tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 27-05-2017

  • Cập nhật : 27/05/2017

Đừng để kinh tế Việt Nam chỉ phụ thuộc vào Samsung

Đây là thông điệp ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM nhấn mạnh trong phiên thảo luận tổ chiều 25.5 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.

db tran hoang ngan phat bieu thao luan to anh ngoc thang

ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận tổ ẢNH NGỌC THẮNG

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, GDP quý 1.2017 chỉ đạt 5,1% là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây có một lý do là do nhập siêu. Việc này lại bắt nguồn từ việc Tập đoàn Samsung thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 bị lỗi.

“Đây là một cảnh báo về việc nền kinh tế của Việt Nam dựa vào các tập đoàn lớn của nước ngoài. Khi họ có rủi ro là lập tức tác động GDP, đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, ĐB Ngân phân tích. 

Để khắc phục vấn đề này, ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh quan điểm cần nâng cao độc lập tự chủ trong kinh tế, trong đó có vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân.

Theo ĐB Ngân, bối cảnh hiện tại đang có nhiều thuận lợi cho kinh tế tư nhân, như Nghị quyết T.Ư 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, Chính phủ có Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp... GDP TP.HCM trong quý 1.2017 đã tăng trưởng tới 7,46%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2016, trong đó có đóng góp chủ lực của thành phần kinh tế tư nhân.

“Điều đó cho thấy nếu kinh tế tư nhân được đầu tư đúng mức, được hỗ trợ sẽ đóng góp vào tăng trưởng”, ĐB Ngân khẳng định.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhắc lại thông tin Chính phủ đặt chỉ tiêu GDP 2017 là 6,7% và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chỉ tiêu này, và cho rằng, việc đặt ra như thế chỉ để quyết tâm, vì nếu không đạt thì cũng không ai bị kỷ luật.

“Câu hỏi đặt ra là đánh giá phát triển cho chỉ số GDP đã lạc hậu rồi nhưng tại sao mình vẫn cắm đầu, cắm cổ vào chỉ số này? GDP muốn bao nhiêu phần trăm cũng được, nhưng cái giá phải trả là gì? Ví dụ như vấn đề môi trường, con người, trong dài hạn, các nước trả giá rất nhiều. Trung Quốc cũng đã nói họ đã phải trả giá đắt cho suốt 30 năm tăng trưởng cao”, ĐB Nghĩa dẫn chứng.

Theo ĐB Nghĩa, vấn đề về tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được nói từ 5 năm nay nhưng năm nào cũng nói tái cơ cấu chậm, mô hình cũ dựa vào khai thác tài nguyên.

“Chính phủ cần giải trình thêm về sự lựa chọn tăng trưởng của mình. Nếu tăng trưởng thấp hơn ở mức 6,3% nhưng hiệu quả cao, hiệu quả tốt, chăm sóc về mặt xã hội tốt hơn, bảo vệ tài nguyên, môi trường thì người dân cũng hoan nghênh”, ĐB Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Đáng chú ý, theo ĐB này, về lĩnh vực xã hội hiện đang rất báo động nhưng báo cáo của Chính phủ chưa nói nhiều vấn đề này. Con số lạm phát trên báo cáo rất khác với lạm phát thực sự trong đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt ở các vùng miền xa xôi. Lạm phát đang tác động lớn vào bữa ăn người lao động. Đời sống công nhân các khu công nghiệp, các nhà máy rất khó khăn, vấn đề thực phẩm chất lượng kém, dịch vụ y tế tăng giá.

“Người dân rất lo lắng. Rồi từ những vấn đề này đẻ ra thất học, tệ nạn, tội phạm, nhưng cũng chưa thấy có giải pháp gì”, ĐB Nghĩa phản ánh.(Thanhnien)
-------------------------------

Kinh tế châu Âu vẫn rất 'mỏng manh' cho dù có sự tăng vọt

Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu có vẻ như đã là một kỷ niệm xa vời, nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo ngại rằng tài chính của các chính phủ trong khu vực vẫn còn rất mỏng manh.

la co cua lien minh chau au ben ngoai tru so uy ban chau au tai brussels (bi) anh: reuters

Lá cờ của Liên minh châu Âu bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels (Bỉ) ẢNH: REUTERS

Sau khi ông Emmanuel Macron chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nền kinh tế chung châu Âu đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Kết quả này cũng làm tăng thêm niềm tin và động lực cho các nhà kinh doanh, đồng thời còn gửi đi một thông điệp rằng, cuối cùng thì giờ đây lục địa này đã có thể bỏ đi những bóng đen u ám, tồi tệ lại phía sau. Không những thế, các cuộc điều tra của khu vực tư nhân cho thấy khu vực đồng euro đang phát triển với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2011, thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ lớn đã đe dọa đưa Hy Lạp và các nền kinh tế ngoại vi rơi ra khỏi khu vực.

Tuy nhiên, mặc cho có những tín hiệu đáng mừng, ECB vẫn cảnh báo rằng sẽ còn nhiều nguyên nhân để nhà lãnh đạo các nước trong Liên minh châu Âu (EU) phải thận trọng. Cụ thể phải kể ra, một là sự bùng nổ tăng trưởng dự kiến của Mỹ để bình thường hóa lãi suất có thể sẽ không thành công. Hai là thị trường trái phiếu toàn cầu có khả năng biến động, ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính. Trong khi đó, các chính phủ thuộc khu vực đồng euro vẫn chưa có đủ khả năng kiểm soát nợ, đặc biệt khi các hộ gia đình trong nước vẫn đang còn phải đi vay nợ. Và điều này có nghĩa là khu vực công cũng như tư nhân có thể dễ bị tổn thương nếu tăng trưởng chững lại vì bất kỳ lý do nào.

“Sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy tâm lý thị trường toàn cầu trong giai đoạn đầu của cuộc đánh giá. Nhưng hầu hết các biện pháp giảm căng thẳng ở khu vực vẫn ở mức thấp trong sáu tháng qua”, ECB cho biết trong cuộc rà soát về ổn định tài chính.

Song những diễn biến gần đây ở Mỹ đã gây ra một số nghi ngờ đồng thời cho thấy sự lơ là đáng kể ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, và khiến ECB phải kêu gọi các chính phủ trong khu vực nên gia hạn cam kết kiểm soát tài chính cũng như cải cách nền kinh tế nếu muốn tránh khỏi một sự hỗn loạn về tài chính.

“Nhìn chung, rủi ro đối với sự ổn định tài chính vẫn còn rất lớn, chủ yếu là do khả năng định giá lại nhanh chóng trên thị trường thu nhập cố định toàn cầu. Ở một số nước, nơi mà các thị trường đang nhìn nhận rằng tình hình chính trị có thể hỗ trợ trong việc theo đuổi các mục tiêu cải cách, cơ cấu tài chính thì cần nên có thêm tiền mặt để đối phó với những nguy cơ cao trong trái phiếu chính phủ”, báo cáo của ECB cho hay.

Theo The Telegraph, sự gia tăng lãi suất toàn cầu sẽ gây sức ép lên chính phủ đang có nhiều nợ nần nhất. Trong đó Ý và Bồ Đào Nha là những nước có lãi suất có thể vượt quá tăng trưởng GDP, đồng nghĩa với việc gánh nặng nợ nần sẽ tiếp tục tăng.

“Ở một số nước trong khu vực, triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục bị chững lại bởi các khoản nợ xấu. Các thách thức về cơ cấu cũng ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận dài hạn của các ngân hàng, bao gồm cả mức dư thừa trong thị trường ngân hàng nhất định, hạn chế mức độ đa dạng hóa thu nhập và cả sự không hiệu quả về chi phí trong một số lĩnh vực ngân hàng”, ECB cho biết, đồng thời nhấn mạnh “cơ sở nguyên tắc tài chính của các chính phủ trong khu vực vẫn còn yếu”.(Thanhnien)
--------------------------

Lạm phát có thể cản đường tăng lãi suất của Fed

Phần lớn Phố Wall tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ít nhất là hai lần trong năm nay, nhưng lạm phát thấp hơn dự kiến có thể sẽ ngăn chặn hướng đi của Fed.

Trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế, Fed đã tăng lãi suất ba lần kể từ tháng 12.2015. Các nhà kinh tế học và chiến lược gia ở Phố Wall mong đợi từ giờ đến cuối năm 2017 sẽ có ít nhất hai lần tăng lãi suất được thực hiện. Tuy nhiên, lạm phát thấp hơn dự kiến sẽ là một rào cản đáng kể cho ngân hàng trung ương trong việc tìm kiếm và bình thường hóa một tỷ lệ chuẩn của nền kinh tế hậu khủng hoảng.

Theo CNBC, chỉ số tiêu dùng cá nhân, phương pháp đo lường được Fed ưa thích, hiện chỉ tăng 1,8% không bao gồm thực phẩm và năng lượng. Con số này dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng, thước đo trung bình trong mắt các quan chức của Fed, gần đây cũng chỉ cho thấy mức tăng cốt lõi là 1,9%.

Hiện tại, các quan chức của Fed đang đánh dấu những con số kinh tế ảm đạm gần đây là “tạm thời”, một thuật ngữ chỉ ra sự biến động, không đáp ứng được kỳ vọng kinh tế của cơ quan này. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn trông đợi Fed tuân thủ với các dự báo tăng lãi suất đã đưa ra trước đó.

“Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và tháng 9. Kịch bản cuộc họp vào tháng 6 có thể không phải là thông báo về đợt tăng lãi suất mới, nhưng nó cũng phải cho thấy những thay đổi chính thức trong dự báo kinh tế của Fed”, Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế học của Citigroup, cho biết.(TN)
------------------------------

Rà soát lần hai thuế chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu

Bộ Công thương ngày 23.5 đã ban hành Quyết định số 1849/QĐ-BCT tiến hành rà soát lần thứ hai đối với biện pháp chống bán phá giá cho mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào VN.

Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát của một số doanh nghiệp nhập khẩu thép và công ty nước ngoài xuất khẩu vào VN.

Từ tháng 9.2014, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào VN từ các nền kinh tế: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Đến cuối tháng 4.2016, Bộ Công thương công bố kết quả rà soát lần thứ nhất và áp thuế chống bán phá giá từ 9,55 - 37,29% đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các nước nêu trên. Mức thuế này được áp dụng trong vòng 3 năm (kéo dài đến tháng 6.2019) nếu không được rà soát lại.(TN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục