Hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam đang giảm dần
Pháp vượt Anh trở thành nền kinh tế thứ 5 thế giới
Nhà đầu tư chứng khoán sắp không được chuyển khoản nội bộ
Doanh nghiệp thêm cửa vay ngoại tệ
Ngân hàng Trung ương Anh hứa tung ra 250 tỷ bảng để bình ổn thị trường
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-06-2016
- Cập nhật : 25/06/2016
Lãnh đạo tài chính thế giới lên kịch bản đối phó Anh rời EU
Thông báo của BOE ngay sau sự kiện cho biết: "Ngân hàng Trung ương Anh đang theo sát các diễn biến. Chúng tôi đã thực hiện nhiều kế hoạch khẩn cấp và đang làm việc sát sao với Bộ Tài chính, các cơ quan trong nước và ngân hàng trung ương nước ngoài. BOE sẽ làm mọi việc cần thiết để duy trì ổn định tài chính và tiền tệ".Sau cuộc bỏ phiếu, Anh sẽ mất ít nhất 2 năm để thực hiện quá trình tách khỏi EU. Việc này đang làm dấy lên câu hỏi về tương lai của London, với vai trò trung tâm tài chính toàn cầu.
CEO Goldman Sachs - Lloyd Blankfein cho biết: "Chúng tôi sẽ làm việc với quan chức có liên quan khi các điều khoản về việc rời đi được công bố rõ ràng. Chúng tôi tôn trọng quyết định của người Anh và đã tập trung lên kế hoạch cho cả hai kịch bản từ nhiều tháng nay rồi". Ông cũng khẳng định sẽ nỗ lực trấn an những người đã đầu tư vào ngân hàng này.
Jamie Dimon – Chủ tịch JP Morgan cũng thông báo trong vài tháng tới, họ có thể thay đổi cấu trúc pháp lý tại châu Âu và địa điểm của một số chức danh. Họ tuyên bố sẽ chuẩn bị tuân theo các luật mới để phục vụ khách hàng toàn cầu. "Chúng tôi sẽ làm hết sức để chăm sóc khách hàng và tuân thủ đúng luật trong thời kỳ thay đổi", JP Morgan cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Đức - Wolfgang Schauble cũng cho biết tôn trọng kết quả này. Ông khẳng định Đức sẽ liên lạc với các nước G7 khác để bàn bạc vấn đề của Anh.
Bảng Anh hôm nay mất giá mạnh nhất lịch sử, với hơn 10% so với USD, xuống 1,3416 USD đổi một bảng. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng mất hơn 8,3% xuống đáy 4 tháng, còn yen Nhật tăng vọt khi nhà đầu tư cần tìm công cụ trú ẩn. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản vì vậy đã phải tuyên bố tổ chức họp báo.
Chứng khoán châu Âu mở cửa chiều nay được dự báo giảm mạnh. Các chỉ số tương lai của thị trường này hôm nay đều lao dốc. FTSE Futures (Anh) mất 8,85%, DAX Futures (Đức) mất 10,4% và CAC Futures (Pháp) giảm 11,33%.
Dù vậy, một số tổ chức vẫn tỏ ra khá lạc quan. Capital Economics cho rằng việc Anh rời đi không phải là "ngày tận thế". "Việc này rõ ràng đã làm giảm triển vọng ngắn hạn của Anh và nhiều nền kinh tế khác. Nhưng chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng thiệt hại sẽ nhỏ hơn nhiều so với các dự báo bi quan khác. Vì nói cho cùng, Anh sẽ vẫn ở lại EU thêm ít nhất 2 năm nữa, hoặc có thể hơn. Thời gian này đủ để giải quyết những bất ổn, đặc biệt là về thương mại giữa Anh với EU và cả thế giới", hãng nghiên cứu này giải thích.
Hong Kong đã đầu tư 6 tỷ USD vào Việt Nam
Chia sẻ tại sự kiện tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam ở TP HCM sáng nay, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, doanh nghiệp Hong Kong là một trong những nhà tư đầu lớn tại Việt Nam. Tính từ 1988 đến nay, Hong Kong đã đầu tư vào Việt Nam trên 1.000 dự án, với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD, đưa Hong Kong lên vị trí thứ tư trong nhóm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng đánh giá cao tầm quan trọng của Hong Kong, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhận định, ngoài việc đầu tư lớn tại Việt Nam, Hong Kong đang là cửa ngõ quan trọng cho ASEAN tiếp cận thị trường Trung Quốc. Xét về vốn FDI, TP HCM đã thu hút 2,89 tỷ USD vốn đầu tư từ Hong Kong, tính từ 1988 đến nay, đứng thứ 6 về tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn của các dự án trên địa bàn TP HCM.
Ông Tuyến cũng cho biết thêm, trong năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 16,3 tỷ USD, tăng 16,7%, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hong Kong đạt 6,5 tỷ USD, tăng 33,9% so với 2014. Còn xuất khẩu từ Hong Kong sang Việt Nam đạt 9,8 tỷ USD năm 2015, tăng 14,7% so với 2014, tập trung chủ yếu là mặt hàng điện tử, thịt, sợi tổng hợp, đồ uống, thuốc lá...
Để quan hệ giao thương cũng như đầu tư giữa hai bên có nhiều chuyển biến tích cực, ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các sở, ngành thành phố tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong mọi công tác. Doanh nghiệp và nhà quản lý cần tích cực trao đổi về các lĩnh vực mà mình quan tâm, thảo luận cơ chế phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư lâu dài hiệu quả cùng có lợi. Ngoài ra, TP HCM cũng mong muốn Cục phát triển mậu dịch Hong Kong cung cấp thêm nhiều thông tin và tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư.
Kinh tế Trung Quốc chật vật chuyển mình
Trung Quốc vẫn được xem là công xưởng của thế giới trong suốt 30 năm qua. Sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất đã biến quốc gia này thành nền kinh tế lớn nhì toàn cầu. Nhưng giờ đây, mô hình này có vẻ không còn hiệu quả nữa, và Trung Quốc biết rằng đã tới lúc phải thay đổi.
Vốn là đất nước luôn bắt chước thành công của người khác, Trung Quốc hoàn toàn không phải là nơi dành cho sự sáng tạo. Vì vậy, giới phân tích vẫn luôn nghi ngờ liệu kế hoạch chuyển mình thành một cường quốc tiên tiến có thành hiện thực?Câu trả lời có lẽ nằm ở Thâm Quyến - trung tâm công nghệ của Trung Quốc. Vào thập niên 80, Đặng Tiểu Bình đã chọn Thâm Quyến là nơi đầu tiên thử nghiệm đặc khu kinh tế. Các nhà máy sản xuất sau đó mọc lên khắp Thâm Quyến, cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng trên toàn thế giới. Hình thức này sau đó đã được nhân rộng khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, để theo đuổi lợi nhuận, các nhà sản xuất đã không ngần ngại tạo ra hàng nhái, hay kém chất lượng.
TCL - gã khồng lồ ngành điện tử tiêu dùng Trung Quốc - hiện là nhà sản xuất TV lớn thứ ba trên thế giới. Nhưng họ cũng ý thức được rằng không bao giờ được ngủ quên trên chiến thắng, phải luôn đổi mới phương pháp sản xuất, như thay thế nhân công bằng máy móc để đạt hiệu quả cao hơn.
Chủ tịch TCL - Li Donsheng cho biết các công ty Trung Quốc đang đi theo con đường của doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc vài thập niên trước. Họ đã sẵn sàng vươn ra thế giới và còn có sự hậu thuẫn nhiệt tình từ phía Chính phủ.
Năm 2006, Bắc Kinh tuyên bố tầm nhìn mới - rằng tới năm 2020, Trung Quốc sẽ thành một quốc gia sáng tạo. Và năm 2050, họ sẽ dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ. Điều này thoạt nghe có vẻ tham vọng, nhưng Trung Quốc có đủ tiềm lực kinh tế - chính trị để làm điều đó.
Cheetah là cái tên mới nổi trong làng công nghệ thế giới. Họ từng sản xuất phần mềm bảo mật trên điện thoại di động với 650 triệu người dùng, chỉ sau Facebook và Tencent. Nhưng Fu Sheng - ông chủ của Cheetah, không muốn dừng lại ở đó.
"Các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc có chất lượng rất ổn. Tôi tin vào ý tưởng của mình, nhưng khi đem chúng bàn với các đồng nghiệp, họ lại chẳng mấy mặn mà. Cho tới một ngày, chúng tôi có chuyến công tác tại Mỹ. Tối đó, chúng tôi ở tại một khách sạn bình dân và mua chút rượu về. Sau vài ly, tôi nói: 'Chúng ta đừng chỉ nhắm tới thị trường Trung Quốc nữa, đã đến lúc vươn ra thế giới, đặc biệt là Mỹ'. Các cộng sự đều đã ngà ngà say, nên họ đều nhất trí", ông nói.
Giờ Cheetah đã lấn sân sang mảng game và ứng dụng di động, với khoảng 60% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài. Công ty này cũng phát triển một công cụ phát sóng trực tiếp với tên gọi Live.me để cạnh tranh với Periscope và Facebook Live. Fu hy vọng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu cao hơn và dám cạnh tranh với Mỹ.
"Doanh nghiệp Mỹ đang dẫn đầu thế giới không phải bởi họ có công nghệ tiên tiến, mà nhờ lối suy nghĩ của họ. Trung Quốc coi trọng tri thức và sự chăm chỉ, còn Mỹ lại coi trọng tầm nhìn và hướng đi. Đó là khi tôi nhận ra đã đến lúc ta phải hướng ra thế giới", Fu nói.
Dù có tham vọng, có lẽ doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa đủ tầm. "Liệu Facebook hay Google thế hệ mới có thể xuất hiện tại đây không? Việc này còn cần quan sát. Những đổi mới mang tính đột phá có lẽ sẽ không dễ dàng đạt được. Hệ thống giáo dục Trung Quốc vẫn rất nặng về lý thuyết và mang tính rập khuôn", Lee Kaifu - Cựu giám đốc Google Trung Quốc nhận xét.
Tuy nhiên, tình trạng này đang dần thay đổi. Trường đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh và tổ chức Lego Foundation đang tiến hành một cuộc thí nghiệm với hy vọng thay đổi phương pháp giáo dục trẻ nhỏ.
Trong một căn phòng nhỏ, các em đứng quây quanh bàn, tự mình sáng tạo với những khối gỗ nhiều màu. "Trước đây chúng em chỉ làm theo hướng dẫn của giáo viên. Giờ có thể tự làm, đôi khi em lắp vẫn còn bị sai, nhưng đang dần tiến bộ rồi", bé Zhang Fuxiao hào hứng.
Hiệp hội Bất động sản: Giá nhà đang tăng
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, trong tháng 5, thị trường bất động sản hầu như không có thêm nhiều nguồn cung mới mà đa số chủ đầu tư chỉ mở bán để công bố điều chỉnh giá hoặc chính sách bán hàng mới. Điều này khiến giá bán địa ốc tăng đáng kể.
Tại một số dự án ở TP HCM, giá bán sơ cấp đã tăng 5-7% so với tháng đầu năm, giá bán thứ cấp cũng lên khoảng 10-15%. Tuy nhiên, lượng giao dịch trong tháng chỉ đạt 6.400 căn, giảm 18% so với năm 2015. Sức tiêu thụ của căn hộ giá 2-4 tỷ đồng giảm khoảng 30% so với cùng kỳ.
Ở thị trường Hà Nội, sức mua tăng nhẹ so với tháng 4 sau hàng loạt các sự kiện mở bán căn hộ trung cấp được công bố. "Giao dịch của thị trường có dấu hiệu tăng do ngân hàng vừa có động thái giảm lãi suất huy động. Trong thời gian tới, lãi suất vay rất có khả năng sẽ giảm nhẹ, tác động tốt đến tâm lý khách hàng", VNREA nhận định.
Cũng theo đơn vị này, đa số dự án căn hộ hiện nay đều có khung giá rất vừa phải khoảng dưới một tỷ đồng nhằm hợp túi tiền với người có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, VNREA cho rằng, rất ít dự án hội tụ đủ các yếu tố tiện ích, chất lượng xây dựng hay quy hoạch tổng thể về hạ tầng, an ninh.
"Bên cạnh đó, sau vụ lùm xùm dự án bất động sản bị ngân hàng siết nợ, người mua nhà càng cẩn thận, lựa chọn dự án một cách sàng lọc hơn. Ngoài ra, hầu hết các dự án bất động sản rao bán thời điểm hiện tại đều nhận được sự hỗ trợ, bảo lãnh từ các nhà băng, giúp khách hàng có điều kiện mua nhà dễ dàng hơn và niềm tin vào dự án được củng cố", báo cáo đánh giá.
Với đất nền, nhà phố, nếu như 4 tháng đầu năm khá im hơi lặng tiếng thì trong tháng 5, phân khúc này đang dần lấy lại phong độ. Khu vực quận 9, quận 2 (TP HCM) có lượng khách mua tăng đáng kể. Giá bán tăng cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp.
"Quỹ đất hạn chế cộng thêm việc tăng giá liên tục sẽ tạo đà cho giao dịch đất nền, căn hộ tầm trung tiếp tục sôi động trong các tháng tiếp theo", VNREA nhận định.
FPT thu về hàng nghìn tỷ đồng từ xuất khẩu phần mềm
Tập đoàn FPT (Mã CK: FPT) cho biết, 5 tháng đầu năm, mảng kinh doanh tại thị trường nước ngoài ghi nhận kết quả khả quan với 2.195 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% và 313 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 45% so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp lớn nhất là từ lĩnh vực xuất khẩu phần mềm với tốc độ tăng trưởng 38% về doanh thu và 26% về lợi nhuận.
Riêng Nhật – thị trường ngoại lớn nhất của FPT đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất trong các năm trở lại đây, với mức tăng 58% so với 5 tháng đầu năm 2015.
Sau 5 tháng, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 14.633 tỷ đồng và 1.037 tỷ đồng lợi nhuận. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.814 đồng, tương đương 116% kế hoạch. Lĩnh vực bán lẻ tiếp tục là điểm sáng với mức tăng 33% về doanh thu, vượt kế hoạch đã đề ra.
Năm 2016, FPT đặt mục tiêu doanh thu 45.796 tỷ đồng (ước tính 2 tỷ USD), tăng 14,5% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 10,5%.