chú ý là khoảng cách GDP/người của Việt Nam ngày càng xa so với thế giới. Nếu như năm 1990 khoảng cách GDP/người của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD thì đến nay khoảng cách này đã tăng lên gấp đôi với 8000 USD. GDP/người của Việt Nam tăng lên mức trên 2.109 USD, nhưng GDP/người của thế giới tăng vượt lên mức trên 10.000 USD.
Một trong những nguyên nhân khiến cho GDP/người của Việt Nam thua xa các nước trong khu vực và ngày càng có khoảng cách so với thế giới, đó là nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế và năng suất lao độngthấp.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (Ciem), nếu như trước năm 2008 tăng trưởng bình quân là 7,8% mỗi năm thì từ năm 2008 đến nay chỉ tăng 5,9%, tức là chênh lệch tới 2 điểm phần trăm.
“So với các nước trong khu vực, nếu tăng trưởng 5% thì đến năm 2035 GDP của Việt Nam vẫn thua xa Thái Lan. Nếu tăng trên 7% may ra mới đuổi kịp được, còn 5% chắc chắn tụt hậu” - ông Cung nhận định.
Ngoài ra, năng suất lao động chưa được cải thiện, tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động cũng là lý do khiến cho GDP bình quân đầu người Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Thu nhập bình quân người lao động cũng thua xa vài chục lần
Theo bà Nguyễn Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Tổng cục Thống kê), năng suất lao động của Việt Nam đã tăng qua các năm. Theo đó, năng suất lao động năm 2015 (PV-một trong các cách tính của Tổng cục thống kê về năng suất lao động là GDP/tổng số người làm việc bình quân) là 79,3 triệu đồng, như vậy tương đương 3.657 USD.
Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, thì năng suất lao động của người Việt Nam tăng 6,4% so với năm trước. Tính bình quân 17 năm trở lại, năng suất lao động của toàn xã hội tăng 24 triệu đồng/lao động, tương đương 1.600 USD/lao động/năm.
Tuy nhiên, bà Vân cho rằng mặc dù năng suất lao động tăng nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu so sánh về số tuyệt đối mức tăng năng suất lao động thì khoảng cách ngày càng được thu hẹp, song nếu so sánh về giá trị tuyệt đối, tức là GDP/tổng số người làm việc bình quân, lại có sự chênh lệch lớn.
Cụ thể, nếu tính theo sức mua năm 2005, thì năng suất lao động của Singapore gấp 29,2 lần so với Việt Nam, thì đến năm 2013 khoảng cách này giảm chỉ còn 18 lần. So với Malaysia giảm từ 10,6 lần xuống 6,6 lần; so với Thái Lan khoảng cách năng suất lao động giảm từ 4,6 lần xuống 2,7 lần; Philippines giảm từ 3,1 xuống 1,8 lần.
Tuy nhiên, so với GDP/tổng số người làm việc bình quân thì Việt Nam lại thua xa so với các nước trong khu vực. Theo đó, Singapore tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD; Malaysia tăng từ 21.142 USD lên 30.317 USD; Thái Lan tăng từ 7.922 USD lên 9.311 USD.
Như vậy, mặc dù năng suất lao động của VN trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên giả định VN và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 - 2012 thì phải đến năm 2038 VN mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2015 tăng 9,8%
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, tính chung cả năm 2015, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,8% so với năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 5,9% của năm 2013 và 7,6% của năm 2014.
Trong mức tăng chung cả năm của toàn ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 6,5% (năm 2014 tăng 2,4%), đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6% (năm 2014 tăng 8,7%), đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung với 7,5 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 7,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất của sản phẩm dùng cho quá trình sản xuất tiếp theo năm nay tăng 9,4% so với năm 2014 (tăng 7,8%). Sản phẩm cho tích lũy và tiêu dùng cuối cùng tăng 10,2% (năm 2014 tăng 7,4%). Sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 11,8% (công cụ sản xuất tăng 23,4%; nguyên vật liệu xây dựng tăng 9,6%); sản phẩm tiêu dùng của dân cư tăng 9,3%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất năm 2015 tăng cao so với năm 2014 như sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 37%; sản xuất xe có động cơ tăng 26,7%...
Một số sản phẩm công nghiệp năm nay đạt mức tăng cao so như ô tô (tăng 54,5%), tivi tăng 51,2%, điện thoại di động (tăng 31,6%)…
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2015 so với năm 2014 của một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn như sau: Thái Nguyên tăng 97%, Quảng Nam tăng 35,3%, Hải Phòng tăng 16,6%...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính riêng tháng 12 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 6,6%, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,8%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,5%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2015 tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, chỉ số tiêu thụ ngành này tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng của cùng kỳ hai năm gần đây.
Các ngành có chỉ số tiêu thụ 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 49,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 26,6%; sản xuất kim loại tăng 22,9%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2015 tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng thời điểm năm 2014 (cùng thời điểm năm 2013 tăng 10,2%; năm 2014 tăng 10%).
Phát triển hạ tầng TP.HCM: Còn thiếu 42.000 tỉ đồng
Tại hội nghị tổng kết hoạt động của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) giai đoạn 2010-2015 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 25-12, ông Phạm Phú Quốc, tổng giám đốc HFIC, cho biết trong giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu vốn phát triển cơ sở hạ tầng của TP.HCM là 203.117 tỉ đồng, chủ yếu dành cho hai chương trình chống ùn tắc giao thông và chương trình giảm ngập nước.
Thế nhưng, TP.HCM chỉ có thể sắp xếp được khoảng 123.219 tỉ đồng và hơn 37.000 tỉ đồng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp 54 doanh nghiệp nhà nước, phần vốn còn thiếu hơn 42.000 tỉ đồng.
Do đó, ông Quốc kiến nghị TP trình Thủ tướng Chính phủ cho TP.HCM giữ lại khoản lợi nhuận sau thuế, thay vì tối đa là 30% lợi nhuận sau thuế như hiện nay (70% còn lại phải nộp ngân sách nhà nước), để tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và các chương trình trọng điểm của TP...
Ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng có cùng quan điểm khi cho rằng việc giải quyết bài toán kinh phí cho phát triển cơ sở hạ tầng, TP.HCM cần có một định chế tài chính địa phương để làm đầu mối huy động các nguồn lực của xã hội với mục đích là đầu tư hạ tầng dựa trên tổng nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực của xã hội.
Nếu cứ xem HFIC là một tổ chức đi kinh doanh, kiếm tiền như mọi tổ chức doanh nghiệp khác thì không có lý do cho HFIC tồn tại.
“Tôi nghe nói HFIC muốn có dự án đầu tư cũng phải chạy đi tìm như các doanh nghiệp khác. Nếu vậy thì còn lâu TP.HCM mới giải quyết xong bài toán hạ tầng. Chức năng của HFIC phải là làm đầu mối để tạo vốn, huy động nguồn lực khác để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng” - ông Lịch nhấn mạnh.
Ngoài ra theo ông Lịch, TP.HCM cần mạnh dạn xin giữ lại toàn bộ nguồn lực của nguồn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý để bổ sung vào nguồn lực đầu tư hạ tầng. Nguồn vốn này có thể chuyển về HFIC để tăng vốn điều lệ, bởi vốn điều lệ của HFIC hiện chỉ có 7.600 tỉ đồng là quá ít.
“Khi có vốn điều lệ lớn, HFIC có thể độc lập phát hành trái phiếu ra thị trường, tự bảo đảm bằng chính trái phiếu chứ không cần ai bảo lãnh, thay vì phải đi vay các ngân hàng thương mại. TP.HCM cũng cần có đơn vị đầu đàn trong việc phát hành trái phiếu của một tổ chức tài chính. Đây là nguồn lực giúp TP cùng đầu tư vào các dự án hạ tầng. Trên cơ sở như vậy, chức năng của HFIC cũng cần phải thay đổi với một cơ chế kiểm soát, tự chủ tốt hơn” - ông Lịch nói.
Theo ông Nguyễn Minh Trí - trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, hầu hết cổ phần hóa rơi vào những doanh nghiệp khá lớn. Dự kiến trong vòng năm tới, quá trình này giúp HFIC sẽ thu về 30.000-40.000 tỉ đồng.
Hiện nay đã có 6 doanh nghiệp trong 8 doanh nghiệp giao về cho HFIC được cổ phần hóa thu về xấp xỉ 1.000 tỉ đồng và dự ước bắt đầu từ năm 2017, theo tiến độ thu cổ tức mỗi năm sẽ có thêm 7.000-10.000 tỉ.
Đây là nguồn để đầu tư vào vốn điều lệ cho HFIC cộng với cơ chế huy động nguồn khác để đầu tư vào các dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội, kinh tế của TP.
Giá dầu thấp - "con dao hai lưỡi" đối với kinh tế thế giới
Giới chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng giá dầu thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho các công ty năng lượng và những nền kinh tế đang trỗi dậy vốn lệ thuộc nhiều vào dầu thô xuất khẩu.
Dù tăng mấy ngày qua, giá dầu thô vẫn ở dưới ngưỡng 40 USD/thùng và thấp hơn rất nhiều so với mức 110 USD/thùng cách đây 18 tháng.
Giá dầu thấp đã làm lợi cho những nước nhập khẩu dầu và cho người tiêu dùng. Trung bình giá xăng ở Mỹ hiện đã giảm xuống dưới mức 53 xu Mỹ/lít - một "món quà Giáng sinh sớm" cho người lái xe ở Mỹ. Họ từng phải trả 50 USD để đổ đầy bình xăng nhưng bây giờ chỉ khoảng 37 USD. Điều này có nghĩa là một khoản tiền 115 tỷ USD được thêm vào nền kinh tế Mỹ hay một khoản tiền tiết kiệm hàng năm 555 USD cho mỗi người lái xe.
Trong khi đó, theo nhận định của nhà kinh tế C. Fred Bergsten, đối với những nước sản xuất dầu, giá cả sụt giảm là tin xấu. Những nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt như Saudi Arabia đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình, và đang bị thâm hụt ngân sách, trong khi Venezuela đang đối phó với tình trạng lạm phát cao và nền kinh tế đình trệ và nước giàu dầu mỏ Azerbaijan buộc phải phá giá đồng tiền của mình, giảm hơn 30% so với đồng USD.
Vì hầu hết nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD, một số người nói rằng giá cả sụt giảm là do tỷ giá hối đoái nhưng nhà phân tích Peter Cardillo của công ty First Standard Financial nói nhu cầu suy yếu và nguồn cung dồi dào là những yếu tố tác động lớn hơn nhiều.
Một số chuyên gia cho rằng giá dầu sẽ không sớm tăng lên trong thời gian tới. Dự báo mới từ cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy giá dầu sẽ giảm nhiều hơn nữa - xuống thấp tới mức 20 USD/thùng vào năm 2016.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây dự báo rằng giá dầu toàn cầu sẽ vào khoảng 70 USD/thùng vào năm 2020 và 95 USD/thùng năm 2040. Tổ chức này cho rằng tình trạng dôi dư dầu hiện nay sẽ tan biến khi nhu cầu gia tăng.
John Demopoulos, một chiến lược gia về thị trường thuộc công ty Argus Media nhận định dự báo của OPEC cũng giống như dự báo thời tiết sẽ ra sao trong bốn năm tới. Ông Demopoulos nói rằng ông không thấy có dấu hiệu nào trước mắt cho thấy giá dầu sẽ tăng đáng kể trong năm 2016./.