Tháo gỡ bất cập trong quản lý ngoại hối về thương mại biên giới Việt - Trung; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp thăm chính thức Nhật Bản; Hãng cà phê của vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ gây ấn tượng ở Trung Quốc; Chính phủ chốt phương án đầu tư cao tốc bắc - nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-08-2017
- Cập nhật : 26/08/2017
Tạm giữ container chứa hàng điện tử cấm nhập vào Việt Nam
Lực lượng chức năng đã phát hiện tạm giữ một xe container chứa hàng trăm thiết bị điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng NK vào Việt Nam. Đây là những sản phẩm nằm trong danh sách cấm NK.
Ngày 24/8, Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP. Hồ Chí Minh (PC46) phát hiện container BKS 71R-1039 có dấu hiệu khả nghi nên đã tiến hành kiểm tra khi xe này vừa vào bãi xe tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong container chứa hàng trăm thiết bị điện tử, điện lạnh mang nhiều nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng NK. Đây là mặt hàng nằm trong danh mục cấm NK vào Việt Nam.
Cơ quan chức năng xác định container chở lô hàng trên có xuất phát từ nước ngoài được nhập về TP. Hồ Chí Minh để tân trang lại trước khi phân phối ra thị trường.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp xử lý nhiều vụ việc liên quan đến mặt hàng điện tử, đặc biệt các thiết bị điện lạnh đã qua sử dụng. Các sản phẩm điện lạnh trong trường hợp đã qua sử dụng sẽ không đảm bảo kỹ thuật và an toàn điện, tiềm ẩn nhiều rủi ro chập điện gây cháy nổ.
Hiện lô hàng đang được niêm phong để xử lý, vụ việc đang được điều tra làm rõ.(CAND)
------------------------------
PJICO hoàn tất bán cổ phần cho Samsung Fire and Marine Insurance Co., LTD
Sau 3 tháng Samsung Fire and Marine Insurance Co., LTD (SFMI) ký hợp đồng đặt mua cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã Ck PGI), đến nay mọi thủ tục pháp lý giữa hai bên đã được hoàn tất.
Ngày 21/08/2017 vừa qua, tổng số tiền đặt mua cổ phần của SFMI đã về tài khoản của PJICO và đối tác thuộc Tập đoàn Samsung này chính thức có trong tay Giấy chứng nhận sở hữu hơn 17,74 triệu cổ phần PGI.
Để nắm giữ 20% vốn điều lệ của PJICO, Samsung Fire and Marine Insurance Co., LTD đã đầu tư số tiền lên tới 533 tỷ đồng cho số lượng cổ phần PGI trên, tương ứng 30.000 đồng/cổ phần. Sau khi thương vụ mua bán được hoàn tất, SFMI sẽ bắt tay ngay vào đào tạo, hỗ trợ PJICO trong việc phát triển kênh bán bảo hiểm trực tuyến, tiếp thị sản phẩm, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin và kiểm soát tổn thất…
Giới chuyên gia nhìn nhận sự hợp tác giữa hai công ty bảo hiểm hàng đầu tại hai quốc gia này sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy đà tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của PJICO trong giai đoạn 5 năm tới và xa hơn nữa.
6 tháng đầu năm 2017, PJICO đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan với tổng doanh thu bảo hiểm gốc 1.210 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế 97,2 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước.(Baohaiquan)
-----------------------------------
Chạy đua thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo
Đối với Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị, mấu chốt của việc đảm bảo phát triển bền vững ngành năng lượng và thu hút đầu tư vào ngành này là xây dựng khung giá điện hợp lý.
Nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế tại Việt Nam đang không ngừng gia tăng, trong khi nhiều nguồn năng lượng tái tạo trong nước vẫn ở dưới tiềm năng. Bối cảnh này cho thấy năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn vốn đầu tư tại Việt Nam, song cuộc cạnh tranh thu hút vốn cũng sẽ gay cấn hơn. Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Năng lượng bền vững - hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp”, do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Đức tổ chức ngày 24/8.
Nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao
Theo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng thương mại khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm từ 2011 đến 2016.
Trong bối cảnh đó, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong lĩnh vực năng lượng như nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực rất lớn đến việc bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời cũng tạo sức ép lớn cho nền kinh tế về vốn đầu tư cho ngành năng lượng. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu, dự kiến nhập khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nhập khẩu năng lượng sinh khối từ các nước láng giềng.
Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang dành các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, không ngừng xây dựng, cải cách và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như cải thiện quy hoạch, hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng để nâng cao hiệu quả và năng suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Việt Nam có cơ hội lớn phát triển năng lượng ít phát thải, tuy nhiên Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nhìn nhận đầu tư của nhà nước là rất hạn chế trong bối cảnh khó khăn tài chính, trần nợ công tăng cao, khó huy động thêm vốn nhà nước để đầu tư cho năng lượng, vì vậy cần huy động nhiều hơn khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng.
Đối với ngành điện, nhu cầu vốn đầu tư bình quân khoảng 7,9 tỷ USD/năm, việc sử dụng tối ưu các nguồn tài chính ưu đãi và thương mại để phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện là vô cùng quan trọng. Việc tối ưu hoá nguồn lực này sẽ liên quan mật thiết với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để đảm bảo cung cấp đầy đủ điện năng trong dài hạn.
Cuộc đua thu hút đầu tư ngày càng gay cấn
Trong mắt các NĐT nước ngoài, tiềm năng đầu tư vào năng lượng ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng còn rất lớn. Báo cáo của Economist Corporate Network cho biết, tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm của đầu tư vào năng lượng sạch (gió, mặt trời, sinh khối và địa nhiệt) ở Đông Nam Á là 19% trong giai đoạn 2010-2015. Hơn 60% đầu tư năng lượng sạch trong khu vực tập trung vào năng lượng mặt trời. Xu hướng này bắt đầu từ năm 2010, tuy có giảm nhẹ vào năm ngoái song được dự đoán sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Bên cạnh đó, 85% đầu tư vào năng lượng sạch ở Đông Nam Á trong giai đoạn vừa qua mới chỉ tập trung vào 3 nước là Thái Lan (34%), Indonesia (26%) và Philippines (25%), trong khi Việt Nam và Malaysia chỉ thu hút được khoảng 7% vào mỗi nước trong cùng thời gian.
Việc Thái Lan thu hút được đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực này không phải là quá bất ngờ. Ông Gavin Smith, Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết Thái Lan có một môi trường quản lý tốt cho việc triển khai năng lượng tái tạo và nước này cũng có nền tảng đầu tư phát triển hơn cho năng lượng gió và mặt trời so với các nước khác trong khu vực.
Malaysia tuy thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo còn khá hạn chế, song nước này đã có những chính sách cụ thể và dự báo sẽ là đối thủ thu hút đầu tư của Việt Nam. Theo ông Ahmad Hadri Haris, Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ xanh Malaysia, các bước phát triển chính sách liên tục đã dẫn đến những biện pháp cụ thể để thu hút đầu tư, ví dụ ưu đãi tài chính khuyến khích các công ty áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và phát triển sản xuất các hàng hoá thân thiện với môi trường; hệ thống NH xanh được thành lập vào cuối năm 2015 ở nước này cho phép tiếp cận với nguồn vốn tư nhân rất lớn dành riêng cho lĩnh vực này… Bên cạnh đó, Malaysia hiện đang nổi lên là nhà sản xuất thiết bị quang điện lớn thứ 3 trên thế giới.
Trong khi đó, ông Gavin Smith cho rằng Việt Nam mặc dù có mức độ cam kết cao về năng lượng tái tạo, nhưng vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể để thúc đẩy đầu tư cho năng lượng sạch. Hơn thế nữa, vị này khuyến nghị cần có những bước tiến như khả năng tiếp cận tốt hơn vào mạng lưới truyền tải điện, trong khi việc độc quyền của các công ty điện lực nhà nước vẫn đang khiến cho điều này trở nên khó khăn hơn. Trên hết, việc giảm rủi ro và loại bỏ rào cản là điều cần thiết để có được sự gia tăng mạnh hơn về đầu tư tư nhân.
Ông Ingmar Steltor, Giám đốc dự án của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đánh giá, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đang gia tăng hàng năm với tốc độ lên tới 2 con số. Đây là tốc độ tăng trưởng tiêu thụ rất lớn mà nước Đức cũng không gia tăng nhanh như vậy. Vì vậy việc đầu tư mở rộng cho hoạt động sản xuất cũng như mạng lưới phân phối điện là rất cấp thiết.
Vị này phân tích thêm, công nghệ sản xuất năng lượng sạch hiện nay đang giảm giá rất mạnh, ví dụ công nghệ năng lượng mặt trời giảm 60-70% trong vài năm trở lại đây, khiến chi phí sản xuất điện mặt trời ngày càng có xu hướng tiệm cận các nguồn năng lượng từ thuỷ điện hay nhiệt điện. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Bên cạnh đó, Việt Nam có cả nguồn gió xa bờ, rất giàu tiềm năng và khả năng giảm giá thành để có tính cạnh tranh hơn là rất cao.
Đối với Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị, mấu chốt của việc đảm bảo phát triển bền vững ngành năng lượng và thu hút đầu tư vào ngành này là xây dựng khung giá điện hợp lý. “Có hợp lý hay không nếu giữ giá điện thấp hơn nhiều so với chuẩn quốc tế, thậm chí là khu vực”, ông Ingmar Steltor đặt câu hỏi. Đồng thời ông nhấn mạnh rằng tiết kiệm năng lượng và đổi mới sáng tạo trong sử dụng năng lượng mới là cần thiết để phát triển bền vững ngành điện. Giá điện phải đủ để hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, không nên nhầm lẫn giữa giá cả hợp lý và giá rẻ.(TBNH)
------------------------------
Các nhà ngân hàng trung ương đau đầu với lạm phát yếu
Các nhà ngân hàng trung ương (NHTW) hàng đầu thế giới tụ tập tại Jackson Hole vwosi niềm tin về sự tăng trưởng kinh tế bền vững, cuối cùng có thể cho phép các NHTW châu Âu (ECB) và Nhật Bản (BOJ) nối gót Fed trong việc thu hẹp chính sách siêu nới lỏng thời khủng hoảng của họ.
Chủ tịch Fed Janet Yellen và Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ giải quyết vấn đề lạm phát yếu thế nào tại Jackson Hole?
Vấn đề hóc búa
Tuy nhiên, có một vấn đề mà đến nay vẫn chưa có ngân hàng trung ương lớn nào trên thế giới tìm ra câu trả lời, đó là lạm phát vẫn thấp hơn mức mục tiêu 2% của họ. Điều đó đang gây ra một cuộc tranh luận về việc liệu họ có mất tín hiệu về một nền kinh tế kém lành mạnh và cần chậm lại trên con đường “bình thường hóa lãi suất”, hay chỉ đơn giản là họ không hiểu lạm phát hoạt động như thế nào trong một thế giới toàn cầu hóa.
Tại Nhật, các quan chức đã nghiên cứu các nguyên nhân hành vi, tự hỏi liệu các doanh nghiệp và gia đình có phản ứng quá chậm so với các tín hiệu kinh tế không. Trong khi các quan chức châu Âu đổ lỗi cho tiền lương tăng chậm và mua sắm trực tuyến; còn các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ lại dẫn ra một chuỗi dài các yếu tố “một lần” trong việc định giá từ giá dầu tới giá điện thoại di động và giá thuốc.
Tuy nhiên họ đều có chung một phản ứng: chờ đợi và tin tưởng lạm phát sẽ tăng trở lạitrong “trung hạn”.
Chủ tịch Fed Cleveland Fed Loretta Mester cho biết: “Mô hình của chúng tôi không hoàn hảo... Một thực tế chắc chắn là chúng tôi đã có một số dữ liệu lạm phát thấp và đó là điều mà chúng tôi cần phải xem xét nghiêm túc”.
Tuy nhiên, Mester tin rằng vấn đề không phải do nền kinh tế đang suy yếu, mà bởi các doanh nghiệp thay đổi cách thức ấn định giá - một vấn đề về nguồn cung mà bà cho là khiến cho bà cảm thấy thoải mái với việc tăng lãi suất chậm nhưng ổn định.
Thế nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục bởi cách tiếp cận của Mester. Những quan ngại về mức độ nghiêm trọng của việc lạm phát yếu gần đây khiến không ít người đặt câu hỏi liệu việc thắt chặt toàn cầu về chính sách tiền tệ có thể được tiến hành hay không, trong đó nhiều nhà đầu tư Mỹ đặt cược rằng Fed sẽ giữ nguyên việc thay đổi lãi suất hơn nữa cho đến cuối năm sau.
Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ có cơ hội giải quyết vấn đề này vào thứ Sáu, cũng như Chủ tịch ECB Mario Draghi, người đang có kế hoạch thu hẹp lại một số chương trình nới lỏng thời kỳ khủng hoảng của ECB ngay cả khi dự kiến lạm phát sẽ khó đạt mục tiêu cho tới tận năm 2019. BOJ cũng lui lại thời hạn để đạt được mục tiêu lạm phát cho tới khoảng năm 2020.
Hiện nhiều quan chức Fed vẫn chưa tỏ ra lo ngại về lạm phát mặc dù thị trường đã thay đổi kỳ vọng về lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed vào giữa năm 2018 cho dù Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.
Mục tiêu nào?
Việc sử dụng mục tiêu lạm phát là một sự đổi mới quan trọng trong hoạt động ngân hàng trung ương, bắt nguồn từ các lý thuyết về kỳ vọng của công chúng, truyền thông ngân hàng trung ương và các yếu tố khác hình thành nên hành vi kinh tế.
Tuy nhiên, sự sắp xếp của thế giới phát triển xung quanh mục tiêu lạm phát 2% đã trở thành một vấn đề gây đau đầu khi mà các ngân hàng trung ương đang cố gắng để ước tính và điều chỉnh một cái gì đó mà họ thừa nhận là không hiểu đầy đủ.
Các chuyên gia tư vấn của BOJ đã rất bối rối trước việc liệu mọi người có mua sắm và tiết kiệm nếu như họ nhìn thấy tương lai đầy đủ, hay liệu họ sẽ nhìn vào quá khứ và chỉ từ từ thích ứng với thay đổi.
Liệu có một chuỗi cung cấp toàn cầu hóa, tỷ lệ tiền lương toàn cầu hoá, và các thị trường có gắn kết hoàn hảo với lạm phát không? Nếu vậy, việc các quan chức Fed dựa vào thị trường lao động thắt chặt để nâng cao lương và giá cả thông qua cạnh tranh tài nguyên sẽ thất vọng.
Việc không đạt được mục tiêu lạm phát đã thúc đẩy các lời kêu gọi cải tổ chính sách, ví dụ như các đề xuất về một mục tiêu mới liên quan đến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội.
Một số ý kiến cũng đề nghị nên thay đổi mục tiêu lạm phát như Chủ tịch Fed San Francisco John Williams đề xuất nâng cao mục tiêu.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mục tiêu hiện tại có vẻ như sẽ được duy trì - và trò chơi chờ đợi toàn cầu sẽ tiếp tục.(TBNH)