Singapore hướng đến không xài tiền mặt; Có nên sợ hàng Thái?; Ông chủ Facebook định bán 18% cổ phần; Cơ sở hạ tầng: Điểm yếu của kinh tế Đức
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-09-2017
- Cập nhật : 24/09/2017
Giá dầu tăng liên tục trong những tuần gần đây
Thị trường dầu mỏ đã thoát khỏi xu hướng lình xình bất nhất ở đầu tuần và phục hồi ấn tượng trong phiên giao dịch cuối tuần này, sau khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt tại cuộc họp mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho hay mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 8/2017 đã chuyển biến tích cực so với tháng trước đó.
Ông John Kilduff, một đối tác của Again Capital Management tại New York, cho hay các cơ quan chức năng và giới doanh nghiệp ở Mỹ vẫn đang đánh giá những thiệt hại do các cơn bão vừa qua gây ra.
Theo ông, thậm chí dù các nhà máy lọc dầu tại Mỹ hoạt động trở lại thì việc khôi phục nhập khẩu dầu tại các bến cảng có thể làm lượng dầu dự trữ của nước này gia tăng.
Ngày 20/9, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu mỏ của Mỹ đã tăng 4,6 triệu thùng lên 472,8 triệu thùng. Tuy nhiên, giá dầu phiên này lại phục hồi lên trên 50 USD/thùng khi EIA thông báo, lượng xăng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng qua.
Sau khi biến động trái chiều trong phiên 21/9, thị trường “vàng đen” đã khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần (22/9), sau khi cuộc họp của OPEC vừa khép lại tại Vienna (Áo).
Dù không đưa ra bất cứ quyết định nào về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, song thông tin tích cực mà Ủy ban Giám sát chung các nước trong và ngoài OPEC mang tới cho thị trường dầu mỏ là việc các nhà sản xuất tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã đạt được mức tuân thủ 116% trong tháng Tám, so với mức 94% đạt được hồi tháng Bảy và là mức tuân thủ cao kỷ lục.
Một nhân tố khác cũng hậu thuẫn cho giá dầu trong phiên này là báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần qua đã giảm 5 giàn, còn 744 giàn, đánh dấu tuần sụt giảm thứ ba liên tiếp.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 11/2017 tăng 11 xu Mỹ (0,2%), lên 50,66 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2017 cũng tiến 43 xu Mỹ (0,8%), lên 56,86 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI ghi thêm 1,5%, đánh dấu tuần tăng giá thứ ba liên tiếp. Còn giá dầu Brent cũng cộng 2,2%, ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp của mặt hàng này.
Trong ba tháng qua, giá dầu thế giới tăng thêm 15%, cho thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC nhằm thu hẹp nguồn cung và vực dậy giá dầu đã phần nào phát huy hiệu quả. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng cao cũng hỗ trợ cân bằng thị trường. (Baotintuc)
---------------------------
5 năm, vay nợ nước ngoài hơn 80,8 tỉ USD
Bản tin nợ công số 5 của Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ và các doanh nghiệp đã vay nợ nước ngoài hơn 80,8 tỉ USD.
Trong số đó, Chính phủ vay nợ 39,6 tỉ USD còn doanh nghiệp vay 41,2 tỉ USD. Nợ công “chốt” đến năm 2015 chiếm 61% GDP (trần Quốc hội cho phép là 65% GDP), cao hơn rất nhiều so với mức 54,9% GDP năm 2011. Tính theo giá trị tuyệt đối, nợ công đến năm 2015 hơn 94 tỉ USD, tương đương hơn 2 triệu tỉ đồng.
Do VN không còn nhiều khoản vay ưu đãi từ nước ngoài, nên từ năm 2014, Chính phủ xoay hướng sang vay nợ trong nước nhiều hơn. Từ mức chỉ vay trong nước 20 tỉ USD vào năm 2011, con số này đã tăng lên gấp gần 3 lần, với hơn 54 tỉ USD nợ được vay trong nước.
Bản tin nợ công cũng đề cập số liệu liên quan đến vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh trong giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, năm 2015, nợ được Chính phủ bảo lãnh là gần 21 tỉ USD, tương đương trên 455.000 tỉ đồng, gần gấp đôi năm 2011 (13 tỉ USD).
Nợ được Chính phủ bảo lãnh phần lớn là vay nước ngoài, với hơn 11,3 tỉ USD, còn lại là vay trong nước. Theo Bộ Tài chính, các nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai. (Thanhnien)
-----------------------
Xóa bỏ 420 mã hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan
Thực hiện chủ trương lược giảm các thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang từng bước thực hiện nhiều biện pháp đơn giản hóa các thủ tục. Trong đó, phải kể đến việc xóa bỏ 420/720 mã hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan.
Thực tế, 3 năm qua Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành của Bộ, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm các loại giấy tờ, hồ sơ hoặc chuyển sang thủ tục mang tính tự động hơn (trực tuyến) để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã ban hành hàng loạt quyết định hoặc đề nghị Bộ ngành có liên quan thay đổi hoặc xóa bỏ một số thủ tục, nhằm giảm lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra trước thông quan.Ví dụ như Quyết định số 3648/QĐ-BCT công bố Danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, thay thế cho Quyết định số 11039/QĐ-BCT ngày 3/12/2014.
Với mặt hàng thép, theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ KHCN, các mặt hàng thép (trừ thép làm cốt bê tông) đã được chuyển toàn bộ việc kiểm tra chất lượng sang hậu kiểm kể từ ngày 1/10/2017.
Như vậy, tới nay Bộ đã chủ động xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%.
Hiện nay, trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, chỉ còn 02 loại sản phẩm phải kiểm tra trước thông quan là tiền chất thuốc nổ và thực phẩm là các sản phẩm bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Bộ Công Thương không có sản phẩm hàng hóa thực hiện kiểm tra trong khi thông quan.
Cụ thể hóa mã HS cho các sản phẩm thuộc diện kiểm tra: Toàn bộ các loại thực phẩm và tiền chất thuốc nổ cần kiểm tra an toàn trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đều đã được cụ thể hóa theo mã HS đến cấp độ 8 số. (Laodong)
---------------------------
Đề xuất đánh thuế 1% giá trị thương vụ chuyển nhượng của NĐT nước ngoài
Trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất, để đơn giản trong việc kiểm soát thu thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước, Chính phủ quy định tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam luôn là 1% trên doanh thu, thay cho mức 20% trên thu nhập như hiện tại.
Theo đánh giá của bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô CTCK Bảo Việt, việc thu thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Tài chính trong việc thực thi thu loại thuế này. Mỗi thương vụ phát sinh, Bộ Tài chính chắc chắn đều sẽ thu được thuế và cũng không mất thời gian và công sức phải xác minh về mức giá chuyển nhượng vốn liệu có hợp lý hay không.
“Tỷ lệ 1% trên doanh thu thấp hơn nhiều mức 20% chênh lệch trên giá chuyển nhượng nhưng đảm bảo sẽ thu được thì trong nhiều trường hợp sẽ hơn hẳn mức thuế 20% mà không thu được đồng thuế nào”, bà Trần Hải Yến phân tích.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, thuận lợi cho người thu thuế cũng đồng nghĩa sẽ đẩy phần bất lợi cho người nộp thuế. Bản chất của việc nộp thuế là phải có thu nhập mới phải nộp. Với đề xuất này, người bán trong thương vụ dù lãi hay lỗ cũng đều sẽ phải nộp thuế 1% doanh thu (sẽ đặc biệt thiệt thòi đối với những thương vụ lỗ).
Về tác động của cách thu thuế mới đối với thị trường M&A Việt Nam, bà Trần Hải Yến cho rằng cách tính thuế mới tuy có ảnh hưởng nhất định nhưng tác động sẽ không quá lớn. Bởi lẽ thuế chuyển nhượng vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư nước ngoài xem xét có rót vốn vào Việt Nam hay không.
Điều khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn cả khi thực hiện M&A là chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp và các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong tương lai. Về chính sách thuế trong dài hạn, nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm và yêu cầu nhiều hơn về một chính sách thuế cụ thể, minh bạch, ổn định và có thể tiên liệu trước. Đây mới là một trong những điểm mấu chốt Chính phủ cần hướng đến nếu muốn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường M&A. (infonet)