tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 24-09-2018

  • Cập nhật : 24/09/2018

Lúa gạo châu Á: Giá tại Ấn Độ hồi phục, tại Việt Nam giảm nhẹ

Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ tuần này hồi phục nhờ nhu cầu cải thiện, trong khi gạo Việt Nam giảm để cạnh tranh với gạo Thái Lan, mặc dù triển vọng nhu cầu từ Phillippines sẽ còn tăng thêm nữa sau bão lớn.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 2 USD lên 373-377 USD/tấn, từ mức thấp nhất 17 tháng của tuần trước.

“Nhu cầu từ khách hàng châu Phi tăng lên trong mấy ngày qua”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) cho biết. Một số thương gia khác cũng khẳng định gạo Ấn Độ hiện đang cạnh tranh tốt vì đồng rupee yếu đi.

Rupee Ấn Độ đã mất hơn 13% giá trị kể từ đầu năm tới nay, và đã xuống mức thấp mới trong lịch sử vào đầu tuần này, giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu nước này.

Triển vọng xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ thiếu chắc chắn mặc dù đã tăng 23% trong tài khóa 2018 và 24% trong 4 tháng đầu tài khóa 2019. Lý do bởi một số diễn biến bất lợi tại một số thị trường tiêu thụ chủ chốt như Liên minh châu Âu thắt chặt các quy định về dư lượng thuốc trừ sâu (đã khiến cho xuất khẩu gạo basmati sang thị trường này giảm 58% về khối lượng và 40% về trị giá trong giai đoạn tháng 1-7/2018); Iran gần đây mua mạnh, nhưng xuất khẩu sang thị trường này gần đây đã gặp một số trục trặc do một số nhà nhập khẩu khó khăn trong việc thanh toán, và sắp tới sẽ còn khó khăn hơn khi Iran bị Mỹ cấm vận (từ tháng 11/2018), khiến Ấn Độ có nguy cơ bị mất thị trường xuất khẩu tương đương khoảng 4 triệu tấn gạo basmati của nước này (72% tổng nhập khẩu vào Iran trong tài khóa 2018). Tiếp đến, Saudi Arabia cũng theo bước EU thắt chặt các quy định về dư lượng thuốc trừ sâu (mặc dù chưa có thông báo chính thức). Saudi Arabia cùng Iran chiếm khoảng 60-70% tổng xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ.

Trong tài khóa 2017/18, xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ đạt 26,87 tỷ rupee, tăng 23% so với 21,51 tỷ rupee của tài khóa trước, mặc dù khối lượng chỉ tăng nhẹ, từ 3,98 triệu tấn lên 4,06 triệu tấn. 4 tháng đầu tài khóa hiện tại, khối lượng xuất khẩu vẫn giữ ở 1,57 triệu tấn (so với 1,56 triệu tấn cùng kỳ năm trước), nhưng trị giá vẫn tăng 14% lên 11,58 tỷ rupee.

Để giải quyết những khó khăn trên, Chính phủ Ấn Độ đang tăng cường tuyên truyền và kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trong gạo basmati.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Bangladesh, sản lượng gạo vụ Boro (trồng vào mùa Hè) đạt 19,5 triệu tấn, cao hơn so với mục tiêu 19 triệu tấn, vì nông dân tăng diện tích trồng lúa khi thấy giá gạo lên cao. Năm ngoái, sản lượng gạo vụ Boro của nước này giảm hơn một nửa so với thông thường.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá vững ở 395-405 USD/tấn, thấp hơn chút ít so với mức 400-405 USD/tấn cách đây một tuần.

Mặc dù triển vọng có nhu cầu từ Philippines sau siêu bão Mangkhut, song giá gạo Việt Nam vẫn không tăng vì giá gạo Thái Lan giảm. “Nếu tăng thêm nữa, khách hàng sẽ chuyển hướng sang chỉ mua của Thái Lan”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho hay.

Một số thương gia ước tính sản lượng vụ Hè Thu này của Việt Nam vào khoảng 1,8 triệu tấn, chỉ bằng một nửa năm ngoái. Vụ Hè Thu chủ yếu dùng tiêu thụ nội địa, tức là phải chờ đến tháng 3 năm sau mới thu hoạch vụ lớn – chủ yếu dành cho xuất khẩu.

Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá vững ở 390-393 USD/tấn (FOB Bangkok), không thay đổi so với cách đây một tuần.

Nhu cầu gạo Thái hiện đang vững, song các thương gia hy vọng sẽ tăng trong tương lai gần bởi nhiều khu vực bị thiên tai, nhất là Philippines và Indonesia.

Tại Philippines, giá gạo tiếp tục cao kỷ lục trong tháng 9/2018. Theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), giá gạo xát kỹ bán buôn trung bình tăng 17% lên 45,51 peso/kg trong tuần thứ hai của tháng 9/2018 so với một năm trước, gạo xát kỹ bán lẻ trung bình cũng lên đến 48,93 peso/kg, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái; giá gạo xát thường bán buôn đạt 43,13 peso/kg, tăng 21% so với năm trước, xát thường bán lẻ trung bình cũng tăng 20% lên 45,71 peso/kg; giá lúa trung bình tăng từ mức 19,62 peso/kg trong năm ngoái lên 23,04 peso/kg. Tuần qua, giá lúa cũng tăng 0,26%.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philipppines Emmanuel Piñol, sản lượng gạo năm nay chắc chắn không đạt mục tiêu 19,8 triệu tấn do thiên tai (nhiều cơn bão lớn). Lượng gạo tồn kho của nước này tiếp tục giảm, chỉ đạt 1,52 triệu tấn trong tháng 8/2018, thấp hơn 25% so với 2,02 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, và cũng giảm 24% so với 1,99 triệu tấn cách đây một tháng.

Tại Philippines, siêu bão Mangkhut mới đây đã gây thiệt hại khoảng 250.730 tấn lúa, cao hơn 60% so với mức dự kiến của Bộ Nông nghiệp nước này, và điều đó khiến cho tình hình thị trường lúa gạo Philippines càng thêm căng thẳng, bởi ngay cả trước khi bão xảy ra, giá gạo đã tăng rất mạnh trong thời gian dài.

Ngày 13/9/2018, Tổng Công ty Thương mại Quốc tế (PITC) thuộc Bộ Thương mại Philippines đề xuất cho nhập khẩu bổ sung 150.000 tấn gạo theo hình thức liên chính phủ.

Tại Indonesia, nội bộ đang mâu thuẫn về việc nhập khẩu gạo. Trong khi Giám đốc điều hành Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) khẳng định không cần nhập khẩu gạo cho tới tháng 6/2019, thậm chí không cần sử dụng tới lượng gạo dự trữ trong kho của đơn vị này, thì Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita lại yêu cầu nhập khẩu thêm gạo vì giá trong nước đang có xu hướng tăng lên.

Bulog cho biết dự trữ gạo của đơn vị hiện đạt 2,4 triệu tấn, dự kiến sẽ tăng lên 3 triệu tấn vào cuối mùa khô.(Vinanet)
---------------------

Điện mặt trời áp mái tăng cạnh tranh cho ngành thủy sản và kho lạnh

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, chi phí năng lượng đứng hàng thứ 3 sau nguyên liệu và công lao động. Vì vậy việc ứng dụng điện mặt trời áp mái sẽ giúp tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

dien mat troi ap mai mang lai hieu qua cho doanh nghiep che bien thuy hai san va nganh kho lanh

Điện mặt trời áp mái mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp chế biến thủy hải sản và ngành kho lạnh

Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam là khu vực có bức xạ mặt trời hàng năm tương đối lớn và ổn định, đặc biệt là các khu vực Cao nguyên miền Trung, duyên hải miền Trung và miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, từ Quảng Trị đến Tuy Hòa, thời gian nắng nhiều nhất vào các tháng giữa năm với khoảng 8 – 10h/ngày. Trung bình từ tháng 3 đến tháng 9, thời gian nắng từ 5 – 6 h/ngày với lượng tổng xạ trung bình trên 3,489 kWh/m2/ngày (có ngày đạt 5,815 kWh/m2/ngày). Còn tại các tỉnh phía Nam, nắng quanh năm, đặc biệ trong các tháng 1, 3, 4 thường có nắng từ 7h sáng đến 17h. Cường độ bức xạ trung bình thường lớn hơn 3,489 kWh/m2/ngày.

Đây là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường và có trữ lượng vô cùng lớn do tính tái tạo cao. Nó càng có ý nghĩa hơn khi ngành nuôi trồng và chế biến thủy hải sản đều tập trung ở các địa phương này.

Theo vụ Nuôi trồng thủy sản -Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 1,103 triệu ha năm 2017, trong đó chỉ riêng đồng bằng sông Cửu long đã chiếm khoảng 800.000 ha. Cũng theo số liệu của Bộ này, hiện cả nước có trên 600 nhà máy chế biến thủy sản quy mô lớn. Đó là chưa kể đến các loại kho lạnh lưu trữ nông sản, thực phẩm khác của các doanh nghiệp ngành chế biến, trung tâm Logistics, chợ thương mại...

Các chuyên gia cho rằng, ngành thủy sản tiêu tốn khá nhiều điện năng. Theo nghiên cứu của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh (ECC HCMC) cho thấy, chi phí năng lượng chiếm hơn 9% trong chi phí nuôi tôm (trong đó 90% là từ hệ thống quạt nước, tạo ôxy) và chiếm 15 - 20% trong chế biến tôm. Như vậy, trong chuỗi giá trị sản phẩm, chi phí năng lượng đứng hàng thứ 3 sau nguyên liệu và công lao động.

