Tháo gỡ bất cập trong quản lý ngoại hối về thương mại biên giới Việt - Trung; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp thăm chính thức Nhật Bản; Hãng cà phê của vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ gây ấn tượng ở Trung Quốc; Chính phủ chốt phương án đầu tư cao tốc bắc - nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-05-2017
- Cập nhật : 26/05/2017
Doanh nghiệp đóng tàu kêu cứu lên Thủ tướng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 43 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC. Tuy nhiên, việc quy định hạn chế số lượng ghế của phương tiện được đóng khiến các doanh nghiệp (DN) “kêu cứu” lên Thủ tướng vì quy định này cản trở việc áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất.
Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN sẽ mất ít nhất 5.000 tỷ đồng
Đã không thể cứu vãn Nhà máy đóng tàu Dung Quất?
Hạn chế năng lực doanh nghiệp?
Thông tư số 43 ban hành ngày 20/12/2016 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2017 ban hành về quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu polypropylene copolymer (PPC). Tại đây, Thông tư 43 đưa ra hạn mức cho phép các đơn vị đóng tàu PPC chỉ được phép đóng “tàu có sức chở đến 12 người” khiến các đơn vị trong lĩnh vực này bị hạn chế.
Hiện nay, đã có các DN chuyên đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC có năng lực tốt.
Sau 6 năm công nghệ vật liệu PPC được đưa vào VN, DN trong nước đã sản xuất hàng chục tàu tuần tra, ca nô các loại cung cấp cho lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển…
Ông Nguyễn Kim Sơn – Chủ tịch HĐQT Cty James Boat - cho biết: “Trong quá trình Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Cty chúng tôi đã hợp tác nghiêm túc với Cục Đăng kiểm VN, Bộ GTVT để tiến thử nghiệm vật liệu PPC như thử kéo, thử uốn, thí nghiệm xác định khả năng chịu lửa…”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Sơn tỏ ra thất vọng khi “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” được Bộ GTVT ban hành lại hạn chế số người đến 12 người.
Doanh nghiệp đóng tàu kêu cứu lên Thủ tướng
Ông Sơn cho biết: “Trước khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 43, chúng tôi đã kiến nghị loại bỏ nội dung này. Việc hạn chế số người trên tàu đến 12 người sẽ dẫn đến việc không thể ứng dụng vật liệu PPC trong việc chế tạo tàu khách, du thuyền… Thực tế tàu tuần tra cao tốc PPC được cung cấp cho Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 đã hoạt động tốt 2 năm nay. Tàu có sức chở 16 thuyền viên, chịu được sóng cấp 4, cấp 5, thân vỏ ổn định”.
Ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Cty Việt Séc (KCN sông Dinh, TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) khẳng định: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đóng tàu PPC giới hạn kích thước dưới 20m và số khách đến 12 người là hạn chế DN".
Trong khi những tàu do chúng tôi sản xuất đã được đăng kiểm hiện nay có kích thước dưới 10m đã được chở đến 12 người thì những chiếc tàu lớn hơn cần phải được tăng sức tải nếu kết quả tính toán thiết kế bảo đảm an toàn”.
Trước các kiến nghị của DN, ngày 3/2/2017, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội đã có CV gửi Bộ GTVT khẳng định: “Ủy ban KHCN&MT nhận thấy kiến nghị của DN là có cơ sở thực tế; để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ phát triển DN khoa học công nghệ và thúc đẩy ứng dụng vật liệu mới, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, chỉ đạo xử lý, trả lời DN”.
“Sau khi có ý kiến của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Bộ đã chuyển đến CV Cục Đăng kiểm VN báo cáo Bộ về các nội dung liên quan đến phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu PPC.
Thực tế, trước khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 43 chỉ cho phép đóng tàu PPC có sức chở đến 12 người thì Cục Đăng kiểm VN đã cấp hồ sơ đăng kiểm cho hai tàu khách PPC có sức chở 32 người và 56 người do DN chế tạo và hai tàu khách này vẫn đang được sử dụng tại TP Nha Trang, Khánh Hòa.
Doanh nghiệp gặp khó
Ông Vũ Văn Đảo cho biết, đơn vị của ông đã có hợp đồng đơn hàng với khách hàng đóng 4 cano PPC dài tới 20m, có sức chở 20 – 35 người cho một công ty kinh doanh du lịch khai thác các tuyến du lịch biển Hoàng Hóa – Sầm Sơn; Hoàng Hóa – đảo Mẹ; Hoàng Hóa – cảng cá Hậu Lộc.
“Hợp đồng ký kết đóng 4 cano PPC có tổng trị giá hợp đồng là 4,8 tỉ đồng. Đơn vị đặt mua tàu cũng đã xây dựng bến bãi, chuẩn bị nhân lực đầy đủ chờ mỗi cano về. Chúng tôi cũng đã đóng xong lô hàng 4 tàu vật liệu composite, cano PPC chạy thử hiệu quả, an toàn và rất êm. Nhưng, khách hàng của chúng tôi không lấy tàu làm gì khi Cục ĐKVN không cấp đăng kiểm cho tàu” – ông Đảo mệt mỏi.
Để gỡ khó, Công ty Việt Séc đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Cục ĐKVN thực hiện việc đăng kiểm phương tiện theo hợp đồng đã ký nhưng Cục ĐKVN vẫn chưa trả lời chính thức.
“Việc này khiến chúng tôi thiệt hại không chỉ ở lô tàu đã đóng xong cho khách mà còn hợp đồng với một DN ở Quảng Ninh cũng đổ bể. Nếu Cục ĐKVN không cho chúng tôi biết phương hướng xử lý, chúng tôi sẽ phải đối mặt nguy cơ phá sản”.
Mới đây, Cty Việt Séc đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy Ban KHCN&MT của Quốc hội về vấn đề này và bày tỏ lo lắng khi DN đứng trước nguy cơ bị phạt hợp đồng và phải đóng cửa sản xuất.
Mới đây, ngày 19/5/2017, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có văn bản số 5178/VPCP – ĐMDN gửi Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, VPCP nhận được văn bản số 283/CV-VSC ngày 15/5/2017 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc kiến nghị việc tháo gỡ khó khăn trong công tác đang kiểm tàu thuyền PPC.
Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản nêu trên đến Bộ GTVT để xem xét, xử lý và trả lời Công ty Việt Séc theo thẩm quyền , thời hạn trước ngày 09/6/2017.(Vietnamnet)
---------------------------------
OPEC kéo dài kế hoạch cứu giá dầu
Lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vừa đồng ý gia hạn chương trình cắt giảm sản xuất thêm 9 tháng nữa.
Sau cuộc họp hôm nay tại Vienna (Áo), OPEC quyết định sẽ tiếp tục giảm sản lượng đến tháng 3/2018. 12 quốc gia phi OPEC, dẫn đầu bởi Nga, có thể sẽ vẫn tham gia thỏa thuận này. Các nước phi OPEC cũng sẽ nhóm họp trong hôm nay.Cuối tháng 11 năm ngoái, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đồng ý cắt giảm sản xuất thêm 1,2 triệu thùng một ngày, bắt đầu từ ngày 1/1. Hoạt động này sẽ kéo dài 6 tháng. Sau đó, đến tháng 12/2016, một nhóm nước không thuộc OPEC, do Nga dẫn đầu, cũng đồng ý giảm thêm 558.000 thùng một ngày.
Dư cung đã đẩy giá dầu thô lao dốc 3 năm nay. Giá hiện chỉ quanh 50 USD, bằng nửa thời điểm giữa năm 2014.
Việc OPEC cắt giảm đã đưa giá dầu lên trên 50 USD một thùng năm nay, giúp các nước sản xuất cải thiện tài khóa. Rất nhiều quốc gia vẫn còn dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng. Vì thế, dầu thô lao dốc khiến họ phải chi lượng lớn dự trữ ngoại hối để lấp lỗ hổng ngân sách. Ngoài việc khiến nhiều quốc gia như Nga và Saudi Arabia phải thắt lưng buộc bụng, giá dầu còn gây ra bất ổn tại nhiều nước sản xuất như Venezuela hay Nigeria.
Dù vậy, giá tăng lại khiến nhiều công ty dầu đá phiến Mỹ vào cuộc. Mỹ không tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản xuất. Vì vậy, quá trình tái cân bằng của thị trường toàn cầu đang bị làm chậm lại, khi dư cung vẫn ở mức kỷ lục.(Vnexpress)
-----------------------------
Một loạt dự án FDI lớn rót thêm vốn vào Việt Nam
Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2017, có 437 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,74 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2016 và 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,79 tỷ USD, tăng 116,2% so với cùng kỳ 2016.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) vừa công bố số liệu thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm 2017.
Theo đó, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính đến ngày 20/05/2017, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Cả nước có 939 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,59 tỷ USD, bằng 73,9% so với cùng kỳ năm 2016;
Có 437 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,74 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2016 và 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,79 tỷ USD, tăng 116,2% so với cùng kỳ 2016.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, có một số dự án lớn được điều chỉnh tăng vốn, đó là dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh;
Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD;
Dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD.
Ngoài ra, một số dự án lớn được cấp phép đầu tư, đó là: Dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Ngoài ra còn có dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, cấp phép ngày 20/4/2017, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn tại Kiên Giang.
Cũng theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2017, Hàn Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 4,41 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,94 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,23 tỷ USD, chiếm 10,21% tổng vốn đầu tư.(Bizlive)
-----------------------------
Nhà đầu tư ngoại sắp đổ 7,5 tỷ USD vào 3 nhà máy nhiệt điện than
Dự kiến, các chủ đầu tư sẽ nhận được giấy phép trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm Nhật Bản vào đầu tháng sau.
Việt Nam sắp cấp phép cho 3 dự án nhà máy nhiệt điện than cho các nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên đến 7,5 tỷ USD, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Các chủ đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia sẽ nhận được giấy phép trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm Nhật Bản vào đầu tháng sau.
Theo đó, Công ty Taekwang Power Holdings của Hàn Quốc và ACWA Power của Saudi Arabia sẽ rót 2,07 tỷ USD vào một nhà máy điện có công suất 1.200 MW. Mỗi bên sẽ góp 50% vốn và nhà máy này sẽ vận hành thương mại vào năm 2021.
Trong khi đó, Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản và Tập đoàn Korea Electric Power Corp của Hàn Quốc sẽ đầu tư gần 2,8 tỷ USD vào một nhà máy có cùng công suất 1.200 MW. Dự kiến nhà máy này sẽ phát điện vào năm 2021.
Ngoài ra, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản sẽ đầu tư một nhà máy điện có công suất 1.320 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 2,64 tỷ USD và sẽ vận hành thương mại vào năm 2022.
Mới đây Tập đoàn Posco của Hàn Quốc đã được chính phủ chấp thuận cho xây dựng nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập 2 có công suất 1.200 MW, có vốn đầu tư 2,5 tỷ USD. Đây sẽ là nhà máy thứ hai của tập đoàn này sau nhà máy Mông Dương 2 tại Quảng Ninh.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Cả nước dự kiến sẽ có 31 nhà máy nhiện điện than với tổng công suất 25.787 MW đến năm 2020, chiếm tỷ trọng 42,7% trong tổng công suất ngành điện.
Đến năm 2030, số nhà máy nhiệt điện than trong cả nước sẽ tăng lên 52 với tổng công suất 55.252 MW, chiếm 42,6% tổng công suất ngành điện.(Bizlive)