Mua bán và sáp nhập đạt kỷ lục 1.000 tỉ USD ở châu Á
Hơn 20 tấn xoài cát chu vào Nhật
Chưa mua hóa đơn, không phải báo cáo cơ quan thuế
Nhiều dự án đầu tư ở Phú Quốc 'chuyển nhượng vốn'
Nhu cầu trái phiếu kỳ hạn ngắn tăng cao
Tin kinh tế đọc nhanh 28-12-2015
- Cập nhật : 28/12/2015
Gần 23 tỷ USD vốn ngoại tiếp tục “chảy” vào Việt Nam
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, tính từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015, cả nước đã thu hút được 2.013 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỷ USD, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014.
Đồng thời có 814 lượt dự án được cấp vốn bổ sung với số vốn đạt 7,18 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn cấp bổ sung vào Việt Nam trong năm 2015 đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.
Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước.
Xét theo lĩnh vực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký.
Theo sau đó là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,81 tỷ USD, chiếm 12,4%. Ngành kinh doanh bất động sản đạt 2,39 tỷ USD, chiếm 10,5% và các ngành còn lại đạt 2,32 tỷ USD, chiếm 10,2%.
Trong năm 2015, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt 2,81 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Trà Vinh 2,52 tỷ USD, chiếm 16,2%; Bình Dương 2,46 tỷ USD, chiếm 15,8%; Đồng Nai 1,47 tỷ USD, chiếm 9,4%; Hà Nội 910,7 triệu USD, chiếm 5,8%; Hải Phòng 573,1 triệu USD, chiếm 3,7%; Tây Ninh 502,9 triệu USD, chiếm 3,2%; Quảng Ninh 373,9 triệu USD, chiếm 2,4%.
Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,68 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Theo sau đó là Malaysia đạt 2,45 tỷ USD, chiếm 15,7%; Nhật Bản 1,28 tỷ USD, chiếm 8,2%; Vương quốc Anh 1,26 tỷ USD, chiếm 8,1%; Sinapore 1,03 tỷ USD, chiếm 6,6%; Đài Loan 940,4 triệu USD, chiếm 6% tổng vốn đầu tư.
5 “ông lớn” ngân hàng bị tố không nộp 1 xu thuế tại Anh trong 2014
Uy tín của Chính phủ Anh đang bị xói mòn nghiêm trọng, sau khi báo cáo của Reuters phát hiện 5 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới không nộp một đồng thuế nào cho ngân sách nước này trong năm ngoái.
Bản phân tích hoạt động ngân hàng tại Anh của Reuters phát hiện ngân hàng JP Morgan Chase, Bank of America Merrill Lynch, Morgan Stanley của Mỹ, Deutsche Bank AG của Đức và Nomura Holdings của Nhật Bản không nộp một đồng thuế nào vào ngân sách trong năm 2014.
Hai ngân hàng đầu tư lớn khác là Goldman Sachs của Mỹ và UBS của Thụy Sỹ cũng bị phát hiện đóng thuế rất ít bằng cách lách luật.
Tổng cộng, 7 ngân hàng được thống kê chỉ đóng 31 triệu USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2014 tại Anh, mặc dù doanh thu lên tới 31 tỷ USD, lợi nhuận 5,3 tỷ USD.
Để lách luật, một số ngân hàng báo lỗ hoạt động tại Anh, sau đó chuyển lợi nhuận sang những nước có tỷ suất thuế thấp hơn.
Báo cáo đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi về vấn đề trốn thuế tại Anh. Đảng Bảo thủ cầm quyền hứng chỉ trích đã không có chế tài nghiêm khắc, buộc các tập đoàn đa quốc gia nộp đủ thuế.
Các chính trị gia đối lập và nhà hoạt động về thuế phẫn nộ trước việc những ngân hàng lớn trốn thuế trót lọt. Trong khi vào thời khủng hoảng tài chính toàn cầu, họ từng nhận được những khoản trợ cấp khổng lồ từ chính quyền London.
GDP năm 2015 tăng 6,68%, cao nhất trong 5 năm
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 tới nay, cho thấy nền kinh tế đã phục hồi rõ nét.
Thông tin trên được Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2015 sáng ngày 26/12 tại Hà Nội.
Đóng góp vào mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm 2014; đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,20 điểm phần trăm. Trong đó ngành công nghiệp tăng 9,39% so với năm trước (công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,06%); ngành xây dựng tăng 10,82%, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.
Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm.
Như vậy, quy mô kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.
Xét về góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,12% so với năm 2014; tích lũy tài sản tăng 9,04%; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 8,92 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của cả giai đoạn 2011 - 2015 đã có bước phát triển tích cực khi nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu trong ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tiền tệ linh hoạt, lạm phát tăng ở tốc độ thấp, mặt bằng lãi suất giảm góp phần khai thông tín dụng, từng bước xử lý nợ xấu. Điều này giúp cho tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn là 5,91%.
Mức tăng trưởng GDP năm nay ở 6,68% được ghi nhận cao nhất trong vòng 5 năm qua. Năm 2011, GDP tăng 6,25%, năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 tăng 5,42%, năm 2014 tăng 5,98%.
Khách quốc tế đến Việt Nam giảm lần đầu tiên sau 6 năm
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 12 ước tính đạt 760,8 nghìn lượt người, tăng 2,6% so với tháng trước.
Như vậy, đây là tháng thứ 6 liên tiếp khách quốc tế đến Việt Nam tăng kể từ tháng 7/2015 (sau 13 tháng giảm liên tiếp). So với cùng kỳ năm 2014, khách quốc tế đến nước ta trong tháng tăng 15%, trong đó đường biển có mức tăng lớn nhất với 145%.
Tính chung cả năm 2015, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 7,94 triệu lượt người, giảm 0,2% so với năm trước và đây là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009.
Khách đến bằng đường hàng không trong năm tăng 0,8% so với năm trước, đường bộ giảm 6,5% chủ yếu do khách từ 3 nước láng giềng giảm: Trung quốc giảm 8,5%, Campuchia giảm 43,8%, Lào giảm 16,6%. Khách đến bằng đường biển năm nay tăng mạnh với 27,5%.
Xét theo thị trường, khách đến từ 5 thị trường khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan) và Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc 1780,9 nghìn lượt người, giảm 8,5%; Campuchia 227,1 nghìn lượt người, giảm 43,8%; Indonesia 62,2 nghìn người, giảm 9,3%; Thái Lan 214,6 nghìn lượt người, giảm 13,1%; Lào 114 nghìn lượt người, giảm 16,6%; Philippines 99,8 nghìn lượt người, giảm 3,5%.
Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1367,9 nghìn lượt người, tăng 0,7% so với năm trước. Các quốc gia có lượng khách đến nước ta giảm như Nga 338,9 nghìn lượt người, giảm 7,1%; Pháp 211,6 nghìn lượt người, giảm 1%; Thụy Điển 32 nghìn lượt người, giảm 1,4%.
Khách đến từ châu Mỹ đạt 647,7 nghìn lượt người, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khách đến từ Hoa Kỳ đạt 491,2 nghìn lượt người, tăng 10,7%.
Khách đến từ châu Úc đạt 341,4 nghìn lượt người, giảm 5,1%, trong đó khách đến từ Australia đạt 303,7 nghìn lượt người, giảm 5,4%.
Khách đến từ châu Phi đạt 27,2 nghìn lượt người, tăng 44,3%.
Tuy nhiên, trong năm qua, nhờ chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu được thực hiện là một trong những nguyên nhân làm tăng số khách từ các nước này đến Việt Nam.
Cụ thể, du khách Anh đến Việt Nam đạt 212,8 nghìn lượt người, tăng 5,2%; Đức 149,1 nghìn lượt người, tăng 4,7%; Hà Lan 53 nghìn lượt người, tăng 7,8%; Tây Ban Nha 44,9 nghìn người, tăng 10,4%; Italia 40,3 nghìn lượt người, tăng 10,6%.
Theo nhận định của Tổng cục thống kê, so với các nước trong khu vực, nhìn chung số lượt khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn khá nhiều. Năm 2014 Malaysia đón 27,4 triệu lượt khách, Thái Lan 24,8 triệu lượt, Singapore 15,1 triệu lượt, Indonesia 9,4 triệu lượt trong khi Việt Nam chỉ đạt gần 8 triệu lượt.
Nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam thấp chủ yếu do chưa thu hút được nhiều khách đến vì mục đích du lịch, tham quan và mục đích công việc như các nước đang phát triển đã làm.
Gần 150 nghìn tỷ đồng để trả nợ và viện trợ trong năm 2015
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 ước tính đạt 1.064,5 nghìn tỷ đồng; trong đó chi trả nợ và viện trợ lên tới 148,3 nghìn tỷ đồng...
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 ước tính đạt 884,8 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán năm.
Trong đó, thu nội địa đạt 657 nghìn tỷ đồng, bằng 102,9%; thu từ dầu thô 62,4 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 160 nghìn tỷ đồng, bằng 91,4%.
Trong thu nội địa, nhiều khoản thu đạt khá và vượt dự toán năm như thu thuế bảo vệ môi trường đạt 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 186,1% dự toán năm; thu tiền sử dụng đất 54,2 nghìn tỷ đồng, bằng 139,1%; lệ phí trước bạ 21 nghìn tỷ đồng, bằng 135,9%; thuế thu nhập cá nhân 53,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 119,7 nghìn tỷ đồng, bằng 100,1%.
Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 128 nghìn tỷ đồng, bằng 89,8% dự toán năm; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 204,2 nghìn tỷ đồng, bằng 92,5%.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 ước tính đạt 1.064,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán năm.
Trong đó, chi đầu tư phát triển 162 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1%; riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản là 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7%.
Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 745 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1%; chi trả nợ và viện trợ 148,3 nghìn tỷ đồng, bằng 98,9%.