Khởi tố 12 kế toán trưởng gây thất thoát hơn 1.200 tỷ đồng
Thủ tướng trả lời chất vấn về dự án lấp sông Đồng Nai
Gửi USD sẽ phải trả phí, giá USD tuột dốc
Tỷ trọng thu thuế từ sản xuất kinh doanh ngày càng tăng
Cổ phần hóa MobiFone có thể thu về hơn 20.000 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh 29-12-2015
- Cập nhật : 29/12/2015
Tỷ giá sẽ lên xuống theo ngày từ 2016
Một nguồn tin của VnExpress cho biết, từ năm 2016, tỷ giá bình quân liên ngân hàng sẽ không cố định trong một thời gian mà có thể "trườn bò, lên xuống" liên tục theo ngày. Thông tin này thực tế cũng dần được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề cập trong các cuộc họp chính thức gần đây.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng có thể không cố định trong thời gian dài như trước đây. Ảnh: Anh Quân.
Tại cuộc họp báo cuối năm, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng hé lộ ngắn gọn: "Tỷ giá năm 2016 sẽ được điều hành theo cơ chế mới linh hoạt hơn". Sau đó, tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng sáng 27/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đề cập với lãnh đạo các ngân hàng thương mại về khả năng năm 2016 tỷ giá sẽ được điều hành theo cơ chế, chính sách mới. Cụ thể, tỷ giá thay vì được ghìm chặt trong một thời gian dài như vừa qua sẽ được điều chỉnh lên xuống theo ngày để sát với thị trường và tránh đầu cơ.
Ngay sau tuyên bố này, chiều cùng ngày, Vụ chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với các nhà băng lớn trên thị trường về cơ chế điều hành tỷ giá mới từ năm 2016. Sau cuộc họp này, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các nhà băng cũng rời mức kịch trần sau hơn một tuần neo cao ở 22.547 đồng một đôla. Đến sáng nay 28/12, tỷ giá tiếp tục giảm thêm 30 đồng khi mỗi đôla được các nhà băng mua bán ở 22.440-22.510 đồng.
Năm 2015, nhà điều hành đã có 4 quyết định điều chỉnh tỷ giá, trong đó 2 lần nới biên độ và 2 lần tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tính tổng cộng, VND mất giá 5% so với đầu năm. Bên cạnh đó, trần lãi suất gửi đôla liên tục được cơ quan này giảm và đến cuối năm chỉ còn 0% với mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường không căng thẳng nhưng chính tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân đã đẩy tỷ giá lên kịch trần trong thời gian vừa qua.
Cuộc đua 1.000 tỷ USD của Google và Apple
Cách đây không lâu, rất nhiều nhà đầu tư cho rằng Apple sẽ là công ty đầu tiên cán mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD trên thế giới. Vào thời kỳ đỉnh cao năm nay, Apple có vốn hóa gần 775 tỷ USD. Google (ngày nay là Alphabet) khi ấy chỉ bằng nửa - 336 tỷ USD.
Tuy vậy, giá cổ phiếu Apple từ đó đã giảm dần do lo ngại doanh số bán iPhone chậm lại. Lý do khác là sự phổ biến của các smartphone chạy hệ điều hành Android của Google.Apple vẫn là công ty giá trị nhất thế giới hiện nay. Nhưng Google cũng đang theo sát nút. Hiện tại, vốn hóa của Apple là 605 tỷ USD, còn Google là 527 tỷ USD.
Khoảng cách 80 tỷ USD nghe vẫn có vẻ rất lớn. Nhưng CNN cho rằng cổ phiếu Google chỉ cần tăng 15% để vượt giá trị hiện tại của Apple mà thôi. Dĩ nhiên với điều kiện là Apple đứng yên.
Bên cạnh đó, Google hiện có lực đẩy lớn hơn. Cổ phiếu hãng này đã tăng 43% năm nay, trong khi Apple lại mất 2%. Mảng công cụ tìm kiếm cũng đang phát triển, đặc biệt trên các thiết bị di động. Google cũng ngày càng có nhiều doanh thu từ YouTube.
Giới phân tích cho rằng lợi nhuận của Google đang tăng với tốc độ nhanh hơn Apple. Wall Street dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Google sẽ tăng trung bình 17% một năm trong 5 năm tới.
Vì vậy, giả sử năm tới, Google tiếp tục kinh doanh vượt trội hơn Apple. Nếu cổ phiếu Google tăng 25% và Apple tăng 5%, vốn hóa đại gia tìm kiếm sẽ vượt Táo Khuyết. Google khi ấy có thể đạt thị giá gần 660 tỷ USD, nhỉnh hơn 635 tỷ USD của Google (giả sử số cổ phiếu của hai công ty không đổi).
Còn nếu hai công ty có tình hình hoạt động như năm nay, vốn hóa Google có thể lên hơn 750 tỷ USD và Apple chỉ là 590 tỷ USD.
Việc này cũng có nghĩa Google có thể vượt Apple, trở thành công ty nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới. Nếu cổ phiếu của hãng tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, cổ phiếu Google hiện tại khá đắt đỏ, với giá gấp 22 lần lợi nhuận dự kiến 2016. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Apple chỉ là 11.
Giá cổ phiếu mục tiêu của Google năm tới là 849,7 USD - cao hơn 11% so với hiện tại. Với giá đó, vốn hóa của Google sẽ là 585 tỷ USD.
Trong khi đó, giá mục tiêu của Apple là 146 USD - cao hơn 35% hiện tại, tương đương thị giá hơn 815 tỷ USD.
Vì thế, CNN cho rằng cuộc đua vốn hóa của Apple và Google năm tới sẽ rất thú vị và đáng xem. Bên cạnh đó, có thể cả hai công ty này cũng chẳng phải cái tên đầu tiên chạm mốc 1.000 tỷ USD. Amazon và Facebook đều đã vượt 300 tỷ USD. Còn Microsoft cũng đang có vốn hóa 450 tỷ USD.
Chuối Việt được xuất khẩu sang nhiều nước
Thời điểm này, dù chuối vẫn còn non nhưng nhiều thương lái đã đến vườn đặt cọc. Nguyên nhân là ngoài nhu cầu trong nước tăng vào dịp cuối năm, hiện nay đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện giá chuối 7.000-8.000 đồng/kg.
Người trồng cam sành tại Tuyên Quang cũng đang phấn khởi vì giá bán tại vườn dao động 8.400-10.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn 1.200-2.500 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái.
Đại diện một doanh nghiệp phân phối nông sản cho biết nhà vườn tỉnh Đồng Tháp đang thu hoạch chính vụ cam xoàn và cam mật. Giá hai loại cam này cũng đang tăng mạnh, nhà vườn bán được giá. Cụ thể, thương lái mua tại vườn cam xoàn loại 1 giá 31.500 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg; cam mật 20.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so mấy tháng trước đó. Giá cam tăng do nhu cầu tăng mạnh từ phía hai thị trường TP.HCM và Campuchia.
Doanh nghiệp biết về hội nhập thua cả Lào, Campuchia!
Một nghiên cứu với sự tham gia của gần 500 doanh nhân Việt Nam về nhận thức hội nhập kinh tế nhưng kết quả đáng buồn là tỉ lệ nhận thức, hiểu biết về các hiệp định này còn… thua cả Lào, Campuchia, Thái Lan!
Ngày 28-12, Trường Doanh nhân PACE và Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục đã công bố kết quả Dự án nghiên cứu khảo sát “Nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam”.
Nghiên cứu được thực hiện và hoàn tất trong bối cảnh Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chuẩn bị chính thức thành lập vào ngày 31-12-2015. Nhưng kết quả khảo sát lại cho thấy một bức tranh màu xám với nhiều thông tin “gây sốc” khi phần lớn doanh nghiệp được hỏi không am hiểu về các nội dung cụ thể của TPP, AEC.
Khảo sát được tiến hành trong gần 500 doanh nhân là lãnh đạo cấp cao (82,7%), quản lý cấp trung (9,9%) và khác (7,4%), có thể được xem là đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh thành khu vực phía Nam, nhất là “đầu tàu” kinh tế TP HCM.
Cụ thể, doanh nghiệp ít quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện qua tỉ lệ phần trăm chưa biết đến và hầu như không quan tâm tới AEC (56,8%), TPP (40,9%) và cả WTO (33,45). Chi tiết hơn, có tới 85,5% doanh nghiệp được khảo sát không nắm được những điều khoản cụ thể của AEC, tỉ lệ này đối với TPP là 77,8% và đối với WTO cũng lên tới 66,3%.
Hàng ngoại từ Thái Lan đã ngập trong các siêu thị Việt Nam, nhưng rất nhiều DN Việt vẫn "lơ mơ" về hội nhập AEC. Ảnh: Tấn Thạnh
Nhận thức của doanh nghiệp Việt về các nội dung cụ thể của AEC, TPP và WTO cũng chưa đúng và rất khác nhau. Nội dung này thể hiện qua việc nhận biết một số mốc thời gian quan trọng và những nội dung cốt lõi của hiệp định. Đối với AEC, có tới 75,7% doanh nghiệp trả lời sai về năm dự định thống nhất AEC là 2015 và 81,5% không biết đến một trong những mục tiêu quan trọng của AEC là hướng đến một cơ sở sản xuất chung thống nhất.
Ngay với TPP, hiệp định thương mại thế kỷ đang nhận được sự quan tâm rất lớn cả trong và ngoài nước nhưng khảo sát cũng cho thấy có 86,1% doanh nghiệp trả lời sai về năm Việt Nam tham gia đàm phán là 2010 và 56,6% trả lời sai về năm TPP dự định hoàn tất đàm phán là 2015. Đặc biệt, có tới 57% doanh nghiệp Việt Nam không biết một trong những nội dung quan trọng của TPP là cắt giảm hoàn toàn thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên…
Dù vậy, khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp nhận thức khá rõ ràng về lợi ích sâu xa của hội nhập như nâng cao và mở rộng thương hiệu, khẳng định vị thế quốc gia. Các doanh nghiệp cho rằng yếu tố pháp lý sẽ là yếu tố quan trọng giúp quá trình hội nhập thuận lợi hơn…
Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam tìm hiểu sâu và tương đối toàn diện về nhận thức hội nhập của doanh nghiệp, thể hiện qua mức độ quan tâm, sự hiểu biết đối với những nội dung quan trọng của các hiệp định mang tính khu vực và toàn cầu.
Trước đó, một số nghiên cứu khác chỉ tập trung khám phá nhận thức của doanh nghiệp Việt đối với hội nhập kinh tế qua một số hiệp định cụ thể như TPP trong nghiên cứu về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) vào tháng 5-2015 của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), hoặc AEC trong khảo sát của Viện nghiên cứu Đông Nam Á công bố 2013 và Viện Nghiên cứu phát triển công bố 2015.
Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu đã công bố một kết quả gây… bất ngờ hơn, là nhận thức và hiểu biết về hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam còn thua cả các nước trong khu vực như Lào, Campuchia và Myanmar.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) năm 2013, có khoảng 76% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi không biết đến AEC, so với con số 26% ở Campuchia, 28% ở Lào và 36% Myanmar.
Doanh nghiệp Việt cũng xếp cuối cùng trong 9 nước tham gia khảo sát về nhận định tác động của hội nhập kinh tế ASEAN đến hoạt động kinh doanh, khi chỉ 37% doanh nghiệp Việt cho rằng việc hội nhập vào khu vực này có tác động mạnh và 63% còn lại nói rằng không có tác động hoặc rất nhỏ. Con số này ở Campuchia lần lượt là 60% và 38%, ở Lào là 65% và 35% trong khi Thái Lan nhìn nhận tác động mạnh của AEC lên tới 84% và không tác động ở mức rất thấp 16%. Đến năm 2015, khảo sát của PACE, nhận thức về AEC của doanh nghiệp Việt có cải thiện hơn 2 năm trước nhưng vẫn xếp sau các nước Lào, Campuchia!
Công khai mức khoán thuế và doanh thu dự kiến 2016
Chi cục thuế tại TP.HCM cho biết đã công khai mức doanh thu và mức khoán thuế dự kiến cho các tiểu thương và dán tại ban quản lý chợ, chi cục thuế...
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-12, một số chi cục thuế tại TP.HCM cho biết đã công khai mức doanh thu và mức khoán thuế dự kiến cho các tiểu thương và dán tại ban quản lý chợ, chi cục thuế... nhằm lấy ý kiến công khai trước khi chốt chính thức vào ngày 15-1-2016.
Đến nay sau một tuần lấy ý kiến, một số tiểu thương cũng có ý kiến về mức doanh thu khoán theo họ là cao và đề nghị cơ quan thuế xuống kiểm tra. Cơ quan thuế cho biết sẽ phối hợp với hội đồng tư vấn thuế phường xã xem xét các kiến nghị này, nếu hợp lý sẽ có điều chỉnh trước khi chốt mức chính thức.
Liên quan đến phản ánh của Tuổi Trẻ về việc “Cùng mức thuế nhưng được xuất hóa đơn khác nhau” (ngày 6-12), Cục Thuế TP.HCM cho biết đã cử cán bộ thuế đến chợ vải Soái Kình Lâm để giải thích.
Theo Chi cục Thuế Q.5, nơi này cũng giải thích cho tiểu thương hiểu lý do dẫn đến việc này là do cơ quan thuế căn cứ trên hóa đơn thực tế đã xuất của từng hộ kinh doanh trong năm 2015.
Tuy nhiên đó chỉ là mức dự kiến, còn thực tế các hộ kinh doanh vẫn sẽ được xuất hóa đơn tùy theo tình hình kinh doanh thực tế của mình. Nếu vượt mức của cơ quan thuế thì sẽ nộp bổ sung thuế cho phần xuất vượt.