tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-05-2018

  • Cập nhật : 26/05/2018

Sau gần 1 năm, đã xử lý 100.500 tỷ đồng nợ xấu

9 tháng đầu tiên trong hành trình 5 năm xử lý nợ xấu, 1/6 số nợ xấu đã được xử lý. Trong suốt hơn 6 năm qua, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu với gần 40% là xử lý qua bán nợ.

Phần lớn nợ xử lý trong năm 2017 là nhờ thu về từ khách hàng

Báo cáo các đại biểu Quốc hội về tình hình triển khai công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 3/2018 khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã xử lý được 100.500 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ xấu được xử lý năm 2017 đạt 115.540 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong số nợ xấu xử lý là khách hàng trả nợ (35.190 tỷ đồng). Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch HĐTV VAMC, ý thức trả nợ của khách hàng đã tốt lên rất nhiều sau khi Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành gần một năm trước. "Nếu như trước đây, khi làm việc với khách hàng có nợ xấu do sản xuất kinh doanh khó khăn, cứ 10 khách hàng thì chỉ được 1-2 khách thiện chí nhưng với việc có một số hành lang pháp lý trong việc thu giữ tài sản có khách hàng mới nhận giấy mời lên làm việc đã phải đem tiền đến trả", ông Đông cho hay. Bên cạnh sự thay đổi tư duy về việc nợ xấu, nguyên nhân khách quan sự hồi phục của nền kinh tế, thị trường bất động sản… cũng giúp đẩy nhanh tốc độ nợ xấu bởi giai đoạn trước đây các ngân hàng cũng không thể “nắm tóc kẻ trọc đầu”.

Ngoài thu từ chính khách hàng, các ngân hàng còn bán cho các tổ chức, cá nhân 32.700 tỷ đồng nợ xấu trong đó riêng bán nợ cho VAMC là 31.600 tỷ đồng; tự trích lập dự phòng rủi ro 28.450 tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm 2.500 tỷ đồng.

Tính từ năm 2012 đến hết tháng 3/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 454,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 60,3%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 39,7%.

Trong một năm qua, NHNN đã ban hành chính sách đồng bộ để tiếp tục giảm nợ xấu, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của VAMC. Tháng 6/2017, NHNN đã có công văn số 051/NHNN-PC gửi Bộ Tư pháp đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết Nghị quyết số 42. Đến nay về cơ bản các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 theo thẩm quyền được giao. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 42, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn triển khai quy định

Cơ cấu lại các TCTD: ‘Rốt ráo’ toàn hệ thống, ¾ ngân hàng có vốn nhà nước đã được phê duyệt phương án

Các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD.

Các NHTMNN tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; tăng cường năng lực tài chính, đồng thời từng bước giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nhưng bảo đảm Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại các NHTMNN sau cổ phần hóa theo đúng định hướng của Nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn theo các định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của NHNN.

NHNN đã có văn bản hướng dẫn các TCTD (theo từng nhóm, loại hình TCTD) xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, chỉ đạo từng TCTD chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện phương án nhằm bảo đảm khắc phục, xử lý triệt để những tồn tại, hạn chế theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Quyết định 1058. Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của 3/4 ngân hàng có vốn nhà nước.

Theo báo cáo của NHNN, các ngân hàng có vốn nhà nước đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu;tăng cường năng lực tài chính, đồng thời từng bước giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nhưng bảo đảm Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại các NHTMNN sau cổ phần hóa theo đúng định hướng của Nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn theo các định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của NHNN.

Các ngân hàng TMCP tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Các ngân hàng đã tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính; nợ xấu được các ngân hàng tập trung xử lý và tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, lành mạnh hơn, giảm dần và hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro; tích cực phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác và mở rộng dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.

Đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á, đến nay mặc dù vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn nhưng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Hiện nay, NHNN đã hoàn thiện phương án xử lý các ngân hàng này và đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trên cơ sở Luật các TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

Không chỉ các ngân hàng trong nước, các TCTD nước ngoài cũng đã khẩn trương xây dựng Phương án cơ cấu lại theo các giải pháp nêu tại Đề án 1058 và hướng dẫn của NHNN để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đến nay, NHNN đã có văn bản phê duyệt Phương án cơ cấu lại của 09/10 ngân hàng nước ngoài và liên doanh.

Các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính tích cực xây dựng các phương án cơ cấu lại theo các giải pháp của Đề án 1058 để nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh và phù hợp với đặc thù hoạt động của loại hình TCTD phi ngân hàng. Hiện, NHNN đang chỉ đạo các TCTD này rà soát lại phương án để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm tính kế thừa đồng thời phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc cơ cấu lại của Đề án giai đoạn 2016-2020.(NDH)
--------------------

Đã cắt bỏ và đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh

Riêng Bộ Công thương đã cắt bỏ và đơn giản hóa được 675 điều kiện kinh doanh; Bộ Thông tin và Truyền thông có 63 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, sửa đổi và đơn giản hóa.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo cập nhật nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đến thời điểm sau quý I năm 2018, đã cắt bỏ và đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp cả nước.

Cũng theo báo cáo trên, riêng Bộ Công thương đã cắt bỏ và đơn giản hóa được 675 điều kiện kinh doanh; Bộ Thông tin và Truyền thông có 63 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, sửa đổi và đơn giản hóa.

Tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM - cho biết, năm 2017, mặc dù các chỉ số năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia của Việt Nam tăng 0,1 điểm và 5 bậc (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137); Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở vị trí 47/127, tăng 12 bậc so với vị trí 59 của năm 2016.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần tiếp tục phải đẩy mạnh hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Cung nói. 

TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho biết thêm, hiện có 4 chỉ số thứ hạng thấp và hầu như không cải thiện trong các năm qua bao gồm một số chỉ số môi trường kinh doanh còn thấp; khởi sự kinh doanh ở thứ hạng 123, giảm 2 bậc so với năm trước.

Doanh nghiệp trải qua 9 bước thủ tục, mất 22 ngày; đặc biệt là 2 chỉ số liên quan tới cơ quan tư pháp (Giải quyết tranh chấp hợp động và Giải quyết phá sản doanh nghiệp) cải thiện chậm, trong đó phá sản doanh nghiệp nhiều năm ở vị trí thấp (hiện xếp thứ 129/190); Giao dịch thương mại qua biên giới cải thiện chậm.

Ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị nhà Nhà nước, USAID Việt Nam, cho biết, tháng 10/2017 báo cáo về môi trường kinh doanh của Việt Nam và thế giới đã cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể và Việt Nam đã thăng từ hạng 82 lên 68 trong số 190 những nền kinh tế, cải thiện 14 hạng so với năm trước. Và đây là mức cải thiện lớn nhất và mức thăng hạng mạnh nhất trong 10 năm vừa qua.

Tiếp nối mạnh mẽ Nghị quyết 19-2017, Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ đã phản ánh quyết tậm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.(Bizlive)
--------------------------

Viglacera Hà Nội: Tiền làm ra không đủ trả lãi vay, lợi nhuận giảm 95%

Vay nợ của Viglacera Hà Nội đang gấp 8 lần vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế quý I/2018 của công ty chỉ đạt 189 triệu đồng, giảm 95% so với cùng kỳ 2017.

Viglacera Hà Nội: Tiền làm ra không đủ trả lãi vay, lợi nhuận giảm 95%

Ảnh minh họa

Theo báo cáo tài chính quý I/2018 của công ty cổ phần Viglacera Hà Nội (Viglacera Hà Nội), tính đến ngày 31/3/2018 tổng tài sản đạt 413 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm.

Hàng tồn kho chiếm 50% và ở mức 99 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm. Trong đó, sản phẩm hoàn thành chiếm 30% hàng tồn kho, ở mức 29 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm.

Trong quý, nợ phải trả của công ty chiếm 92% tổng tài sản và ở mức 380 tỷ đồng, tăng 5%.

Công ty đang vay nợ 265 tỷ đồng, chiếm 70% nợ phải trả, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn ngân hàng, gồm: gần 84 tỷ đồng vay ngắn hạn của Agribank Chi nhánh Thăng Long và chi nhánh Hà Nội; 73 tỷ đồng của BIDV chi nhánh Thành Đông và chi nhánh Hải Dương… Vay dài hạn nhiều nhất là của Agribank chi nhánh Hà Nội 60 tỷ đồng.

Trong quý, công ty đã tăng vay nợ ngắn hạn thêm 40% lên 211 tỷ đồng.

Hiện vốn chủ sở hữu đạt 32,7 tỷ đồng. Như vậy, Viglacera Hà Nội đang vay nợ gấp 8,2 lần vốn chủ sở hữu.

Kết thúc quý I/2018, công ty đạt 103 tỷ đồng doanh thu bán hàng, tăng 50% so với cùng kỳ 2017.

Tuy nhiên, khoản giảm trừ doanh thu tăng 4 lần lên 6,3 tỷ đồng khiến doanh thu thuần còn 97 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng 57% lên 85 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 12 tỷ đồng, giảm 12%.

Chi phí lãi vay và chi phí doanh nghiệp tăng mạnh tương ứng 1,7 lần và 1,6 lần lên mức 4,7 tỷ đồng và 6 tỷ đồng, do đó lợi nhuận thuần từ kinh doanh sụt giảm mạnh còn 372 triệu đồng so với 5,5 tỷ cùng kỳ 2017.

Lợi nhuận trước thuế chỉ còn 189 triệu đồng, giảm 95% so với 4,1 tỷ đồng cùng kỳ 2017. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ là 151,6 triệu đồng, sụt 95,4% so với cùng kỳ.

Viglacera Hà Nội là một trong 18 công ty con của Tổng công ty Viglacera – Công ty cổ phần (mã VGC). Hiện VGC nắm 51% trong 28 tỷ đồng vốn điều lệ của Viglacera Hà Nội.(Bizlive)
---------------------------

Honda CR-V tại Trung Quốc lỗi nặng, xe ở Việt Nam có bị ảnh hưởng?

 Theo lý giải của Honda Việt Nam, những chiếc CR-V và Civic bị triệu hồi do lỗi động cơ hầu hết đều gặp vấn đề khi vận hành ở nhiệt độ thấp tại các tỉnh ở Trung Quốc hay các bang tại Mỹ, vì vậy xe ở Việt Nam sẽ khó có khả năng bị ảnh hưởng.

Honda CR-V tại Trung Quốc lỗi nặng, xe ở Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Mẫu xe Honda CR-V

Mới đây, trên các diễn đàn về ô tô, người dùng Việt Nam đang rất hoang mang trước thông tin mẫu xe Honda CR-V và Honda Civic phiên bản mới gặp lỗi nặng tại Trung Quốc và Mỹ.

Theo đó, từ hồi tháng 2/2018, liên doanh ô tô Honda và Dongfeng đã thông báo triệu hồi gần 350 nghìn chiếc xe Honda CR-V và Civic phiên bản động cơ 1.5L tăng áp tại Trung Quốc do nhận được rất nhiều lời phàn nàn trên mạng xã hội Weibo. Sau đó, Honda cũng đã phải dừng bán mẫu CR-V mới để đợi đợt triệu hồi.

Theo đó, lỗi ban đầu được xác định do các xe này hút khí ở những vùng lạnh và di chuyển với quãng đường ngắn nên khiến xăng không cháy hết, do đó xăng đọng lại ở khoang chứa dầu nhớt không bay hơi trở lại khoang đốt nhiên liệu được.

Đồng thời, dòng xe Honda CR-V tại Mỹ cũng bị người dùng phản ánh về việc xe có mùi xăng bốc lên trong khoang cabin, nhiều người đã mang xe ra các đại lý để kiểm tra và sửa chữa.

Vì vậy, nhiều người dùng tại Việt Nam đang sử dụng mẫu xe Honda CR-V Turbo 1.5L cũng rất lo lắng trước thông tin này.

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Kuwahara - Tổng giám đốc Honda Việt Nam, những chiếc CR-V và Civic bị triệu hồi do lỗi động cơ hầu hết đều gặp vấn đề khi vận hành ở nhiệt độ thấp tại các tỉnh ở Trung Quốc hay các bang tại Mỹ.

Ngoài ra, "do các quốc gia có các quy định về nhiên liệu khác nhau nên thông thường chúng tôi sẽ có đôi chút điều chỉnh nhỏ để phù hợp với điều này. Vì vậy, những chiếc xe bán ra tại Việt Nam được nhập khẩu từ Thái Lan sẽ có khác biệt đối với những xe sản xuất tại Mỹ hay Trung Quốc", ông Kawahara khẳng định.

Theo Honda Việt Nam, hai mẫu xe Honda CR-V Turbo 1.5L và Honda Civic được bán tại thị trường Việt Nam sẽ không hề gặp vấn đề như Mỹ và Trung Quốc.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), phiên bản Honda CR-V Turbo 1.5L được bán từ đầu năm 2018 đến nay với số lượng đến hết tháng 4/2018 là 2.670 chiếc còn Honda Civic bán được 249 chiếc.

Do đó, nếu động cơ trên 2 phiên bản này gặp lỗi như thị trường Trung Quốc và Mỹ thì sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với người dùng. Tuy nhiên, theo lý giải của Honda Việt Nam thì những chiếc xe bị triệu hồi hầu hết gặp vấn đề trong điều kiện nhiệt độ thấp. Vì vậy, khó có khả năng xe Honda CR-V và Honda Civic tại Việt Nam bị ảnh hưởng tại thời điểm hiện tại khi nhiệt độ trên cả nước đều ở mức từ 30-37 độ C.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục