VASEP: Nhiều hợp đồng xuất khẩu bị huỷ vì thuỷ sản nhiễm kim loại nặng
Việt Nam là lựa chọn số 1 ASEAN cho doanh nghiệp Mỹ
Mua 10 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước đang làm gì?
Đoàn doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ lớn nhất từ trước đến nay đã tới gặp Thủ tướng và tìm hiểu cơ hội đầu tư
Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-08-2016
- Cập nhật : 25/08/2016
Việt Nam là điểm đầu tư “hot” nhất trong các thị trường mới nổi hai năm liên tiếp
Theo FT, Việt Nam có được kết quả này là nhờ nhiều năm nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của nền kinh tế trong con mắt nhà đầu tư.
Năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam dẫn đầu danh sách nước thu hút lượng vốn FDI mới (greenfield FDI) trong nhóm các thị trường mới nổi. Đó là số liệu vừa được FDI Intelligence – đơn vị trực thuộc tạp chí The Financial Times – công bố sau khi nghiên cứu số liệu về lượng vốn FDI trong năm 2015 ở 14 quốc gia.
Theo đó, Việt Nam ghi được 6,45 điểm. bỏ xa nước xếp thứ hai và thứ ba là Hungary và Romania cũng như các nước trong khu vực là Malaysia và Thái Lan.
Chỉ số này được xây dựng bởi Unctad (Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, một cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc), dựa trên số liệu thống kê về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chỉ áp dụng đối với greenfield FDI (tức là trừ đi vốn đầu tư qua các vụ M&A, các khoản vay nội bộ và các dạng đầu tư xuyên biên giới khác).
Theo FT, Việt Nam có được kết quả này là nhờ nhiều năm nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của nền kinh tế trong con mắt nhà đầu tư.
Báo cáo về môi trường đầu tư (Doing Business) mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam đã có những cải tiến đáng kể. Các tiêu chí như khả năng tiếp cận nguồn điện, tiếp cận thông tin tín dụng và thanh toán đều tăng hạng, trong khi đó thời gian đăng ký kinh doanh và thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm xuống.
Dẫu vậy, tốc độ dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam cũng đã chậm lại. Chỉ số của Việt Nam giảm 1,41 so với năm ngoái, mạnh nhất trong 14 nước và tỷ trọng cũng giảm nhẹ từ mức 1,89% xuống còn 1,77%. Số dự án giảm từ 244 của năm 2014 xuống còn 224 dự án.
Tuy nhiên, cùng trong thời gian này, tỷ trọng của kinh tế Việt Nam trên toàn cầu tăng nhẹ từ 0,23% lên 0,24% do GDP anh nghĩa tăng trưởng gần 10% trong năm 2015.
47,8% các dự án FDI mà Việt Nam thu hút được trong năm ngoái thuộc về lĩnh vực chế tạo. Tiếp theo là ngành dịch vụ tài chính và sản xuất linh kiện điện tử.
Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, chỉ số của Hungary tăng 0,65 điểm do lượng vốn FDI tăng 10,7% nhưng GDP lại giảm tới 7,6%.
Trong số 14 nước được thống kê, 10 nước có số điểm lớn hơn 1 và 4 nước có số điểm nhỏ hơn 1. Mức 1 điểm cho thấy tỷ trọng của nền kinh tế nước đó trong kinh tế thế giới phù hợp với lượng vốn FDI mới mà nó thu hút được. Với số điểm 6,45, vốn FDI đổ vào Việt Nam cao gấp hơn 6 lần lượng vốn kỳ vọng dựa trên quy mô nền kinh tế.
Trung Quốc có số điểm thấp nhất (0,41 điểm) và đã ghi nhận năm giảm điểm thứ hai liên tiếp với mức giảm lên tới 0,41 điểm.(CafeF)
Dự báo cung - cầu và giá đường niên vụ 2016-2017
Niên vụ sản xuất mía đường 2016-2017 đã bắt đầu đi vào sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tình hình cung cầu và giá đường trong nước sẽ tiếp tục căng thẳng bởi dự báo thế giới sẽ tiếp tục thiếu hụt đường, sản lượng đường trong nước có thể chỉ tăng nhẹ so với niên vụ 2015-2016.
