ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,3%; Tập đoàn cao su Việt Nam dự thu 12.800 tỷ đồng từ cổ phần hoá; Nga kích hoạt cuộc chơi máy bay dân dụng; Chấm dứt dự án 10.000 tỉ do chậm triển khai
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-09-2017
- Cập nhật : 26/09/2017
Công ty casino của Macao muốn gọi vốn nửa tỷ USD bằng tiền ảo
Dù chính phủ Trung Quốc đã cấm gọi vốn bằng chào bán tiền ảo lần đầu (ICO), nhưng một công ty ở Macao vẫn muốn huy động nửa tỷ USD bằng ICONguồn ảnh: CNBC
Công ty casino Dragon Corp của Macao đang muốn gọi vốn 500 triệu USD thông qua việc chào bán tiền ảo lần đầu (ICO). Theo đó, các token (phỉnh) được phát hành trong đợt ICO này sẽ được sử dụng bởi các nhà môi giới (junket operator) của công ty. Những nhà môi giới này chuyên đóng vai trò tìm kiếm khách VIP cho casino, và thay mặt casino cho phép các khách VIP này vay tiền.
Chakrit Ahmad, Tổng giám đốc của Wi Holding (Thái Lan), công ty chuyên về công nghệ blockchain đang hợp tác với Dragon Corp, cho biết: "Đây là lần đầu tiên công chúng có thể trở thành cổ đông của một casino".
Ahmad cho biết số tiền thu được từ việc bán các token sẽ góp phần xây dựng Dragon Pearl Casino Hotel, một tổ hợp giải trí nổi trên mặt nước với tổng diện tích 16.000 m, dự kiến sẽ đi vào hoạt động tại Macao trong năm 2019.
Wi Holding cũng có kế hoạch phát triển một loại thẻ ghi nợ (debit card) hoặc một ví điện tử để giữ tiền ảo, cho phép người chơi có thể rút tiền mặt từ máy ATM.
Ahmad nói: "Về cơ bản chúng tôi cung cấp thanh khoản thông qua sàn giao dịch của chúng tôi và những sàn giao dịch tiền ảo lớn trên thế giới, do đó token này sẽ được giao dịch tại nhiều sàn. Bạn có thể có giao dịch nó tại một sàn giao dịch ở Hong Kong hoặc ở Thái Lan hoặc nơi khác, và bạn có thể bán nó đi để thu về tiền mặt".
Dù việc phát hành các token sẽ chỉ được thực hiện vào ngày 27/10 tới, Ahmad cho biết Wi Holding và Dragon Corp đã huy động được 265 triệu USD.
Cho đến nay, việc ứng dụng tiền ảo trong ngành kinh doanh casino mới chỉ dừng lại ở mảng đánh bạc trực tuyến. Dragon Corp và Wi Holding đang tìm cách áp dụng công nghệ này vào các sòng bạc truyền thống, vốn đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu của ngành casino tại Macao.
ICO đã trở thành một phương tiện chủ chốt trong việc huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp dựa trên công nghệ blockchain. Tuy nhiên, ICO cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan quản lý tài chính do các rủi ro về đầu cơ và lừa đảo.
Đầu tháng này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cấm việc tạo ra và bán các đồng tiền kỹ thuật số mới, và ra lệnh đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo lớn của nước này. Theo báo cáo của Reuters, các hoạt động ICO đã huy động được ít nhất 2,62 tỷ NDT (khoảng 400 triệu USD) ở Trung Quốc trong năm nay.
Ahmad cho biết hoạt động ICO của Dragon không bị ảnh hưởng bởi động thái này, bởi vì các token sẽ được phát hành ở Hong Kong. Nhưng ông cũng nói thêm rằng tính chất kỹ thuật số của các giao dịch cho phép chính quyền Trung Quốc theo dõi những dòng tiền bất hợp pháp chảy qua các sòng bạc, vốn là mối quan ngại chính của phía nhà chức trách.
Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai Hong Kong (SFC) xem các token được phát hành qua ICO là "hàng hóa ảo" và không bị ràng buộc bởi các quy định chế tài thông thường. Tuy nhiên, các token nào có đi kèm cổ phần có thể được coi là "cổ phiếu", và phải tuân theo các quy định về chứng khoán.
Henry Yu, lãnh đạo hãng luật L&Y vốn chuyên thay mặt cộng đồng bitcoin làm việc với chính quyền Hong Kong, cho biết: "Các hoạt động ICO phải công bố rõ ràng cho người mua rằng các token không đi kèm với bất kỳ khoản cổ phần nào. Tôi nghĩ đó là sự minh bạch mà giới kinh doanh tiền ảo và blockchain cần có".(NCĐT)
-----------------------
Ông Đinh Ngọc Thắng phụ trách Cục Hải quan TP.HCM
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM, được giao nhiệm vụ phụ trách cục này, thực hiện các quyền hạn, chức trách như nhiệm vụ của cục trưởng Cục Hải quan TP kể từ ngày quyết định có hiệu lực là ngày 20-9-2017.
Sáng 25-9, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã tổ chức lễ công bố quyết định Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường thôi trực tiếp phụ trách và giao Phó Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng phụ trách Cục Hải quan TP.HCM.
Tổng cục Hải quan yêu cầu đơn vị này sắp xếp tổ chức công bố quyết định thôi nhiệm vụ đối với Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Việt Cường, người đang phụ trách Cục Hải quan TP.HCM.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM, sẽ nhận nhiệm vụ phụ trách cục này kể từ ngày công bố quyết định là 25-9-2017.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan (giữa), trao quyết định cho Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Việt Cường (bên trái) và Phó Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng (bên phải) phụ trách Cục Hải quan TP.HCM.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết ông Đinh Ngọc Thắng, Cục phó, nhận nhiệm vụ phụ trách Cục Hải quan TP.HCM thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cục trưởng. Ông Thắng được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 1,0 phụ trách cục này cho đến khi bổ nhiệm được cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM.
Ông Cẩn giao nhiệm vụ Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục cải cách, hiện đại hóa thủ tục hải quan. Triển khai, chuẩn bị nội dung kết nối thủ tục hải quan với các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách, với cả các đơn vị hàng không. Thực hiện thí điểm kết nối với sân bay Nội Bài, sau đó là sân bay Tân Sơn Nhất rồi triển khai rộng ra các sân bay khác.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố.
“Cục Hải quan TP.HCM cố gắng tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách theo chỉ tiêu Tổng cục đã giao trong năm 2017 là 295.000 tỉ đồng. Đồng chí Thắng chuẩn bị bổ nhiệm các vị trí mới đang thiếu, những vị trí nhạy cảm trên tinh thần không làm ồ ạt, cân nhắc kỹ trước khi bổ nhiệm, thực hiện đúng quy định của Bộ Tài chính” - ông Cẩn nói.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM (bên phải), nhận quyết định phụ trách Cục Hải quan TP.HCM.
Lên vị trí “ghế nóng” phụ trách Cục Hải quan TP.HCM, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM, cho biết đây là nhiệm vụ đầy nặng nề cũng như thách thức mà Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Thành ủy và UBND TP.HCM giao phó.
Ông Thắng cho biết sẽ tiếp tục triển khai cải cách, hiện đại hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, kiểm soát buôn lậu…
Thông tin với báo chí về việc thôi kiêm nhiệm của Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Việt Cường tại Cục Hải quan TP.HCM có hay không sự liên quan đến việc “mất tích” 213 container tại một chi cục thuộc quyền quản lý của Cục Hải quan TP.HCM trong thời gian qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết không liên quan gì đến hai quyết định trên.
“Việc rút đồng chí Hoàng Việt Cường về tiếp tục chức trách phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là việc bình thường, theo yêu cầu công việc, nhiệm vụ mà Tổng cục đã làm việc với Bộ Tài chính. Đồng chí Đinh Ngọc Thắng, Cục phó Cục Hải quan, được giao nhiệm vụ phụ trách Cục được sự tín nhiệm của đơn vị, sự thống nhất từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Thành ủy, UBND TP.HCM” - ông Cẩn chia sẻ. (PLO)
---------------------------
Các hãng bay Trung Quốc bị ép mua máy bay nội địa
C919, máy bay dân dụng nội địa đầu tiên của Trung Quốc, đang cho thấy sức hút không hề nhỏ từ các thị trường hàng không đang phát triển, nhưng...
Tuần rồi, Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) thông báo máy bay C919 do họ sản xuất đã nhận được đơn đặt hàng chiếc thứ 730.
Con số này chắc chắn không thể làm những hãng sản xuất máy bay hàng đầu như Boeing (Mỹ) hay Airbus (châu Âu) "rung lắc", nhưng "một ngày nào đó, điều đó là có thể", hãng tin Bloomberg viết.
Một báo cáo của Boeing hồi tuần rồi dự đoán nhu cầu máy bay dân sự toàn cầu sẽ ở con số 41.030 chiếc trong vòng 20 năm tới; riêng thị trường Trung Quốc là 5.420 chiếc, chủ yếu là máy bay thân hẹp.
Theo Bloomberg, phần lớn đơn đặt hàng C919 đến từ các công ty hàng không Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên có thông tin cho rằng các công ty này phần lớn là bị ép mua hàng nội địa ủng hộ và sẵn sàng chọn máy bay khác nếu được lựa chọn.
Xét về mặt công nghệ, C919 là một chiếc máy bay lạc hậu, nhiều lần bị trì hoãn trước khi chính thức bay thử nghiệm hồi tháng 5 rồi. Nhiều khả năng nó sẽ không thể đưa vào khai thác thương mại trước năm 2020.
Nhưng tại sao C919 lại có thể thách thức Boeing và Airbus, chính xác hơn là dòng 737 Max của Boeing và A320 của Airbus?
Câu trả lời là giá rẻ. Mỗi chiếc C919 có thể rẻ hơn 10% so với hai đối thủ trong khi vẫn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các hãng hàng không giá rẻ đang mọc lên như nấm sau mưa.
C919 không phải là một chiếc máy bay đỉnh cao về công nghệ, nhưng ưu thế giá rẻ sẽ giúp nó bắt kịp nhu cầu đi lại bằng hàng không đang bùng nổ ở châu Á và châu Phi.
Các nhà sản xuất Trung Quốc thường lấy giá làm ưu thế khi cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ nước khác và máy bay dân dụng cũng không ngoại lệ.
Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc ở các lĩnh vực khác nhau chú trọng tới công tác nghiên cứu và phát triển, chế tạo ra những hàng hóa chất lượng cao hơn là đi gia công cho nước ngoài như trước.
Đây chính là viễn cảnh mà chính phủ Trung Quốc muốn COMAC đi theo khi sản xuất máy bay C919. Ra mắt năm 2008, C919 là minh chứng cho nỗ lực và tham vọng thách thức các hãng sản xuất máy bay dân dụng phương Tây của Trung Quốc.
Nói như Bloomberg, nhìn rộng hơn, "Trung Quốc muốn trở thành nhà sáng tạo hàng đầu thế giới chứ không phải là quốc gia chuyên đi gia công, sản xuất điện thoại hay máy cày".
Trung Quốc đã có thể chế tạo các chiến đấu cơ nội địa, song phải mất một thời gian dài nữa Bắc Kinh mới giải quyết được bài toàn phụ thuộc vào động cơ nước ngoài. Tương tự, động cơ và hệ thống điện tử trên C919, những thành phần quan trọng nhất của máy bay, không phải là sản phẩm của các công ty Trung Quốc.
TTO - Hai ông lớn kinh tế bắt tay làm máy bay thân rộng để giành miếng bánh trong thị trường đang bị Mỹ và châu Âu chi phối.
Mặc dù vậy, với ưu thế là "con cưng" của ngành chế tạo máy bay dân dụng Trung Quốc, COMAC sẽ có thời gian mày mò phát triển, thử nghiệm trước khi tung ra thế giới sản phẩm hoàn thiện nhất. Điều này khác tình cảnh của Boeing và Airbus, hai hãng này phải liên tục nhòm ngó đối thủ và liên tục nâng cấp để cạnh tranh.(Tuoitre)
-------------------
TP.HCM đã thu ngân sách hơn 243.000 tỉ đồng
Ngày 25.9, UBND TP.HCM tổ chức họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn.
Chủ trì cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các quận, huyện, sở ngành tập trung nhiều giải pháp trọng tâm để giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề còn bất cập trên trên địa bànẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo số liệu báo cáo của UBND TP.HCM, tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2017 là 243.584 tỉ đồng, đạt 70,02% dự toán, tăng 10,71% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 152.531 tỉ đồng, đạt 67,35% dự toán, tăng 11,31% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 11.053 tỉ đồng, đạt 89,13% dự toán, tăng 8,55% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 80.000 tỉ đồng, đạt 73,39% dự toán, tăng 9,87% so cùng kỳ.
Về tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 9 tháng đầu năm là 38.370 tỉ đồng, đạt 54,31% dự toán, tăng 22,49% so cùng kỳ.
Theo quy định, tổng thu ngân sách mà TP.HCM đạt được, tỷ lệ trích lại cho ngân sách thành phố chỉ 18%, phần còn lại nộp về ngân sách Trung ương để Trung ương điều phối, phục vụ chi đầu tư phát triển trên phạm vi cả nước.
Về đầu tư trong nước, UBND TP.HCM cho biết thành phố có 29.921 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 396.493 tỉ đồng, tập trung nhiều nhất tại quận 1, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân (so cùng kỳ tăng 13% về số lượng doanh nghiệp và tăng 84,5% về vốn đăng ký). Ngoài ra, có 44.087 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 218.273 tỉ đồng (so cùng kỳ tăng 11,2% về số lượt doanh nghiệp và tăng 49,6% về vốn bổ sung). Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 614.766 tỉ đồng, tăng 70,4% so với cùng kỳ
“Nhiều thủ tục còn nhiêu khê lắm”
Chủ trì cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các quận, huyện, sở ngành tập trung nhiều giải pháp trọng tâm để giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề còn bất cập trên trên địa bàn, nhằm giữ vững sự ổn định, đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế, an sinh xã hội...
“Nhiều thủ tục còn nhiêu khê lắm”, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đánh giá và yêu cầu: “Mình phải chủ động cải cách hành chính, chứ thủ tục còn rườm rà thì nhà đầu tư sẽ ngán ngại, người dân cũng khổ nữa".
Nêu ra nhiệm vụ cải cách hành chính, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng mặc dù thời gian qua có những chuyển biến, nhưng trên thực tế đây vẫn là một vấn đề còn nhiều bất cập, trong khi người dân luôn đặt ra yêu cầu thay đổi tích cực từ phía cơ quan chức năng thành phố.
“Thủ trưởng các đơn vị phải chủ động rà soát, đừng để anh em chuyên viên làm khó doanh nghiệp, người dân”, ông Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo.
“Phải tăng cường tiếp công dân. Sự việc bà con tiểu thương bức xúc tập trung phản ứng về việc đầu tư, sửa chữa chợ An Đông là một kinh nghiệm, phải cầu thị lắng nghe kiến nghị của bà con để có giải pháp xử lý thỏa đáng, kịp thời”, ông Trần Vĩnh Tuyến nói thêm.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, thời gian qua chính quyền thành phố đã chỉ đạo tập trung giải quyết các bức xúc về kinh tế - xã hội, triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trường học, cơ quan trên địa bàn. Lãnh đạo thành phố cũng đã dành nhiều thời gian đi cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, cải cách thủ tục hành chính…(Thanhnien)