Đề xuất đầu tư siêu dự án lấn biển 8 tỷ đô tại Đà Nẵng; Bộ Tài chính lý giải nhiều dự án đầu tư công 'đội vốn'; Sắp có cuộc đua giảm giá ô tô?; 8 dự án bãi đậu xe ngầm quanh trung tâm TP.HCM đều chậm tiến độ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-05-2018
- Cập nhật : 26/05/2018
Nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm cơ hội M&A ở Việt Nam
Việt Nam được xem là một trong những điểm đến quan trọng ở khu vực ASEAN của các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A (mua bán và sáp nhập).
Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Mua bán và sáp nhập trong khu vực ASEAN” tại TPHCM do Ngân hàng Standard Chartered, Phòng Thương mại Malaysia tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore cùng phối hợp tổ chức vào ngày 25-5. Sự kiện thu hút hơn 100 đại diện các doanh nghiệp đến từ Việt Nam và các thị trường châu Á tham gia.
Ông Ralf Pilarczyk, Trưởng bộ phận M&A khu vực ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư tuyệt vời. Thông qua ngân hàng này, các nhà đầu tư đang tìm kiếm nhiều cơ hội trong các lĩnh vực chính như tiêu dùng và bán lẻ, công nghiệp, các dự án đầu tư về kim loại và khai thác mỏ.
Các chuyên gia M&A, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo "Mua bán và sáp nhập trong khu vực ASEAN" diễn ra tại TPHCM hôm 25-5. Ảnh: Hùng Lê
Sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại vào thị trường trong nước, theo ông Ralf Pilarczyk, tập trung vào quy mô thị trường lớn, có nhiều triển vọng tăng trưởng. Đáng chú ý là việc cổ phần hóa và thoái vốn của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đang tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư ngoại tiếp cận tham gia sở hữu cũng như gia nhập thị trường.
Tương tự, bà Tina Tejwaney, chuyên gia về M&A của khu vực ASEAN, cũng cho rằng Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ngoại nên các giao dịch mua bán và sáp nhập có chiều hướng tăng cao. Một trong những nguyên nhân chính là nhờ kinh tế phát triển nhanh và ổn định, cùng với thị trường lớn với dân số nhiều thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Điều này cũng được chứng minh bằng các thương vụ quy mô lớn trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng mà các nhà đầu tư Thái Lan đã thực hiện trong thời gian qua, ví dụ thương vụ thâu tóm chuỗi bán lẻ Big C của tập đoàn Casino (Pháp) do Central Group thực hiện; hay việc nhà đầu tư Thai Beverage Public (ThaiBev) mua 53,59% cổ phần của điều hành Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage vào cuối năm 2017.
Theo các chuyên gia về M&A của Ngân hàng Standard Chartered, hai thương vụ nói trên nằm trong số các thương vụ M&A có quy mô vốn lớn nhất trong khu vực ASEAN được thực hiện gần đây.
Năm ngoái, Standard Chartered là đại lý thu xếp phát hành cho đợt phát hành trái phiếu bằng đồng Việt Nam đầu tiên của Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ điện thoại hàng đầu Việt Nam, và là ngân hàng duy nhất tham gia hỗ trợ giao dịch này. Ngân hàng đóng một vai trò trọng yếu trong suốt quá trình thực hiện giao dịch thông qua việc điều phối giữa đơn vị phát hành, đơn vị bảo lãnh, các đơn vị tư vấn pháp lý và các nhà đầu tư.
Còn ông Theng Bee Han, Chủ tịch Phòng Thương mại Malaysia tại Việt Nam, cho rằng ASEAN hiện là khu vực kinh tế lớn thứ 6 thế giới, với tổng dân số ước đạt 650 triệu người. Khu vực này là một trung sản xuất và thương mại chính trên toàn cầu, đồng thời, đây cũng là một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất thế giới. Hoạt động mua bán và sáp nhập tại Đông Nam Á cũng như tại châu Á đang ngày càng gia tăng, trước sự bùng nổ trong đầu tư tại các thị trường đang nổi trong khu vực.(TBKTSG)
--------------------
Hà Nội rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn 120 ngày
Sở Xây dựng Hà Nội vừa được giao chủ trì rà soát, thống nhất đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, đảm bảo rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 166 ngày xuống còn tối đa không quá 120 ngày.
UBND TP.Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 13/3/2018, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan.
Theo đó, để giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép và các thủ tục có liên quan nhưng vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng công tác cấp phép trên địa bàn, UBND thành phố đề nghị Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Tổng công ty Điện lực Hà Nội khẩn trương nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục theo đúng Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Chính phủ.
Cụ thể: Thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy giảm từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày; thời gian góp ý đối với đồ án thiết kế quy hoạch, thiết kế xây dựng giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày; thời gian giải quyết thủ tục kết nối cấp điện giảm từ 14 ngày xuống còn tối đa không quá 7 ngày; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 15/6/2018.
Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cũng giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, các công ty kinh doanh nước sạch khẩn trương nghiên cứu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đấu nối cấp và thoát nước từ 14 ngày xuống còn tối đa không quá 7 ngày; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng trước ngày 15/6/2018.
Sở Xây dựng chủ trì rà soát, thống nhất đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, đảm bảo rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 166 ngày xuống còn tối đa không quá 120 ngày; báo cáo UBND TP trước ngày 20/6/2018.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất liên thông một số TTHC và xây dựng cơ chế liên thông nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, nâng cao chất lượng cho công tác cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, tăng cường ứng dụng CNTT, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích; đề xuất, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày.
Nghiên cứu sử dụng kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu khi hoàn thành thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng khi giải quyết TTHC về cấp GCN sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Sở Xây dựng trước ngày 15/6/2018.(Bizlive)
------------------------
Mở hộ tài khoản ngân hàng có thể vướng vòng lao lý
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản khuyến cáo về việc mở tài khoản thanh toán, thẻ ATM. Động thái này diễn ra khi tình trạng một số cá nhân sử dụng giấy tờ tùy thân giả để đăng ký phát hành thẻ ATM, tài khoản thanh toán tại các ngân hàng, sau đó bán lại cho người khác để sử dụng (có thể được sử dụng với mục đích bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam) được phản ánh trên một số phương tiện truyền thông, cơ quan này cho hay.
Dẫn các quy định pháp lý hiện hành, NHNN cho biết để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chủ tài khoản, chủ thẻ là cá nhân cần phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về đối tượng sử dụng thẻ; cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; thực hiện các thủ tục, hồ sơ mở tài khoản thanh toán, phát hành và sử dụng thẻ với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Cùng đó, tổ chức phát hành thẻ cũng phải có trách nhiệm thẩm định các tiêu chuẩn, điều kiện và xác thực khách hàng theo đúng quy trình, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.
Hành vi sử dụng các giấy tờ tùy thân giả mạo để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, sau đó bán lại cho các người khác để sử dụng sẽ vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về hành vi bị cấm. Cụ thể gồm hành vi cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán; hành vi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; hành vi sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
"Các hành vi này tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng", NHNN cho biết. Ngoài ra, theo NHNN, trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Do vậy, NHNN khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho người khác hoặc cho người khác mượn giấy tờ tùy thân để thực hiện hành vi đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
NHNN cũng đã có văn bản gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.(NDH)
---------------------
Nga tuyên bố sẵn sàng bỏ USD, dùng EUR trong thương mại
Theo Russia Today, ông Siluanov cho hay các khoản thanh toán bằng nội tệ Mỹ có thể giảm xuống, thay thế bằng euro nếu Liên minh châu Âu (EU) có động thái chống lại các lệnh trừng phạt mới nhất mà Mỹ nhằm vào Moscow.
“Khả năng chuyển đổi từ đô la Mỹ sang euro trong thương mại phụ thuộc vào quan điểm của châu Âu với lập trường của Washington”, ông Siluanov, người cũng là Phó thủ tướng thứ nhất Nga, cho biết.
EU ban đầu ủng hộ các biện pháp trừng phạt Moscow của Washington, nhưng gần đây chỉ trích chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt các hạn chế thương mại lên nhiều nước khác. EU cũng bị tác động bởi thuế nhập khẩu áp lên thép và nhôm. Tình hình leo thang sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ông Siluanov cho hay thêm: “Nếu các đối tác châu Âu cũng chúng tôi tuyên bố lập trường của họ rõ ràng, chúng tôi chắc chắn có thể để đồng tiền chung châu Âu được sử dụng trong các giao dịch tài chính, chẳng hạn như thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ mà hiện nay thường bị hạn chế”. Hiện Nga đang phát triển các giao dịch bằng nội tệ giữa các đối tác thương mại của nước này.
Cũng tại SPIEF, Pháp và Nga ký sáu hợp đồng đầu tư trực tiếp vào Nga, trị giá khoảng 1 tỷ EUR, tương đương 1,17 tỷ USD. Con số này do người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp vào Nga Kirill Dmitriev công bố. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga trong năm qua là 27,9 tyr USD.
Ngoài ra, cơ quan nguyên tử Rosatom của Nga và Ủy ban Năng lượng Thay thế Pháp cũng ký cam kết về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử hòa bình.(Thanhnien)