Niên vụ 2015-2016, các nhà máy đường cả nước đã sản xuất được 1.237.300 tấn (đường luyện là 700.000 tấn). So với niên vụ 2014-2015, sản lượng đường sụt giảm 180.500 tấn (12,73 %). Đây là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng đường sản xuất sụt giảm. Trong khi đó, giá đường biến động phức tạp, đầu vụ giá đường trắng loại I đã có thuế VAT tại các nhà máy dao động từ 13.600 - 14.500 đ/kg, giữa vụ 14.500 - 15.500 đ/kg, cuối vụ 15.500-16.500 đ/kg. Cá biệt có một số loại đường RE cao cấp giá cao ở mức 17.000-18.000 đ/kg và chỉ một số ít nhà máy có thể đáp ứng được. So với niên vụ 2014-2015, giá đường niên vụ 2015-2016 tăng khoảng 3.500 - 4.500đ/kg.
Nguyên nhân giá đường niên vụ 2015-2016 tăng, theo Bộ Nông nghiệp là: do thiếu hụt mía nguyên liệu; giảm sản lượng đường; giá đầu vào (nguyên liệu mía, vật tư nông nghiệp, chi phí hỗ trợ cho nông dân, nhân công, tỷ giá USD…) tăng khiến giá thành đường tăng; giá đường thế giới tăng; hạn hán, xâm nhập mặn tại một số vùng dẫn đến tâm lý lo ngại sản lượng mía đường sụt giảm sâu, cung không đáp ứng đủ cầu; đường nhập lậu đã hạn chế do công tác chống buôn lậu tốt hơn. Ngoài ra, giá đường trong nước tăng cũng không loại trừ nguyên nhân có sự găm hàng của một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thương mại.
Theo tổng hợp kế hoạch sản xuất niên vụ 2016-2017 của các nhà máy đường cả nước, sản lượng mía ép dự kiến sẽ là 13,72 triệu tấn, sản lượng đường sản xuất là 1,52 triệu tấn (đường tinh luyện là 800.000 tấn). Với mục tiêu này, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp cho rằng, chỉ có thể coi là ở mức “kỳ vọng” bởi đến nay chưa có cơ sở nào khẳng định sản lượng mía hay "chữ đường" vụ 2016-2017 sẽ tăng hơn vụ trước. Đặc biệt, niên vụ mía đường 2016-2017 được dự báo là tỷ lệ diện tích mía bị chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn sẽ còn cao hơn, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến cả sản lượng và chất lượng mía nguyên liệu. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh ngành đường vẫn kém do giá thành sản xuất mía nguyên liệu cao; trình độ chế biến, năng lực quản lý của các nhà máy đường còn nhiều hạn chế... Nếu không có giải pháp đột phá để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng mía, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sản lượng mía đường vụ 2016-2017 chỉ tương đương hoặc tăng nhẹ so với niên vụ 2015 - 2016.
Nhận định về tình hình cung cầu và giá đường trong nước niên vụ 2016-2017 đang tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, có thể sẽ tiếp tục diễn biến căng thẳng trong bối cảnh dự báo thế giới sẽ tiếp tục thiếu hụt đường do hiện tượng El Nino gây thiệt hại cho trồng trọt, đặc biệt là tình hình hạn hán đang gây khó khăn cho các nước sản xuất đường lớn ở châu Á cũng như sản lượng đường sản xuất trong nước chưa có cơ sở khẳng định sẽ không tiếp tục bị sụt giảm.
Nguồn cung căng thẳng tất yếu sẽ tác động khiến diễn biến giá đường căng thẳng theo. Bởi đường là mặt hàng nhạy cảm tác động nhiều mặt đến kinh tế, xã hội, nhưng hệ thống cơ chế, chính sách còn rời rạc, thiếu đồng bộ, tính pháp lý chưa ngang tầm để điều chỉnh các hoạt động của ngành sản xuất mặt hàng thiết yếu này.
Để góp phần đáp ứng nhu cầu đường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, các địa phương và các nhà máy đường cần có sự đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển vùng mía nguyên liệu để tăng năng suất, chất lượng mía tối thiểu 10% so với hiện nay. Các nhà máy đường cần đánh giá lại khả năng cung cấp nguyên liệu để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ phù hợp, xây dựng cơ chế đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ cho nông dân để ổn định vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đường.( Báo công thương)
Ngành thủy sản trước các áp lực thay đổi để giữ vững và phát triển giá trị
Một loạt rào cản kỹ thuật ở các thị trường xuất khẩu (XK) chủ lực của thủy sản Việt Nam đang khiến ngành hàng này đứng trước các áp lực thay đổi để giữ vững và phát triển giá trị.
Theo nhìn nhận của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì hoạt động XK thủy sản hiện đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn.
Tại thị trường EU, yêu cầu dán nhãn “An toàn cá heo” đang gây khó cho doanh nghiệp nước ta. Hiện nay, đa số các công ty đánh bắt cá ngừ đã được câu tay bằng lưỡi câu vòng, hoàn toàn không gây tổn hại gì tới cá heo. Cá ngừ cũng được đánh bắt ngay trong nước nên vấn đề chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm như yêu cầu là hoàn toàn đáp ứng được.
Nhưng thị trường EU lại yêu cầu một tổ chức là bên thứ 3 chứng minh doanh nghiệp đủ điều kiện dán nhãn “An toàn cá heo”. Trên thế giới hiện nay có 4 tổ chức lớn được quốc tế công nhận có thể đảm nhiệm vai trò này. Để được các tổ chức đó chứng nhận và đăng tải tên doanh nghiệp lên website, doanh nghiệp sẽ phải đóng mức phí từ 5.000-6.000 USD/năm.
Còn tại thị trường Mỹ, yêu cầu dán nhãn “An toàn cá heo” cũng được đưa ra từ ngày 21/5 vừa qua. Cùng với đó, khó khăn cho XK thủy sản cũng xuất phát từ chương trình thanh tra cá da trơn theo Đạo luật Nông Trại 2014.
Tại Australia - thị trường được đánh giá có tiềm năng XK rất lớn cho thủy sản - cũng khiến các doanh nghiệp mất nhiều thời gian để đưa được mặt hàng tôm vào. Khó khăn nằm ở công tác kiểm duyệt gắt gao khi Australia chưa công nhận Việt Nam là quốc gia sạch bệnh trên tôm.
Chiếm hơn 50% giá trị XK của toàn ngành hàng thủy sản, thị trường Trung Quốc cũng khiến ngành hàng cá tra gặp không ít bấp bênh. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, một vài năm gần đây, Trung Quốc chủ yếu thu mua hàng nguyên liệu, mang tính chọn lọc, chọn cỡ cá tra nhất định với mức giá cao hơn mặt bằng giá chung.
“Việc chọn cỡ này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam không còn đủ cỡ cá tra để làm hàng XK. Bên cạnh đó, điều đáng bàn là khi thu gom các mặt hàng như tôm, cá tra, Trung Quốc sử dụng thế mạnh về tài chính để đẩy mạnh thu mua, song chỉ thu mua trong khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ đột ngột điều chỉnh lượng mua. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá bán”, ông Nam phân tích.
Tuy thủy sản là nhóm ngành hàng có lịch sử đi ra thương trường thế giới sớm hơn so với nhiều mặt hàng nông, lâm sản nhưng ngành hàng này vẫn chưa thoát khỏi việc lấy số lượng bù chất lượng khi XK. Muốn tăng tốc trong giá trị, các sản phẩm thủy sản cần có chỗ đứng trên thị trường quốc tế bằng chính thương hiệu được làm nên từ chất lượng của mình.
