tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-08-2018

  • Cập nhật : 07/08/2018

64 tỷ USD vốn từ World Bank cho nước đang phát triển năm 2018

Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết, nhu cầu về vốn từ Ngân hàng Thế giới ngày càng tăng.Trong đó, nhu cầu vốn cho phát triển con người, ứng phó biến đổi khí hậu và hỗ trợ từ nguồn IDA đã tăng kỷ lục trong tài khóa 2018. Con số 64 tỷ nói trên USD nói trên được tính từ ngày 1/7/2017 và kết thúc vào ngày 30/6/2018.

Cụ thể, vốn cho vay trong lĩnh vực phát triển con người gồm cho vay giáo dục, y tế, dinh dưỡng, dân số, an sinh xã hội và tạo việc làm đã đạt mức tăng kỷ lục 74%. Đồng thời, tỷ trọng của nó trong tổng cam kết của Ngân hàng Thế giới trong năm qua đã tăng vọt từ 16% năm 2017 lên 25,2% năm 2018.

Bên cạnh đó, vốn cho vay phát triển nông nghiệp trong năm tài chính 2018 của Ngân hàng Thế giới (vốn IBRD và IDA) cũng tăng kỷ lục 46%. Việc này góp phần giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu thông qua tận dụng tiềm năng của ngành nông nghiệp.

Tổng mức cho vay của ban thực phẩm và nông nghiệp toàn cầu (cam kết vốn IBRD hoặc IDA mới) tăng mạnh từ 2,5 tỷ USD trong năm tài chính 2017 lên 4,65 tỷ USD trong năm tài chính 2018.

Ngân hàng Thế giới cam kết dành 64 tỷ USD vốn cho các nước đang phát triển trong năm tài chính 2018.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), với nhiệm vụ cung cấp vốn, các giải pháp quản lý rủi ro và các dịch vụ tài chính khác, đã tăng mức hỗ trợ từ 22,6 tỷ USD năm 2017 lên 23 tỷ USD năm 2018. IBRD đã huy động nguồn vốn phát triển này nhờ các công cụ thị trường vốn đầy sáng tạo; trong năm 2018 IBRD đã phát hành 36 tỷ USD trái phiếu tại 27 nước nhằm tài trợ cho các hoạt động phát triển bền vững tại các nước thu nhập trung bình.

Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), cơ quan cho vay với lãi suất bằng 0 hoặc lãi suất thấp và cấp các khoản viện trợ không hoàn lại cho 75 nước nghèo nhất thế giới, cũng cam kết mức kỷ lục là 24 tỷ USD trong năm đầu tiên của IDA18.

Trong năm tài chính 2018, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã cho vay 11,6 tỷ USD từ nguồn vốn của mình và 11,6 tỷ USD từ vốn huy động. Với số vốn đó IFC đã hỗ trợ 366 dự án cấp vốn tại các nước đang phát triển. Đây thường là các dự án cấp vốn dài hạn và phức tạp.

Cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA), với nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các nước đang phát triển, thông qua cung cấp các giải pháp bảo hiểm rủi ro chính trị và tăng cường món vay, đã cấp các khoản bảo lãnh mới với tổng trị giá 5,3 tỷ USD.

Theo WB, sự thay đổi cơ cấu cấp vốn này thể hiện mức tăng vọt nhu cầu đầu tư vào nguồn vốn con người của các nước.

Nguồn vốn của World Bank được đóng góp từ các cổ đông. Ông Jim Yong Kim cho hay, trong năm tài chính vừa qua, các cổ đông đã bổ sung thêm 13 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.(Vnexpress)
---------------------

Nguy cơ Brexit “không thỏa thuận” gây sức ép lớn lên đồng bảng Anh

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) hồi tuần trước quyết định nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 9 năm qua là 0,75% và là lần tăng thứ hai kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.

Tuy nhiên, quyết định này dường như chưa thể hỗ trợ đồng bảng Anh hồi phục, trong bối cảnh nguy cơ nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào tháng 3/2018 mà hai bên không đạt được thỏa thuận nào đang gia tăng. 

Sau khi rớt mạnh từ ngưỡng 1,5 USD đổi 1 bảng khi người dân Anh đi bỏ phiếu hồi tháng 6/2016 xuống mức thấp 1,2 USD đổi 1 bảng hồi tháng 1/2017, trong tháng Tư vừa qua, đồng bảng đã hồi phục lên mức cao 1,43 USD đổi 1 bảng.

Tuy nhiên, những lục đục chính trị nội bộ liên quan đến kế hoạch Brexit cộng thêm sự hồi phục của đồng USD đã làm gia tăng sức ép khiến đồng bảng Anh lại rơi vào tình trạng rớt giá. 

Trong phiên giao dịch sáng ngày 6/8 giờ địa phương, đồng bảng Anh đã rớt xuống xấp xỉ mức thấp nhất trong 11 tháng qua là 1,2959 USD đổi 1 bảng và xuống 1,1212 euro đổi 1 bảng, khi khả năng Brexit “không thỏa thuận” đang được các quan chức chính phủ ở nước Anh đề cập nhiều hơn bao giờ hết trong những ngày qua. 

Mặc dù Thủ tướng Theresa May vẫn bày tỏ sự tin tưởng nước Anh sẽ đạt được một thỏa thuận Brexit tốt đẹp với EU, song Bộ trưởng thương mại quốc tế Liam Fox cuối tuần qua cho rằng khả năng Anh rời EU mà hai bên không đi tới một thỏa thuận nào là 60-40, trong đó nguyên do chính là không có sự nhượng bộ nào từ EU. 

Tờ Daily Telegraph số ra ngày 6/8 trích dẫn nguồn tin từ Nội các Anh cho hay trong trường hợp Brexit “không thỏa thuận”, họ sẽ làm rõ lỗi này thuộc về ai.

Trước đó, trong phát biểu ngày 3/8, Thống đốc BoE Mark Carney đã nhấn mạnh tới thực tế rằng nguy cơ Brexit “không thỏa thuận” hiện ở mức cao đáng lo ngại, do vậy ông thúc giục các nhà hoạch định chính sách làm mọi điều có thể để tránh nguy cơ này. 

Giới quan sát cho rằng hạn chót cho việc hai bên cần đạt được sự nhất trí chung cho thỏa thuận Brexit vào tháng 10/2018 dường như đang vượt ra ngoài tầm với.

Chính vì vậy, các quan chức Chính phủ Vương quốc Anh trong thời gian gần đây đề cập nhiều đến khả năng này với hy vọng các nhà lãnh đạo EU sẽ quan tâm nhiều hơn đến nguy cơ Brexit "không thỏa thuận". 

Trong khi đó, các tập đoàn thương mại và các nhà kinh tế có uy tín thời gian gần đây đã liên tiếp ra lời cảnh báo về hậu quả của Brexit "không thỏa thuận" đối với nước Anh.

Việc áp đặt các biện pháp kiểm soát hải quan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp, đồng thời nguồn cung ứng thực phẩm từ EU sang "xứ sở sương mù" cũng đứng trước những rủi ro nghiêm trọng.

Tân Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Brexit Dominic Raab cho biết Chính phủ Anh sẽ đưa ra kế hoạch đảm bảo đầy đủ nguồn cung thực phẩm. (TTXVN)
--------------------

Ông Trump tuyên bố “cao tay hơn” Trung Quốc về thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần vừa rồi tiếp tục đưa ra những tuyên bố và lập luận nhằm bảo vệ việc chính quyền của ông áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và châu Âu.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ trong một sự kiện vận động tranh cử cho Đảng Cộng hòa ở Columbus, Ohio vào hôm thứ Bảy, ông Trump tuyên bố rằng lối chơi cứng rắn trong vấn đề thương mại là "kiểu của tôi".

"Chúng ta đã giúp Trung Quốc tái thiết, và giờ là lúc chúng ta tái thiết đất nước của mình", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc đang sụt giảm mạnh và điều này làm suy yếu sức mạnh đàm phán của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Vào buổi sáng ngày Chủ nhật, ông Trump tiếp tục viết trên mạng xã hội Twitter rằng thuế quan đang mang lại hiệu quả lớn, và tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nên bị áp thuế, nếu không sẽ phải sản xuất ở Mỹ. Ông cho rằng thuế quan sẽ giúp giảm "một lượng lớn trong khối nợ 21 nghìn tỷ USD của Mỹ", đồng thời giúp người Mỹ được giảm thuế.

"Mọi quốc gia trên trái đất này đều muốn lấy đi của cải của nước Mỹ, khiến chúng ta thiệt hại", ông Trump viết. "Tôi nói là hãy đánh thuế họ".

Trước bài phát biểu ở Ohio vào tối ngày thứ Bảy, ông Trump cũng có một loạt dòng trạng thái nói về thuế quan. Ông nói rằng thị trường tài chính Mỹ đang "mạnh hơn bao giờ hết", trong khi chứng khoán Trung Quốc "đã giảm 27% trong vòng 4 tháng qua, và họ đang phải nói chuyện với chúng ta".

Tuy vậy, ông Trump không nói rõ Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán thế nào. Đã nhiều tuần nay, cuộc đàm phán thương mại chính thức giữa hai bên đã bị gián đoạn.

Ngoài ra, không rõ ông Trump đề cập đến chỉ số chứng khoán nào của Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ chưa lấy lại được mức đỉnh thiết lập hồi tháng 1 năm nay - thời điểm trước khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh.

"Thuế quan đang phát huy tác dụng tốt hơn bất kỳ ai có thể hình dung", và sẽ giúp nước Mỹ "trở nên giàu có hơn nhiều trong tương lai", ông Trump viết trên Twitter.

Phát biểu ở Ohio, ông Trump còn nói rằng châu Âu "đang rất muốn có một thỏa thuận thương mại với Mỹ".

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối tuần vừa rồi tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Các tờ báo hàng đầu nước này nói Bắc Kinh đã hết sức kiềm chế khi tuyên bố áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ để trả đũa việc ông Trump dọa áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng nói nước này sẽ không lùi bước trước hành động "tống tiền" của Mỹ.

"Cả thế giới đã rõ về sức ép quá đáng và hành động tống tiền của Nhà Trắng", một chương trình của truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) nói. "Những biện pháp tống tiền quá đáng như vậy sẽ không có tác dụng với Trung Quốc".

"Mỹ đã liên tục sử dụng thói quen đe dọa và lừa lọc, tìm các buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp. Mỹ vừa thổi phồng sức mạnh mặc cả của mình, vừa đánh giá thấp quyết tâm và khả năng của Trung Quốc trong việc bảo vệ danh dự quốc gia và lợi ích người dân", một bài bình luận do hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải có đoạn viết.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục