Doanh nghiệp Trung Quốc bị tố 'quỵt' tiền gia công; Có 9 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên tỉ USD; Đạm Phú Mỹ sẽ cung cấp 350.000 tấn phân bón trong quý 2; 11% hộ kinh doanh né lên doanh nghiệp
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-05-2017
- Cập nhật : 25/05/2017
Trung Quốc, Nga bắt tay thách thức Airbus, Boeing
Trung Quốc và Nga vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng là cùng phát triển loại tàu bay bay chặng dài để thách thức Boeing, Airbus.
Theo Reuters, thông tin này được đưa ra chỉ hai tuần sau khi Đại lục thử nghiệm thành công mẫu máy bay chở khách lớn đầu tiên. Nhà sản xuất Commercial Aircraft Corporation (COMAC) của Trung Quốc và hãng United Aircraft Corporation (UAC) của Nga chính thức thành lập liên doanh đã được thông báo trước đó tại Thượng Hải hôm 22.5.
Kế hoạch cùng sản xuất mẫu máy bay thân rộng được công bố lần đầu hồi tháng 6.2016, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Phương tiện truyền thông Đại lục dẫn lời giới chức nước này cho hay dự án có thể có giá trị từ 13 - 20 tỉ USD. Đại lục và Nga, mỗi nước góp vốn một nửa.
Chủ tịch COMAC Jin Zhuanglong nói: “Việc thành lập công ty liên doanh là biểu tượng của tiến bộ quan trọng của dự án thiết kế máy bay thân rộng, bay chặng dài của Trung Quốc và Nga. Chúng tôi sẽ hợp tác một cách chân thành với UAC, thống nhất và phấn đấu để dự án trở thành hình mẫu cho sự hợp tác giữa hai nước”.
Cách đây không lâu, Trung Quốc đặt cột mốc quan trọng trong hành trình đầy tham vọng là cạnh tranh với các nhà sản xuất tàu bay hàng đầu thế giới. Đầu tháng 5, mẫu C919 với 168 chỗ ngồi do COMAC sản xuất bay thử thành công tại Thượng Hải. C919 được thiết kế để vận hành trên các tuyến bay ngắn hơn, là biểu tượng cho gần một thập niên nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất phương Tây của quốc gia Đông Á.
Airbus và Boeing thống trị thị trường máy bay phản lực chở khách Trung Quốc vốn đang tăng vì nhu cầu di chuyển của người dân tăng vọt. Dù thừa nhận cột mốc kỹ thuật đối với Trung Quốc, giới phân tích hàng không vẫn cho rằng C919 sẽ phải đối mặt với con đường đầy khó khăn phía trước khi muốn thách thức Boeing và Airbus. Hai hãng này có lịch sử hoạt động từ lâu và thâm nhập sâu vào thị trường tàu bay.
Mẫu tàu bay do liên doanh Trung - Nga thực hiện sẽ được gọi là 929. Bắc Kinh có lợi khi làm việc cùng UAC, công ty cho sản xuất mẫu máy bay phản lực Sukhoi và nhiều thương hiệu hàng không khác của Nga. COMAC cho hay máy bay có thể chở 280 hành khách và bay 12.000 km. Thông số trên giúp 929 cạnh tranh trực tiếp với Boeing 787 và Airbus A350.
Năm ngoái, COMAC cho hay mẫu tàu bay có thể bay chuyến đầu tiên trong vòng bảy năm tới và việc giao hàng khởi động ba năm sau đó. Dù vậy, nhiều dự án hàng không vũ trụ của Đại lục từng bị chậm trễ kéo dài. Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong vài năm tới. Airbus ước tính Đại lục cần khoảng 6.000 chiếc máy bay mới trị giá tổng cộng 945 tỉ USD trong 20 năm tới.(Thanhnien)
-------------------------------
Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Trung Quốc
Theo CNN, Moody's Investors Service vừa hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc xuống A1, mức xếp hạng cao thứ năm, trong hôm nay 24.5. Hãng cho hay sức khỏe tài chính Đại lục sẽ “giảm sút đáng kể trong những năm tới, với mức nợ của toàn nền kinh tế tiếp tục tăng trong khi tăng trưởng tiềm năng thì đi chậm lại”.
Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với bài toán cân bằng khó khăn: vừa phải nỗ lực kiềm chế nợ doanh nghiệp, vừa phải nỗ lực giữ nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng ổn định. Moody’s cho biết các nỗ lực cải cách của Bắc Kinh có thể sẽ làm thay đổi nền kinh tế và hệ thống tài chính theo thời gian, song họ không chắc chắn nó có thể ngăn chặn núi nợ chất cao.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% trong quý 1/2017, tăng so với cuối năm 2016 nhưng giới chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng sẽ chậm lại vào cuối năm nay khi các biện pháp kích thích của chính phủ giảm dần. Nỗ lực kiềm chế nợ rủi ro của Đại lục trong thời gian gần đây khiến giới đầu tư e ngại. Chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 7% so với mức cao đạt được hồi tháng 4.
Sau khi hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, Moody’s cho hay họ chưa có kế hoạch đẩy Đại lục về thứ hạng thấp hơn. A1 vẫn là mức tín nhiệm đầu tư. Công ty Mỹ cho biết Bắc Kinh có thể chịu được nhiều cú sốc tiêu cực nhờ mức tăng trưởng tương đối mạnh mẽ.(TN)
-------------------------
Hàng loạt ngân hàng, hãng công nghệ lớn đầu tư vào công nghệ blockchain
Intel, ngân hàng Merrill Lynch của Bank of America, HBSC và hàng chục tổ chức khác vừa đầu tư 107 triệu USD vào R3, một nhóm phát triển công nghệ tương tự như blockchain cho các hãng tài chính.
Theo CNBC, ngược lại, nhà băng Goldman Sachs và Santander thì rút khỏi vòng tài trợ và rời R3. R3 là nhóm nhiều ngân hàng lớn đang hợp tác phát triển và đưa công nghệ mới vào quy trình hoạt động. Công nghệ mới dựa trên blockchain, công nghệ hỗ trợ loại tiền ảo bitcoin. Blockchain cho phép các giao dịch của mạng lưới bitcoin được ghi lại và không thể bị giả mạo.
Nhiều nhà băng đang cố gắng áp dụng nguyên tắc này vào nhiều quá trình từ kinh doanh tài sản đến chuyển tiền. Họ kỳ vọng công nghệ phân loại ngang hàng này có thể làm giảm chi phí, giúp tăng tốc độ giao dịch. Vòng tài trợ 107 triệu USD cho R3 đánh dấu hai đợt đầu tiên của ba vòng tài trợ. Vòng huy động vốn cuối cùng sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
R3 có ba mức độ đầu tư mở ra cho các ngân hàng, tổ chức tài chính. Mức đầu tiên mở cửa cho tất cả các nhà đầu tư, mức thứ nhì đòi hỏi giới đầu tư phải bỏ tiền nhiều hơn song họ lại có quyền tham gia vào một số ủy ban, mức thứ ba yêu cầu nhà đầu tư góp vốn lớn, song lại có chỗ ngồi trong hội đồng quản trị. SBI Group, Merrill Lynch HSBC, Intel và Temasek đều là những nhà đầu tư hàng đầu.
R3 cho hay số tiền vừa huy động được sẽ được dùng để phát triển và triển khai sản phẩm chính với tên gọi Corda. Đây là nền tảng sổ cái phân phối với mã nguồn mở. Charley Cooper, Giám đốc quản lý R3, cho hay: “Bạn sẽ bắt đầu thấy sự ra đời của nền tảng Corda cấp doanh nghiệp, sự khởi đầu của mạng lưới kết nối nhà đầu tư và thành viên thông qua phần mềm. Điều thú vị hơn là chúng tôi đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác nhau để xây dựng ứng dụng có thể bán ra thế giới”.
R3 nỗ lực xây dựng mạng lưới có thể kết nối tất cả các nhà băng và giúp nhiều tổ chức khác nhau tương tác. Song vấn đề đau đầu là hiện có nhiều hãng cũng đang phát triển công nghệ tương tự và điều này có thể khiến các hệ thống khó có khả năng kết hợp cùng nhau.(Thanhnien)
-------------------------
Vì sao startup nước ngoài thường thất bại tại Trung Quốc?
Theo CNBC, dân số khủng 1,3 tỉ người, trong đó có 730 triệu người đang được kết nối với internet, là hai yếu tố hấp dẫn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn mở rộng quy mô và sức ảnh hưởng tại Trung Quốc. Song thị trường nước này đủ lớn để các nhà cung ứng địa phương phải thiết kế lại giải pháp phù hợp với đặc điểm nhân khẩu học và điều đó khiến nhiều doanh nghiệp ngoại cảm thấy khó khăn.
Giám đốc chương trình Oscar Ramos của Chinacelerator, cơ quan hỗ trợ việc kết nối các startup xuyên biên giới, cho hay: “99% doanh nghiệp muốn bước vào Trung Quốc với tư cách một công ty nước ngoài không nên làm thế”. 1% doanh nghiệp mà ông Ramos cho rằng có khả năng thì phải tự vấn bản thân liệu họ có thể làm tốt hơn một doanh nghiệp sẵn có ở Đại lục hay không.
“Các startup làm tốt thường được tài trợ kỹ và vận hành cực kỳ nhanh. Qua thời gian dài sao chép, các công ty Trung Quốc làm rất tốt hai việc này”, ông Ramos nhận định về môi trường kinh doanh Trung Quốc.
Ngoài ra, đặc điểm người tiêu dùng cũng là một yếu tố khiến nhiều hãng ngoại gặp khó. “Chúng tôi từng chứng kiến nhiều công ty đến Trung Quốc và ứng dụng vấn đề giá trị được xây dựng cho một kiểu nhân khẩu học khác. Song sau đó, họ nhận ra rằng họ thành công hơn ở Đông Nam Á, nơi họ có thể tận dụng các kênh mua bán sáp nhập quen thuộc hơn”, ông Ramos nói thêm.
Những nền tảng như Google và Facebook là các hình thức phổ biến để thu hút người dùng đối với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, song cả hai đều bị chặn ở Trung Quốc. Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc ước tính 96% lưu lượng truy cập trực tuyến được thực hiện trên các máy chủ ở nước này. Theo ông Ramos, giới doanh nghiệp cần phải cởi mở trong việc thay đổi và sẵn sàng thách thức mọi giả thuyết khi đến thị trường Đại lục.
Khi nhắc đến cạnh tranh, có nhiều ngành công nghiệp mà doanh nghiệp Đại lục chưa đủ chuyên môn. Trong số này có chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thời trang và thực phẩm. Đây là cơ hội để công ty ngoại bước vào và mở rộng ở Đại lục. Thương hiệu ngoại thực sự là tài sản quý trong những ngành công nghiệp trên. Ngoài ra, thực tế ảo và thực tế tăng cường cũng là hai mảng đang có nhu cầu đáng kể.
Hệt như công ty ngoại gặp khó khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, hãng Đại lục cũng chật vật khi vươn ra nước ngoài. Rất ít công ty nước này làm nên tên tuổi trên trường quốc tế dù hiện một nửa trong số các startup lớn xuất phát từ Đại lục. Hãng Đại lục khó vươn ra biên giới vì họ đã quen với khách hàng địa phương, vốn có yêu cầu rất cụ thể và khác biệt so với khách mua nước ngoài. (Thanhnien)