tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-09-2018

  • Cập nhật : 26/09/2018

Đón dòng vốn FDI từ Trung Quốc: Chọn ứng xử khôn ngoan

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc đang "ào ạt" đổ vào nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Khi có sách lược khôn khéo và sự nhạy cảm trong vận hành dự án thì dòng vốn FDI từ Trung Quốc sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế. 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2011, số vốn đăng ký của Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) là 1,3 tỷ USD thì đến năm 2017, số vốn đăng ký của Trung Quốc tăng 2,7 lần. Như thế, tốc độ tăng bình quân mỗi năm khoảng 18%. Cơ cấu vốn của Trung Quốc trong tổng số vốn FDI đăng ký là 12%, xếp sau Nhật Bản (30%), Hàn Quốc (28%) và Singapore (19%). Đấy là chưa kể luồng vốn ngầm đầu tư qua các kênh khác mà cơ quan thống kê không thể quan sát.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng dòng vốn FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam từ chỗ xếp thứ hạng khiêm tốn nay đã lọt tốp 10 quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam cho thấy chiến lược rõ ràng của nước này.

“Từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong top 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường TPP béo bở và hoặc sau này là thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP”, ông Trinh nhận định.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia, dòng vốn FDI từ Trung Quốc chọn Việt Nam là điểm đến do Chính phủ Trung Quốc “tung” chiến lược khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư ra nước ngoài để thu lợi từ cổ tức, bù đắp cho những khó khăn ở trong nước. Bởi thực tế, cầu tiêu dùng của Trung Quốc chỉ loanh quanh ở mức 50% GDP và sự cố gắng này dường như đã tới hạn với nợ công ngày càng có xu hướng tăng cao.

Chưa thu hút được công nghệ cao

Tuy dòng vốn dồi dào của Trung Quốc đang được đẩy mạnh tới các thị trường ngoại quốc nhưng Việt Nam lại chưa thu hút được nhiều dòng vốn công nghệ cao, vốn từ tập đoàn lớn. Tình trạng này không chỉ xảy đến với nguồn vốn từ Trung Quốc mà còn diễn ra tại nhiều nước có nguồn vốn chất lượng cao như EU hay Mỹ. Đơn cử như 28 nước EU hiện mới chỉ đầu tư vào Việt Nam hơn 20 tỷ USD. Hay như Mỹ, mỗi năm đầu tư hơn 300 tỷ USD ra nước ngoài nhưng đầu tư vào Việt Nam mới chỉ khoảng 10 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lý giải nguyên nhân: “Có vẻ như môi trường đầu tư của Việt Nam không hấp dẫn với nguồn vốn có chất lượng từ các nước có trình độ công nghệ cao, công nghệ nguồn, hệ thống quản lý tiên tiến và pháp luật minh bạch”.

Theo ông Toàn, với riêng Trung Quốc, công nghệ của họ không phải thấp nhưng có 2 vấn đề vướng mắc khiến chúng ta không thu hút được dòng vốn, là chính sách của Chính phủ và bản thân người thực hiện dự án (bao gồm các bộ ngành, địa phương có quyền lựa chọn dự án) có những vấn đề tồn tại. Nếu khai thông được, kiểm soát được chúng ta sẽ chọn lọc tốt hơn nguồn vốn chứ không phải thu hút bằng mọi giá nữa.

Trên thực tế, Trung Quốc đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng vào Việt Nam trong khi quốc gia này là nhà đầu tư số 1 thế giới hiện nay. Về câu chuyện này, một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải nhìn nhận và đánh giá lại đối với dòng vốn từ Trung Quốc.

Hiện nay nhiều cơ quan ban ngành vẫn cho rằng các dự án Trung Quốc sử dụng công nghệ thấp, lạc hậu và đây là một trong những lý do khiến dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam chưa cao.

Thực tế, Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ phát triển ngày càng mạnh các ngành công nghệ cao và đưa các công ty của mình trở thành đối thủ mạnh của các công ty lớn về công nghệ trên toàn thế giới.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, các ứng dụng và bằng sáng chế mới của Trung Quốc đã tăng vọt từ con số 0 vào đầu thế kỷ này, lên đến 928 nghìn sáng chế trong năm 2014 nhiều hơn Mỹ 40% (579 nghìn sáng chế), gấp 3 lần Nhật Bản (326 nghìn sáng chế). Năm 2015, Huawei đã trở thành tổ chức công bố các bằng sáng chế quốc tế mới lớn nhất thế giới. 

Chọn ứng xử khôn ngoan

Ông Mai Thanh Hải, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu quan điểm với nguồn vốn FDI của bất cứ nước nào, không riêng Trung Quốc, phải có sách lược nhất quán để thu hút được hiệu quả, tạo lợi ích lớn nhất cho quốc gia.

“Quan điểm của Chính phủ là luôn luôn tạo điều kiện huy động nguồn vốn FDI bởi đó là nguồn giúp cho quốc gia phát triển trong tương lai. Gần đây, vốn Trung Quốc đã vào khá nhiều và hiện xếp thứ 7 trong số các nước có đầu tư vào Việt Nam. Trên quan điểm về vốn thì bất cứ dòng vốn nào chảy vào Việt Nam, hỗ trợ được chiến lược phát triển kinh tế thì chúng ta đều trân trọng”, ông Mai Thanh Hải khẳng định thêm.

Ông Hải lưu ý: “Khi có sách lược khôn khéo và sự nhạy cảm trong vận hành dự án thì dòng vốn FDI từ Trung Quốc cũng có thể đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế.

Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang dần “tốt nghiệp” ODA thì vốn FDI sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Song, mỗi quốc gia khi mang tiền đi đầu tư đều chỉ nhắm đến một khu vực trong một thời gian nhất định và dòng vốn từ nước ngoài không phải là nguồn lực “bất tận”.

Do đó, việc chuyển hướng tận dụng dòng vốn mới từ những nơi Việt Nam chưa thu hút được nhiều, như Trung Quốc, là một lối đi.

TS. Nguyễn Châu Giang - Đại học Thương mại, nêu ý kiến, trong thời gian tới, cần xúc tiến đầu tư, tuyên truyền về môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam để thu hút các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, giảm bớt các doanh nghiệp nhỏ lẻ, tìm kiếm các dự án có tầm ảnh hưởng, góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Đồng thời, cũng không nên quên thực hiện tốt khâu hậu kiểm, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong quản lý các dự án FDI đã được cấp phép.(Bizlive)
--------------------

Cá, tôm, mực... Việt Nam dính 'đòn đau' vì thẻ vàng EU

Đáng lo ngại nhất là nếu bị thẻ vàng nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container.

Tại hội nghị “Đánh giá 1 năm triển khai Chương trình “Doanh nghiệp Hải sản cam kết chống Khai thác bất hợp pháp (IUU)” tổ chức ngày 25/9 tại TP HCM, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU sau khi bị thẻ vàng gặp nhiều khó khăn.

Trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu hải sản chỉ đạt 252 triệu USD giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu có chiều hướng giảm sâu, giảm liên tục trong năm 2018.

Đặc biệt mặt hàng mực, bạch tuộc xuất sang EU liên tục giảm sâu từng tháng, có tháng xuất khẩu giảm tới 41%, bị tác động rõ rệt bởi thẻ vàng của EU

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep giải thích: Khi EU giơ thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của DN qua khu vực này giảm do các khách hàng rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU. Thậm chí họ sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng.

Ngoài ra, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.

Điều này sẽ khiến DN Việt mất thời gian, chi phí. Riêng phí kiểm tra nguồn gốc, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.

Đáng lo ngại nhất là nếu bị thẻ vàng nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container. Nếu bị thẻ đỏ coi như hải sản Việt bị cấm xuất khẩu vào EU thì thiệt hại còn khủng khiếp hơn.

Được biết, Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay lại Việt Nam để xem xét vấn đề “thẻ vàng” hải sản vào tháng 1/2019.

Bà Trần Ngọc Tươi, Giám đốc Công ty Công ty TNHH Thủy hải sản Vĩnh Thuận Sài Gòn cho biết DN đang gặp khó trong quá trình lấy nhật ký khai thác từ các tàu đánh bắt. Để có nhật ký khai thác, doanh nghiệp phải đi một vòng thông qua các đại lý, đầu nậu rồi mới tới ngư dân.

Tuy nhiên, khi quay ngược lại nhờ các chủ tàu xác nhận thì không đơn giản, vì họ sợ liên quan đến vấn đề pháp lý và lo ngại Nhà nước truy thu thuế.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, các địa phương và ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền cho ngư dân hiểu việc cần thiết phải có nhật ký khai thác, chỉ khi có giấy này doanh nghiệp mới xuất khẩu được thủy sản ra nước ngoài”, bà Tươi đề nghị.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Vasep, cũng cho biết việc khắc phục thẻ vàng EU gặp nhiều khó khăn vì hiện nay, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá đánh bắt hải sản, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar.

Như vậy, lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn rất lớn nhưng còn thiếu kinh phí thực hiện. Mỗi thiết bị định vị này có giá khoảng 1,7 triệu đồng, với số lượng lớn tàu thuyền nhiều, giá thiết bị cao, cần sự hỗ trợ từ chính phủ.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp và đại diện Ban quản lý cảng cá địa phương đồng ý phải tiếp tục kiến nghị sửa đổi Thông tư 02 năm 2018 của Bộ NNPTNT để thuận lợi và thống nhất chống khai thác IUU.

Thực tế, Thông tư ra đời sớm nhưng việc triển khai không đồng nhất ở các địa phương. Doanh nghiệp không xin được giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (NLTS) tại cảng cá do vướng mắc về quy định trong hồ sơ xác nhận nguồn gốc NLTS. Việc kiểm tra “dàn hàng ngang” 100% lô hàng thủy sản nhập khẩu còn nhiều bất cập.

Một số DN cho rằng nên học tập Philippines một trong những quốc gia đã từng bị EU rút thẻ vàng vào năm 2014, Philippines đã rất nhanh chóng gỡ được chiếc thẻ này chỉ trong 10 tháng sau đó. Cơ quan quản lý lẫn Chính phủ nước này đều vào cuộc thay đổi pháp lý, đào tạo thêm lính canh biển cũng như tiến hành thu mua các thiết bị giám sát và quản lý tàu thuyền…(PLO)
-----------------------

Chưa cần chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc đã rạn nứt

Khối nợ tăng, đầu tư giảm, dân số già đã là thách thức với nền kinh tế lớn nhì thế giới trong vài năm gần đây. 

Vài tháng gần đây, khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng trầm trọng, các nhà phân tích đều tập trung vào việc phân tích ảnh hưởng của thuế nhập khẩu lên nền kinh tế Trung Quốc. Một số cho rằng đây sẽ là đòn giáng mạnh vào gã khổng lồ Đông Á. Số khác lại khẳng định Trung Quốc sẽ vượt qua các rào cản do Mỹ dựng lên.

Dù vậy, nhiều nhà quan sát Trung Quốc lâu năm cho rằng luận điểm này đã bỏ qua điều quan trọng nhất. Đó là những lực đẩy, xu hướng quan trọng nhất tác động đến Trung Quốc hiện tại không nằm ở thuế nhập khẩu.

Đầu tư giảm sút, vay nợ tăng lên

Trung Quốc từ lâu đã dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư đóng góp 44% GDP danh nghĩa của nước này tháng 12/2017. Tỷ lệ này tại các nước như Mỹ, Nhật Bản hay Đức chỉ vào khoảng 10 - 25%, theo số liệu của CEIC.

Dù vậy, đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc đang giảm tốc. Hồi tháng 8, tăng trưởng đầu tư đã xuống thấp kỷ lục. Các nhà kinh tế học thì cho rằng thế giới không nên quá chú trọng vào con số này, do Trung Quốc đang điều chỉnh cách tính đầu tư vào tài sản cố định.

Tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại leo thang, Chính phủ Trung Quốc sẽ khó dùng chi tiêu công để thúc đẩy đầu tư, do khối nợ đang tăng cao. Nền kinh tế lớn nhì thế giới từng có mức nợ tương đối ổn định cho đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Năm đó, họ đã dùng số nợ tương đương 12,5% GDP để thúc đẩy nền kinh tế.  

Trung Quốc từng khuyến khích đi vay để đẩy cao tăng trưởng. Năm 2016, các nhà băng nước này cho vay kỷ lục 12.650 tỷ NDT (1.880 tỷ USD).

Sự bùng nổ tín dụng này đã làm dấy lên lo ngại về rủi ro tài chính. Vì vậy, năm 2017, giới chức Trung Quốc cam kết sẽ kiềm chế nợ.

Kể từ đó, nợ trên GDP của nước này đã tăng chậm lại, hiện tương đương 250% GDP, tức là khoảng 28.000 tỷ USD, theo số liệu của DBS và CEIC. Tuy nhiên, Viện Kinh tế Quốc tế cho rằng tỷ lệ này phải lên hơn 300% GDP.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng đưa ra cảnh báo về kinh tế Trung Quốc năm 2017, rằng tăng trưởng dựa trên vay nợ không phải là giải pháp bền vững. Giới chức Trung Quốc cũng đã cố gắng kiềm chế khối nợ đang tăng. Hồi tháng 4, các ngân hàng quốc doanh đã nhận chỉ thị ngừng cho các chính quyền địa phương vay.

Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại kéo dài, Trung Quốc có vẻ sẽ lại dùng đầu tư để thúc đẩy kinh tế lần nữa. Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đầu tháng này cũng thông báo có kế hoạch khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Dân số già đi, đánh cược vào tiêu dùng

Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện năng suất lao động thông qua tự động hóa và robot. Tuy nhiên, dân số già đi đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế này.

“Xu hướng dân số có thể khiến tăng trưởng GDP hàng năm của các nước như Trung Quốc hay Nhật Bản mất hơn 0,5% - 1% trong 3 thập kỷ tới”, IMF dự báo trong báo cáo năm 2017.

Chính sách một con của Trung Quốc đã chấm dứt năm 2016. Các cặp vợ chồng giờ được hạn chế sinh hai con. Tuy nhiên, hàng thập kỷ áp dụng chính sách này đã khiến tỷ lệ sinh ở đây giảm đáng kể. Cùng với việc dân số già đi và lực lượng lao động co lại, tỷ lệ sinh giảm đang ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng tại đây.

Việc này càng đáng ngại khi Trung Quốc đang chuyển hướng tăng trưởng sang dựa vào tiêu dùng. Các số liệu gần đây thì lại cho kết quả trái chiều. Doanh số bán lẻ hàng tháng tăng chậm lại. Nhưng tiêu dùng hàng quý, tính cả giáo dục và du lịch, lại đang tăng.

Số liệu tại các đại gia thương mại điện tử Trung Quốc cũng vậy. Quý II/2018, doanh thu Alibaba tăng hơn 60% so với năm ngoái. Trong khi đó, con số này của đối thủ JD.com lại chậm lại.

Hôm qua (24/9), Mỹ và Trung Quốc tiếp tục áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Căng thẳng thương mại được dự báo có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mất 0,2% năm nay và 0,3% năm tới, theo một khảo sát tháng này của Bloomberg. Nền kinh tế lớn nhì thế giới cũng được dự báo tăng trưởng 6,3% năm nay, thấp hơn so với 6,6% năm ngoái.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục