Mỹ yêu cầu WTO cho phép trừng phạt thương mại với Indonesia; Chứng khoán châu Á đi lên bất chấp căng thẳng thương mại; Trump dọa trừng phạt các đồng minh cố tình kinh doanh với Iran; Trừng phạt Iran liệu có là vũ khí Boomerang của Mỹ?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-08-2018
- Cập nhật : 07/08/2018
7 tháng, vốn ngoại đổ vào TP.HCM tăng 70% so cùng kỳ
Theo Sở KH-ĐT TP.HCM, từ tháng 1 - 7, tính chung vốn đầu tư trực tiếp, góp vốn, mua cổ phần... TP.HCM đã thu hút thêm 4,69 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2017.
Trong đó, riêng các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 553 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 508,25 triệu USD, tăng 26% số dự án cấp mới và bằng 68% vốn đầu tư so với cùng kỳ. Có 148 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 453,38 triệu USD, tăng 27,6% số dự án điều chỉnh và tăng 13,3% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Ngoài ra, TP cũng chấp thuận cho 1.628 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 3,73 tỉ USD.
So với cùng kỳ, tăng 31,4% về số lượng và tăng gấp 2,3 lần về vốn đầu tư. Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn nhất vào TP, chiếm 30% và lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm 47,6%.(Thanhnien)
----------------------
Nông dân trồng mía lỗ nặng
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2017-2018, cả nước có 37 nhà máy đường (NMĐ) hoạt động, tổng diện tích mía được bao tiêu khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân 66 tấn/ha, sản lượng mía ép hơn 15 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,5 triệu tấn.
Diễn biến thời tiết bất thường đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các NMĐ. Việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn dẫn đến lượng đường tồn kho lớn nhất từ trước đến nay, thời điểm tồn kho cao nhất lên đến 700.000 tấn.
Giá mía giảm trong niên vụ 2017-2018 đã khiến nông dân thua lỗ
Nguyên nhân tồn kho được Hiệp hội Mía đường xác định do sản lượng tăng, thời gian vào vụ muộn và đường nhập lậu có xu hướng tăng, ước hơn 500.000 tấn. Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thông tin hiện giá đường tinh luyện đã giảm khoảng 2.000 đồng/kg, đường trắng giảm từ 2.800-2.900 đồng/kg so với đầu vụ. Đến nay hầu hết các nhà máy đã bán đường cát với giá bằng giá đường nhập lậu Thái Lan. Một số nhà máy đã bán thấp hơn hoặc bằng giá thành và có nguy cơ thua lỗ.
Tồn kho lớn nên các NMĐ, thương lái hạ giá thu mua mía. Theo Phòng Nông Nghiệp Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), toàn huyện có khoảng 6.300 ha trồng mía nguyên liệu cung cấp cho nhiều NMĐ khu vực ĐBSCL… Trong năm 2018, giá mía lao dốc khiến nông dân rơi vào cảnh thua lỗ. Ông Diệp Văn Tâm (ngụ Cù Lao Dung) cho biết giá mía năm nay quá thấp, cuối vụ chỉ khoảng 600 đồng/kg, ông phải bấm bụng bán cho thương lái và chịu lỗ 12 triệu đồng. Ở một số địa phương khác, NMĐ chậm thu mua mía khiến nông dân lâm vào cảnh bấp bênh. Bà Lê Thị Năm (ngụ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, Trà Vinh) than vãn: "Tôi được một đại lý đầu tư giống, phân bón trồng 5.000 m2 mía. Khi thu hoạch, đại lý sẽ lấy một lượng mía tương ứng với tiền đầu tư, số mía còn lại tôi được hưởng. Năm nay, NMĐ Trà Vinh thu mua ì ạch, giá thấp nên tôi lỗ mấy chục triệu đồng". Trước tình hình trồng mía thua lỗ, gần đây, nông dân Cù Lao Dung đã chuyển đổi khoảng 1.000 ha diện tích trồng mía để nuôi tôm, trồng cây ăn trái và rau màu. Tại huyện Trà Cú và Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh, nông dân cũng đang chuyển đổi diện tích trồng mía sang trồng màu và đào ao nuôi thủy sản.
Để giải quyết đầu ra cho các NMĐ, qua đó bảo đảm lợi nhuận cho nông dân trồng mía, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo ngành mía đường phải thay đổi nội tại của mình. "Đối với mặt hàng đường, cần phải giải quyết vấn đề từ gốc, tức là nâng cao sản xuất ở khâu chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm… để hạ giá thành sản phẩm, có như vậy mới cạnh tranh được với đường nhập lậu" - ông Lê Khánh Hưng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang, nói. (NLĐ)
-----------------------
Giá hồ tiêu giảm thấp nhất hơn 10 năm qua
Hiện nay, giá hồ tiêu (tiêu đen) ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã giảm sâu chỉ còn 48.000 đến 49.000 đồng/kg, giảm từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7 năm 2018.
Hiện nay, giá hồ tiêu (tiêu đen) ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã giảm sâu chỉ còn 48.000 đến 49.000 đồng/kg, giảm từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7 năm 2018 và giảm 151.000 đến 152.000 đồng/kg so với năm 2015. Đây cũng là giá tiêu giảm thấp nhất trong hơn 10 năm qua ở khu vực Tây Nguyên.
Theo các đơn vị chức năng, với giá tiêu như hiện nay, các nông hộ sản xuất tiêu ở Tây Nguyên không còn có lãi, thậm chí lỗ nặng, vì qua tính toán giá thành sản xuất 1 kg tiêu đen ở khu vực Tây Nguyên đã tăng lên từ 45.000 đến 47.000 đồng do đầu vào tăng từ công chăm sóc, tưới nước, bón phân, thuốc trừ sâu đến công thu hoạch…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, một trong những nguyên nhân giá tiêu giảm xuống sâu là do diện tích tiêu ngày càng mở rộng, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ nên nguồn cung trong, ngoài nước khá dồi dào, trong khi đó, nhu cầu thị trường không tăng...
Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá tiêu đen ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều biến động, tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi cho người sản xuất.
Do giá tiêu xuống thấp, hiện nay, các nông hộ sản xuất tiêu ở Tây Nguyên không những không mở rộng diện tích mà còn chuyển hàng trăm ha tiêu kém chất lượng, năng suất thấp, những vùng đất không thích hợp hoặc bị sâu bệnh sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Các địa phương, đơn vị cũng tuyên truyền, vận động các nông hộ tổ chức thành các tổ, nhóm, hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất tiêu theo đúng quy trình sản xuất tiêu sạch, đảm bảo chất lượng, bao tiêu sản phẩm…nhằm tạo điều kiện phát triển cây hồ tiêu bền vững, tránh rủi ro, thiệt hại cho người sản xuất.
Khoảng 5 năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã ồ ạt mở rộng diện tích không theo quy hoạch, kế hoạch đưa diện tích cây hồ tiêu tăng lên gần gấp đôi so với kế hoạch.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 85.249 ha; trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất với 42.562 ha (trong khi quy hoạch Đắk Lắk đến năm 2020 mới đưa diện tích tăng lên 15.000 ha).(Bnews)