tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 26-05-2017

  • Cập nhật : 26/05/2017

Trung Quốc thống kê thừa 90 triệu người, thực tế chỉ xếp thứ hai thế giới

Theo  một nhóm nhà nghiên cứu, dân số thực sự của Trung Quốc có thể thấp hơn nhiều so với các số liệu công bố chính thức, tới 90 triệu người. Điều đó nghĩa là Trung Quốc chỉ xếp hạng thứ hai thế giới về dân số. Quốc gia đứng đầu là Ấn Độ. 

phu nu trung quoc tham gia lop hoc day cham soc tre so sinh tai bac kinh (anh getty image)

Phụ nữ Trung Quốc tham gia lớp học dạy chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bắc Kinh (ảnh Getty Image)

Dân số thực sự của Trung Quốc năm ngoái chỉ là khoảng 1,29 tỷ người, ít hơn 90 triệu so với con số do Tổng cục Thống kê Nhà nước công bố. Đó là kết quả được ông Yi Fuxian, một nhà nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Madison đưa ra tại một cuộc hội thảo diễn ra vào hôm thứ Hai vừa qua tại Bắc Kinh.

Con số 90 triệu so với Trung Quốc thì không có nhiều ý nghĩa, nhưng đã gấp đôi dân số của Tây Ban Nha, một nước có 46 triệu dân.

Ông Yi Fuxian là tác giả  “Đất nước to lớn với cái Tổ trống rỗng” - một cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn đã đưa ra nhận xét là sau năm 1990, những số liệu chính thức về dân số của Trung Quốc đã có phần được nâng cao hơn so với thực tế.

Theo nghiên cứu của ông, số trẻ sinh Trung Quốc được sinh ra trong quãng thời gian từ 1991 đến 2016 chỉ là khoảng 377,6 triệu chứ không thể là 464,8 triệu như số liệu chính thức.

Theo số liệu chính thức, năm 2015 Trung Quốc có 1,37 tỷ người, còn dân số Ấn Độ năm ngoái là 1,33 tỷ người.

Nếu kết quả nghiên cứu của nhóm Yi Fuxian là chính xác thì Ấn Độ mới là quốc gia có đông dân nhất thế giới.

Từ năm 2011, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách “mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con” kéo dài suốt mấy thập kỷ. Hiện nay, mỗi cặp vợ chồng đã có thể có hai con, tuy nhiên chính quyền vẫn ngần ngại chưa bãi bỏ hoàn toàn việc kiểm soát sinh nở.

Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt với sự già hóa dân số. Trung Quốc là nước có nhiều người già trên 60 tuổi nhất thế giới. Năm 2014, tỷ lệ người già trên 60 tuổi là 15,5 dân số. Liên Hợp quốc đánh giá, vào giữa thế kỷ này, Trung Quốc sẽ có khoảng 500 triệu người trên tuổi 60

Điều này sẽ gây ra rất nhiều vấn đề xã hội, trước mắt là vấn đề sắp xếp lực lượng lao đông. Tỷ suất sinh thấp dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động vốn là một trong những yếu tố tạo ra sự phát triển nhanh về kinh tế của Trung Quốc trong ba mươi năm qua.(Viettimes)
---------------------------------

Gian lận mác bê tông xây dựng cầu dài nhất thế giới, có thể phải xây lại?

Cơ quan chống tham nhũng Hồng Kong vừa bắt giữ 21 nhân viên của một nhà thầu nhà nước vì liên quan đến gian lận mác bê tông trong công trình xây dựng cây cầu dài nhất thế giới nối liền ba thành phố: Hông Kong, Chu Hải và Ma Cau. Kịch bản xấu nhất, sẽ phải xây lại một phần.

cong trinh xay cau vuot bien dai nhat the gioi

Công trình xây cầu vượt biển dài nhất thế giới

Các quan chức chính quyền cho hay, họ đang cho điều tra xem liệu vụ việc có sự ảnh hưởng đến độ an toàn của cây cầu hay không.

Trong khi đó, một chuyên gia đã cảnh báo rằng trong trường hợp xấu nhất có thể phải xây lại cầu.

Hôm 22/5, Ủy ban Độc lập chống tham nhũng (ICAC) tiết lộ chuyên án có mật danh “Cánh đồng xanh”, đã tiến hành bắt giữ hai quan chức cao cấp, hai kỹ thuật viên cao cấp, 12 nhân viên và 5 trợ lý phòng thí nghiệm được nhà thầu do Cục Xây dựng và Phát triển Dân sự thuê.

Những người này đã được bảo lãnh và cho tại ngoại.

Bộ trưởng Phát triển Eric Ma Siu-cheung cam kết rằng chính quyền sẽ nghiên cứu về độ an toàn của cây cầu.

“Nếu tình hình không đến mức nghiêm trọng, việc xem xét lại cấu trúc hiện có đã đầy đủ. Trong trường hợp có kết quả khác chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm túc và sẽ tiếp tục hành động”.

Cục Xây dựng dân sự đã làm việc với nhà thầu từ tháng Giêng năm 2013 để tiến hành kiểm tra độ cứng của các mẫu bê tông lấy từ công trường xây dựng cầu. Yêu cầu là tất cả các mẫu bê tông phải được qua kiểm nghiệm theo những quãng thời gian nhất định.

“Qua điều tra đã phát hiện rằng, một số mẫu bê tông đã không được xét nghiệm theo thời gian biểu đã định theo yêu cầu của nhà thầu. Các kỹ thuật viên, nhân viên và trợ lý phòng thí nghiệm có thể đã sửa lại các mốc thời gian trên máy xét nghiệm để hợp thức hóa những sai sót” - đại diện của ICAC nói.

san xuat cac nhip cau

Sản xuất các nhịp cầu

Tiếp theo, ICAC còn cáo buộc một số nhân viên phòng thí nghiệm đã thay thế mẫu bê tông để đưa vào kiểm tra một cách gian lận và việc này rất có thể đã bắt đầu từ đầu năm 2015.

Nhà thầu thì nói rằng, họ đã tiến hành điều tra nội bộ sau khi phát hiện ra những bất thường trong các báo cáo xét nghiệm, tuy nhiên họ không thể kết luận được các nhân viên phòng thí nghiệm có thể đã dùng những ống thép và bê tông mác cao để sao cho các xét nghiệm có vẻ như đã được tiến hành đúng quy định.

Greg Wong Chak-yan,  Cựu viện trưởng một Viện Xây dựng thì nói, độ an toàn của công trình phụ thuộc vào chất lượng bê tông, cũng như bê tông được sử dụng vào lúc nào và như thế nào.

“Nếu bê tông mác thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn và được dùng cho một phần ba hoặc hai phần ba các trụ của cây cầu thì sẽ có nguy cơ mất an toàn và chính quyền cần phải có thêm thời gian để thay thế chúng”. Đó là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, còn trong trường hợp không tệ như thế thì có thể khắc phục bằng các biện pháp đơn giản.(Viettimes)

Cầu Hồng Kong nối Chu Hải và Macau thực tế là tổ hợp cả cầu vượt biển, cả hầm chui và đường dẫn dài tổng cộng 50 km, riêng phần cầu là 29,6km trong đó có 3 nhịp dây văng khẩu độ 280 đến 460 m.

Công trình được khởi công ngày 15 tháng 12 năm 2009, dự kiến hoàn thành vào 15 tháng 10 năm 2016, tuy nhiên bị chậm tiến độ ít nhất một năm, khả năng sẽ thông cầu vào tháng 12 năm nay.

Trong quá trình xây cầu đã có 10 người thiệt mạng và 600 người bị thương trong 275 vụ tai nạn.

Tổng chi phí cho cây cầu lên tới 10,6 tỷ USD. Khi hoàn thành cây cầu cho phép rút ngắn thời gian đi từ Hồng Kong đến Macau từ 4,5 h còn 40 phút.

--------------------

Giải ngân 6,15 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng đầu năm

Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. 

Cơ quan này cũng ước tính đến ngày 20/5/2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong giai đoạn này, cả nước có 939 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,59 tỷ USD, bằng 73,9% so với cùng kỳ năm 2016. Có 437 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,74 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ. Đồng thời, cũng có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,79 tỷ USD, tăng 116,2% so với cùng kỳ.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 8,09 tỷ USD, chiếm 66,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,28 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.

Hàn Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 4,41 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,94 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn. Singapore đứng thứ ba với 1,23 tỷ USD vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,76 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai với 1,64 tỷ USD, TPHCM đứng thứ ba với 1,39 tỷ USD.(NCĐT)
------------------------

Phương án tài chính dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án tài chính Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào sự cần thiết để xem xét quyết định đầu tư hạng mục sửa chữa Quốc lộ 5 và hầm chui nút giao đường Vành đai III-Thành phố Hà Nội.

Yêu cầu phải bảo đảm tiết kiệm, khả thi về phương án tài chính và an toàn cho các phương tiện lưu thông, phát huy hiệu quả của dự án. Đồng thời, chỉ đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam rà soát, cập nhật phương án tài chính làm cơ sở điều chỉnh Hợp đồng dự án và Giấy chứng nhận đầu tư theo đúng quy định.

Trình tự, thủ tục triển khai 2 hạng mục trên phải tuân thủ các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng và các quy định pháp luật liên quan.

Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm tại Quyết định 1621 năm 2007. Chủ đầu tư của dự án là VIDIFI.

Tổng chiều dài tuyến đường 105,5 km, đi qua thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng. Đường ô tô cao tốc loại A gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Diện tích sử dụng đất cho tuyến đường cao tốc này vào khoảng 1.400 ha.

Tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã đi vào vận hành, khai thác được hơn 1 năm, lưu lượng xe tham gia trên tuyến bình quân 30.000-40.000 lượt xe/ngày, đêm, chiếm 60% tổng lưu lượng trên tuyến đường bộ Hà Nội-Hải Phòng.(NDH)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục