Đại gia Đặng Văn Thành 'thâu tóm' ngành mía đường; Định giá hụt VTVcab 279 tỉ đồng khi cổ phần hóa; Đường lậu Thái Lan biến tướng, VN mất 1.800 tỉ đồng/năm; Điện mặt trời phát triển chưa đúng tiềm năng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-05-2017
- Cập nhật : 26/05/2017
Đường 'lạ' giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam
Hàng trăm ngàn tấn đường lỏng chiết xuất từ bắp được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế 0% đang tràn vào Việt Nam mỗi năm.
Nhiều doanh nghiệp đã tỏa ra lo ngại về loại đường lỏng bắp nhập từ Trung Quốc được các công ty bánh kẹo, nước ngọt tiêu thụ nhiều giảm mua đường trắng trong nước tại Hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ cho ngành đường Việt Nam tổ chức chiều 24-5 tại TP.HCM.
Bà Dương Thị Tô Châu, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), cho biết theo số liệu DN nắm được, năm 2016, loại đường lỏng (không thể kết tinh) được chiết xuất thủy phân hóa học từ hạt bắp có độ ngọt nhập khẩu hơn 47.000 tấn vào Việt Nam.
Loại đường mới có thể thay thế đường trắng này nhập vào nước ta chủ yếu từ Trung Quốc được các công ty sản xuất bánh kẹo, nước ngọt sử dụng ngày càng nhiều.
Đây có thể là nguyên nhân chính khiến tiêu thụ đường của các công ty mía đường trong nước giảm mạnh, khiến lượng đường tồn kho tăng.
“Đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP.HCM có giá khoảng 12.000 đồng/kg rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước 14.000 – 17.900/kg đồng tùy loại. Chưa kể độ ngọt của loạt đường lỏng này gấp 1,1-1,3 lần so với đường trắng trong nước.
Đáng nói là đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc lại đang được hưởng mức thuế 0%, trong khi nhập khẩu đường trắng trong hạn ngạch cũng chịu thuế 5%, ngoài hạn ngạch lên tới 80%” bà Châu tiết lộ.
Ông Phạm Quốc Doanh, chủ tịch VSSA cho biết đầu ra tiêu thụ giảm mạnh khiến tồn kho trong nước hơn 700 ngàn tấn đường.
Bày tỏ lo lắng về chất lượng loại đường này, bà Châu cho biết một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra loại đường lỏng này được chiết xuất từ phương pháp thủy phân, có cho thêm các chất hóa học nên chắc chắn cũng ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe người sử dụng. Một số nước cũng có những quy định hạn chế loại chất ngọt thay thế này.
Điều đáng lo nữa là loại đường lỏng này có thể được chiết xuất từ bắp biến đổi gen (GMO) vì cần số lượng lớn nên Việt Nam cần kiểm soát vấn đề này.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho biết loại đường lỏng bắp là chất ngọt thay thế được các doanh nghiệp bánh kẹo, nước giải khát sử dụng. Lượng đường lỏng Trung Quốc này đang được thị trường Việt Nam tiêu thụ nhiều hơn, điểu này khiến thị phần trong nước của đường trắng nước ta bị cạnh tranh khốc liệt.
Theo ông Doanh, loại đường lỏng này được các công ty sản xuất các sản phẩm chế biến từ đường sử dụng nhưng không cơ quan nào kiểm soát, thuế nhập khẩu lại 0%, giá rẻ, độ ngọt lại cao sẽ là “đối thủ” khiến đường nội địa gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh không công bằng.
"Đó là chưa kể trên thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi về lợi ích, tác hại của loại đường này, nên cần cơ quan chức năng trong nước nghiên cứu, có biện pháp kiểm soát. Hiệp hội sẽ có kiến nghị tăng thuế đối với loại đường lỏng gây ảnh hưởng đến đường trắng sản xuất trong nước", ông Doanh nói.(PLO)
----------------------------------
Đất nền Sài Gòn quay đầu giảm giá
Leo thang thời gian dài và tăng nóng những tháng đầu năm, giá đất tại các huyện vùng ven và quận ngoại thành TP HCM bất ngờ điều chỉnh nhẹ và đi ngang, giao dịch chậm lại.
Khảo sát của VnExpress, một tuần qua, sau khi TP HCM xem xét sửa đổi Quyết định 33 về việc tách thửa, thị trường đất nền đã nhanh chóng chuyển từ trạng thái nóng sốt sang đi ngang và hạ nhiệt. Động thái tiếp theo, hôm 20/5, lãnh đạo Thành phố công bố thông tin 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè chưa đủ điều kiện lên quận và khẳng định các "siêu dự án" tại Củ Chi mới tồn tại dưới dạng ý tưởng đề xuất của doanh nghiệp. Các thông tin dồn dập này đã làm hãm đà tăng giá đất, thậm chí, một số nơi ghi nhận giảm nhẹ, giao dịch đình trệ.
Cụ thể, đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn từ đỉnh một triệu đồng mỗi m2 đã bắt đầu giảm 200.000-300.000 đồng mỗi m2, tỷ lệ giảm trên 20%. Đất nền thổ cư trên địa bàn 2 huyện vùng ven này cũng đi ngang, một số vị trí mặt tiền hoặc gần trục đường lớn ghi nhận giảm giá trên 10%.
Đáng chú ý là trong 2 ngày qua, trên các cổng thông tin giao dịch trực tuyến, sản phẩm đất nền tại Hóc Môn được chào hàng giá khá rẻ so với đầu năm, chấp nhận thương lượng, ngã giá thêm. Trong những thông tin chào bán, chủ nhà đất nêu rõ mục đích bán để trả nợ. Còn đất nền tại Củ Chi thậm chí còn hạ nhiệt sớm hơn 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè do các "siêu dự án" bị lợi dụng làm công cụ kích giá đất tăng được công bố rõ là chỉ mới dừng lại ở ý tưởng.(VNE)
---------------------------
Thêm 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp TP HCM
Chiều 24/5, UBND TP HCM trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre và Công ty TNHH Việt Nam Paiho.
Đây là 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Dự án thứ nhất là Nhà máy chế biến thực phẩm Cầu Tre tại Khu công nghiệp Hiệp Phước với diện tích hơn 7 ha, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng tương đương 53,3 triệu USD. Dự án này do Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre với 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tập đoàn CJ Cheiljedang Hàn Quốc làm chủ đầu tư.
Ảnh minh họa
Dự án thứ hai là Nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Paiho của Đài Loan, 100% vốn đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3. Nhà máy này có tổng diện tích trên 8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 755 tỷ đồng, tương đương 34 triệu USD, sản xuất hàng dệt may.
Với hai dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư hôm nay, Ủy ban Nhân dân TP HCM mong muốn tạo điều kiện thuận lợi, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố. Tính đến nay, thành phố đã có 533 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 5,4 tỷ USD, hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (VOV)
------------------------------
ADB cấp hạn mức 50 triệu USD mỗi năm tài trợ thương mại cho Việt Nam
Ngày 24/5, ADB cho biết chương trình tài trợ thương mại cung cấp các khoản bảo lãnh lên tới 50 triệu USD mỗi năm để hỗ trợ hoạt động tài trợ thương mại ở Việt Nam.
Cụ thể, ADB đã bổ sung hai ngân hàng Việt Nam vào trong chương trình tài trợ thương mại (TFP) của ADB gồm Ngân hàng Cổ phần An Bình (ABBANK) và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Chương trình tài trợ thương mại của ADB cung cấp các khoản bảo lãnh lên tới 50 triệu USD mỗi năm để hỗ trợ hoạt động tài trợ thương mại ở Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Steven Beck, Giám đốc khối tài trợ thương mại của ADB cho biết: “Thương mại và tài trợ thương mại là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như tạo công ăn việc làm. Chương trình nhằm mục tiêu giúp Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng cơ hội thương mại, nâng cao tính cạnh tranh, và thúc đẩy tăng trưởng đồng đều với thương mại làm động lực”.
“Hợp tác với Chương trình tài trợ thương mại sẽ không chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn, mà còn tạo cơ hội để ngân hàng chúng tôi khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường tài chính và ngân hàng”, Tổng Giám đốc ABBANK Cù Anh Tuấn nói.
Lãnh đạo Ngân hàng An Bình nhấn mạnh rằng việc ký thỏa thuận với Chương trình tài trợ thương mại đánh dấu bước khởi đầu của một tiến triển tích cực và mối quan hệ chặt chẽ giữa ADB và ABBANK trong việc phát triển các dịch vụ ngân hàng của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng ADB sẽ tiếp tục tin tưởng và hỗ trợ để thúc đẩy hơn nữa phát triển thương mại của Việt Nam với các nước khác.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết bên cạnh mức bảo lãnh tài trợ thương mại 30 triệu USD, mạng lưới rộng khắp của ADB với các ngân hàng và thể chế tài chính khác sẽ mang đến cơ hội to lớn cho TPBank để mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu của mình.
Theo lãnh đạo TPBank, khoản bảo lãnh từ ADB sẽ được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Theo ADB, chương trình tài trợ thương mại đã hỗ trợ các hoạt động thương mại trị giá 8,2 tỷ USD thông qua 5.814 giao dịch, gồm cả bảo lãnh và cấp vốn trực tiếp, tại Việt Nam. Trong tổng số các giao dịch của chương trình ở Việt Nam, 67% có liên quan tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình hiện đang cộng tác với 11 ngân hàng thương mại ở Việt Nam, và với lễ ký kết ngày hôm nay, con số này sẽ tăng lên 13 ngân hàng thương mại.
Với xếp hạng tín dụng AAA của ADB, chương trình tài trợ thương mại cung cấp các khoản vay và bảo lãnh cho hơn 200 ngân hàng đối tác để hỗ trợ thương mại, cho phép có thêm nhiều công ty hơn nữa ở Châu Á tham gia các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.
Từ năm 2009, Chương trình Tài trợ Thương mại đã hỗ trợ hơn 9.200 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp khu vực Châu Á đang phát triển thông qua hơn 13.000 giao dịch với trị giá hơn 25,5 tỷ đôla trong các lĩnh vực từ hàng hóa và tư liệu sản xuất tới trang thiết bị y tế và hàng tiêu dùng.(NDH)