Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa dừng lại; Cherry Úc chính thức được vào Việt Nam; TP.HCM điều chỉnh 451 đồ án quy hoạch; Cảnh báo tình trạng khai sai mã hàng ở khu vực cảng Hải Phòng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-08-2017
- Cập nhật : 26/08/2017
Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa dừng lại
Mùa Hè năm 2007, khủng hoảng địa ốc bùng phát - hồi thứ nhất của một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản khiến chứng khoán toàn cầu lao dốc và tâm chấn chuyển từ Mỹ sang châu Âu.
Khủng hoảng nợ công khiến Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đứng bên bờ vực tan rã. Suốt một thập kỷ vừa qua, cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kép 2007-2008. Đến năm 2017, nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính lại nhen nhóm từ Trung Quốc.
Theo cơ quan tư vấn tài chính McKinsey, trong thời gian 2007-2017, nợ công của các chính phủ trên thế giới tăng với nhịp độ 9,7% một năm thay vì 5,8% thời kỳ tiền khủng hoảng. Nợ công trên thế giới đã tăng thêm 25.000 tỷ USD trong 10 năm qua. Lo ngại một số quốc gia mất khả năng thanh toán vẫn chưa được xua tan.
Thierry Philipponnat, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Friedland - Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris- cho rằng các biện pháp kiểm soát hoạt động của ngành ngân hàng trong thập niên qua đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng, chủ yếu là để phác họa ra một cơ sở pháp lý chung, lập một số rào cản không cho các ngân hàng “làm liều”. Tuy nhiên, giới chức tài chính không quy định rõ những sản phẩm tài chính được tạo ra để làm gì. Đây là một sơ hở lớn, không gì có thể cấm các tay môi giới tiếp tục đem tiền của khách hàng “đi đánh bạc” để dễ kiếm lời. Cốt lõi của vấn đề xoay quanh câu hỏi: Tư bản có được dùng để tài trợ cho các chương trình phát triển, cho khu vực sản xuất hay không? Bao nhiêu phần trăm trong số đó thực sự được bơm vào cho lĩnh vực kinh tế? Do đó, nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng mới vẫn còn đó.
Trong khi đó, tài chính Trung Quốc ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trên thế giới và có ảnh hướng lớn với phần còn lại của toàn cầu. Tuy nhiên, nợ của Trung Quốc đã tăng nhanh nhất trên thế giới - đặc biệt là từ năm 2008 tới nay. Theo các thống kê mới nhất, nợ của Trung Quốc tương đương với 250% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Gần 95% trong số đó do các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ. Đây vừa là cái may, nhưng cũng là một mối nguy hiểm. Một mặt, Bắc Kinh sẽ không sợ bị các chủ nợ nước ngoài gây áp lực. Mặt khác, trong trường hợp các con nợ mất khả năng thanh toán, các ngân hàng có nguy cơ bị phá sản.
Theo đánh giá của IMF, Trung Quốc hiện đang ngồi trên một núi nợ 1.500 tỷ USD. Nếu như khoản nợ này bị mất giá 50% thì thiệt hại sẽ lên tới 750 tỷ USD. Đây chính là khoản tiền mà “cơn đại hồng thủy” hồi tháng 9/2008 đã cuốn trôi trên thị trường Mỹ sau vụ Lehman Brothers phá sản.(Baohaiquan)
------------------------------
Cherry Úc chính thức được vào Việt Nam
Ngày 24-8, Bộ trưởng Ruston phụ trách nông nghiệp và tài nguyên nước của Chính phủ Úc khẳng định Úc và Việt Nam vui mừng chấp nhận cho nhau các điều kiện nhập khẩu cherry và thanh long.
Úc chấp nhận các điều kiện nhập khẩu mới cho quả thanh long Việt Nam vào Úc. “Đổi lại”, Việt Nam cho phép quả anh đào (cherry) của Úc được xuất khẩu vào Việt Nam bắt đầu vào mùa thu hoạch 2017-2018.
“Kết quả hôm nay là một tin mừng cho ngành công nghiệp cherry của Úc, mở cửa thị trường Việt Nam cho quả cherry là ưu tiên hàng đầu của chúng ta”, Bộ trưởng Ruston khẳng định.
Điều kiện xuất khẩu cho quả cherry và thanh long hiện đã được nhất trí thông qua để hoạt động thương mại cho các quả này sớm bắt đầu.
Hai nước sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả để đẩy nhanh tiến trình đánh giá nhập khẩu nhằm mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây ưu tiên khác. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục có những thảo luận với đối tác Việt Nam để cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường cho các quả cam, quýt và nho Úc”, Bộ trưởng Ruston cho biết.
Được biết, cherry Úc xuất khẩu đạt đến 76 triệu USD/năm trong năm 2015-2016 với số lượng đến 5.600 tấn.
Mùa cherry tại Úc có từ cuối tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Nhiều người bán cherry tự giới thiệu cherry Úc hàng “xách tay” với mức giá chênh lệch nhau rất lớn. Tuy nhiên, điều người tiêu dùng lo ngại nhất là khó phân biệt cherry Úc, Mỹ với cherry Trung Quốc. Cherry Trung Quốc giá sỉ chỉ khoảng 200.000 đồng/ký.
Bộ trưởng Anne Ruston đang thăm Việt Nam từ ngày 22-26 tháng 8, đại diện cho chính phủ Úc tại diễn đàn bộ trưởng tại kỳ họp APEC cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.(PLO)
---------------------------
TP.HCM điều chỉnh 451 đồ án quy hoạch
“Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) đã hoàn tất việc rà soát, đánh giá quá trình thực hiện của khoảng 600 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt.
Qua rà soát đánh giá đã xác định nhiều khu vực quy hoạch còn bất cập, thiếu tính khả thi”, Phó giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Toàn cho biết tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong với sở này (ngày 25.8).
Theo báo cáo của Sở QH-KT, trong số 600 đồ án nêu trên, có 451 đồ án thiếu tính khả thi được UBND TP chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh. Đó là các quy hoạch công trình công cộng, công viên cây xanh, lộ giới, đường dự phóng…
Cạnh đó, TP cũng đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2000 đối với 39 khu vực và tuyến đường giao thông. Hiện nay, 24 quận, huyện cũng đang lập điều chỉnh cục bộ 399 đồ án để Sở QH-KT thẩm định trước khi trình TP phê duyệt. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở
QH-KT cùng các đơn vị có liên quan khi điều chỉnh quy hoạch cần phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề dân số. Đối với các đồ án quy hoạch được duyệt, cố gắng giữ để không phát sinh tăng dân số. Theo ông Phong, số liệu thống kê hiện nay TP có 8,4 triệu người nhưng thực tế phải quản lý đến khoảng 13 triệu người hiện hữu.
“Tất cả các chỉ tiêu TP được phân bổ chỉ tính trên dân số 8,4 triệu người nhưng TP đang phải lo cho 13 triệu người. Do đó, kiểm soát dân số là rất quan trọng. Quy hoạch phải tính toán chặt chẽ việc phân bổ dân cư, đặc biệt là vùng lõi trung tâm”, ông Phong lưu ý.(Thanhnien)
----------------------------
Cảnh báo tình trạng khai sai mã hàng ở khu vực cảng Hải Phòng
Liên tiếp những vụ việc khai chủng loại, mã số hàng hóa với số tiền thuế thiếu hụt (so với hàng thực nhập) từ vài chục đến cả trăm triệu đồng đối với hàng hóa nhập khẩu về khu vực cảng Hải Phòng đã được lực lượng Hải quan kịp thời phát hiện. Điều này cho thấy nguy cơ gian lận, trốn thuế qua khai sai mã số hàng hóa luôn nóng, nhất là với địa bàn có lưu lượng hàng hóa XNK lớn.
“Hô biến” hàng có thuế thành… thuế 0%!
Mới đây, Công ty B. mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) nhập khẩu gần 130 tấn thép, xuất xứ từ Nhật Bản. Trong đó phần lớn hàng hóa được DN tự khai vào mã số của dòng sản phẩm có thuế suất thuế Nhập khẩu 0%. Cụ thể, DN khai báo 102,3 tấn thép cuộn cán nóng, đã ngâm tẩy gỉ và tráng phủ dầu có chiều dày 1,3-2,3 mm, hàng loại 2, không hợp kim, xuất xứ Nhật Bản, mã HS 72082790, thuế suất thuế Nhập khẩu 0%. Số hàng còn lại (hơn 27 tấn) được DN khai báo là thép cuộn mạ kẽm bằng phương pháp nhúng nóng, chiều dày 1,4-2,0 mm, hàng loại 2, không hợp kim, xuất xứ Nhật Bản, mã HS 72104999, thuế suất thuế Nhập khẩu 10%.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và kết quả giám định hàng hóa, lực lượng Hải quan phát hiện DN khai sai chủng loại, mã số hàng hóa làm thiếu số tiền thuế phải nộp. Theo đó, trong lô hàng trên có hơn 41 tấn thép cuộn cán phẳng, mạ kẽm bằng phương pháp nhúng nóng, chiều dày từ 0,5-1,2 mm, có HS 72104912, thuế suất thuế Nhập khẩu 20%. Số hàng hơn 88 tấn còn lại được xác định là thép cuộn cán phẳng, mạ kẽm bằng phương pháp nhúng nóng, chiều dày từ 1,3-2,3 mm, có mã HS 72104999, có thuế suất thuế Nhập khẩu 10%.
Như vậy, theo kết quả kiểm tra thực tế của cơ quan Hải quan và kết quả giám định của cơ quan chức năng, toàn bộ lô hàng kể trên đều có thuế suất thuế Nhập khẩu là 10% và 20%, khác rất nhiều so với khai báo trước đó của DN như đề cập ở trên. Nếu tạm tính đơn giá nhập khẩu bình quân 10 triệu đồng/tấn, số thuế chênh lệch giữa khai báo của DN và hàng thực nhập cũng lên đến hơn trăm triệu đồng.
Trường hợp khác, mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng) đã phát hiện Công ty M. có hành vi khai báo sai chủng, mã số thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Khi làm thủ tục hải quan, DN khai báo hàng nhập khẩu là gần 87 tấn bột giấy Kraft được sản xuất bằng phương pháp sulphat từ gỗ cây lá kim, chưa tẩy trắng, loại không hòa tan, dạng cuộn; mã HS 47031100, có thuế suất thuế Nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của cơ quan Hải quan và giám định của cơ quan chức năng, hàng hóa thực nhập là giấy kraft lớp mặt, loại chưa tẩy trắng, thành phần bột giấy kraft trên 80%, bề mặt không tráng phủ, độ bục 560 kPa, dạng cuộn, mã số HS 48041100; có thuế suất thuế Nhập khẩu 15%...
Các trường hợp nêu trên không phải là cá biệt ở khu vực cảng Hải Phòng. Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian gần đây, các chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện nhiều trường hợp khai báo sai chủng loại, mã số hàng nhập khẩu dẫn đến thiếu hụt tiền thuế phải nộp.
Chủ yếu xử lý vi phạm hành chính
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết, các hành vi khai sai chủng loại, mã số, hoặc số lượng hàng hóa… thường do các chi cục xử lý theo thẩm quyền. Theo thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng, riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn Cục xử phạt vi phạm hành chính 2.865 vụ, trong đó có 2.826 vụ xử phạt tại cấp chi cục; 17 vụ xử phạt tại cấp Cục; chuyển Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra quyết định xử phạt 22 vụ, thu nộp ngân sách từ xử lý vi phạm hành chính tổng số tiền 8,75 tỷ đồng.
Để làm rõ hơn quy định xử lý đối với các trường hợp khai sai mã số hàng hóa dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, ngày 21/8, phóng việc Báo Hải quan làm việc với bà Trịnh Thanh Hải- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan). Bà Hải cho biết: Hiện nay căn cứ xử lý vi phạm hành chính với trường hợp nêu trên được quy định tại Điều 8 và Điều 13 Nghị định 45/2016/NĐ-CP. Trong đó, Điều 8 quy định về việc xử lý vi phạm quy định về khai thuế. Theo đó, người nộp thuế có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì ngoài việc nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo quy định còn bị xử phạt bổ sung như phạt 10% hoặc 20% số tiền thuế khai thiếu…
Còn Điều 13 quy định xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế, có chế tài xử lý nặng hơn. Cụ thể, người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong lĩnh vực hải quan (quy định tại Khoản 1 Điều 13) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định, còn bị phạt tiền bằng 1 lần số tiền thuế trốn, gian lận trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì đối với tổ chức mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 3 lần số tiền thuế trốn, gian lận; đối với cá nhân mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,1 lần nhưng không quá 1,5 lần số tiền thuế trốn, gian lận.(Baohaiquan)