Ngân hàng đau đầu tìm cách đòi nợ
Khởi tố 16 bị can tại Ngân hàng Xây dựng
Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội gấp hơn 1,5 lần cả nước
Samsung tính cắt giảm 30% nhân sự toàn cầu
Kinh tế Trung Quốc đón thêm tin xấu
Tin kinh tế đọc nhanh 25-09-2017
- Cập nhật : 25/09/2017
Hợp tác xã được hưởng các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.
Trong đó, về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, bổ sung quy định ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã thực hiện các dịch vụ công ích, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm và hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định chính sách cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
Cụ thể, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước được quy định tại điểm g khoản 1, khoản 9 Điều 19 và điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thuê đất, thuê mặt nước và khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Khuyến khích thành viên, hợp tác xã thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước để làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát nhu cầu, thực hiện đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản trên đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại địa phương theo quy định của pháp luật đất đai.(Chinhphu)
--------------------------
Chuối của bầu Đức chính thức lên kệ ở siêu thị lớn tại Trung Quốc
Ngày 23/9, thông tin từ Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết mặt hàng chuối của công ty đã chính thức được bán tại nhiều hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Triết Giang, Đại Liên …
Do đạt yêu cầu chất lượng, khách hàng đã chấp nhận nâng dần mức giá mua chuối của HAGL lên gần tiệm cận và sẽ ngang với mức giá nhập khẩu chuối Philippines hiện đang giao dịch quanh 18.000-20.000đ/kg. Vì vậy, dự kiến biên lợi nhuận của chuối năm nay sẽ đạt 40%.
Trong tháng 9, HAGL dự kiến xuất bán trung bình 14 container chuối/ngày chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Lũy kế từ tháng 7 đến 12/9/2017 công ty đã xuất khẩu 198 container tương đương hơn 4.040 tấn chuối. Giá chuối bình quân 630 USD/tấn (giá CIF).
Ngoài ra, HAGL còn đang đàm phán với nhiều đối tác nhập khẩu chuối ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc… tiêu thụ dài hạn số lượng lớn.
Trước đó, chuối của HAGL đã bán ở siêu thị ở Campuchia. Tại thị trường trong nước, chuối của HAGL cũng đã đưa vào kinh doanh tại chuỗi Bách Hóa Xanh - Thế giới di động.
Đại diện Thế giới di động cho biết, hiện tại mỗi ngày hệ thống siêu thị tiêu thụ khoảng 1,5 tấn chuối, tăng hơn so với thời gian đầu mới đưa vào kinh doanh (tháng 8/2017).
Trong quý 3, HAGL dự kiến sẽ bán hơn 10.000 tấn chuối, doanh thu khoảng từ 140 tỷ - 180 tỷ đồng. Trong quý 4/2017 sản lượng trung bình ước đạt hơn 400 tấn/ngày. Năm nay dự kiến doanh thu từ chuối đạt 843 tỷ đồng như kế hoạch đã đề ra.
Phía HAGL cho biết hiện tại, nhu cầu đặt hàng của các đối tác với chuối của HAGL đã vượt sản lượng thu hoạch cho toàn bộ 2.800ha diện tích vườn trồng. Vì vậy, thời gian tới công ty đang xem xét việc mở rộng diện tích trồng chuối để đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu tiềm năng. (PLO)
---------------------
Công ty con của Sabeco thu 1.200 tỷ đồng nhờ nấu bia trong 8 tháng
Với doanh thu 1.200 tỷ đồng từ sản xuất 173 triệu lít bia, Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi lãi gần 226 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính Công ty Bia Sài Gòn - Củ Chi (thành viên của Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn - Sabeco) vừa công bố, 8 tháng đầu năm doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu gần 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận gần 226 tỷ.
Sài Gòn - Củ Chi đạt sản lượng gần 173 triệu lít bia trong 8 tháng qua, xấp xỉ 70% công suất kế hoạch năm 2017. Lợi nhuận nhà máy này đem về chiếm gần 10% trong mức lãi hơn 2.500 tỷ đồng của Sabeco.
Sài Gòn - Củ Chi vận hành chính thức từ tháng 9/2007 với công suất 200 triệu lít bia một năm. Mốc mục tiêu sản lượng của nhà máy năm nay khoảng 269 triệu lít và hướng tới 300 triệu lít vào năm sau. Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ chi vừa đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng nhân kỷ niệm 10 năm thành lập.
Liên quan tới tổng công ty mẹ - Sabeco, báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) dẫn một công văn đề ngày 30/8 của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Nhà nước sẽ bán 53,59% cổ phần tại Sabeco. Nhiều khả năng phương thức bán cổ phần sẽ là đấu giá.
Tỷ lệ sở hữu hiện tại của Bộ Công Thương tại Sabeco là 89,59%. Sau thương vụ dự kiến trên, tỷ lệ sở hữu còn lại sẽ giảm xuống 36%, mức sở hữu đảm bảo quyền biểu quyết của cổ đông lớn đối với công ty. Giá trị thị trường của 53,59% cổ phần này là rất lớn, khoảng 87.462 tỷ đồng (gần 3,85 tỷ USD).(Vnexpress)
-------------------------
Cảng ngàn tỉ Cái Mép - Thị Vải 'đói' hàng vì tàu chỉ thích về TP.HCM
Trong khi hàng về cảng Cát Lái nhiều, kẹt cả trong lẫn ngoài, thì hàng loạt cảng container nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại “rảnh rỗi”, lượng hàng đi qua đây rất khiêm tốn so với công suất thiết kế.
Ở khu vực Cái Mép - Thị Vải, các chủ đầu tư đã đổ không dưới 30.000 tỉ đồng vào để có 7 bến container đi vào hoạt động như hiện nay. Tuy nhiên, hiện chỉ có một nửa số cảng trên có hàng để "ăn", còn lại là "đói".
Ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có công suất thiết kế gần 7 triệu TEU/năm, nhưng lượng hàng hóa thông qua đây đến giờ mới chỉ đạt 20%.
"Nếu cứ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng chừng 17%/năm thì rõ ràng chưa phát huy được hiệu quả của khu vực cảng này" - ông Trình nói.
Các chuyên gia nhìn nhận nguyên nhân "đói" hàng là do ngành dịch vụ hậu cần sau cảng - logistics - chưa phát triển tương xứng, thiếu hệ thống kho bãi, hệ thống kết nối hạ tầng giao thông quanh cảng chưa đồng bộ.
Quan trọng hơn, theo phân tích của chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu, là do "điều phối luồng hàng hóa trong khu vực còn hạn chế, mang tính cục bộ", dẫn đến việc nơi này "đói" hàng nhưng nơi kia lại không giải phóng hàng kịp dẫn đến ách tắc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: Ban đầu thì quyết liệt lắm, nhưng sau đó thì không. Tàu vẫn đưa hàng về hướng TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật chia sẻ quan điểm này. Ông Nhật cho biết để giảm áp lực giao thông cho TP.HCM, từ năm 2005 đã thông qua quy hoạch di dời tất cả các cảng trên sông Sài Gòn về Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Ban đầu thì quyết liệt lắm, nhưng sau đó thì không. Tàu vẫn đưa hàng về hướng TP.HCM" - ông Nhật nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng việc TP.HCM "đổ tiền" nạo vét luồng cũng như không hạn chế đầu tư cảng Hiệp Phước đã phá vỡ quy hoạch cảng container, gây mất niềm tin cho các nhà đầu tư cảng ở Cái Mép - Thị Vải.
Ông Nguyễn Nhật đề nghị không nên đầu tư mở rộng cảng hay nạo vét luồng ở TP.HCM, và tuân thủ quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong một cuộc họp mới đây với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đang vướng hạ tầng giao thông, logistics lẫn quản lý nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương cùng các bộ ngành liên quan ngồi lại xử lý những bất cập cũng như các kiến nghị của Bà Rịa - Vũng Tàu như: xây cầu Phước An (nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai), phân luồng hàng, thành lập trung tâm kiểm tra hàng hóa tại Cái Mép, làm cảng cạn.(Tuoitre)
-----------------------