tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-09-2018

  • Cập nhật : 24/09/2018

Nhật sẽ phải nhượng bộ những gì nếu không muốn đối đầu với Mỹ như Trung Quốc?

Chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện đang phản đối việc ký kết thỏa thuận tự do thương mại song phương với Mỹ và sẽ kiếm cách khác để làm hài lòng Tổng thống Trump.

anh: gettyimages

Ảnh: GettyImages

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cuối cùng đã chiến thắng nhiệm kỳ thứ 3, dự kiến ông sẽ đối diện với không ít thách thức khi ông gặp Tổng thống Donald Trump vào tuần tới trong bối cảnh Tokyo đang cố gắng né tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ, theo tin từ CNBC.

Đầu tháng này, Tổng thống Trump đã nói đến việc ông sẽ có thể áp thuế 25% với thiết bị nhập khẩu từ Nhật cũng như phụ tùng ô tô trong chiến dịch giảm thâm hụt thương mại Mỹ với các nước trên thế giới. Động thái này được coi như công cụ mặc cả của Washington để có được cái mà Washington muốn có đã lâu với Tokyo: một thỏa thuận tự do thương mại. 

Tuy nhiên, chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện đang phản đối việc ký kết thỏa thuận tự do thương mại song phương với Mỹ và sẽ kiếm cách khác để làm hài lòng Tổng thống Trump. 

Phó chủ tịch tại Tổ chức Teneo Intelligence, ông Tobias Harris, nói: “Tôi nghĩ rằng Nhật sẽ phải rất cố gắng trong cuộc gặp với Tổng thống Trump bởi lý do thứ quan trọng nhất mà Tổng thống Trump muốn, Nhật không thể đáp ứng được, Nhật sẽ buộc phải nhượng bộ nhiều về điều kiện tiếp cận thị trường Nhật cho hàng Mỹ nếu không muốn ký thỏa thuận thương mại song phương”.

Vấn đề này dự kiến sẽ được quan tâm rất nhiều trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump trong tuần tới, cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 26/9/2018.

Các biện pháp thuế quan mới mà Tổng thống Trump muốn áp dụng sẽ gây hại rất nhiều cho nước Nhật bởi ô tô chở người hiện chiếm đến 30% hàng xuất khẩu của Nhật. Khi Mỹ quyết tăng thuế với ô tô, Thủ tướng Abe có phần “mất mặt” bởi ông từng được nhiều người coi rằng có mối quan hệ thân tình với Tổng thống Donald Trump, theo khẳng định của ông Harris. 

Nếu Tổng thống Trump quyết hành động, Thủ tướng Abe sẽ bị rơi vào tình huống mà ông phải trả đũa bằng những biện pháp tương tự, điều đó sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương. Điều đó giống như những gì đang diễn ra trong quan hệ Trung - Mỹ. Chắc chắn, Thủ tướng Abe không muốn kịch bản trên xảy ra. 

CEO của công ty WisdomTree Japan KK, ông Jesper Koll, phân tích: “Việc Mỹ áp thuế 25% với ô tô Nhật và phụ tùng ô tô Nhật sẽ khiến cho lợi nhuận các công ty giảm khooảng 50%. Mối họa này với Nhật không hề nhỏ và Tổng thống Trump biết rõ điều này. Ông đang mặc cả ở một vị thế rất có lợi.

Ông Koll phân tích Tổng thống Mỹ sẽ luôn muốn mọi người nhìn vào ông như kẻ chiến thắng, câu hỏi ở đây là làm cách nào để Thủ tướng Abe có thể khiến Tổng thống Trump cảm thấy ông là kẻ chiến thắng. Nhật thực ra có rất nhiều cách để làm hài lòng Tổng thống Trump. 

Có thể kể đến việc Tokyo có thể đề nghị mua thêm hàng nhập khẩu Mỹ ví như đậu tương, thịt bò và trang thiết bị quốc phòng. Việc nhượng bộ trong ngành nông nghiệp sẽ giúp cho Tổng thống Trump ghi điểm được ở Mỹ bởi ông đã giúp nông dân nước này có cuộc sống tốt đẹp hơn khi mà cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ đang đến gần. (Bizlive)
------------------------

Chính quyền ông Trump xem xét hạn chế thẻ xanh đối với người nhập cư

Luật liên bang đã yêu cầu những người tìm kiếm thẻ xanh chứng minh rằng họ không phải là một gánh nặng cho Chính phủ Mỹ, nhưng những quy định mới này đã nêu chi tiết một loạt các chương trình có thể khiến họ không đủ điều kiện.

AP đưa tin, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất các quy định, theo đó có thể từ chối cấp thẻ xanh đối với người nhập cư nếu họ sử dụng chương trình chăm sóc sức khỏe do Chính phủ Mỹ tài trợ, tem phiếu thực phẩm, phiếu khuyến mãi nhà ở và các hình thức hỗ trợ công khác.

Luật liên bang đã yêu cầu những người tìm kiếm thẻ xanh chứng minh rằng họ không phải là một gánh nặng cho Chính phủ Mỹ, nhưng những quy định mới này đã nêu chi tiết một loạt các chương trình có thể khiến họ không đủ điều kiện.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngày 22/9 cho biết việc tiếp nhận hiện tại và trước đó một số phúc lợi công sẽ bị coi là "một yêu tố tiêu cực nặng nề' trong việc xem xét cấp thẻ xanh cũng như quy chế tạm trú.

Đề xuất mới trên đã được công bố trên trang web của bộ này và sẽ xuất hiện trong Công báo liên bang "trong những tuần tới," bắt đầu giai đoạn lấy ý kiến công chúng trong 60 ngày trước khi chính thức có hiệu lực. (Vietnam+)
------------------------

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Sau thuế quan sẽ là gì?

Sau hai kế hoạch áp thuế quan bổ sung lên hàng hóa Mỹ, Trung Quốc không còn nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để đánh thuế. Khi cạn vũ khí thuế quan để đấu với Washington, liệu Bắc Kinh sẽ đi đến những lựa chọn nào?

Tuần này, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9, Chính phủ Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế 5-10% lên 60 tỷ USD hàng Mỹ. Trước đó, mỗi nước đã áp mức thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.

Như vậy, khi kế hoạch đánh thuế trên được chính thức triển khai vào ngày thứ Hai tuần tới, Trung Quốc sẽ áp thuế bổ sung lên tổng cộng 110 tỷ USD hàng Mỹ. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc trong năm ngoái chỉ có khoảng 150 tỷ USD.

Đánh thuế khác nhau?

Nếu Bắc Kinh tiếp tục đánh thuế cao hơn đối với số 40 tỷ USD hàng hóa Mỹ còn lại - chủ yếu là các linh kiện quan trọng cho ngành sản xuất, như thiết bị bán dẫn - thì các doanh nghiệp thuộc ngành chế tạo của Trung Quốc sẽ hứng chịu thiệt hại không hề nhỏ.

Trong bối cảnh khó sớm tìm ra được một giải pháp để kết thúc cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đang buộc phải tìm ra những cách mới để đáp trả Mỹ - theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Ông Arthur Kroeber, trưởng bộ phận nghiên cứu công ty dịch vụ tài chính Gavekal, nói rằng tất cả những chiến thuật trước đây của Trung Quốc - như cử một vài phái đoàn sang Mỹ mua hàng hóa, đón tiếp long trọng ông Trump thăm Bắc Kinh, và nỗ lực đạt một thỏa thuận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin - đều đã thất bại.

"Trung Quốc sẽ đáp trả bằng thuế quan, làm khó các công ty Mỹ trong những trường hợp có thể, và dấn vào một cuộc chiến tiêu hao sinh lực", ông Kroeber nhận định.

Tâm điểm của cuộc tranh luận ở Trung Quốc hiện nay là tìm ra cách mới để gây thiệt hại cho Mỹ, vì vũ khí thuế quan sắp cạn.

Giới chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đề xuất một số biện pháp bao gồm ngừng xuất khẩu một số linh kiện quan trọng sang Mỹ và đưa ra mức thuế khác biệt đối với các sản phẩm khác nhau nhập từ Mỹ.

Một bài quan điểm đăng trên tài khoản mạng xã hội chính thức của tờ Nhân dân nhật báo hôm thứ Tư nói rằng Trung Quốc cần đi xa hơn việc "ăn miếng trả miếng" bằng thuế quan với Mỹ. Theo bài báo này, Trung Quốc không thể trả đũa tương xứng bằng số lượng với Mỹ, nhưng có thể lựa chọn "chiến địa" theo cách riêng và đánh theo cách riêng của mình.

Bài báo khuyến nghị Trung Quốc có thể áp mức thuế quan tương đối thấp đối với những mặt hàng từ Mỹ mà nước này "khó tìm nguồn thay thế", trong khi đánh thuế cao hơn đối với những mặt hàng như "nguyên vật liệu thô dễ thay thế, hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng không thiết yếu, và hàng hóa chế tạo có sự cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất Trung Quốc".

Áp đặt cấm vận?

Ông Lou Jiwei, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quỹ An sinh xã hội Quốc gia, khi phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc hôm Chủ nhật cũng cho rằng nước này cần đi xa hơn khỏi việc dùng thuế quan và nên áp đặt cấm vận xuất khẩu một số nguyên vật liệu và linh kiện nhất định sang Mỹ.

Ông Lou nói không khó để tìm ra những mặt hàng Trung Quốc có vai trò quan trọng nhất đối với Mỹ. "Chúng ta có thể chọn ngay những mặt hàng mà Mỹ không đưa vào danh sách áp thuế bổ sung đối với hàng Trung Quốc, hoặc những mặt hàng được đưa ra khỏi danh sách sau khi có sự phàn nàn của các doanh nghiệp Mỹ", ông Lou phát biểu.

Trong kế hoạch áp thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, 300 sản phẩm từ Trung Quốc đã được đưa ra khỏi danh sách ban đầu sau khi có sự vận động hành lang của các doanh nghiệp Mỹ.

Một trong số đó là các kim loại đất hiếm - loại khoáng sản có ý nghĩa sống còn đối với các nhà sản xuất công nghệ cao. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, đồng hồ thông minh và các thiết bị bluetooth cũng được đưa khỏi danh sách trên, một phần do sự kêu gọi của hãng công nghệ Apple. Một số sản phẩm về an toàn và sức khỏe như mũ bảo hiểm, ghế cho trẻ em… cũng được rút khỏi danh sách.

Ngoài vũ khí là thuế quan, Trung Quốc còn có một số vũ khí khác trong cuộc chiến thương mại với Mỹ là tỷ giá Nhân dân tệ và trái phiếu kho bạc Mỹ. Bắc Kinh có thể phá giá Nhân dân tệ hoặc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ để đáp trả Washington, nhưng giới phân tích cho rằng các biện pháp này không khả thi.

Trong một bài phát biểu hôm thứ Tư, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã cam kết sẽ không phá giá Nhân dân tệ để bù đắp tác động tiêu cực của thuế quan trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. (Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục