Hãng dệt may Đài Loan đặt kỳ vọng vào đại dự án 760 triệu USD ở Việt Nam; Thủ tướng Đức phê phán Mỹ, có thể “lật bài ngửa” ở G20; Cạm bẫy từ tín dụng đen; Hà Nội có thêm 2 cụm công nghiệp 32ha tại Gia Lâm và Đan Phượng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-05-2017
- Cập nhật : 27/05/2017
Đại gia Đặng Văn Thành 'thâu tóm' ngành mía đường
Sau khi sáp nhập, Tập đoàn TTC của đại gia Đặng Văn Thành nắm trong tay vùng nguyên liệu khổng lồ 49.000ha, chưa kể đến vùng nguyên liệu rộng lớn được tập đoàn này mua lại từ Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar) của bầu Đức.
Ngày 25-5, Tập đoàn TTC cho biết lần lượt Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS - Mã CK: SBT) và Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS - Mã CK: BHS) - hai đơn vị trực thuộc Tập đoàn TTC đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường niên độ 2016 - 2017 nhằm thông qua chủ trương sáp nhập và phương án hoán đổi toàn bộ cổ phiếu BHS đang lưu hành với cổ phiếu phát hành thêm của TTCS.
Theo đó, SBT dự kiến phát hành 303.83 triệu cổ phần để thực hiện hoán đổi 297.87 triệu cổ phần BHS.
Sau khi hoán đổi, SBT trở thành chủ sở hữu duy nhất sở hữu 100% vốn điều lệ của CTCP Đường Biên Hòa. Với việc phát hành thêm cổ phần này, Đại hội cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ TTCS thêm tối đa là 3.038 tỷ đồng, tương ứng với giá trị của số lượng cổ phần phát hành thêm.
Đại hội đồng cổ đông bất thường Công ty Mía đường Tây Ninh ngày 25-5.
Như vậy, với việc sáp nhập, TTCS sẽ có 49.000 héc ta trồng mía nguyên liệu, chưa kể vùng nguyên liệu tại Lào ở Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai được TTCS và BHS mua lại.
Đại diện TTCS cho biết, từ năm 2018 ngành đường Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với đường nhập từ các nước trong khu vực ASEAN khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%. Do vậy, việc sáp nhập sẽ giúp sản phẩm của công ty tăng tính cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
" Muốn ra biển lớn thì phải có thuyền lớn và việc sáp nhập này là nhằm tạo ra một con thuyền như vậy”, đại diện công ty nói.
TTC thống lĩnh ngành mía đường Việt Nam.
Với đặc thù yếu tố nguyên liệu chiếm đến trên 80% giá thành sản xuất, đây được xem là động thái tích cực của ngành đường TTC, nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa ngành đường Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực. Đồng thời tiếp tục đảm bảo năng lực cung ứng các sản phẩm đường sạch(PLO)
---------------------
Định giá hụt VTVcab 279 tỉ đồng khi cổ phần hóa
Đó là khẳng định của Kiểm toán nhà nước trong báo cáo thẩm định kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của VTVcab.
Cụ thể, giá trị của công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Truyền hình cáp VN (VTVcab) được doanh nghiệp này báo cáo là 3.999 tỉ đồng, trong khi đó số kiểm toán là hơn 4.278 tỉ đồng. Kiểm toán nhà nước khẳng định chênh lệch giá trị tài sản của doanh nghiệp này lên đến 279 tỉ đồng.
Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra một số sai sót trong việc kiểm kê, phân loại tài sản của DN này. Theo báo cáo, VTVcab không kịp thời thực hiện các thủ tục bàn giao tài sản là 195m2 nhà tại 844 La Thành. Một số khoản công nợ cũng chưa đối chiếu đầy đủ, thiếu 7 tỉ đồng chi phí thương hiệu…
Để khắc phục sai sót trên, trong báo cáo thẩm định, Kiểm toán nhà nước đề nghị VTVcab kiểm tra, điều chỉnh Báo cáo Tài chính năm 2015 đối với các nội dung liên quan đến công tác xử lý tài chính.
VTVcab phải kê khai và nộp thêm 625,8 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VTVcab tiếp tục xin ý kiến hai địa phương là TP Hà Nội và tỉnh Khánh Hòa về giá đất vàng ở hai lô đất có tổng diện tích hơn 150 m2 để tính vào giá trị DN khi cổ phần hóa.(Tuoitre)
--------------------------
Đường lậu Thái Lan biến tướng, VN mất 1.800 tỉ đồng/năm
Tại Hội nghị tìm giải pháp tiêu thụ đường bền vững do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tổ chức chiều 24-5, Đại diện Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho biết năm 2015 nhập lậu 382.00 tấn đường từ Thái Lan làm Việt Nam thất thu hơn 1.800 tỉ đồng tiền thuế.
Theo đại diện TTC, nếu nhập khẩu chính ngạch đường từ Thái Lan phải chịu mức thuế 80%,thế nhưng đường nhập lậu không phải đóng thuế, tuồn vào Việt nam tăng lên từng năm. Đến nay mỗi năm hơn nửa triệu tấn đường lậu nhập vào nước ta cạnh tranh thị trường khiến đầu ra các doanh nghiệp mía đường thêm khó khăn.
Hiện nay, đường trong nước luôn cao hơn đường Thái Lan nhập lậu ở các cửa khẩu từ : 1.000 - 2.000 đ/kg, đã làm cho đường trong nước kém cạnh tranh, tiêu thụ chậm, kích thích đường lậu hoạt động mạnh và rộng khắp hơn.
Hiện nay thị trường tiêu thụ đường lậu và gian lận thương mại đã lan tràn khắp cả nước, và địa bàn nhập lậu được mở rộng hơn từ các tỉnh biên giới phía Nam nay phát triển mạnh cả phía Bắc.
Doanh nghiệp mía đường trong nước cho biết gặp nhiều khó khăn vì đường lậu Thái Lan tại Hội nghị giải pháp tiêu thụ ngành đường tổ chức chiều 24-5.
Bên cạnh đó, đường lậu dùng các chiêu thức gian lận thương mại để hợp thức hóa đưa ra thị trường tiêu thụ. Cụ thể, các đối tượng gian lận trực tiếp bằng cách dùng bao bì nhãn mác của các nhà máy sản xuất đường trong nước.
Thêm một biến tướng gần đây là xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất đường phèn khu vực biên giới Campuchia gần cửa khẩu Vĩnh Xương và sâu trong nội địa với nguyên liệu sản xuất hoàn toàn là đường lậu Thái Lan, nhưng gian lận với hình thức khai báo khi bị kiểm tra là đường đầu vào có nguồn gốc là từ các nhà máy đường trong nước hoặc nguồn đường lậu bán đấu giá.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho hay Hiệp hội đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) chỉ đạo thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại một cách quyết liệt đối với mặt hàng đường, nhất là biên giới các tỉnh phía Nam, cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).(PLO)
--------------------------
Điện mặt trời phát triển chưa đúng tiềm năng
Tại hội thảo xây dựng, phát triển ngành điện mặt trời ở Việt Nam: hiện trạng và kinh nghiệm quốc tế do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (Giz) và Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương đồng tổ chức sáng 26-5 ở TP HCM, ông Rainer Brohn, tư vấn viên Công ty Tư vấn năng lượng tái tạo RB, cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của phát triển thị trường nên còn rất nhiều thách thức cần vượt qua.
Theo ông Rainer Brohn, Việt Nam có tiềm năng bức xạ điện mặt trời tốt so với các nước trong khu vực và thế giới. Ngành công nghiệp hỗ trợ điện mặt trời trong nước cũng đang phát triển. Tuy nhiên, trong cấu trúc thị trường hiện chưa có những dự án lớn mà mới có 20% hệ thống nối lưới công suất quy mô vừa và lớn (lớn hơn 50 KWp) đang được thử nghiệm, trình diễn và cho mục đích thương mại; 80% còn lại là các ứng dụng điện mặt trời quy mô nhỏ, dùng cho hệ thống chiếu sáng gia đình và công cộng hoặc trạm điện năng lượng mặt trời, hệ thống lai ghép không nối lưới ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đặc biệt, chưa có hệ thống điện mặt trời trên mặt đất nào được lắp đặt. "Trong 2 năm qua, các nhà đầu tư rất quan tâm đến điện mặt trời tại Việt Nam, hiện có khoảng 50-70 dự án với nhiều MW tiềm năng. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ các dự án điện mặt trời, theo đó giá mua điện mặt trời 9,35 cents/KWh và cơ chế bù trừ điện năng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thể thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này. Dù vậy, còn nhiều rào cản liên quan đến thủ tục, tiếp cận vốn và bảo lãnh, quy trình cấp phép đầu tư phức tạp, chưa rõ ràng…" - ông Rainer Brohn nhận xét.
Đồng tình với những nhận định này, các diễn giả kiến nghị nhà nước cần sớm hoàn thành khung pháp lý hỗ trợ điện mặt trời phát triển. Cụ thể, cần nhanh chóng cung cấp thông tin rõ ràng về khung pháp lý cho điện mặt trời giai đoạn sau năm 2019 (vì quyết định hiện hành chỉ có hiệu lực đến hết tháng 11-2019); nhà nước và các địa phương cần hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thu hồi đất và quy trình đầu tư, cải thiện các điều kiện tài trợ vốn…
Theo Tổng cục Năng lượng, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam rất lớn. Trong đó, tiềm năng cho khu dân cư và thương mại ước đạt tối thiểu 2-5 GWp trong thập kỷ tới. Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng công suất điện mặt trời từ khoảng 6-7 MW vào cuối năm 2015 lên 850 MW vào năm 2020, 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW vào năm 2030.(NLĐ)