tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-05-2018

  • Cập nhật : 25/05/2018

Dịch vụ gọi xe Go-Jek của Indonesia mở rộng thị trường, hướng tới Việt Nam

Go-Jek - hãng cung cấp ứng dụng gọi xe nổi tiếng của Indonesia - ngày 24/5 cho biết đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động ra các thị trường nước ngoài.

 

nguoi dan su dung dich vu di xe may cua hang go-jek tren duong pho jakarta, indonesia ngay 24/5. anh: afp/ttxvn

Người dân sử dụng dịch vụ đi xe máy của hãng Go-Jek trên đường phố Jakarta, Indonesia ngày 24/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, hãng này sẽ đầu tư 500 triệu USD để mở rộng hoạt động sang các thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới. 

Hãng Go-Jek hiện cung cấp dịch vụ gọi xe (cả ô tô và xe máy), cùng nhiều dịch vụ khác như giao hàng, mua sắm trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, thậm chí cung cấp cả dịch vụ massage và dọn nhà. 

Với những lĩnh vực kinh doanh trên Go-Jek sẽ đối đầu trực tiếp với hãng Grab của Singapore hiện thống trị thị trường Đông Nam Á sau khi mua lại mảng vận hành của Uber tại Đông Nam Á. Hai hãng này cũng đang cạnh tranh gay gắt với nhau ngay tại "sân nhà" Indonesia của Go-Jek. 

Theo một nghiên cứu của hãng Google và Temasek, thị trường gọi xe ở Đông Nam Á ước tính sẽ đạt giá trị 20 tỷ USD vào năm 2025.(TTXVN)
---------------------

Tạp chí Forbes công bố các Thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2018

Tạp chí danh giá Forbes của Mỹ mới đây đã công bố danh sách các Thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2018, trong đó hãng sản xuất điện tử hàng đầu Hàn Quốc Samsung Electronics Co. đã có bước tiến đáng nể khi vươn lên vị trí thứ 7, nhảy ba bậc so với năm trước đó.

Trụ sở của tập đoàn Samsung ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Forbes, giá trị thương hiệu của “người khổng lồ” điện tử Hàn Quốc nãy đạt 47,6 tỷ USD, tăng 25% so với mức 38,2 tỷ USD (đứng ở vị trí thứ 10). 

Đối thủ cạnh trạnh của Samsung là hãng "trái táo khuyết" Apple Inc. tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, với giá trị thương hiệu ước tính khoảng 182,8 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm trước đó. 

“Ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) Google cũng bám sát với giá trị thương hiệu đạt 132,1 tỷ USD, theo sau là Microsoft Corp. và Facebook Inc. có giá trị lần lượt là 104,9 tỷ USD và 94,8 tỷ USD. 

Nhà sản xuất ô tô Toyota Motor Corp. của Nhật Bản là công ty châu Á khác nằm trong top 10 của danh sách trên, với giá trị thương hiệu khoảng 44,7 tỷ USD. 

Trái ngược với sự vươn lên mạnh mẽ của Samsung Electronics, Hyundai Motor Co. của Hàn Quốc bị sụt giảm 7 bậc so với năm ngoái, đứng ở vị trí thứ 75 với giá trị thương hiệu khoảng 8,7 tỷ USD. (TTXVN)
------------------------

Canada chặn đứng vụ doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm công ty xây dựng

Chính phủ Canada vừa chặn một vụ thâu tóm trong đó một doanh nghiệp Trung Quốc dự định mua lại công ty xây dựng Aecon Group Inc. của nước này. Đây là động thái mới nhất của các quốc gia phương Tây gắn lo ngại về an ninh quốc gia với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Theo tin từ Bloomberg, quyết định nói trên được Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đưa ra ngày 23/5, sau một cuộc rà soát an ninh đối với thương vụ trị giá 1,2 tỷ Đôla Canada, tương đương 930 triệu USD mà trong đó, CCCI - một công ty con của Công ty Xây dựng liên lạc Trung Quốc (CCCC) - dự định mua lại Aecon.

Cách đây ít lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn vụ công ty Broadcom Ltd. thâu tóm hãng sản xuất thiết bị bán dẫn Qualcomm vì lo ngại thương vụ này có thể "xói mòn an ninh quốc gia của Mỹ". Washington lo rằng việc Qualcomm về tay Broadcom sẽ mở đường cho Trung Quốc, cụ thể là tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei, giành ưu thế trước Mỹ trong lĩnh vực liên lạc di động.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã chặn nhiều vụ thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến Trung Quốc. Hiện nay, chính quyền Trump đang ở trong tình trạng mâu thuẫn sâu sắc với Trung Quốc về thương mại. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông Trudeau chặn một thương vụ lớn của công ty nước ngoài kể từ khi trở thành Thủ tướng Canada vào năm 2015.

"Chúng tôi lắng nghe sự tư vấn của các cơ quan ninh quốc gia, thông qua một quy trình rà soát an ninh quốc gia gồm nhiều bước theo Đạo luật Đầu tư Canada", Bộ trưởng Bộ Sáng tạo Canada, ông Navdeep Bains, nói trong một tuyên bố. "Dựa trên kết quả điều tra và để bảo vệ an ninh quốc gia, chúng tôi yêu cầu CCCI không thực hiện kế hoạch đầu tư được đề xuất".

Giá cổ phiếu của Aecon đã giảm mạnh trong mấy tuần gần đây, xuống mức thấp nhất kể từ khi kế hoạch thâu tóm được công bố vào tháng 10 năm ngoái, do lo ngại thương vụ sẽ bị chặn.

Hoạt động xây dựng của Aecon liên quan đến nhiều lĩnh vực có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, bao gồm xây dựng các mạng viễn thông của Canada. Aecon cũng là công ty tham gia xây dựng cao ốc CN Tower vốn được xem là một biểu tượng của thành phố Toronto.

Với lĩnh vực chính là xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết kế và nạo vét, Aecon có doanh thu hàng năm 62 tỷ USD.

Động thái trên của Canada diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong tương lai quan hệ thương mại của nước này. Canada hiện đang cân nhắc mở đàm phán thương mại với Trung Quốc nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Nước này cũng đang ở trong một cuộc đàm phán căng thẳng với Mỹ và Mexico về điều chỉnh Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA).

Các vụ thâu tóm của Trung Quốc ở Canada bắt đầu giảm từ năm 2012, khi Chính phủ nước này áp hạn chế đối với vốn đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng. Hạn chế này được đưa ra sau khi công ty dầu lửa quốc doanh CNOOC của Trung Quốc thâu tóm công ty dầu lửa Nexen ở vùng Alberta của Canada.

Trước đó, vào năm 2009, cân nhắc an ninh quốc gia chính thức trở thành một nội dung trong quy trình rà soát đầu tư nước ngoài của Canada. Vào năm 2012, Cơ quan Tình báo an ninh Canada cảnh báo rằng một số công ty quốc doanh nước ngoài có thể là một mối đe dọa an ninh đối với Canada.(VNeconomy)
----------------------

Sony thừa nhận mảng smartphone tụt hậu vì thiếu sáng tạo

Hãng điện thoại Nhật Bản đối diện với thất bại ở mảng smartphone và thừa nhận mình đã thiếu sáng tạo trong suốt những năm qua.

Những năm vừa qua, thị phần smartphone Sony luôn ở mức rất thấp. Tính đến hết quý I/2018 hãng đã lọt ra khỏi vị trí top 10 nhà sản xuất điện thoại lớn nhất toàn cầu, xếp sau nhiều tên tuổi chưa được 10 “tuổi đời” như Oppo, Vivo hay Xiaomi.

Điều đáng nói là mặc dù tình hình kinh doanh không khả quan, hãng vẫn bảo thủ duy trì phong cách thiết kế smartphone tới 5 năm.

Sony thừa nhận chậm đổi mới, sáng tạo là nguyên nhân khiến doanh thu mảng smartphone liên tục đi xuống

Phải đến gần đây, Sony mới thẳng thắn nhìn vào thất bại của mình và xác định đâu là vấn đề. Tại một hội nghị nhà đầu tư mới diễn ra, hãng thừa nhận nguyên nhân thất bại là chậm trễ cải tiến dòng sản phẩm smartphone, khâu thiết kế và phát triển quá nhiều thời gian.

Xperia XZ2 là sản phẩm cho thấy nỗ lực làm mới của hãng

Tuy nhiên Sony cũng đã cho thấy những nỗ lực làm mới sản phẩm với dòng Xperia XZ2 vừa ra mắt tại MWC năm nay. XZ2 và XZ2 Compact sở hữu thiết kế mới, không còn vuông vắn như trước và tỉ lệ màn hình dài 18:9, một chi tiết mà nhiều hãng đã làm từ năm 2017.

XZ2 Premium thì vẫn giữ màn hình 16:9 nhưng là smartphone đầu tiên của Sony được trang bị hệ thống camera kép ở mặt sau.

Mặc dù là thương hiệu cung cấp linh kiện nổi tiếng, sản phẩm cuối của Sony dường như có chất lượng không vượt trội. Hãng cũng đã nhận biết vấn đề này và hứa hẹn sẽ “tận dụng thế mạnh công nghệ” của mình tốt hơn.

Trong thời gian tới, Sony xác định thị trường quan trọng để tấn công là châu Âu. Hãng cũng có những chiến lược rõ ràng cho kỷ nguyên 5G, bao gồm nhiều dịch vụ và giải pháp để tận dụng tốc độ mạng siêu nhanh. Với những định hướng phát triển nói trên, Sony kỳ vọng năm 2020 tình hình kinh doanh smartphone sẽ khởi sắc(Zing)

Trở về

Bài cùng chuyên mục