Gỡ khó bằng sản xuất chuyên nghiệp
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị XK thủy sản 7 tháng đầu năm 2016 đạt 3,65 tỉ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định, ngành thủy sản đã giữ được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. XK thủy sản cả năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu trên 7 tỉ USD.
Phân tích về những nguyên nhân giúp cho xuất khẩu thủy sản giữ được tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu của năm 2016, theo ông Trương Đình Hòe, quan trọng nhất là nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường vẫn có xu hướng tăng lên. Các doanh nghiệp đã giữ được bạn hàng để các đối tác tiếp tục mua thủy sản, đồng thời cũng chấp nhận chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Lãnh đạo VASEP cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng thống kê một cách cụ thể, cập nhật về sản lượng cá tra thực tế hiện nay ở vùng ĐBSCL để doanh nghiệp thu mua nước ngoài nắm được thông tin, điều tiết tiêu thụ, đồng thời cũng góp phần điều tiết hoạt động XK trong nước tốt hơn.
Riêng với tôm - ngành hàng được xác định còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo về nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ nước lợ xuất xứ tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Việt Nam bước đầu đã chọn tạo được giống tôm bố mẹ do Tập đoàn Việt Úc nghiên cứu. Tới đây, chúng ta không chỉ nghiên cứu và tạo ra giống tôm bố mẹ sạch bệnh, tăng trưởng cao mà chúng ta còn chọn tạo tôm bố mẹ kháng bệnh và tăng trưởng nhanh có xuất xứ tại Việt Nam. Hy vọng từ nay cho đến năm 2020, chúng ta có thể chủ động được phần lớn giống tôm bố mẹ do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, đáp ứng được các điều kiện. Những cặp tôm bố mẹ nhập khẩu thì chúng ta đã có những cơ chế kiểm soát kể cả về dịch bệnh cũng như chất lượng tôm, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng của tôm giống Việt Nam”.
Trong lịch sử XK nông sản Việt Nam, khi nhiều ngành hàng còn “chân đất” lần tìm đường XK thì thủy sản đã đi trên đôi “dép lê” vươn tới nhiều thị trường khó tính trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đứng trước bài toán cạnh tranh toàn cầu, đôi “dép lê” của ngành thủy sản không thể đáp ứng được yêu cầu mới.
Đa số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang hỗ trợ tối đa cho ngành thủy sản. Nỗ lực bằng chính chất lượng và quyết tâm bảo vệ thương hiệu của từng doanh nghiệp mới là “đôi giày vạn dặm” để ngành thủy sản vững bước vươn lên trên con đường hội nhập.(NDH)
Việt Nam đứng đầu danh sách quốc gia thu hút vốn FDI
Số vốn đầu tư nước ngoài vào châu Á tập trung chủ yếu vào 3 thị trường tiềm năng là Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ.
Theo Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ báo tài chính hàng đầu thế giới Financial Times (Mỹ), lần thứ 2 liên tiếp Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp theo là Hungary và Romania. Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á cũng nằm trong danh sách này là Malaysia và Thái Lan với vị trí thấp hơn.
Cụ thể, FDI Intelligence chấm Việt Nam đạt 6,45 điểm, vị trí tiếp theo là Hungary với 4,32 điểm và Romania với 3,48 điểm. Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á là Malaysia đạt 2,86 điểm và Thái Lan 2,43 điểm.
Y tế là một lĩnh vực cho thấy sức hút của Việt Nam kể từ khi Chính phủ nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài. Theo các tổ chức thẩm định quốc tế, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam sẽ còn tăng 75% trong thời gian từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, thị trường lao động Việt Nam cũng tạo nhiều thuận lợi về sức cạnh tranh với rất nhiều người có bằng cấp được đào tạo phù hợp với các công ty đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bản báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển cũng khẳng định các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều đến khu vực “châu Á đang phát triển”. Bằng chứng là trên tổng số 765 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015 vào các nước đang phát triển, số vốn đầu tư vào các nước “châu Á đang phát triển” là 541 tỉ USD và tập trung chủ yếu vào 3 thị trường tiềm năng là Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ.(CP)