Một doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 45 lần trong năm
Tỉ phú Bill Gates, Warren Buffett đang mất hàng chục tỷ USD
Dầu giảm giá kỷ lục, tiền Nga sụt giá kỷ lục
Samsung tăng vốn dự án tại Khu công nghệ cao lên 2 tỉ USD
Intel chi 16,7 tỉ USD mua hãng chipset đối thủ Altera
Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-12-2015
- Cập nhật : 29/12/2015
Giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt gần 975 nghìn tỷ đồng trong năm 2015
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2015 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, giá trị sản xuất xây dựng năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 974,4 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, báo cáo cho biết hoạt động xây dựng năm 2015 tuy còn gặp một số khó khăn trong công tác quy hoạch, năng lực quản lý và công tác giải phóng mặt bằng nhưng cũng có những yếu tố thuận lợi.
Bên cạnh đó, chính sách lãi suất ngân hàng điều chỉnh giảm đã giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận được vốn vay, giá vật liệu xây dựng tiếp tục ổn định cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, công trình.
Theo đó, nhiều dự án phát triển nhà ở được hoàn thành và bàn giao trong năm cùng với hoạt động xây dựng nhà ở trong dân tăng khá cao đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành.
Cũng theo thống kê, giá trị sản xuất xây dựng năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 974,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4%; khu vực ngoài Nhà nước 830,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 85,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 61,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,4%.
Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 374,2 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 156,7 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 318,2 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 125,3 nghìn tỷ đồng.
Giá trị sản xuất xây dựng năm 2015 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 777,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2014, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 66,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 660,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2%.
Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở tăng 12,4%; công trình nhà không để ở giảm 5,6%; công trình kỹ thuật dân dụng tăng 20,1%; hoạt động xây dựng chuyên dụng tăng 11,7%.
2 điểm khiến việc nới room vẫn đang ách tắc
Sáng 28/12/2015, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Tp.HCM cùng các thành viên thị trường đã tổ chức Lễ công bố 10 Sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2015.
Không ngoài dự đoán, với sự quan tâm của nhà đầu tư, việc nới room cho Nhà đầu tư nước ngoài được các nhà báo kinh tế, chứng khoán bầu chọn là sự kiện nổi bật nhất trong năm vừa qua.
Ngày 26/6/2015, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP, trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến sở hữu của NĐTNN. Cụ thể, cho phép nhà ĐTNN được đầu tư không hạn chế vào các doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghị định 60 cũng quy định nhà ĐTNN được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN, đuợc đánh giá là bước đột phá về tư duy trong thu hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam. Việc cho phép tăng sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước cũng là một bước đột phá để đưa TTCK Việt Nam nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trước đó, ngày 18/8/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 123/2015 hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam với nhiều nội dung cải cách tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như hướng dẫn chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ trong việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 60/2015.
Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2015, chỉ có duy nhất CTCK Sài Gòn (SSI), thuộc khối công ty chứng khoán tại Việt Nam, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nới room đến 100% theo Nghị định 60. Các doanh nghiệp khác vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể.
Về thông tư 60, ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCKNN cho biết mặc dù ra mắt vào giữa năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có công ty nào thực sự mở room. Theo ông Vũ Bằng, có 2 điểm khiến thông tư này chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng:
Thứ nhất, là danh mục đầu tư có điều kiện và Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối – vẫn chưa chính thức được ban hành.
Thứ hai, nếu nới room lên mức 51% trở lên, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ được xác định là Doanh nghiệp nước ngoài, với những quy chế đối xử riêng biệt – có thể nảy sinh những bất lợi so với trước. Điều này gây sự lúng túng không nhỏ cho các doanh nghiệp dự kiến nới room.
Về giải pháp, ông Vũ Bằng “hiến kế” cho các doanh nghiệp mạnh dạn gửi công văn xin ý kiến của Bộ kế hoạch đầu tư để có những hướng dẫn chi tiết nhất.
Hiện nay Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang đề nghị một quy chế miễn trừ đối với các doanh nghiệp trở thành Doanh nghiệp nước ngoài sau giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Gần 60% không biết AEC là gì, doanh nghiệp Việt đang bỏ lỡ cơ hội cận kề?
Sáng 28/12, tại Tp.HCM, Trường Doanh nhân PACE đã công bố kết quả Dự án nghiên cứu khảo sát trên trong bối cảnh Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chuẩn bị chính thức thành lập trong vài ngày tới. Đây được xem là hai sự kiến chính trong số những sự kiện kinh tế trong năm 2015 ảnh hưởng lớn đến tương lai nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 493 doanh nhân là lãnh đạo cấp cao (82,7%), quản lý cấp trung (9,9%) và khác (7,4%); có thể được xem là đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam (DNVN). Nghiên cứu nhằm mô tả và định vị nhận thức hội nhập kinh tế của DNVN cũng như các yếu tố tác động của hội nhập đến cộng đồng DNVN trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu đã chứng minh DNVN ít quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện quả tỷ lệ phần trăm các DN chưa biết đến và hầu như không quan tâm đến AEC (56,8%), TPP (40,9%) và WTO (33,4%). Cụ thể hơn, có 85,5% DN không nắm được những điều khoản cụ thể của AEC, tỷ lệ này đối với TPP là 77,8% và đối với WTO là 66,3%.
Nhận thức của DNVN về các nội dung cụ thể của AEC, TPP và WTO chưa đúng và rất khác nhau. Điều này thể hiện qua việc nhận biết một số mốc thời gian quan trọng và những nội dung cốt lõi của từng hiệp định. Đối với AEC, có 75,7% DN trả lời sai về năm dự định thống nhất AEC (2015). Có 81,5% DN không biết đến những nội dung mục tiêu quan trọng của AEC là hướng đến một cơ sở sản xuất thống nhất.
Đối với TPP, có 86,1% DN trả lời sai về năm Việt Nam tham gia đàm phán TPP (2010) và 56,6% DN trả lời sai về năm TPP dự định hoàn tất đàm phán (2015). Đặc biệt, có 57% DNVN không biết rằng một trong những nội dung quan trọng của TPP là cắt giảm hoàn toàn thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.
Đối với WTO, có 63,5% DNVN trả lời sai về năm Việt Nam gia nhập tổ chức này (2007). Hơn nữa, có 42,4% DNVN không biết đến một trong những nhiệm vụ của WTO là tạo diễn đàn để các thành viên tiếp tục đàm phán ký kết những hiệp định và cam kết mối về tự do hoá.
Tuy nhiên, đa số DNVN tham gia khảo sát đều trả lời rằng họ nhận thức rất rỏ các tác dộng của những hiệp định trên đến hoạt động kinh doanh của mình trong tương lai. DN biết rằng tốc độ cạnh tranh sẽ rất khốc liệt (29,4% ý kiến); mất khách hàng (35,8%); mất nguồn lao động, phá sản, sáp nhập...
Mặc dù vậy, DNVN vẫn chưa sẵn sàng hội nhập, thể hiện qua tỷ lệ thấp các DN cho rằng họ sẵn sàng hội nhập (19,7% đối với AEC; 21,7% đối với TPP và 31,1% với WTO). Ngoài ra, có 51,7% DN không chuẩn bị ráo riết dể hội nhập AEC, chiếm 46,7% đối với TPP và 43% cho hội nhập WTO. Tỷ lệ DN "lưỡng lự" trong việc chuẩn bị hội nhập đối vói 3 hiệp định tương đồng nhau, khoảng 25%.
Cơ chế điều hành tỷ giá mới: Diễn biến bước ngoặt trên thị trường
NHNN đã gợi mở nghiên cứu một cơ chế điều hành tỷ giá mới nhằm phù hợp và chủ động hơn với những thay đổi của thị trường, đặc biệt là diễn biến trên thị trường thế giới và có thể được áp dụng ngay trong năm 2016.
Bản tin nhận định tuần qua của CTCK Vietcombank (VCBS) đã bình luận về tình hình cho vay của hệ thống ngân hàng và chính sách điều hành tỷ giá theo cơ chế mới mà đại diện NHNN đã gợi mở.
Theo đó, NHNN cho biết tính đến ngày 21/12/2015, tín dụng tăng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011-2014. Với diễn biến này, ước tính cả năm tín dụng có thể đạt khoảng 18%. Mặc dù tăng trưởng tín dụng chứng kiến sự bứt phá đáng kể so với các năm trước nhưng VCBS chưa nhận thấy chỉ báo tin cậy về sự phục hồi tốt của cầu đầu tư nội địa.
Nguyên nhân là do tăng trưởng sản xuất có dấu hiệu chững lại; lĩnh vực sản xuất vẫn phân hóa rõ nét với đầu tàu là khối FDI và động lực tăng trưởng tín dụng chưa thực sự đến từ khu vực sản xuất cốt lõi của nền kinh tế (Công nghiệp và Nông, lâm nghiệp, thủy sản). Vì vậy, theo quan điểm của VCBS, thông tin này khó có thể lan tỏa hiệu ứng tích cực đến thị trường trong giai đoạn này.
Hơn nữa tại cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2015 và một số định hướng cho năm 2016, NHNN đã gợi mở nghiên cứu một cơ chế điều hành tỷ giá mới nhằm phù hợp và chủ động hơn với những thay đổi của thị trường, đặc biệt là diễn biến trên thị trường thế giới và có thể được áp dụng ngay trong năm 2016.
“Với những ảnh hưởng lớn từ diễn biến các đồng tiền mạnh, như USD và CNY, lên diễn biến thị trường Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi cho rằng đây có thể là diễn biến bước ngoặt trên thị trường mà các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao”, VCBS nêu nhận xét.
Nhìn nhận về diễn biến tỷ giá gần đây, trao đổi với báo chí, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là tâm lý chi phối hành vi găm giữ còn nguồn cung và cân đối ngoại tệ hiện rất tốt.
Theo ông, quyết định hạ trần lãi suất về 0%/năm, thậm chí là âm, là một biện pháp tình thế để xử lý vấn đề đang đặt ra. Làm sao để gửi ngoại tệ không còn hấp dẫn, điều cũng đã làm tương tự với vốn vàng.
Về cơ chế tỷ giá mới, Thống đốc cho biết sẽ có họp bàn cụ thể để đưa ra những tính toán phù hợp.
VAMC đã thu hồi được 18.075 tỷ đồng nợ xấu
Lũy kế đến ngày 14/12/2015, VAMC đã mua được 228.416 tỷ đồng tổng số dư nợ gốc nội bảng. Với việc thu hồi được hơn 18.000 tỷ đồng nợ xấu, VAMC đã xử lý được gần 8% tổng số nợ xấu đã mua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) cho biết lũy kế kể từ khi hoạt động đến ngày 14/12/2015, VAMC đã phát hành 200.468 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 228.416 tỷ đồng tổng giá trị dư nợ gốc nội bảng.
Trong đó, tính riêng từ đầu năm đến ngày 14/12, VAMC đã mua được 102.350 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua là 93.622 tỷ đồng.
Từ năm 2013 đến ngày 30/11/2015, VAMC đã thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán trái phiếu đặc biệt đạt 18.075 tỷ đồng, tương đương xử lý được gần 8% tổng số nợ xấu đã mua.
Mới đây, Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết xử lý nợ xấu được xem là vấn đề trọng tâm trong giai đoạn 2011-2015. Đến 30/11/2015, khoảng 99,6% nợ xấu của các TCTD ước tính tại thời điểm cuối tháng 9/2012 đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Đến 30/11/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra 3%.
NHNN cũng khẳng định, với việc áp dụng đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ, từ quý I/2015 không còn tồn tại 2 số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của TCTD và số liệu theo kết quả giám sát của NHNN) và nợ xấu của các TCTD đã được minh bạch hơn.