Ngân sách trung ương có thể hụt thu 50.000 tỷ đồng vì giá dầu
Đà Nẵng sẽ cho phép chuyển nhượng các dự án “treo”
Mỹ cam kết không 'làm khó' cá tra Việt
Công ty chứng khoán nội lo thiệt khi thành doanh nghiệp ngoại
Doanh nghiệp Việt đơn độc ở nước ngoài
Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-12-2015
- Cập nhật : 27/12/2015
TP.HCM cần hơn 203.000 tỉ đồng phát triển cơ sở hạ tầng đến 2020
Tổng nhu cầu vốn phát triển hạ tầng TPHCM trong vòng 5 năm tới lên đến 203.117 tỉ đồng, trong đó vốn dành cho chương trình chống ùn tắc giao thông cần 124.141 tỉ đồng và chương trình giảm ngập nước là 78.976 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tổng nguồn vốn thành phố dự kiến sẽ thu xếp được đạt gần 123.220 tỉ đồng (gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA và vốn vay thương mại) và hơn 37.000 tỉ đồng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp 54 doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố.
Như vậy, phần vốn còn thiếu để thực hiện là hơn 42.800 tỉ đồng dự kiến sẽ được Công ty đầu tư tài chính Nhà nước Tp.HCM (HFIC) sẽ huy động từ nhiều nguồn khác nhau như hợp tác đầu tư theo hình thức công tư (PPP), phát hành trái phiếu và vay từ các định chế tài chính trong và ngoài nước.
Thông tin này được lãnh đạo HFIC đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động của công ty giai đoạn 2010-2015 diễn ra vào ngày 25-12 tại UBND Tp.HCM.
Báo cáo tại hội nghị, năm 2015, HFIC ước đạt lợi nhuận xấp xỉ 1.600 tỉ đồng (vượt 19,5% so với kế hoạch), ước nộp ngân sách trên 2.900 tỉ đồng (vượt 19,6% so với kế hoạch). Trước đó, giai đoạn 2010-2014, doanh thu HFIC đạt bình quân 676 tỉ đồng/năm, lợi nhuận trước thuế đạt bình quân 457 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách bình quân 194 tỉ đồng/năm.
Tính đến cuối năm 2015, tổng giá trị danh mục đầu tư của HFIC đạt trên 1.900 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiếm hơn 813 tỉ đồng (tương đương khoảng 43%), tài chính chiếm 944 tỉ đồng (tương đương 49,5%), y tế - giáo dục chiếm gần 83 tỉ đồng (khoảng 4,3%)…
Quảng Ngãi sẽ xây thêm cầu 640 tỉ bắc qua sông Trà
Quảng Ngãi lên kế hoạch xây cầu Thạch Bích qua sông Trà Khúc, kết nối TP.Quảng Ngãi với các khu công nghiệp, đô thị đang hình thành ở phía bắc tỉnh này để mở đường phát triển.
Ngày 25.12, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vừa có cuộc họp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đại diện thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo TP.Quảng Ngãi về phương án xây cầu Thạch Bích.
Cầu Thạch Bích do UBND TP.Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với mục tiêu hoàn thiện, phát triển các tuyến giao thông đô thị ở TP.Quảng Ngãi và kết nối thành phố với Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, góp phần hoàn thiện hạ tầng đô thị cho khu vực.
Đơn vị tư vấn và UBND TP.Quảng Ngãi đã đề xuất 2 phương án để các đại biểu góp ý và Tỉnh ủy, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo.
Phương án 1, cầu có vốn đầu tư dự kiến 643 tỉ đồng với chiều dài 870m, chiều dài tuyến là 2.563m, rộng 17m.
Điểm đầu cầu tại nút giao ngã ba đường Chu Văn An và đường Tôn Đức Thắng, P.Trần Phú, TP.Quảng Ngãi và điểm cuối giao với ngã ba đường bờ Bắc sông Trà, tuyến giao với Quốc lộ 24B, tại Km22+718, xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi.
Phương án 2, cầu có vốn đầu tư dự kiến 642,5 tỉ đồng, chiều dài 870m, chiều dài tuyến là 2.424m, rộng 17m.
Điểm đầu tại nút giao ngã ba đường Chu Văn An và đường Tôn Đức Thắng, P.Trần Phú, TP.Quảng Ngãi và điểm cuối giao với ngã ba đường bờ Bắc sông Trà, tuyến giao với Quốc lộ 24B, tại Km22+300, xã Tịnh Ấn Tây (tuyến đường số 1 và số 6 của Quy hoạch phân Khu đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi).
Sau khi nghe đề xuất các ý kiến góp ý, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ cho rằng, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Thạch Bích là cần thiết. Tuy nhiên, cần lựa chọn phương án hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa các cây cầu qua sông Trà Khúc.
UBND tỉnh cần làm việc với VSIP Quảng Ngãi để chọn phương án tối ưu về hướng tuyến, đảm bảo việc quy hoạch phát triển đô thị thành phố và Khu đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi.
Hiện công trình đã được bố trí nguồn vốn trung hạn 500 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 6.2016.
Sông Trà Khúc là dòng sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Hiện có 2 cầu đường bộ là Trà Khúc 1 và Trà Khúc 2, ngoài ra còn có cầu Trường Xuân là cầu đường sắt qua sông Trà.
Sao Mai Group chuẩn bị đầu tư nhiều dự án lớn tại Cần Thơ
Ngày 24/12, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã có buổi tiếp làm việc với Ban TGĐ Sao Mai Group để nghe báo cáo các bước chuẩn bị đầu tư dự án Lô số 1 KDC TM&DV tại khu đô thị Nam Cần Thơ.
Dự án này đã được UBND thành phố chấp thuận giao cho Sao Mai Group thực hiện vào tháng 6/2015.
Theo báo cáo của nhà đầu tư thì đến thời điểm này đã hoàn thành các bước khảo sát hiện trạng, lập phương án tổng mặt bằng sử dụng đất và hiện đang thực hiện phương án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, ập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 để trình UBND thành phố phê duyệt vào cuối quí 2/2016.
Dự án thứ hai là Khu đô thị cao cấp Sao Mai 200 ha tại xã Vĩnh Trinh huyện Vĩnh Thạnh và phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt.
Dự án này cũng đã được UBND TP Cần Thơ đồng ý giao cho công ty thành viên của Sao Mai Group là IDI đầu tư, bước đầu cũng đã xác định vị trí và đang khảo sát lập hiện trạng.
Ông Lê Thanh Thuấn Chủ tịch HĐQT, TGĐ Sao Mai Group cho biết:
"Với định hướng phát triển trở thành Tập đoàn kinh tế đa lĩnh vực lớn trong khu vực, Sao Mai Group đã lựa chọn TP.Cần Thơ để đặt hội sở chính và tập trung nguồn lực đầu tư tại đây. Hai dự án nêu trên có tổng mức đầu tư trên 5.200 tỷ đồng, Sao Mai Group đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực tài chính để thực hiện hai dự án này".
Đồng thời ông Thuấn cũng kiến nghị UBND thành phố sớm xây dựng cầu từ đường Châu Văn Liêm (Ninh Kiều) sang khu vực dự án để kết nối giao thông cho dự án thuận tiện hơn.
Ngoài ra, ông Thuấn còn mong muốn được đầu tư thêm 2 dự án khu đô thị quy mô hơn 100 ha trên đường Võ Văn Kiệt và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Thốt Nốt giai đoạn 2 diện tích 400 ha.
Kết luận buổi làm việc, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành hữu quan tích cực hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư để xin ý kiến bộ, ngành theo quy định đối với 2 dự án đã chấp thuận cho Sao Mai Group làm chủ đầu tư, đồng thời cũng hướng dẫn nhà đầu tư lập thủ tục xin chủ trương đầu tư cho các dự án khác trên tinh thần “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư.
TP.HCM xem xét phê duyệt thiết kế cơ sở tuyến metro có vốn đầu tư dự kiến 26.000 tỉ đồng
Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM vừa trình UBND thành phố xem xét phê duyệt thiết kế cơ sở Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3a (Bến Thành-ga Tân Kiên), đoạn Bến xe Miền Tây - Ga Tân Kiên.
Được biết, đây là tuyến metro nằm trong tổng thể tuyến metro số 3 (từ Bến Thành đến Thủ Đức) có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 92.000 tỷ đồng.
Tuyến metro số 3a kéo dài (Bến xe Miền Tây-Tân Kiên, H.Bình Chánh), vốn đầu tư dự kiến 26.000 tỷ đồng.
Theo đó, địa điểm xây dựng dự án tại huyện Bình Chánh, với diện tích sử dụng đất khoảng 43,5ha, tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 435 hộ. Dự án bắt đầu từ điểm cuối của ga Bến xe miền Tây (thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3a đoạn Bến Thành-Bến xe Miền Tây); điểm cuối là ga Tân Kiên thuộc khu vực có quy hoạch ga Tân Kiên của tuyến đường sắt đô thị Tp.HCM - Cần Thơ.
Tổng chiều dài toàn tuyến 3a gần 10km, trong đó đoạn đi ngầm dài 0,65km, có 7 nhà ga gồm: ga Khu Y tế kỹ thuật cao, Hồ Ngọc Lãm, Ngã 3 An Lạc, Hưng Nhơn, Bàu Gốc, Nguyễn Cửu Phú và Tân Kiên.
Về hướng tuyến, dự án bắt đầu từ km 10+000 đi dọc theo đường Kinh Dương Vương (địa bàn quận Bình Tân) đến ngã ba An Lạc, tiếp tục dọc theo Quốc lộ 1 (địa bàn huyện Bình Chánh) hướng về phía cầu Bình Điền đến khu vực đầu đường Hưng Nhơn (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) rẽ phải vào đường quy hoạch 40m của xã Tân Kiên, vượt qua đường Tân Tạo-Chợ Đệm và rẽ phải đi song song với đường sắt quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ để vào ga Tân Kiên.
Riêng khu vực depot Tân Kiên có diện tích 20,1ha, được thiết kế theo khả năng vận chuyển của các tuyến Suối Tiên-Tân Kiên, Hiệp Bình Phước-Tân Kiên, với dự kiến đại tu cho 58 đoàn tàu 6 toa và 37 đoàn tàu hoạt động.
TP.HCM: Tín dụng đến đầu tháng 12 tăng trưởng 11,5%
Theo NHNN, ước tính cả năm 2015 tín dụng toàn hệ thống sẽ đạt 18%. Tuy nhiên với kết quả đạt được, TP.HCM đang tăng trưởng thấp hơn 7% so với ngành.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố đến đầu tháng 12 đạt 1.516,6 ngàn tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước (chỉ số này tháng trước: -0,2%) và tăng 17,6% so với tháng cùng kỳ. Vốn huy động của các Ngân hàng Thương mại cổ phần chiếm 54,3% tổng vốn huy động, tăng 14,6% so tháng cùng kỳ.
Vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 15,3%, tăng 15,1% so tháng cùng kỳ. Vốn huy động VNĐ chiếm 84,7% tổng vốn huy động, tăng 18,1% so tháng cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm 53,3% tổng vốn huy động, tăng 14,2% so với tháng cùng kỳ.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đến đầu tháng 12 đạt 1.190,2 ngàn tỷ đồng, so với tháng 12/2014 tăng 11,5% và tăng 14,7% so với tháng cùng kỳ. Dư nợ tín dụng của các Ngân hàng Thương mại cổ phần đạt 663,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng dư nợ, tăng 14,9% so tháng cùng kỳ.
Mới đây, Cục Thống kê Hà Nội đã báo cáo đến cuối tháng 12/2015, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn Hà Nội đạt 1.208 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm trước. Trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 17,9%, dư nợ trung và dài hạn tăng 22,3%.
Còn theo NHNN, tính đến ngày 21/12/2015, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011-2014. Với diễn biến này, ước tính cả năm tín dụng có thể đạt khoảng 18%. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18 – 20% cho năm 2016.