OPEC đã không còn điều khiển được giá dầu?; S&P: Rủi ro nợ của Trung Quốc đang tăng lên; Mỹ cấm dân Triều Tiên, Venezuela nhập cảnh; Đề nghị EU lùi xem xét thẻ vàng với hải sản Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-09-2017
- Cập nhật : 24/09/2017
Cuộc chiến chống 'cát tặc' chưa hết nóng
Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên toàn quốc. Với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, vấn nạn này chỉ tạm thời lắng xuống rồi lại “bùng lên”. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu những quy định pháp luật và chế tài hiện nay đã đủ sức răn đe?
Nhiều vụ "cát tặc"
Cuộc chiến chống “cát tặc” dường như chưa bao giờ hết nóng. Những dòng sông khắp cả nước bị moi ruột từng ngày từng giờ, từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên cho đến đồng bằng sông Cửu Long, nạn khai thác cát trái phép đã gây rất nhiều hệ lụy, nhiều gia đình sau một đêm đã mất trắng ruộng vườn, nhà cửa...
Hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, câu chuyện tại Hải Dương là một ví dụ, tình trạng “cát tặc” hoành hành trên xã Thái Tân, Nam Sách (Hải Dương) đã diễn ra từ nhiều năm. Dù bị công an đuổi, tịch thu tàu, xử phạt hành chính xong các đối tượng này lại tiếp tục khai thác cát trái phép. Việc này đã gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng, khiến người dân vô cùng bức xúc, bất an.
Người dân nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh, nhưng nạn “cát tặc” vẫn diễn ra, không còn cách nào khác, người dân tại đây phải lập chòi canh, góp tiền mua thuyền, cắt cử người ứng trực để giữ đất, giữ đê, góp sức cùng công an xã. Việc này đã phần nào ngăn chặn việc khai thác cát trái phép, thế nhưng sau khi một vài tàu bị bắt, một nhóm đối tượng xăm trổ, xã hội đen vào làng đe dọa người dân, thậm chí còn đổ xăng đốt cửa...
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Bắc Ninh, khi vào tháng 3/2017, sau khi đề nghị tạm dừng các dự án khai thác cát trên sông Cầu vì lo ngại việc này dẫn đến bờ bãi sông đã bị sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và khiến phải chi hàng chục tỷ đồng để khắc phục hậu quả, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cùng một số cán bộ đã bị gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa. Việc này khiến tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra.
Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Công khai các đơn vị khai thác cát để người dân giám sát
Thượng tá Nguyễn Hồng Thao, Trưởng phòng 4, Cục Cảnh môi trường (C49), Bộ Công an cho biết, trong gần 1 năm trở lại đây, toàn bộ lực lượng công an phát hiện 2.789 trường hợp khai thác cát trái phép, thu giữ trên 1.000 tàu, gần 7.000m3 cát nộp ngân sách nhà nước 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xử lý thì một số nơi các đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại.
Nguyên nhân của vấn đề này theo ông Thao là do quy định của pháp luật hiện hành, xử lý hình sự một vụ khai thác cát trái phép là không thể. Vi phạm trong khai thác cát trái phép chỉ có thể xử lý hành chính, chuyển sang khởi tố là điều hết sức khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn.
Cùng đó, việc xử lý tàu vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật, xử lý tang vật là phải tịch thu nhưng thực tế thông thường cả gia đình, vợ chồng con cái đều sinh sống ở trên thuyền nên gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, dù có tiến hành thu các phương tiện như máy bơm, vòi hút nhưng chỉ một thời gian sau các đối tượng lại hoạt động trở lại.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, hệ thống pháp luật của ta có lỗ hổng rất lớn. Theo Luật khoáng sản, việc cấp phép thuộc cấp tỉnh nhưng ngành giao thông lại có quyền cho nạo vét luồng lạch, một lúc nào đó lấn sang đi lấy cát và thực tế đã xảy ra.
GS Đặng Hùng Võ cho biết thêm, tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra gần như ở khắp nơi bởi có thể cát mang lại nguồn lợi khá lớn.
“Vậy liệu đứng đằng sau khai thác trái phép này có nhóm lợi ích không, nói cách khác liệu chính quyền địa phương có đứng sau không? Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi này, bởi tình trạng khai thác diễn ra nhưng nhiều nơi chính quyền làm ngơ”, GS Đặng Hùng Võ khẳng định.
Còn ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, khai thác trái phép do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính xuất phát từ nội tại. Cát sỏi lòng sông có nơi giáp ranh 2 hay nhiều tỉnh. Việc khai thác cát, sỏi lòng sông cũng đơn giản, có thể hoạt động bất kỳ lúc nào, đặc biệt là ban đêm, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác nên nếu không có cơ chế phối hợp thì khó xử lý.
“Việc xử lý người đứng đầu còn nhẹ chưa kiên quyết, đặc biệt là cấp xã. Khai thác cát không chỉ là ở lòng sông mà thuyền phải cập tại bến bãi, mà bến bãi do xã quản lý”, ông Thanh cho biết.
Đề xuất giải quyết vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ kiến nghị, cần công khai doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại trụ sở UBND xã. Cùng đó, lực lượng giám sát, nên giao cho ngành tài nguyên và môi trường từ cấp bộ đến cấp sở và tăng cường vai trò giám sát của người dân.
Một số chuyên gia bày tỏ ý kiến nên học tập kinh nghiệm nước ngoài, nhiều nước đã khoanh vùng để quản lý. Hiện có khoảng có 50 quốc gia áp dụng hình thức này. (Baotintuc)
----------------------
L’Oreal đi về đâu sau khi người thừa kế qua đời?
Bà Liliane Bettencourt, nữ tỉ phú giàu nhất thế giới kiêm người thừa kế hãng L’Oreal vừa qua đời hôm 22.9. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi cho tương lai công ty mỹ phẩm hàng đầu thế giới.
Theo CNN, bà Liliane Bettencourt là nữ tỉ phú thừa kế của nhà sáng lập L’Oreal Eugene Schueller. Bà Bettencourt cống hiến cho L’Oreal gần như cả cuộc đời mình và giám sát hơn 33% cổ phần của gia đình trong công ty. Giờ đây, tài sản của bà có thể là chủ đề cho đợt thay đổi quyền sở hữu lớn nhất của công ty Pháp trong 108 năm hoạt động.
Năm 2004, Bettencourt và Nestle, cổ đông lớn thứ nhì của L’Oreal, đồng ý rằng không bên nào tăng lượng cổ phần doanh nghiệp mà mỗi bên nắm giữ trong cả cuộc đời nữ tỉ phú và kéo dài đến sáu tháng sau khi bà qua đời. Thỏa thuận này là để đảm bảo ảnh hưởng của gia đình lên L’Oreal, ngăn cản Nestle tiếp quản hoàn toàn công ty. Sau sự biến hôm 22.9, thỏa thuận trên sẽ chấm dứt vào tháng 3.2018.
“Bà Bettencourt qua đời. Đồng hồ bắt đầu đếm ngược. Chuyện buồn kết thúc thời đại của nhà Bettencourt bây giờ xoay quanh đồn đoán về tương lai của 23% cổ phần L’Oreal mà Nestle nắm giữ”, giới phân tích tại hãng Jefferies viết. Cổ phiếu L’Oreal tăng đến 4% hôm 23.9 vì nhà đầu tư lạc quan về khả năng Nestle có thể tăng lượng cổ phần nắm giữ thông qua việc thâu tóm doanh nghiệp.
Song hiện chưa rõ liệu gia đình Bettencourt có muốn bán cổ phần hay không. Trong thông cáo đưa ra hôm 23.9, dòng họ này cho biết họ hoàn toàn cam kết và trung thành với L’Oreal. Nestle thì nhận định đây không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra thông tin về tương lai cổ phần.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Nestle sẽ nghĩ đến việc tăng cổ phần L’Oreal trong trung hạn. Giới phân tích ở ngân hàng UBS cho rằng Nestle có khả năng tách bạch khoản đầu tư vào L’Oreal và hoạt động của hãng.
Điều này chắc chắn sẽ làm hài lòng vài nhà đầu tư vào Nestle, trong đó có nhà quản lý quỹ Dan Loeb, người vừa báo cáo mình đang nắm giữ 3,5 tỉ USD giá trị cổ phần Nestle hồi tháng 6. Ông Loeb cho rằng cổ phần L’Oreal mà Nestle nắm giữ là “không có chiến lược” và đề xuất rằng các cổ đông nên được tự do lựa chọn liệu họ muốn đầu tư vào Nestle, L’Oreal hay sự kết hợp của cả hai hãng.
L’Oreal có doanh thu 25,8 tỉ EUR, tương đương 31 tỉ USD, năm 2016, trở thành hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới. Các đối thủ cạnh tranh của L’Oreal như Proter & Gamble và Unilever có phần lớn doanh thu đến từ các mảng kinh doanh khác.
Nestle lần đầu mua cổ phần L’Oreal vào năm 1974, khi gia đình Bettencourt lo lắng về việc công ty bị quốc hữu hóa. Bà Betterncourt gia nhập doanh nghiệp của cha mình từ năm mới 15 tuổi, bắt đầu thừa kế cổ phần của cha vào năm 1957. Bà giữ ghế trong hội đồng quản trị hãng đến năm 2012 trước khi từ chức ở tuổi 89.
Cháu trai Bettencourt là người tiếp quản vị trí của bà sau khi nữ tỉ phú vướng vào kiện tụng với con gái là Francoise Bettencourt-Meyers. Bà Francoise Bettencourt-Meyers cho rằng mẹ mình không có đủ khả năng về mặt tinh thần để giải quyết công việc. Mối quan hệ căng thẳng của mẹ con nhà Bettencourt khiến công chúng Pháp chú ý trong nhiều năm.(Thanhnien)
---------------------------
Cuộc khủng hoảng toàn cầu và tầm nhìn chiến lược của Chính phủ
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có thể thấy rõ nét những biểu hiện và tác động từ biến đổi khí hậu - mà có ý kiến cho là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà nền văn minh nhân loại từng đối mặt từ trước đến nay”.
Tuần tới, trong hai ngày 26-27/9, một Hội nghị có quy mô rất lớn sẽ diễn ra tại Cần Thơ. Đó là Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn ĐBSCL 2016, ngày 27/6, tại TPHCM.
Niềm vui ngắn giữa nỗi lo dài
Sau nhiều năm lũ về muộn, mực nước thấp, năm nay, người dân ĐBSCL hồ hởi vì lũ sớm về với nhiều loại thủy sản “trời cho”. Tuy nhiên, sản lượng tôm, cá và các sản vật khác vẫn ngày một ít đi. Bên cạnh nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm thì phù sa, thứ dưỡng chất chủ yếu mà lũ mang về để bồi đắp cho vùng châu thổ này cũng đang ngày một suy giảm.
Theo một thống kê, đến cuối năm 2016, lượng phù sa về đến ĐBSCL chỉ còn khoảng 85 triệu tấn, giảm gần một nửa so với trước năm 2009 (khoảng 160 triệu tấn).
Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã thừa nhận rằng sự thay đổi của khí hậu Trái Đất và những hiệu ứng nguy hại của nó là mối quan tâm chung của nhân loại và nêu rõ quyết tâm của các quốc gia trong bảo vệ hệ thống khí hậu cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Al Gore, người nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2007 vì những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đã khẳng định “biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà nền văn minh nhân loại từng đối mặt từ trước đến nay”.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2016 đã trở thành năm nóng nhất lịch sử tồn tại của loài người.
Theo GS. TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ, trong 6 nguy cơ lớn mà ĐBSLC đang phải đối mặt, thì nguy cơ đầu tiên là biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Những thách thức lớn của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã được đề cập tới trong nhiều năm qua, với ý kiến của rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trên mọi lĩnh vực, của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và cả các tổ chức quốc tế.
Việt Nam là một trong những nước ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này. Chúng ta đã làm đồng bộ 3 hợp phần về đầu tư, chính sách và nâng cao năng lực trong ứng phó biến đổi khí hậu. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra.
Thế nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “biến đổi khí hậu đang tới rất nhanh. Chúng ta đối mặt với nhiều thách thức nhanh hơn dự báo”.
Trong khi đó, “chúng ta còn nhiều bất cập, chưa tập trung giải quyết, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì còn nhiều hạn chế, yếu kém, cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện và đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành”.
Đòi hỏi mới về mô hình, tư duy phát triển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ nội dung trao đổi giữa ông với một giáo sư về thủy lợi. “Ông nói rằng ở ĐBSCL nếu với cách làm như hiện nay thì sẽ tốn kém ghê gớm. Bây giờ chủ trương của Thủ tướng là làm đường ven biển, nhưng cầu, cống có kết hợp với nhau được không hay là giữa cống và cầu khác nhau. Những vấn đề như vậy cần tính toán cụ thể, chứ không phải mạnh anh nào anh nấy làm trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế”, Thủ tướng trăn trở.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu tiếp tục xây đô thị bằng đê bao, lúc cao, lúc thấp, “anh sau làm cao hơn anh trước, không có quy hoạch thì không bao giờ thành công”. Cần tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp. Chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ do tác động của biến đổi khí hậu dần dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững, làm sinh kế của người dân trở nên bấp bênh.
Theo GS. TS Lê Quang Trí, ngoài nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ĐBSCL còn đối mặt những nguy cơ từ phát triển thủy điện trên sông Mekong; gia tăng dân số và di dân; lạm dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên; thay đổi sử dụng đất; ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
Nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh cho rằng, nhiều năm nay, do các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long xây dựng nhiều tuyến đê bao khép kín ngăn lũ để làm lúa vụ 3, khi nước lũ về không vào được đồng ruộng.
Lượng nước này theo các tuyến chính là sông Tiền, sông Hậu đổ ra biển, tạo ra vận tốc dòng chảy lớn nên tình trạng sạt lở bờ sông trong mùa mưa lũ sẽ có diễn biến phức tạp. Trong khi phần trong đê bao sau nhiều năm canh tác không có phù sa bồi đắp lại bị bạc màu - ông Vinh nhận xét.
Theo nhiều chuyên gia, vì "an ninh lương thực" mà chúng ta từng xem nước mặn là kẻ thù phải chống triệt để. Và điều này đã khiến hàng trăm ngàn nông dân mất cơ hội làm bạn với nước mặn để nuôi tôm để gia tăng lợi tức và chịu số phận nghèo mãi vì trồng lúa. Thay vào đó, có những cách tiếp cận khác, không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém.
GS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp đề xuất tại vùng ven biển ĐBSCL nhiễm mặn trong mùa khô, chúng ta có thể trồng một vụ lúa trong mùa mưa. Khi dứt mưa, thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, cá kèo, cua… và đạt lợi tức trên 3 lần lúa.
Rõ ràng, tình hình đang yêu cầu những giải pháp mới có tầm nhìn xa, mang tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển để vùng đất Chín Rồng có thể vượt qua thách thức và “cất cánh”.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hội nghị sắp tới là nơi hiệu triệu các ý tưởng lớn giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.(ChinhPhu)
------------------
Uber bác bỏ tin đồn tạm dừng hoạt động tại Việt Nam
CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng khẳng định thông tin hãng xe công nghệ này tạm dừng hoạt động tại Việt Nam là hoàn toàn sai sự thật.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam, bác bỏ tin đồn Uber tạm dừng hoạt động tại Việt Nam. Ông khẳng định đó chỉ là “tin vịt”.
Trước đó, ngày 23/9, nhiều người bất ngờ khi trên mạng xã hội lan truyền thông tin Uber chính thức tạm dừng hoạt động cho đến khi các thủ tục thuế và nghĩa vụ về thuế được thực hiện.Thông tin này gắn với việc Uber vừa bị Cục Thuế TP.HCM thanh tra và xử phạt hành chính và truy thu thuế với số tiền khoảng 66 tỷ đồng.
CEO Uber Việt Nam khẳng định tin đồn hãng này dừng hoạt động tại Việt Nam là hoàn toàn sai sự thật. Ảnh: Hiếu Công.
Trước đó, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã tiến hành thanh tra Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan) từ khi bắt đầu vào Việt Nam (2014) đến hết tháng 6.
Sau thanh tra, Cục Thuế TP.HCM phát hiện Uber có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Với vi phạm này, Uber bị phạt 10,3 tỷ đồng.
Cục thuế TP.HCM cũng tiến hành truy thu số tiền thuế chưa nộp của Uber là 51,48 tỷ đồng. Trong số đó có 26,3 tỷ đồng là thuế VAT khấu trừ nộp thay, hơn 14,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay, còn lại là gần 10,5 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài.
Theo quyết định của Cục Thuế TP.HCM, Uber còn phải nộp thêm số tiền chậm nộp tính đến 31/8 là khoảng 4,9 tỷ đồng.
Tổng cộng, với số tiền phạt, truy thu và tiền chậm, Uber phải nộp số tiền là 66,68 tỷ đồng.(Zing)