Còn thống kê thực tế của các doanh nghiệp chế biến thủy sản cho thấy, trong chế biến thủy sản, lượng điện tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như quy trình chế biến, tuổi thọ của thiết bị, hoạt động bảo trì, mức độ tự động hóa, yêu cầu các loại sản phẩm đang được sản xuất và sự quản lý của mỗi nhà máy. Mức tiêu thụ điện trung bình cho các hoạt động sản xuất trong nhà máy chế biến thủy sản dao động 57 - 2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 324 - 4.412 kWh/tấn sản phẩm. Trong đó, mức tiêu thụ điện cho hệ thống lạnh cấp đông là lớn nhất, chiếm tới 70%.

 

lap dat dien mat troi ap mai

Lắp đặt điện mặt trời áp mái

Mặc dù, các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm song chi phí năng lượng còn khá cao, thậm chí có doanh nghiệp phải chi tiền điện hàng tỷ đồng hàng tháng.

Sự tiến bộ và sự cạnh tranh về công nghệ cùng với việc hình thành ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng chi phí lắp đặt điện mặt trời ngày càng rẻ, nếu các doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ điện mặt trời áp mái, không chỉ tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo vô hạn, bảo vệ môi trường, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia mà còn giảm được chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa.

Những lợi ích nêu trên càng được khẳng định tại Hội thảo tư vấn về điện mặt trời áp mái cho ngành kho lạnh và chế biến thủy hải sản Việt Nam diễn ra vào ngày 14/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện được tổ chức bởi Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và Chương trình Phát triển Dự án (PDP) của Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), theo ủy nhiệm của Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức trong khuôn khổ “Sáng kiến Giải pháp Năng lượng Đức”.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng khẳng định, ưng dụng điện mặt trời áp mái mang đến giải pháp có tính kinh tế và đa chiều cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kho lạnh và chế biến thủy hải sản, giúp giảm chi phí điện năng, giảm phát thải CO2, đảm bảo an ninh năng lượng, "xanh hóa" chuỗi cung ứng hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hiệu quả thực tế từ hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 308 kWp do PDP triển khai triển khai tại Emergent Cold Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh hoàn thành vào tháng 7/2018 đã giúp đáp ứng 15% tổng nhu cầu năng lượng hàng năm và góp phần giảm 170 tấn CO2 phát thải cho doanh nghiệp.(Baocongthuong)
-------------------

Ống thép không gỉ của Hàn Quốc được miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ

Ngày 17/9, Bộ Thương mại Mỹ đã chấp thuận miễn thuế nhập khẩu đối với sản phẩm ống thép không gỉ của công ty SL tech hoạt động trong lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc.

Ngày 20/9, giới chức công nghiệp Hàn Quốc cho biết một sản phẩm thép của nước này đã được miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ sau khi Washington tuyên bố áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đối với thép từ Hàn Quốc cách đây ít tháng.

Theo nguồn tin trên, ngày 17/9, Bộ Thương mại Mỹ đã chấp thuận miễn thuế đối với sản phẩm ống thép không gỉ của công ty SL tech hoạt động trong lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc, theo yêu cầu của nhà sản xuất thiết bị y tế Mỹ Micro Stamping.

SL tech là công ty sản xuất ống thép không gỉ có độ chính xác cao, chuyên cung cấp thiết bị y tế, thiết bị vệ sinh và các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là trong sử dụng để sản xuất kim tiêm.

Đây là lần đầu tiên một sản phẩm thép của Hàn Quốc được miễn thuế kể từ khi tháng 5 vừa qua - thời điểm Mỹ bắt đầu áp đặt hạn ngạch nhập khẩu 2,63 triệu tấn thép/năm đối với Hàn Quốc - tương đương 70% lượng thép xuất khẩu trung bình của Hàn Quốc sang Mỹ trong hơn 3 năm qua, thay vì mức thuế toàn cầu mới 25% của Mỹ đối với mặt hàng này.

Tuy nhiên, cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cho phép xem xét miễn thuế đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, Argentina và Brazil, tùy thuộc vào tình hình thị trường thép tại Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, Hàn Quốc cũng đã nhất trí mở cửa hơn nữa thị trường ôtô cho các doanh nghiệp Mỹ để đổi lại được Washington miễn áp thuế nhập khẩu mới đối với thép của nước này.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc (sau Trung Quốc). Kim ngạch thương mại song phương Hàn - Mỹ đã tăng từ 100,8 tỷ USD năm 2011 lên 119,3 tỷ USD năm 2017. Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ đã giảm từ mức 25,8 tỷ USD năm 2015 xuống còn 17,8 tỷ USD vào năm ngoái. (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục