tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-05-2018

  • Cập nhật : 25/05/2018

Lỗ của Uber giảm một nửa nhờ vụ bán mình cho Grab ở Đông Nam Á

Giám đốc điều hành Uber cho biết công ty có kế hoạch tái đầu tư "mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Theo kết quả được công bố chiều muộn hôm qua (23/5), Uber cho biết họ đã ghi nhận thu nhập ròng 2,5 tỷ USD trên tổng doanh thu từ các đơn đặt xe (gross bookings) 11,29 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần tăng 67% lên 2,5 tỷ USD. Lợi nhuận của Uber được hưởng lợi từ hai giao dịch quan trọng: việc bán mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho GrabTaxi Holdings và liên doanh với Yandex N.V ở thị trường Nga.

Loại trừ hai giao dịch này, công ty đã công bố khoản lỗ điều chỉnh là 577 triệu đô la, giảm một nửa so với quý trước.

Kết quả đã đánh bại dự báo nội bộ của công ty và kết quả là, Giám đốc điều hành Uber Dara Khosrowshahi cho biết Uber không có kế hoạch cắt giảm và sẽ tiếp tục đầu tư đáng kể trong các đơn vị kinh doanh khác nhau của mình.

Ông Khosrowshahi nói trong một tuyên bố: "Với những cơ hội lớn ở phía trước và mục tiêu làm cho Uber trở thành nền tảng di động thực sự, chúng tôi dự định tái đầu tư mạnh mẽ đối với bất kỳ mảng hoạt động nào tỏ ra xuất sắc trong năm nay, cả trong kinh doanh cốt lõi cũng như những lĩnh vực mới như Uber Eats trên toàn cầu ".

Giới phân tích nhận định vị CEO này đang phát đi tín hiệu cho các nhà đầu tư rằng Uber sẵn sàng tiếp tục lỗ, ngay cả khi công ty chuẩn bị tiến hành IPO vào năm 2019.

Trong quý này, Uber đã có hai thay đổi đáng kể trong cách trình bày báo cáo tài chính của mình cho các nhà đầu tư. Thứ nhất, công ty chuyển phần điều chỉnh giá cước (số tiền này dựa trên chuyến đi dài hơn hay ngắn hơn so với ước tính khi khách đặt xe) từ hạng mục tổng giá trị các đơn đặt xe sang tài khoản gọi là "doanh thu trái chiều". Loại bỏ khoản tiền này khiến tổng giá trị các đơn đặt xe giảm 230 triệu USD.

Theo Uber, doanh thu trái chiều là các chi phí như phí cho lái xe, khuyến mãi, thuế và các khoản phí khác mà công ty trừ từ tổng giá trị các đơn đặt xe để tính toán ra doanh thu thuần.

Sự thay đổi thứ hai liên quan đến việc chuyển chi phí cho các chương trình khuyến mãi diện rộng - ví dụ như ở toàn San Francisco hoặc thành phố New York - từ tài khoản doanh thu trái chiều sang liệt kê vào chi phí bán hàng và marketing. Trong quý IV năm ngoái, số tiền đó lên tới 148 triệu đô-la thêm vào doanh thu thuần.

Công ty có trụ sở tại San Francisco là tư nhân, và các báo cáo tài chính không được kiểm toán.

Hôm thứ tư, Uber cho biết các nhà đầu tư bí mật Coatue Management, Altimeter Capital và TPG Capital sẽ tìm cách mua 400 triệu đến 600 triệu USD cổ phiếu Uber từ các nhà đầu tư hiện tại với giá 40 USD/cổ phiếu. Công ty nói rằng giá trị của Uber là 62 tỷ đô la.

Nhà đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank Group, nắm giữ 15% cổ phần của Uber, đã mua 6,5 tỷ USD cổ phiếu của công ty trong tháng 1 với mức định giá 48 tỷ USD.(CafeF)
-----------------

HSBC: Doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro vì thiếu thông tin về chính sách thương mại toàn cầu

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo nhận định việc thiếu thông tin hoặc đánh giá thấp tác động của chính sách thương mại toàn cầu, chỉ tập trung vào chính sách ở phạm vi khu vực đang đặt các doanh nghiệp vào nhiều rủi ro.

Theo đó, mặc dù nhiều doanh nghiệp – đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ – xem việc mở rộng ra thị trường mới là cách quan trọng để tăng trưởng kinh doanh, nhiều trong số họ có thể cuối cùng đánh mất lợi thế cạnh tranh nếu họ không nhận ra các chính sách thương mại đang thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào, và cơ hội dành cho họ nằm ở đâu trong những năm tới.

Phần lớn doanh nghiệp tại châu Âu cho rằng môi trường chính sách tại Mỹ hay sáng kiến Con đường Vành đai của Trung Quốc không ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, mặc dù châu Âu và Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu quan trọng, chỉ 31% cho rằng môi trường chính sách tại châu Âu có ảnh hưởng tích cực lên doanh nghiệp của họ trong khi 66% cho rằng không ảnh hưởng, 31% cho rằng môi trường chính sách tại Mỹ có ảnh hưởng tích cực và 60% cho rằng không liên quan. Tương tự, 74% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng NAFTA không ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiểu rõ tác động tích cực của các chính sách ở các thị trường và khu vực gần hơn. Con đường và Vành đai của Trung Quốc, ASEAN 2025 là hai chính sách nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp với tỉ lệ 59% và 56% tương ứng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

74% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng ASEAN 2025 có tác động tích cực lên doanh nghiệp của họ và chỉ 26% cho rằng không có ảnh hưởng. 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng CPTPP liên quan đến doanh nghiệp của mình và 63% doanh nghiệp Việt Nam cho biết CPTPP có ảnh hưởng tích cực đối với doanh nghiệp của họ trong khi 35% cho rằng không ảnh hưởng.

Có lẽ điều ngạc nhiên là, các doanh nghiệp châu Âu không quan tâm về các rủi ro liên quan đến Brexit: 62% doanh nghiệp kỳ vọng không ảnh hưởng hoặc có ảnh hưởng tích cực lên doanh nghiệp của họ. Trên toàn cầu, 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát có cùng quan điểm tích cực đối với kết quả của Brexit.

HSBC cho rằng điều quan trọng là các doanh nghiệp cần có sự hiểu biết tốt hơn về toàn cảnh các chính sách thương mại trên toàn cầu và các chính sách, hiệp định khác nhau sẽ ảnh hưởng lên doanh nghiệp của họ như thế nào, từ đó họ có thể tận dụng được các cơ hội phát triển được khai thác từ tự do hóa thương mại, kiểm soát tốt hơn các chi phí chuỗi cung ứng và duy trì được lợi thế cạnh tranh.

Đồng thời, tại thời điểm mà chính sách bảo hộ đang tiếp tục diễn ra, các doanh nghiệp cần thiết tham gia vào các cuộc tranh luận nhằm bảo vệ các thị trường mở và các chính sách ủng hộ nền thương mại toàn diện và bền vững.
-----------------------

Chính phủ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%

Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%.

Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thuế; thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; giảm tỉ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%; phấn đấu thu NSNN vượt 3% dự toán. Triệt để tiết kiệm chi NSNN, hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước; phấn đấu bội chi NSNN dưới 3,7% GDP. Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, giữ nợ công trong giới hạn quy định…

Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: "Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0…"

Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán. Tập trung vốn đầu tư công cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm…  Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phấn đấu tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; trong đó tỉ trọng vốn đầu tư tư nhân khoảng 41%. Thu hút có chọn lọc các dự án FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD; có ít nhất 54 huyện và 39,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu thu hút 15-16 triệu lượt khách quốc tế và tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%.(CafeF)
-----------------------

Mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh có đạt được trong năm 2018?

Nhiều bộ chưa có kế hoạch cắt giảm

Tình hình thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã được Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2018 sáng 24/5.

Tính đến tháng 5/2018, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. 4 bộ khác đã có dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung ĐKKD nhưng chưa trình Chính phủ, gồm: Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên môi trường, Tư pháp. Dự kiến đến ngày 31/10, 1.968 ĐKKD sẽ được cắt bỏ và đơn giản.

Các bộ đã rà soát, có phương án, nhưng chưa xây dựng, gồm: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn hóa Thể Thao Du lịch, Giáo dục và Đào tạo. Các bộ chưa rà soát/chưa có phương án đơn giản hóa ĐKKD, gồm: Thông tin và Truyền thông, Khoa học công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Quốc phòng.

"Liệu các bộ này có kịp ban hành Nghị định sửa đổi trước ngày 31/10/2018? Trong 5 tháng, chắc không đủ thời gian. Nhưng nếu làm được, sẽ có thêm 403 ĐKKD được cắt giảm. Những bộ chưa tiến hành rà soát/chưa có phương án đơn giản hóa cũng cần cố gắng để giảm hơn 300 ĐKKD" – ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

Một thực tế diễn ra ngay trong quý I./2018 là việc các bộ ban hành thêm các ĐKKD ngay khi cắt bỏ được một vài điều kiện cũ. Cụ thể: ngày 1/3/2018, Bộ TTTT ban hành Nghị định 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. 11 ĐKKD được đơn giản hóa nhưng 115 ĐKKD được bổ sung.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, kết quả đạt được còn cách khá xa so với mục tiêu "trung bình ASEAN 4" về môi trường kinh doanh. Số ĐKKD thực sự được bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 50% số ĐKKD hiện hành. Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chưa giảm đáng kể so với mục tiêu giảm ít nhất ½ danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Các giải pháp cần nằm trong tổng thể chung

Thử thách được Chính phủ đặt ra trong năm 2018 là tăng thêm 8-18 bậc trên bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt trong giải quyết vấn đề của các bộ ngành. Nếu cải cách được như nội dung Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện vượt bậc, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

"Hiện nay, chúng tôi đã trình kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ. Ngoài chi phí chính thức, chúng tôi mong muốn giảm chi phí không chính thức. Giảm chi phí không chính thức chỉ thực hiện được khi chúng ta thực hiện các giao dịch trực tuyến, doanh nghiệp không giao tiếp trực tiếp với người có thẩm quyền. Còn lúc này, khoản chi phí không chính thức đang rất lớn và doanh nghiệp cũng không lường trước được" – Viện trưởng CIEM cho biết.

Mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh có đạt được trong năm 2018? - Ảnh 1.

Nguồn: Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhưng cũng phải chú ý đến giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ cần có những biện pháp tổng thể trong dài hạn.

"Tỷ lệ doanh nghiệp không phát sinh thu nhập trong nền kinh tế ở mức 60%. Phần lớn doanh nghiệp lại có quy mô vừa và nhỏ. Tôi nghĩ, giai đoạn hiện nay là giai đọn khoan sức cho doanh nghiệp để tạo sự tăng trưởng. Chính sự tăng trưởng của doanh nghiệp cũng tạo ra nguồn thu thuế lớn hơn" – ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Cùng ý kiến trên, ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, bất cứ hành động nào làm tăng chi phí cho doanh nghiệp là không nên. Về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Bộ tài chính cần có phương án sử dụng quỹ hợp lý. Theo ông Cung, quỹ này nên được đầu tư cho phát triển các ngành mới, công nghệ sạch thay vì hòa chung vào ngân sách. Khi người dân và doanh nghiệp nhận thức được rõ ràng lợi ích, việc tăng thuế nới có thể nhận được sự đồng thuận.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục