Thống đốc NHNN ra chỉ thị đẩy mạnh xử lý nợ xấu; Goldman Sachs lạc quan khủng hoảng sẽ không nổ ra vào năm 2020; Trung Quốc sẽ không phá giá đồng nội tệ để cạnh tranh
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-05-2017
- Cập nhật : 28/05/2017
Tháo gỡ bất cập trong quản lý ngoại hối về thương mại biên giới Việt - Trung
Việc thu đổi ngoại tệ cá nhân, đặc biệt là đổi tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc tại các tỉnh biên giới đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho việc quản lý ngoại hối.
Ngày 26/5, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị quản lý hoạt động ngoại hối về thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc với sự tham gia của đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc, các ngân hàng thương mại có quan hệ thanh toán biên mậu với các ngân hàng Trung Quốc và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Hội nghị nhằm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và dự thảo Thông tư thay thế Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN về "Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc".
Tại hội nghị, bàn về sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Nghị định 89/2016/NĐ-CP, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong những năm qua, hoạt động của các bàn đổi ngoại tệ cá nhân, đặc biệt là bàn đổi tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc, đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đồng thời bị biến tướng gây khó khăn cho việc quản lý ngoại hối, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ trên địa bàn các khu vực biên giới.
Hồ sơ thủ tục cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân quá đơn giản dẫn đến tình trạng các bàn đổi ngoại tệ cá nhân thành lập tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, mặc dù đã có quy định về thu hồi giấy phép đối với trường hợp vi phạm của bàn đổi ngoại tệ cá nhân nhưng do đối tượng áp dụng là cá nhân nên việc xử lý các trường hợp sai phạm gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo vai trò quản lý hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước.
Hơn nữa, các quy định của Nghị định trên không phân biệt điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ khác trong khi khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu có những đặc thù riêng biệt.
Đồng thời, hoạt động sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam ngoài việc thực hiện theo các quy định chung về quản lý ngoại hối còn thực hiện theo quy định tại các Hiệp định giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới.
Do đó cần có những điều kiện riêng, quy định riêng nhằm vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đồng thời vẫn phát huy hiệu quả sử dụng tiền của nước có chung biên giới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, dự thảo Nghị định mới đã có những quy định tách biệt điều kiện đối với tổ chức kinh tế làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với đại lý đổi ngoại tệ khác.
Theo đó, quy định về địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung biên giới đã có tính linh hoạt hơn so với địa điểm đặc đại lý đổi ngoại tệ khác. Không nhất thiết phải đặt ở một trong các điểm như cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên, cửa khẩu quốc tế, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài, trung tâm thương mại... như quy định trước kia.
Bên cạnh đó, quy định về vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của tổ chức kinh tế cũng được bổ sung nhằm đảm bảo các tổ chức có đủ năng lực tài chính mới được xem xét cấp phép.
Đặc biệt, theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân không được thành lập bàn đổi ngoại tệ. Tuy vậy, dự thảo Nghị định bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các bàn đổi ngoại tệ cá nhân theo hướng các cá nhân đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập bàn đổi tiền của nước có chung biên giới trước đây được tiếp tục thực hiện hoạt động đổi ngoại tệ trong thời gian 1 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Sau thời hạn trên, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp để Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp phép thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Ngoài ra, Thông tư thay thế Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN về "Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc" đã bãi bỏ quy định cấp phép thu tiền mặt đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đối với doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ dành riêng cho người nước ngoài.(TTXVN)
------------------------------------
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp thăm chính thức Nhật Bản
Thủ tướng Việt Nam và phu nhân sẽ đến thăm Nhật Bản từ ngày 4/6, ba ngày sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ.
Chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam kéo dài đến ngày 8/6, kết hợp lịch thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Tokyo, thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm nay cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật không lâu sau khi Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam lần đầu tiên trong tháng ba năm nay. Thủ tướng khi đó nhấn mạnh sự kiện này mở ra chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á đầu năm 2014, ký Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt - Nhật năm 2015.
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm ngoái đạt 30 tỷ USD, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai với hơn 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động có số vốn tới 42 tỷ USD.
Nhật cũng là nước cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Việt Nam và hai nước đang cùng triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng.(Vnexpress)
-----------------------------------
Hãng cà phê của vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ gây ấn tượng ở Trung Quốc
Thương hiệu cà phê của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang gây chú ý đối với truyền thông Trung Quốc dù mới xuất hiện tại quốc gia tỷ dân này vào cuối năm ngoái.
Sau tuyên bố sẽ chinh phục 1 tỷ đôla từ thị trường Trung Quốc vào cuối tháng 3/2017 tại China Food & Drinks lần thứ 96, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết sẽ “mượn thuyền lớn qua sông” trên lộ trình chinh phục thị trường 1,4 tỷ dân này. Chiến thuật tiếp cận được bà Thảo chia sẻ với báo giới Thượng Hải tại Triển lãm thực phẩm và đồ uống SIAL Trung Quốc 2017 vừa diễn ra cách đây ít ngày.“Thị trường cà phê ở Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức rất cao, đạt 14% mỗi năm. Lĩnh vực Cafés/bars đã tăng trưởng 15,2% trong giai đoạn 2011 – 2015, và được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 11,9% một năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây là cơ hội vô cùng lớn cho chúng tôi tại thị trường 1,4 tỷ dân này” – bà Diệp Thảo chia sẻ.
Nói về chiến lược “mượn thuyền lớn qua sông” tại Trung Quốc, bà Thảo cho biết đang tập trung xây dựng một nền tảng vững chắc ở thị trường này thông qua mạng lưới kinh doanh. Hiện tại, hãng cà phê TNI Corporation của bà đang có 11 nhà phân phối lớn tại Trung Quốc. Thương hiệu King Coffee của công ty đã có mặt trên hệ thống Alibaba để khai thác tối đa thị trường thương mại điện tử.
“Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới mà bất kỳ thương hiệu nào cũng muốn chinh phục. Tôi gọi đây là thị trường vua”, bà Diệp Thảo trả lời phóng viên tờ Tencent.
“Tháng 12/2016 King Coffee gõ cửa đại lục. Cuối tháng 3/2017 King Coffee lọt vào vị trí thứ tư những thương hiệu cà phê bán chạy nhất trên trang thương mại điện tử T-Mall . Thông qua kênh T-MALL, JD, YHD cùng với các kênh bán hàng sẵn có của Hello Oyster, Carrefour, King Coffee đã và đang đến tận tay mọi người dân Trung Quốc”, tờ Tencent bình luận.
PR Newswire thì mô tả chân dung bà Diệp Thảo như một nữ doanh nhân năng động, bản lĩnh đến từ một thương hiệu cà phê Việt Nam, sẵn sàng cho mục tiêu chinh phục đại lục.
SIAL Trung Quốc 2017 thu hút hơn 3.200 doanh nghiệp đến từ hơn 67 quốc gia tham gia và hơn 80.000 du khách tham quan. Thương hiệu cà phê của bà Thảo là thương hiệu cà phê duy nhất của Việt Nam tham gia sự kiện này.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2017, tại China Food & Drinks lần thứ 96, giới truyền thông Trung Quốc đã chú ý đến bà Diệp Thảo khi bà trả lời trang Sina Weibo về kế hoạch kiếm 1 tỷ đôla ở nước này. “Trung Quốc là King Market, chúng tôi mang King Coffee đến với King Market. Tôi tin với bản lĩnh và cách thức thực thi vượt trội, đội ngũ chúng tôi sẽ có chiến lược để chinh phục 1 tỷ đôla từ King Market này”, nữ doanh nhân từng tuyên bố.
Không chỉ tích cực đi "đánh" thị trường ngoại, hãng cà phê của bà Diệp Thảo cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất. Cách đây chưa đầy một tháng, TNI Corporation đã khánh thành thêm một nhà máy sản xuất cà phê mới đặt tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương. Đây là nhà máy thứ 6 mà CEO Lê Hoàng Diệp Thảo đã có công xây dựng.(Vnexpress)
--------------------------
Chính phủ chốt phương án đầu tư cao tốc bắc - nam
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc bắc - nam, thống nhất phương án 1 theo đề nghị của Bộ trưởng GTVT.
Theo đó, giai đoạn 1 sẽ chia 2 mốc thời gian, trong đó từ năm 2017 - 2020: xây dựng mới đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) với tổng chiều dài khoảng 632 km. Mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn La Sơn (Thừa Thiên-Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) từ quy mô 2 làn xe lên thành quy mô 4 làn xe cao tốc, tổng chiều dài khoảng 81 km. Chiều dài đầu tư và giải phóng mặt bằng khoảng 713 km; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỉ đồng.
Từ năm 2021 - 2025: đầu tư các đoạn còn lại để nối thông dự án, bao gồm đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang (Khánh Hòa). Chiều dài đầu tư và giải phóng mặt bằng khoảng 659 km; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 113.096 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (sau năm 2025) sẽ mở rộng tuyến cao tốc bắc - nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 69.120 tỉ đồng.(Thanhnien)