tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-08-2018

  • Cập nhật : 08/08/2018

Mỹ yêu cầu WTO cho phép trừng phạt thương mại với Indonesia

Mỹ đã yêu cầu WTO cho phép Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với Indonesia sau khi WTO ra phán quyết nghiêng về phía Mỹ trong một tranh chấp thương mại.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 6/8, Mỹ đã yêu cầu WTO cho phép Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với Indonesia sau khi WTO ra phán quyết nghiêng về phía Mỹ trong một tranh chấp thương mại với “quốc gia vạn đảo”. 

Năm ngoái, cả Mỹ và New Zealand đều “thắng” trong vụ kiện lên WTO về việc Indonesia đưa ra các quy định giới hạn nhập khẩu đối với thực phẩm, trái cây, thịt bò và các sản phẩm gia súc, gia cầm… Sau đó, Indonesia cũng thua khi kháng cáo. 

Trong một thông báo, Mỹ cho biết Indonesia đã không thực hiện phán quyết của WTO, do đó Washington đang theo đuổi các biện pháp trừng phạt để lấy tiền bồi thường thiệt hại cho phía Mỹ.

Theo một ước tính và phân tích sơ bộ, chính sách giới hạn nhập khẩu của Jakarta đã khiến các doanh nghiệp Mỹ thiệt hại tới 350 triệu USD trong năm 2017. 

Tuy nhiên, Oke Nurwan, một quan chức của Bộ Thương mại Indonesia, khẳng định nước này đã thực thi phán quyết của WTO và những quy định về nhập khẩu thực phẩm của Indonesia đã được điều chỉnh. 

Thông thường tiến trình đòi bồi thường cần mất nhiều năm và hiện "quốc gia vạn đảo" đang vận động hành lang để Mỹ đưa quốc gia này vào danh sách các nước được hưởng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), dự kiến sẽ giúp giảm thuế cho lượng hàng hóa xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD của Indonesia. 

Hồi tháng Bảy, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita cho biết sẽ nước này sẽ hạ hàng rào thương mại đối với mặt hàng táo Mỹ như một phần trong nỗ lực để thương lượng về GSP với Washington. 

Trong khi đó, tin tức cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/8 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với Iran là "các biện pháp hà khắc nhất từ trước đến nay".

Ông Trump nêu rõ đến tháng 11 tới các biện pháp này sẽ được nâng lên một mức khác, đồng thời nhấn mạnh "bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ".

Trước đó ngày 6/8, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp, theo đó áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký giữa Tehran và nhóm P5+1.

Sắc lệnh nêu rõ chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với Iran. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran đồng thời sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran "bất kỳ lúc nào".

Phản ứng về động thái trên của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng ngày 6/8 tuyên bố Iran sẽ khiến Mỹ phải "hối tiếc" vì đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo này.

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước, nhà lãnh đạo Iran cho rằng đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump đàm phán trực tiếp với Tehran là một "chiêu trò" và chỉ nhằm gây chia rẽ ở Iran.

Ông Rouhani nhấn mạnh việc "đàm phán trong khi áp đặt trừng phạt không có ý nghĩa gì", đồng thời cho rằng chính quyền Mỹ "không đáng tin cậy để tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào" (Bnews)
---------------

Chứng khoán châu Á đi lên bất chấp căng thẳng thương mại

Chứng khoán Nhật Bản tăng với chỉ số Nikkei 225 thêm 155,42 điểm, tương đương 0,69%, lên 22.662,74 điểm. Yếu tố chính giúp kéo Nikkei 225 đi lên là cổ phiếu SoftBank, tăng 6,54% sau khi công ty thông báo lợi nhuận hàng quý tăng 49%. Hầu hết các lĩnh vực khác đều tăng, trong đó viễn thông dẫn đầu.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,6% lên 2.300,16 điểm. Cổ phiếu công nghệ tăng trong đó Samsung tăng 1,97%.

Cổ phiếu Trung Quốc phục hồi sau đợt giảm ngày 6/8, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. Shanghai Composite tăng 2,74% lên 2.779,3 điểm, kết thúc chuỗi 4 ngày giảm liên tiếp. Chỉ số blue-chip CSI 300 tăng 2,92% lên 3.368,87 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,54% lên 28.248,88 điểm, tiếp tục đà lên từ phiên 6/8, sau 5 ngày giảm liên tiếp. Cổ phiếu năng lượng và xây dựng tăng hơn 3% trước khi thị trường đóng cửa.

Chỉ số MSCI các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,75% trong phiên chiều nay.

Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,3% xuống 6.253,9 điểm trong bối cảnh ngân hàng dự trữ nước này giữ lãi suất ổn định.

Trước đó. chứng khoán Mỹ phiên 6/8 tăng điểm do nhà đầu tư gạt bỏ lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chú ý vào thông tin lợi nhuận doanh nghiệp.

“Khi tôi trao đổi với các nhà đầu tư Trung Quốc, họ nhận định thị trường Trung Quốc và thế giới có xu hướng đi xuống. Nhiều người trao đổi về việc đường cong lợi suất Mỹ đang thẳng ra. Xu hướng này có thể đảo ngược nếu Fed tiếp tục chính sách thắt chặt”, theo Mark Jolley, chiến lược gia toàn cầu tại CCB International Securities. Các nhà đầu tư cũng lo ngại về động cơ đằng sau chính sách thương mại hiện tại của Mỹ.(NDH)
-------------------------

Trump dọa trừng phạt các đồng minh cố tình kinh doanh với Iran

Tổng thống Mỹ tuyên bố tái áp đặt cấm vận nhằm vào Iran, cảnh báo các quốc gia khác không được lách lệnh trừng phạt này.

"Các biện pháp cấm vận Iran đã chính thức được áp dụng, đó là những lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay và có thể được nâng lên mức độ cao hơn vào tháng 11. Bất kỳ nước nào tìm cách làm ăn với Iran sẽ không được giao dịch với Mỹ. Tôi đang theo đuổi hòa bình cho thế giới", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay viết trên mạng xã hội Twitter.

Việc tái áp đặt trừng phạt là một phần chiến lược của Tổng thống Mỹ nhằm điều chỉnh hành vi của Tehran trong khu vực.Quyết định này đã gây rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu. Anh, Pháp và Đức tuyên bố sẽ áp dụng "điều khoản ngăn chặn" để bác lệnh trừng phạt đánh vào các công ty châu Âu kinh doanh với Iran.

Quan chức Mỹ tiết lộ các lệnh trừng phạt gồm ngăn chặn Tehran thu mua ngoại tệ mạnh, cấm hoạt động xuất nhập khẩu kim loại, than, phần mềm liên quan tới công nghiệp và ngành sản xuất ôtô."Những biện pháp cấm vận sẽ gây sức ép tài chính lớn lên Iran", quan chức Mỹ tuyên bố.

Thị trường Iran ít bị ảnh hưởng bởi quyết định tái áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ, sau khi Tehran nới lỏng kiểm soát ngoại tệ, cho phép nhập vàng, tiền mặt không giới hạn và không bị đánh thuế. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran áp dụng từ tháng 11 có thể sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nước này, khi Washington muốn càng nhiều quốc gia ngừng nhập khẩu dầu từ Tehran càng tốt.(Vnexpress)
---------------------

Trừng phạt Iran liệu có là vũ khí Boomerang của Mỹ?

Gói biện pháp tái trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iran, có hiệu lực từ ngày 7/8, thực sự đã đẩy căng thẳng giữa Washington và Tehran lên một nấc thang mới với nhiều hệ lụy.

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng sau khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Ảnh: TTXVN phát

Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng đã "phớt lờ" cảnh báo của cộng đồng quốc tế, không ngần ngại "đứng riêng một bên" trong vấn đề Iran, bất chấp quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu vì động thái này của Mỹ càng thêm sứt mẻ.

Có thể thấy mục đích của Washington tái áp đặt 2 gói trừng phạt Iran trong vòng 90 ngày và 180 ngày sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5 vừa qua, là nhằm "gây sức ép tối đa về mặt kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Thậm chí, Mỹ còn không ngại ngần công khai quyết tâm "bóp nghẹt" nền kinh tế Iran khi muốn thông qua gói trừng phạt "triệt tiêu" toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu - nguồn thu chủ lực của Tehran.

Dù đây không phải lần đầu tiên Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, và gói biện pháp đầu tiên này, nhằm vào các giao dịch mua USD, các kim loại quý và các mặt hàng xuất khẩu của Iran, cũng được đánh giá là không mạnh tay bằng gói biện pháp thứ hai có hiệu lực từ ngày 4/11 tới, song trong bối cảnh Tehran đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, đây thực sự là "đòn hiểm" của Washington.

Trên thực tế, kể từ tháng 4 đến nay, đồng rial của Iran đã mất giá khoảng 50% do nền kinh tế sa sút trước nguy cơ Mỹ tái áp đặt trừng phạt, lạm phát leo thang, khó khăn tài chính tại các ngân hàng trong nước và nhu cầu của người dân mua đồng USD tăng cao, kéo theo các cuộc biểu tình đường phố.

Nếu hoạt động xuất khẩu dầu bị ngưng trệ và Iran không thể tiếp tục xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu thô/ngày hoặc giá dầu giảm hơn 70 USD/thùng, chắc chắn Tehran sẽ không đủ tiền để trả lương cho người lao động, nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa và hơn 16 triệu người sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp, kéo theo khoảng cách giàu nghèo và nạn đói gia tăng.

Áp lực về kinh tế sẽ đe dọa đến sự ổn định chính trị của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Hàng loạt doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại quốc gia Trung Đông này cũng "dính đòn". Ước tính khoảng 50 công ty lớn của châu Âu và quốc tế đang làm ăn với Iran trong ngành thác khí đốt tự nhiên, xuất xưởng máy bay, ô tô sẽ bị ảnh hưởng trong khi 10 đối tác kinh doanh hàng đầu gồm Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Nga và Singapore bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp đã phải chọn giải pháp rút khỏi thị trường Iran.

Các đòn trừng phạt của Mỹ còn tác động tới thị trường dầu khí, do Iran hiện đứng thứ 2 trên thế giới về trữ lượng khí tự nhiên, đứng thứ 4 về trữ lượng dầu thô, đặc biệt nắm giữ lợi thế địa chiến lược khi kiểm soát Eo biển Hormuz - nơi mỗi ngày có tới khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới đi qua.

Theo dự báo của giới phân tích, giá dầu có thể biến động mạnh mẽ khi các nhà sản xuất dầu không có khả năng bù đắp khoản thâm hụt khoảng 2,7 triệu thùng mỗi ngày nếu hoạt động xuất khẩu dầu của Iran xuống còn 0 như Mỹ đã tuyên bố.

Trong phiên giao dịch ngày 7/8, giá dầu tại hai sàn giao dịch New York và London đều tăng so với các phiên giao dịch trước.

Đó là chưa kể những hệ lụy đối với an ninh khu vực Trung Đông, khi Iran có thể nối lại hoạt động làm giàu urani cũng như theo đuổi lại chương trình hạt nhân.

Nếu điều này xảy ra, căng thẳng giữa Iran-Israel, Iran-Saudi Arabia lại bùng phát, Trung Đông có thể lại thành "chảo lửa" và Mỹ có nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến không có hồi kết như tại Iraq hay Afghanistan.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ vẫn có thể bị "gậy ông đập lưng ông" trong chiến lược cứng rắn với Iran.

Cựu Phó Giám đốc Văn phòng Tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Wayne White khẳng định dù Iran bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt này của Mỹ, song sẽ không bị mất ổn định nghiêm trọng.

Bản thân giới chức Iran cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế nước này, bởi Tehran đã quá "có kinh nghiệm" trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ từ trong quá khứ.

Trên thực tế thì Iran đã chuẩn bị các "đòn đáp trả" trong trường hợp Mỹ tái áp đặt trừng phạt, từ tìm kiếm những bạn hàng mua dầu lớn như Trung Quốc tới đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz nếu nước này bị cô lập trên thị trường dầu toàn cầu.

Eo biển địa chiến lược này được coi là một vũ khí đáp trả lợi hại của Tehran bởi nếu Iran đóng cửa Hormuz, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Tình trạng hỗn loạn trên thị trường dầu thế giới hoàn toàn có thể gây bất ổn nền kinh tế toàn cầu, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ mà đây rõ ràng không phải điều Tổng thống Trump mong muốn trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Trong khi đó, các nước vốn được coi là đồng minh thân cận của Mỹ, đặc biệt là EU, cũng không thể "khoanh tay đứng nhìn" những thành quả của mình bị phá hoại, cũng quyết tâm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn hợp pháp với Iran, cam kết duy trì các kênh tài chính hiệu quả với Iran, đặc biệt là sẽ tiếp tục mua dầu và khí đốt từ nước này.

Phản ứng mạnh mẽ của EU và các nước thành viên bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran cho thấy Mỹ lại một lần nữa đặt mình vào tình thế bị cô lập.

Chuyên gia John Glaser thuộc Viện Cato cho rằng nếu Mỹ coi các biện pháp trừng phạt là một công cụ để gây sức ép Iran quay trở lại bàn đàm phán nhằm đưa ra một thỏa thuận hạt nhân với các điều khoản chiều theo ý muốn của Tổng thống Trump hơn, thì điều đó sẽ không xảy ra.

Còn nếu Nhà Trắng muốn gia tăng áp lực tối đa để cản đường Teheran chế tạo bom nguyên tử, để kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực hay với ý đồ thay đổi chế độ tại quốc gia Hồi giáo này, thì với "sự khôn khéo" đã thể hiện trong suốt quá trình thương lượng với phương Tây về hồ sơ hạt nhân của mình, Tehran hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế.

Không chỉ vậy, các biện pháp trừng phạt này có thể càng làm người dân Iran có thêm quyết tâm chống Mỹ, nhất là sau khi họ cảm thấy "bị phản bội" khi Mỹ rút khỏi JCPOA.

Do đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran "bất kỳ lúc nào", cũng được đánh giá là cách tiếp cận đa chiều của ông chủ Nhà Trắng trong vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Trump chưa hẳn định dồn Iran tới chân tường, mà muốn áp dụng chiến thuật tương tự như với Triều Tiên khi dùng những lời lẽ đao to búa lớn đe dọa đối phương, đẩy căng thẳng leo thang, để rồi dịu giọng, chìa "cành ôliu" tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh.

Thậm chí việc chia các biện pháp trừng phạt thành 2 gói có lẽ cũng nằm trong tính toán của Tổng thống Trump, chừa một "khoảng lặng" để hai bên cùng có thời gian xem xét, đánh giá, cân nhắc trước khi có hành động tiếp theo.

Dẫu vậy, còn quá sớm để khẳng định phương thức này sẽ đạt hiệu quả như đã từng áp dụng đối với Bình Nhưỡng, bởi thực tế Iran có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, trong khi các đồng minh chủ chốt của Mỹ rõ ràng không ủng hộ giải pháp tái trừng phạt Tehran (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục