Khủng hoảng giá cà phê thế giới năm 2018; Tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ôtô: Chưa đạt mục tiêu lao động nông thôn; Khi nào nhu cầu dầu thô đạt đỉnh?
Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-09-2018
- Cập nhật : 23/09/2018
Doanh nghiệp bất động sản sử dụng kênh khác để gọi vốn
Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng ngày một siết chặt, các doanh nghiệp bất động sản đã và đang chủ động trong việc tìm nguồn vốn thay thế. Một trong những hình thức huy động được đẩy mạnh là phát hành cổ phần, trái phiếu doanh nghiệp.
Chủ động tìm nguồn vốn thay thế vốn tín dụng
Theo quy định tại Thông tư 19/2017/ TT-NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có lộ trình giảm dần qua các năm, cụ thể: từ 60% năm 2016 xuống 50% trong năm 2017, giảm về mức 45% trong năm 2018 và tiếp tục hạ xuống 40% kể từ năm 2019.
Bên cạnh đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã nâng tỷ lệ rủi ro cho vay với bất động sản từ 150% lên 200%.
Trái với nhiều e ngại, giới chuyên gia cho rằng, tác động của các quy định trên không những không lớn, mà còn góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.
Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, CTCK MB (MBS) cho biết, các ngân hàng đã thận trọng hơn trong việc cho vay bất động sản từ năm 2017.
Thực tế, cho vay lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 8,25% tổng dư nợ toàn hệ thống, nếu tính cả các khoản cho vay mang tính chất bất động sản thì tỷ lệ này cũng chỉ dưới 20% tổng dư nợ.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, đây là lộ trình dài hạn nên các doanh nghiệp trong ngành đã có thời gian chuẩn bị để chủ động và linh hoạt tìm nguồn vốn thay thế, giảm phụ thuộc vào vốn vay tín dụng.
Theo bà Dung, việc vốn tín dụng bị hạn chế từ 1/1/2019 có thể khiến nguồn cung bất động sản giảm, nhưng không đáng kể, bởi doanh nghiệp có nhiều giải pháp thay thế như huy động vốn qua phát hành cổ phần, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, tìm kiếm đối tác trực tiếp trên từng dự án…
Thực tế cũng cho thấy, ngoài vốn vay ngân hàng, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều đã sử dụng các kênh huy động này.
Chẳng hạn, Sacomreal có kế hoạch phát hành hơn 73 triệu cổ phiếu nhằm huy động vốn để thực hiện M&A các dự án, mở rộng quỹ đất...;
Novaland đã huy động thành công tổng cộng 310 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế và phát hành cổ phần riêng lẻ nhằm tăng quỹ đất và phát triển các dự án, tăng cường nguồn vốn lưu động...;
Nam Long kết hợp cùng các đối tác Nhật Bản như Anabuki Housing Service, Hankyu Realty hay Nishi Nippon Railroad để triển khai các dự án của Công ty…
Hướng đến phát hành chứng khoán
Theo ông Hoàng Công Tuấn, hiện nay, việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản vẫn chủ yếu thông qua kênh tín dụng và huy động từ khách hàng (với hình thức bán hàng theo tiến độ xây dựng). Tuy nhiên, kênh trái phiếu cũng đang được nhiều doanh nghiệp bất động sản lựa chọn và được dự báo sẽ trở thành một trong các kênh huy động chính trong tương lai gần.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) khu vực miền Nam, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá rất cao tầm quan trọng của nguồn tiền thanh toán của người mua nhà theo tiến độ.
Theo bà Giang, các nhà phát triển bất động sản có thương hiệu, có uy tín thông qua việc xây dựng và bàn giao sản phẩm chất lượng, đúng tiến độ và tuân thủ cam kết với khách hàng khi mở bán các sản phẩm mới sẽ có lợi thế trong việc bán hàng và huy động từ khách hàng.
Bà Giang cho biết, với sự sôi động trở lại của thị trường bất động sản, trong 3 năm gần đây, nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào các công ty bất động sản đã niêm yết hoặc công ty đại chúng chuẩn bị niêm yết có quy mô vốn hóa lớn, quỹ đất nhiều và sản phẩm nhà ở đa dạng.
Theo đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư gián tiếp, tức là mua cổ phần hoặc trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp, bởi hình thức đầu tư này giúp họ dễ thoái vốn hơn so với đầu tư trực tiếp vào dự án, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong đà hồi phục như hiện nay.
"Mặc dù vậy, với sự tham gia của nhiều nhà phát triển bất động sản nước ngoài tại thị trường Việt Nam như Keppel Land, HongKong Land, Mirae Asset, Creed Group…, hoạt động huy động vốn đầu tư trực tiếp được dự báo sẽ vẫn nhộn nhịp trong thời gian tới", bà Giang nói.
Ngành kinh doanh bất động sản là ngành có tính chu kỳ và phụ thuộc nhiều vào sự biến động của nền kinh tế.
Trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn 2011-2013, các dự án bất động sản không bán được, doanh nghiệp không có doanh số, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư đương nhiên gặp khó khăn.
Lúc này, các giao dịch chuyển nhượng dự án hoặc góp vốn trực tiếp sẽ phát huy tác dụng. Ngược lại, vào những giai đoạn kinh tế tăng trưởng, thị trường chứng khoán sôi động, việc đầu tư vào cổ phần, trái phiếu sẽ thuận lợi hơn. (ĐTCK)
----------------------
Ngành nông nghiệp cắt giảm 241/345 điều kiện đầu tư kinh doanh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát và cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý VI/2018, Bộ sẽ ban hành Danh mục thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Cùng với đó, hoàn thành rà soát để lựa chọn thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các hội nghị đối thoại với người dân và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để kịp thời loại bỏ những thủ tục hành chính đang là rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng đầu tư; tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp Và Phát triển nông thôn cho biết, rà soát, cắt giảm hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, Bộ có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cần cắt giảm 125 nhóm sản phẩm hàng hóa theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ. Sau khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, hiện nhóm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ còn 118 nhóm sản phẩm hàng hóa. Tất cả hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ cơ bản có mã HS.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành Danh mục thủ tục hành chính chuẩn hóa trong quý IV/2018. Ảnh:TTXVN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo văn bản sửa đối, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để triển khai các phương án cắt giảm, đơn giản hóa và thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Về rà soát cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát và cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Theo đó, đề nghị cắt giảm 241/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm tỉ lệ 69,8%).
Về kiểm soát thủ tục hành chính, trong quý III/2018, bộ phận Kiểm soát thủ tục hành chính đã tham gia góp ý kiến về quy định thủ tục hành chính trong 10 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Cùng đó, đã xem xét đầy đủ tiêu chí chuẩn của quy định thủ tục hành chính, hình thức văn bản có chứa đựng thủ tục hành chính và các yếu tố tạo thành thủ tục hành chính. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng 3 quyết định công bố thủ tục hành chính trước khi ban hành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số về dịch vụ công trực tuyến, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thí điểm cơ chế Hải quan một cửa quốc gia hoạt động ổn định. Tính đến ngày 31/8/2018, hệ thống với 13 thủ tục kết nối Hải quan một cửa quốc gia đã tiếp nhận 389.894 hồ sơ.
Bên cạnh đó, cổng dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, các thủ tục kết nối hải quan và tất cả các dịch vụ công mức độ 2 cũng đã được tích hợp lên cổng dịch vụ công cùng với 18 dịch vụ công trực tuyến chính thức được cung cấp ở mức độ 3, 4. Tính đến ngày 31/8/2018, có 8.572 hồ sơ tiếp nhận qua hệ thống; trong đó, đã cấp phép được 3.585 hồ sơ.(Bnews)
----------------
Nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD được xuất khẩu xăng dầu
Lọc hóa dầu Nghi Sơn được xuất khẩu 240.000 m3 sản phẩm xăng các loại ngay khi chưa vận hành thương mại chính thức.
Bộ Công Thương vừa có văn bản đồng ý cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn xuất khẩu xăng dầu để giảm áp lực tồn kho, đảm bảo cho nhà máy vận hành an toàn trong giai đoạn chạy thử.
Theo đó, nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD sẽ được xuất khẩu 240.000 m3 sản phẩm xăng các loại, trong đó 70.000 m3 xăng RON 92 và 170.000 m3 xăng RON 95.
Bộ Công Thương yêu cầu Lọc hóa dầu Nghi Sơn xin ý kiến Bộ Tài chính các vấn đề liên quan giá và thuế trước khi xuất khẩu.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Cách đây một tháng, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất được xuất khẩu xăng dầu trong quá trình chạy thử. Đầu tháng 5, nhà máy này đã cho ra đời dòng xăng dầu thương mại đầu tiên, xuất xưởng hơn 5.000 m3 xăng RON92. Song, thời gian vận hành thương mại chính thức vẫn tiếp tục bị lùi lại, chậm hơn một năm so với kế hoạch. Báo cáo của PVN cho biết, lượng xăng dầu sản xuất ra của Nghi Sơn đến hết tháng 7 là trên 340.000 tấn.
Lo ngại sản phẩm của Nghi Sơn ra sẽ "ế", tại cuộc họp giao Chính phủ với các địa phương giữa năm, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đề xuất các bộ, ngành cần có chính sách hạn chế nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này.
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Dự án do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).
Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng hàng loạt ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó). PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7%. (Vnexpress)