Tỷ phú Mark Mobius: Các thị trường mới nổi đang đến thời hồi phục
Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng trở lại
Thị trường thép có dấu hiệu găm hàng
Thị trường BĐS 2016 đón nhận hơn 2.000 căn hộ diện tích nhỏ
Tăng cường kiểm tra xăng dầu nhập từ ASEAN, Hàn Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-12-2015
- Cập nhật : 30/12/2015
Ủy ban Giám sát tài chính: Sức ép tỷ giá mạnh lên trong năm 2016
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa có báo cáo dự báo kinh tế năm 2016, trong đó đáng chú ý là nhận định về sức ép đối với tỷ giá sẽ mạnh hơn 2015.
Ủy ban Giám sát nhận định năm 2016 có nhiều yếu tố thuận lợi để giúp cán cân ngoại tệ ổn định. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ cán đích 13,5 tỷ USD. Đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng mạnh do tăng trưởng cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, cho dù việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Hơn nữa, đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán dự kiến tăng do tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nâng lên theo quy định của Nghị định 60 và hoạt động M&A được đẩy mạnh. Lượng kiều hối dự báo tăng lên 14 tỷ USD trong năm 2016. Chính phủ có kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn có những nhân tố không thuận lợi cho cán cân thanh toán như nhập siêu tăng. Nguyên nhân là đầu tư tăng làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị trong khi tăng trưởng cải thiện làm tăng sức mua của dân chúng đối với hàng nhập khẩu. Do đó, Ủy ban Giám sát dự báo nhập siêu ở mức 4 tỷ USD, tăng so với mức nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD ước cho năm 2015.
Xu hướng mất giá so với đồng đôla của đồng tiền các nước ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản. "Năm 2016, có sức ép đối với tỷ giá, phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng. Đồng thời chính sách tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung cần được hỗ trợ đồng bộ bởi các chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách thương mại", Ủy ban Giám sát dự báo.
Về lạm phát, cơ quan này cho rằng CPI sẽ tăng ở mức 3%. So với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá.
Ước tính mỗi 1% tăng lên của tỷ giá làm tăng lạm phát thêm 0,06-0,1%. Mức tác động này thấp hơn ở thời kỳ lạm phát cao khi tâm lý lạm phát của dân chúng thiếu ổn định.
Theo đó, lãi suất ngân hàng cũng chịu sức do lạm phát tăng làm tăng kỳ vọng của dân chúng, qua đó gây áp lực làm tăng lãi suất huy động. Cầu tín dụng của khu vực tư nhân tiếp tục tăng trong khi nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ không giảm.
Xu hướng tăng lãi suất USD trên thị trường thế giới làm thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ. Xu hướng này hạn chế khả năng giảm lãi suất của NHNN để đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá. Ngoài ra, nhu cầu trích lập dự phòng rủi ro cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Chính phủ không bảo lãnh các tập đoàn đang mắc nợ
Không cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các Tập đoàn, Tổng công ty có khó khăn tài chính, có nợ với Quỹ Tích lũy hoặc đang trong quá trình phải xử lý nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Đó là một trong những đề nghị của Bộ Tài chính về việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các năm tiếp theo vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Theo đó, duy trì yêu cầu về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (3 lần) khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ; chủ yếu bảo lãnh các khoản vay trong nước cho các dự án cấp bách, đã vay một phần nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ; giảm dần việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay trong nước riêng lẻ.
Hạn chế áp dụng cơ chế đặc thù khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án, đặc biệt là việc chấp thuận tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý không cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các Tập đoàn, Tổng công ty có khó khăn tài chính, có nợ với Quỹ Tích lũy hoặc đang trong quá trình phải xử lý nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Không cấp bảo lãnh Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 cho một chủ đầu tư để thực hiện nhiều dự án trong một năm kế hoạch với trị giá cấp bảo lãnh vượt quá 500 triệu USD/dự án.
Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát để sửa đổi hoặc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính hướng dẫn, tổng hợp các chương trình đầu tư trung hạn 3 năm và kế hoạch điều chỉnh từng năm theo đăng ký của các chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn được Chính phủ bảo lãnh để xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ hạn mức bảo lãnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo và có chính sách ưu tiên, khuyến khích thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng nhất là trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP, BOT để tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, giảm sức ép huy động vốn do Chính phủ bảo lãnh.
Đề cao trách nhiệm và sự chủ động trong phối hợp với các Bộ chuyên ngành, nâng cao chất lượng thẩm định phương án đầu tư tổng thể (nhất là về công nghệ, năng lực tài chính, quản lý dự án của chủ đầu tư, cơ sở pháp lý trong việc huy động vốn đề nghị Chính phủ bảo lãnh) trước khi quyết định đầu tư.
Các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu tài chính đối với các dự án đang gặp khó khăn; thực hiện các giải pháp tái cấu trúc tài chính để bảo đảm vốn chủ sở hữu theo quy định, nâng cao năng lực tài chính, khả năng trả nợ và hiệu quả hoạt động; giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần xử lý.
Viettel được tăng vốn điều lệ gấp 3
Hết năm 2020, trường hợp nguồn bổ sung vốn điều lệ không đủ, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng.
Năm 2014, doanh thu của Tập đoàn Viettel đạt hơn 193.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2009. Lợi nhuận là hơn 42.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với 5 năm trước. Mức thu nhập bình quân của người lao động đạt 25 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2014, vốn chủ sở hữu của Viettel đạt 101.813 tỷ đồng, tổng tài sản là 140.876 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015-2020, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp là trở thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng, tập đoàn viễn thông - công nghệ thông tin toàn cầu. Đến năm 2020, tổng doanh thu của Tập đoàn ước đạt 549.000 tỷ đồng.
Nông sản Việt bị tiếng xấu
Ngày 28-12, tại TP HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam (VFAEA) tổ chức tọa đàm “Đánh giá đúng chất làm chín trái cây ethephon và vấn đề công nghệ sinh học đối với ngành nông sản chế biến”.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch VFAEA, từ năm 2014 đến nay, sau khi tăng cường kiểm soát, nhiều nước phát hiện nhiều dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nông sản nhập từ Việt Nam. “Nông sản Việt Nam đang bị xếp vào nhóm “nguy cơ” như Trung Quốc.
Tại thị trường Bắc Mỹ, các nhà nhập khẩu phải tăng mức mua bảo hiểm cho người tiêu dùng đối với nông sản Việt Nam. Từ đó, nhà nhập khẩu ép giá nông sản nhập từ nước ta để bù vào chi phí hoặc DN Việt phải xuất khẩu sang Thái Lan, Đài Loan trước khi đưa sang Mỹ để né xuất xứ Việt Nam.
Nguyên nhân có phần do thông tin không chính xác như việc “nhúng” vào hóa chất để trái cây mau chín, đẹp. Phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu ứng dụng của công nghệ sinh học. Trong chế biến nông sản, không ai có thể chờ từng trái chín rồi mới đưa vào sản xuất, nhất là các loại rất khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối” - ông Viên nói.
GS-TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh học Nông nghiệp, cho biết từ lâu, nhiều nước đã sử dụng rộng rãi ethephon trong ngành trồng trọt để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả. Theo thống kê, 74% lượng chuối tiêu thụ trên toàn cầu được làm chín bằng hóa chất, chỉ một lượng nhỏ là chín tự nhiên, cho thấy sự phổ biến của phương pháp này.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cách đây 20 năm đã có một hội đồng khoa học đánh giá chất ethephon và thống nhất đưa nó vào nhóm chất điều hòa sinh trưởng, có dinh dưỡng, chứ không phải là thuốc bảo vệ thực vật. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng ethephon đúng cách, không sử dụng nếu không rõ nguồn gốc để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Về quản lý nhà nước, ethephon được phép sử dụng theo Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư 36/2010 ngày 24-6-2010 của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc đăng ký sản phẩm vào danh mục là hết sức khó khăn, dẫn đến tình trạng ethephon lưu hành nhưng chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.
Giải ngân FDI 2015 cao kỷ lục
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN năm 2015 đã khép lại với kết quả ấn tượng về cả vốn đăng ký lẫn giải ngân đều tăng cao, trong đó vốn giải ngân cao kỷ lục với 14,5 tỉ USD, tăng 17,4% so với năm 2014.
Mức này cao hơn từ 1,5-2 tỉ USD so với mức giải ngân bình quân trong vài năm gần đây.
Thống kê của Bộ Kế hoạch - đầu tư cho thấy tính đến ngày 15-12, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,76 tỉ USD, tăng 12,5% so với năm 2014. Trong đó, VN đã thu hút được 2.013 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký mới đạt 15,58 tỉ USD, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, có 814 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm ước đạt 7,18 tỉ USD.
Số liệu cũng cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỉ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,8 tỉ USD, chiếm 12,4%; ngành kinh doanh bất động sản đạt gần 2,4 tỉ USD, chiếm 10,5%; các ngành còn lại đạt 2,3 tỉ USD, chiếm 10,2%.