Tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng "soi" nợ xấu của ngân hàng nước ngoài
CTCK có vốn ngoại không được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
70.000 EURO trong sản phẩm dưỡng thể
Kỳ vọng những điểm mới của hai luật thuế
Vướng mắc kiểm dịch sản phẩm thủy sản do thiếu danh mục chi tiết
Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-04-2016
- Cập nhật : 17/04/2016
Lotte Mart tìm kiếm hàng hóa Việt Nam đưa sang Hàn Quốc
Theo thông tin từ Lotte Mart, trong năm 2015, Lotte Mart đã nhập về Hàn Quốc nhiều sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam gồm đồ tươi sống, thực phẩm chế biến, may mặc với doanh thu khoảng 4 triệu USD.
Ước tính năm nay Lotte Mart tiếp tục thu về khoảng hơn 5 triệu USD từ các sản phẩm của Việt Nam được bày bán tại các siêu thị Lotte Mart Hàn Quốc.
Nhiều sản phẩm chất lượng cao Việt Nam sẽ có cơ hội hiện diện tại 117 siêu thị của Lotte Mart ở Hàn Quốc.
Để cụ thể hóa chiến lược đưa hàng hóa Việt vào hệ thống bán lẻ của hãng tại Hàn Quốc, Lotte Mart đang tìm kiếm những doanh nghiệp và sản phẩm ưu việt của Việt Nam mang ra thị trường quốc tế, góp phần nâng tầm thương hiệu Việt trên thế giới thông qua việc tham dự Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 26 – Vietnam Expo 2016.
Theo kế hoạch, tháng 8/2016, những sản phẩm chất lượng cao sẽ được xuất khẩu sang Hàn Quốc vào tháng 8 tới đây và dự kiến ra mắt người tiêu dùng Hàn Quốc thông qua chuỗi sự kiện quy mô lớn có tên gọi “Triển lãm Sản vật Việt Nam”, được tổ chức tại toàn bộ 117 siêu thị của Lotte Mart ở Hàn Quốc".
Sản phẩm vào được Hàn Quốc chủ yếu là hạt điều, tôm đông lạnh, cá khô, bánh phở, cà phê, thảm lau nhà, găng tay cao su, đồ nhà bếp, chăn, gối, ghế, móc áo, chậu nhựa…. thuộc thương hiệu thuần Việt như: cà phê Trung Nguyên, điều Yến Nhung, cà phê Con Sóc, bánh phở Bích Chi, bia 333, Vinamit, bánh phở Vifon, Kinh Đô…
Bà Hong Eun Bee, Giám đốc thu mua thời trang công ty Lotte Mart cho rằng, tham gia Vietnam Expo 2016 là một cơ hội rất tốt để Lotte Mart tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi tin rằng việc Lotte Mart trực tiếp thu mua hàng hóa nội địa không chỉ mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà cung cấp tại Việt Nam mà còn là cầu nối góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nền kinh tế Việt Nam”, bà Hong cho hay,
Không chỉ tập trung tại thị trường Hàn Quốc, Lotte Mart cũng đồng thời xúc tiến xuất khẩu bằng cách đưa hàng hoá Việt Nam sang bày bán trên các kệ hàng thuộc hệ thống Lotte Mart tại Trung Quốc và Indonesia.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính riêng năm 2014, thông qua các hoạt động như Triển lãm hàng Việt tiêu biểu tại siêu thị Lotte mart Nam Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai, các chuyên gia thu mua của Lotte Mart và các nhà nhập khẩu Hàn Quốc đã lựa chọn được 101 mặt hàng để giới thiệu tại Hàn Quốc.
U&I Logistics khai trương kho ngoại quan thứ 7
Với diện tích 30.375 m2, việc mở thêm kho thứ 7 làm tăng diện tích sàn kho U&I Logisctics lên 178.851 m2 với tổng diện tích xấp xỉ 30 ha. Toàn bộ diện tích kho này được lắp đặt hệ thống kệ chứa hàng với nhiều tầng và do vậy tổng diện tích lưu trữ của hệ thống kho này đạt xấp xỉ 1.100.000 m2.
Nhằm bảo quản hàng hóa của khách hàng một cách tốt nhất, hệ thống kho của Công ty được trang bị các thiết bị điều hòa độ ẩm và nhiệt độ tự động, ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý mã vạch vào công tác quản lý hàng hóa trong kho.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thành viên HĐQT UniGroup, Tổng giám đốc U&I Logisctics cho biết trong chiến lược phát triển đến năm 2020, U&I Logistics sẽ trở thành một công ty cung cấp chuỗi các dịch vụ logistics trọn gói theo phương thức 3PL (cung cấp dịch vụ logistics trọn gói), và hướng tới 4PL (tích hợp thêm các dịch vụ gia tăng giá trị khác) trong 10 năm tới.
Trong năm nay, Công ty đang xin chủ trương của cấp tỉnh để triển khai một trung tâm logistics tầm quốc gia với diện tích 75 ha phục vụ cho khu vực miền Đông và TP HCM theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm vừa qua.
Công ty cũng đã xác định các đối tác và vị trí cần thiết để tham gia vào các trung tâm tương tự như vậy tại đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Việt Nam.
Được biết, U&I Logistics hiện đang hoạt động trong các mảng chính: Đại lý thủ tục Hải quan, vận chuyển hàng hóa nội địa, đại lý vận chuyển hàng hóa quốc tế, kinh doanh kho bãi, khai thác cảng, và vận hành sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa trực tuyến. Với vốn điều lệ hiện là 215 tỉ đồng và tổng tài sản trên 600 tỉ đồng, U&I Logisctics đứng thứ 10 trong nhóm 20 doanh nghiệp dịch vụ logistics hàng đầu của Việt Nam năm 2015, theo Hiệp hội Logistics Việt Nam.
Hòa Phát sẽ nhập khẩu 1,6 triệu tấn quặng sắt trong năm nay
Bà Vương Ngọc Linh, Phó giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát chia sẻ, bên cạnh việc thu mua trong nước, Công ty sẽ đẩy mạnh nhập khẩu quặng sắt làm nguyên liệu sản xuất đáp ứng cho Khu liên hợp thép công suất 1,8 triệu tấn thép mỗi năm. Nguồn quặng nhập chủ yếu sẽ từ các nước Nam Phi, Australia, Brazil, Ucraina, Ấn Độ.
“Với tỷ lệ tiêu hao 1 tấn gang thép cần 1,65 triệu tấn quặng thì Hòa Phát cần 3 triệu tấn quặng mỗi năm. Trong khi nguồn cung trong nước có hạn, nguồn quặng thế giới rất dồi dào, giá nhập khẩu hiện đang ngang bằng hoặc rẻ hơn giá quặng trong nước mà chất lượng tốt hơn nên Hòa Phát không có lý do gì mà không nhập quặng”, bà Linh cho biết.
Năm 2016, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát dự kiến nhập khẩu 1,6 triệu tấn quặng sắt, còn lại mua nội địa và dùng hàng tồn kho cũ. Từ năm 2017, mức nhập khẩu của Công ty có thể tăng lên 3 triệu tấn nếu mỏ sắt Thạch Khê vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Nhiều chuyên gia đã dự báo giá quặng sắt thế giới sẽ lại giảm sâu vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 do rất nhiều dự án mỏ sắt quy mô lớn trên thế giới đi vào sản xuất gây dư cung hàng quặng sắt ít nhất cho đến tận năm 2020.
Tín dụng tăng chậm, nhà băng thấp thỏm lo vơi túi tiền
Kẻ lạc quan, người lo lắng
Cuộc khảo sát quý II/2016 vừa được Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) thực hiện cho thấy, các ngân hàng đang kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt trên 20% trong năm 2016, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng thực tế trong 5 năm gần đây và cao hơn mục tiêu mà NHNN đề ra (15-17%).
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho hay: “Kết quả kinh doanh quý I/2016 của OCB đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, trong đó dư nợ tín dụng đạt trên 100% chỉ tiêu. Mới đây, NHNN đã quyết định cấp hạn mức tín dụng 25% cho OCB. Chúng tôi kỳ vọng các hoạt động tín dụng năm 2016 của OCB sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2016, OCB đặt mục tiêu tổng dư nợ tín dụng tăng 44%”, đại diện OCB thông tin.
.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy, khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay không lạc quan như dự báo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tín dụng quý I/2016 chỉ tăng 1,54% so với thời điểm cuối năm 2015. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB lý giải, nềnkinh tế phục hồi chưa vững chắc, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nên tín dụng khó có thể bật tăng mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng năm 2016 sẽ không khả quan bằng năm 2015. Tại báo cáo ngành ngân hàng 2016 vừa được công bố, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tín dụng năm 2016 chỉ tăng 16% (năm 2015 là trên 17%). “Tín dụng sẽ hướng tập trung hơn vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Tín dụng cho hoạt động xây dựng, BOT và mua bất động sẽ chững lại do cả yếu tố thị trường và sự điều tiết của NHNN”, VCSB lý giải nguyên nhân.
Còn nhớ, 2 năm qua, từ chỗ cho vay ngắn hạn là chính, các ngân hàng ồ ạt chuyển sang cho vay trung, dài hạn. Năm 2014-2015, tín dụng rót vào lĩnh vực hạ tầng giao thông tăng mạnh. Còn trong năm 2015, tín dụng bất động sản tăng tới 28%, tổng tín dụng trung, dài hạn của toàn hệ thống chiếm 55% (dù hơn 90% vốn huy động là ngắn hạn). Việc ngân hàng rót quá nhiều vốn vào lĩnh vực giao thông, bất động sản khiến Chính phủ và NHNN nhiều lần lên tiếng vì lo ngại ngân hàng lại rơi vào tình trạng rủi ro thanh khoản.
Lo NIM giảm
Điểm tích cực của việc tín dụng chậm lại là thanh khoản của hệ thống tiếp tục được giữ vững. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ đe dọa tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng. Chưa kể, dù lãi suất huy động thời gian gần đây có xu hướng tăng lên, song lãi suất cho vay cũng chưa tăng đáng kể, do áp lực cạnh tranh rất lớn.
Các chuyên gia của VCBS cho rằng, NIM giữ được trong quý I/2016 là do sự tăng lên của tỷ trọng các tài sản có lợi suất cao trong cơ cấu tài sản sinh lãi, chứ không phải do các ngân hàng tăng mặt bằng lãi suất cho vay. Chẳng hạn, tín dụng trung, dài hạn, tín dụng bán lẻ tăng tốt hơn tín dụng ngắn hạn, bán buôn, trái phiếu đầu tư tăng cao hơn so với cho vay liên ngân hàng.
Hiện NIM của hệ thống ngân hàng đang xoay quanh mức 3%. Theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, NIM của hệ thống ngân hàng năm 2015 là 2,74%, tăng nhẹ so với mức 2,7% năm 2014 và giảm khá mạnh so với mức 3,5% năm 2011.
Để cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh tín dụng trung, dài hạn bị thắt chặt, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, cho vay tiêu dùng và tăng thu từ dịch vụ. Đơn cử, trong năm 2015 vừa qua, tăng trưởng tín dụng của VPBank tăng tới 28% nhưng tín dụng tiêu dùng, tín dụng bán lẻ và tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 70% tổng dư nợ. Mảng cho vay doanh nghiệp lớn dù vẫn tăng trưởng, nhưng chỉ chiếm 30% dư nợ của ngân hàng.
IFC cấp vốn cho PUMA tại các thị trường mới nổi
Theo đó, IFC sẽ cấp vốn ưu đãi cho các nhà cung cấp để thực hiện các giải pháp nâng cao các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, sức khỏe và an toàn. Trước mắt, chương trình sẽ được triển khai tại Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Pakitstan và Việt Nam.
IFC sẽ áp dụng một cơ chế cấp vốn với nhiều mức giá áp dụng cho vốn lưu động ngắn hạn, qua đó tạo điều kiện để những nhà cung cấp đạt điểm số cao trên thang điểm đánh giá nhà cung cấp của PUMA được hưởng mức chi phí vốn thấp.
Các điểm số này được xác định dựa trên kết quả giám sát của PUMA đối với nhà cung cấp về thực tiễn tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội, môi trường của hãng thông qua quy trình kiểm toán.
Ông Lars Soerensen, Tổng Giám đốc PUMA cho biết, đây là chương trình đầu tiên của hãng dành chế độ ưu đãi cho nhà cung cấp căn cứ trên điểm số đạt được trong khuôn khổ chương trình môi trường và bền vững của PUMA, thông qua các loại phí liên quan.
IFC cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất quần áo may sẵn và da giày thông qua chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu cho Nhà cung cấp (GTSF), theo đó sẽ cấp vốn lưu động cho nhà cung cấp căn cứ trên các khoản phải thu từ bên mua nước ngoài.
Tài trợ cho nhà cung cấp là một hình thức linh hoạt cho phép nhà cung cấp ở các thị trường mới nổi tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý để thực hiện các hợp đồng cung cấp trong thời hạn được xác định bởi các điều khoản tín dụng.
Được triển khai từ năm 2010, chương trình GTSF của IFC là một chương trình tư vấn và đầu tư bằng nhiều loại tiền tệ trị giá 500 triệu đô-la Mỹ, thực hiện cấp vốn ngắn hạn cho các nhà cung cấp và các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ ở các thị trường mới nổi.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính trên toàn thế giới, ngành dệt may và da giày thu hút khoảng 60 triệu lao động, phần nhiều là các phụ nữ trẻ. IFC đầu tư vào ngành này vì đây là ngành tạo việc làm chính thức cho các lao động ít kỹ năng, từ đó góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo tại các nước đang phát triển.
Một trong các hoạt động hỗ trợ của IFC cho ngành này được thực hiện thông qua chương trình Việc làm Tốt hơn (Better Work), hợp tác cùng ILO. Chương trình Việc làm Tốt hơn đi vào hoạt động từ năm 2009, với mục tiêu tăng cường tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
IFC là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi.
Tổ chức này hiện đã hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới. Trong năm tài chính 2015, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt gần 18 tỷ USD.
PUMA là một trong những thương hiệu thể thao chuyên thiết kế, sản xuất, tiêu thụ và tiếp thị các sản phẩm da giày, quần áo, phụ kiện thời trang. Tập đoàn PUMA Group là chủ sở hữu của các thương hiệu PUMA, Cobra Golf, Dobotex, Brandon. Hãng hiện đang phân phối sản phẩm tại hơn 120 quốc gia, với đội ngũ nhân lực hơn 10.000 người trên toàn thế giới, và có trụ sở đặt tại Herzogenaurach, Đức.