The Economist: Việt Nam có “con đường khó khăn hơn phía trước”
Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm
Bổ sung nhóm sản phẩm cá phile đông lạnh xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á-Âu
Sản lượng dầu thô Iraq trong tháng 7 tăng lên 4,632 triệu thùng/ngày
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-04-2016
- Cập nhật : 17/04/2016
Cha đẻ Zalora, Lazada làm ăn như thế nào?
Lỗ nặng trong năm 2015, Rocket Internet, cha đẻ của Zalora và Lazada, đặt mục tiêu cuối năm 2017, có ba trong số các công ty con sẽ kinh doanh có lãi.
Rocket Internet được thành lập bởi 3 anh em Oliver, Marc và Alexander Samwer năm 2007. Công ty hoạt động theo mô hình copy lại mô hình thành công của các trang thương mại điện tử như Amazon, eBay.. tại châu Phi, Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Nga, sau đó bán lại cho các nhà đầu tư khác hoặc chính công ty “gốc”.
Mới đây, Rocket Internet bán 9,1% cổ phần Lazada (phiên bản của Amazon tại châu Á) cho hãng thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba, với giá 137 triệu USD. Alibaba cũng đầu tư thêm 500 triệu USD vào Lazada và sẽ trở thành cổ đông đa số.
Theo trang TechCrunch, Rocket Internet đang muốn bán quyền kinh doanh Zalora (phiên bản copy của Zappos) tại Thái Lan và Việt Nam nhằm giảm chi phí, tập trung vào các quốc gia đang gần hòa vốn và sinh lời.
Đông Nam Á và châu Phi vẫn là một trong những thị trường trọng điểm của công ty. Khoản đầu tư mạnh tay 110 triệu USD vào Food Panda tại Ấn Độ và 150 triệu USD vào Jumia tại châu Phi cho thấy tham vọng xây dựng hệ thống công ty kinh doanh trực tuyến toàn cầu của Rocket.
Năm 2015, doanh thu Rocket tăng 69% lên 2,4 tỷ euro, nhưng lại lỗ tới 1 tỷ euro. Năm 2014, công ty này lỗ 600 triệu euro. Phần lỗ nặng nhất của Rocket đến từ Lazada.
Kể từ khi IPO hồi tháng 10/2014, giá cổ phiếu của Rocket Internet sụt giảm mạnh do những lo ngại về tình hình thua lỗ của các trang thương mại trực tuyến của hãng, từ thời trang cho tới giao hàng thực phẩm.
Kết thúc phiên giao dịch thứ 5, ngày 14/4, cổ phiếu Rocket Internet giảm 9,8%, bất chấp việc trang thương mại điện tử đang thua lỗ nặng Lazada Group của hãng được Alibaba mua lại.
CEO Oliver Samwer cho biết, một số công ty con của Rocket đang tiến tới mức hòa vốn. Samwer nhấn mạnh rằng cuối năm 2017, ba trong số các công ty của Rocket sẽ có lãi.
"Chúng tôi muốn chứng tỏ sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ”, Samwer cho biết. “2016 là một năm tốt. 2017 là năm rất tốt còn 2018 là một năm tuyệt vời”.
Ông tiết lộ rằng, Rocket vẫn rất dồi dào tiền mặt, bao gồm 1 tỷ euro tại các công ty con, 1,8 tỷ euro tại Rocket và 1,6 tỷ euro huy động từ các nhà đầu tư.
Theo Samwer, trang kinh doanh nội thất Westwing và công ty thời trang trực tuyến Lamoda (Nga) của Rocket đang cắt giảm chi phí vận chuyển và marketing, còn Delivery Hero và FoodPanda đang hòa vốn tại một số quốc gia.
Công ty giao đồ ăn HelloFresh và trang bán lẻ trực tuyến Jumia (châu Phi) của Rocket có tăng trưởng doanh thu tốt, và được cho là sắp thực hiện IPO dù cả hai đều đang tiếp tục thua lỗ.
Samwer cho biết, công ty đặt mục tiêu đưa một số công ty con lên sàn chứng khoán vào đầu năm 2017.
Quỹ Nhật rót hàng triệu USD vào một startup Việt
Đây là dự án giáo dục thứ hai nhận được vốn từ quỹ CyberAgent Ventures tại Việt Nam.
Nền tảng học trực tuyến đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn Kyna.vn vừa nhận được vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư thứ hai CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Đông Nam Á.
Không công bố cụ thể số vốn đầu tư nhưng thông báo từ phía CyberAgent Ventures cho biết quỹ này sẽ rót hàng triệu USD trong đợt gọi vốn đầu và có khả năng sẽ rót thêm vốn trong tương lai.
Được thành lập từ năm 2013, Kyna hiện có trên 200 khóa học ở nhiều chủ đề khác nhau như giao tiếp, thuyết trình, digital marketing, sales, guitar, nuôi dạy con… Theo công bố từ phía quỹ, hiện Kyna đã thu hút hơn 200.000 học viên và có 30.000 lượt đăng ký khóa học hàng tháng.
Ngoài các học viên cá nhân, Kyna còn cung cấp giải pháp đào tạo trực tuyến cho nhiều doanh nghiệp lớn như Fsoft, Mobifone, LIN community…
Với nguồn vốn từ CyberAgent Ventures, Kyna sẽ nâng số lượng khóa học lên 1.000 khóa học đến từ hàng trăm chuyên gia, trường đào tạo lớn trong và ngoài nước.
Trao đổi với Nhipcaudautu.vn, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Đại diện kiêm Giám đốc đầu tư của CyberAgent Ventures tại Việt Nam và Thái Lan, cho biết đây là dự án đầu tiên nhận được vốn từ quỹ thứ hai của CyberAgent Ventures và là dự án đầu tư vào giáo dục thứ hai của quỹ này tại Việt Nam sau Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica.
Quỹ thứ hai của CyberAgent Ventures có tổng vốn 50 triệu USD dành cho khu vực Đông Nam Á. Hiện quỹ có 11 văn phòng ở 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực internet và công nghệ. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2008, quỹ CyberAgent Ventures đã rót vốn vào gần 20 dự án khởi nghiệp như Foody.vn, Tiki.vn, Nhaccuatui...
Lotte sẽ đuổi kịp Samsung về tổng mức đầu tư vào Việt Nam
Trong buổi gặp Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, đại diện Lotte cho biết, 5 năm tới, mức đầu tư của Lotte vào Việt Nam sẽ ngang bằng Samsung.
Lotte đã đầu tư vào Việt Nam được hơn 15 năm. Tính đến nay, đã có nhiều công ty con của tập đoàn này thành lập và phát triển sản phẩm của mình tại Việt Nam. Không chia sẻ con số tổng thể của cả nước, nhưng mức đầu tư riêng tại TP HCM của doanh nghiệp FDI này hiện khoảng 3 tỷ USD.
Và số vốn đầu tư đang tiếp tục tăng lên vì tập đoàn đã sẵn sàng khởi động những dự án trọng điểm mà TP HCM có thể sẽ thông qua trong thời gian tới.
Ông Kim Chang Kwon, Giám đốc điều hành Công ty phát triển tài sản Lotte (Hàn Quốc) chia sẻ: “Có lẽ Samsung là doanh nghiệp có mức đầu tư vào Việt Nam cao nhất hiện tại (11,3 tỷ USD), nhưng trong vòng 5 năm tới Lotte cũng phấn đấu đạt được mức đầu tư như vậy.
Kế hoạch của chúng tôi là tái đầu tư liên tục đến nâng nguồn vốn vào Việt Nam, nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng”.
Lotte cũng đã hoàn thành một dự án lớn tại Hà Nội và tiếp theo đó sẽ tiến hành đầu tư vào dự án có quy mô lớn hơn rất nhiều (khoảng 2,2 tỷ USD) tại Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM. Dự án này đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý nguyên tắc để đầu tư, đồng thời đã có đề án quy hoạch chi tiết 1/500.
Theo thông tin từ tập đoàn Hàn Quốc, đây sẽ là khu phức hợp có quy mô lớn được phối hợp cùng các nhà phát triển Nhật Bản để thực hiện. Đại diện tập đoàn này hy vọng sẽ được TP HCM hỗ trợ nhanh chóng để hoàn tất thủ tục để xây dựng trong tháng 7 sắp tới.
Ngoài việc đầu tư vào dự án trọng điểm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Lotte còn tư vấn ý tưởng cho TP HCM quy hoạch, cải tạo lại Thảo Cầm Viên. Theo đó, tập đoàn sẽ đưa ra đề án bảo tồn các hạng mục quan trọng đồng, thời đầu tư cải tạo lại các khu vực vườn thú chắc chắn và hợp lý hơn. Hiện Lotte đã có đề án chi tiết gửi cho UBND TP HCM tham khảo.
Phản hồi những chia sẻ của doanh nghiệp, Bí Thư Đinh La Thăng cho biết, TP HCM rất hoan nghênh thiện chí của Lotte khi đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Đối với dự án quy mô lớn tại Thủ Thiêm, TP HCM sẽ hoàn tất sớm thủ tục cấp phép, chậm nhất là trong tháng 5 tới, để tiến hành khởi công.
Đối với ý tưởng đầu tư cải tạo Thảo Cầm Viên, TP HCM ghi nhận sự hỗ trợ của tập đoàn, và sẽ tiến hành thảo luận phương thức thực hiện chi tiết.
"Cuối cùng, nếu Lotte cho rằng 5 năm nữa sẽ đuổi kịp Samsung về tổng mức đầu tư vào Việt Nam thì tôi bắt đầu tính từ hôm nay”, Bí thư Đinh La Thăng nói.
Gạo Việt rồi chỉ bán được cho người nghèo
Tương lai, giới trung lưu chắc sẽ ăn gạo Thái, Campuchia còn gạo Việt Nam chắc chỉ bán cho người nghèo.
Gạo chỉ tăng về lượng trong khi chất giảm và không nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Tại hội thảo về xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh do Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương tổ chức ngày 15/4, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dẫn câu chuyện về hạt gạo Việt để minh chứng cho sức cạnh tranh ngày càng yếu ớt của hàng hóa “Made in Việt Nam”.
Những quy định nói không với cạnh tranh
“Trong tương lai, giới trung lưu chắc sẽ ăn gạo Thái, Campuchia. Khi giới trung lưu càng nhiều, chắc gạo Việt Nam chỉ bán cho người nghèo ở đâu đó”, bà Phạm Chi Lan nói.
Lý do của nhận định này, theo bà Lan, gạo chỉ tăng về lượng trong khi chất lượng giảm và không nâng cao được năng lực cạnh tranh .
Bà Lan dẫn câu chuyện của công ty Cỏ May làm ví dụ. Khi tìm được đối tác xuất khẩu gạo sang Singapore, Cỏ May phải ủy thác xuất khẩu cho một DN khác “đủ điều kiện” để thực hiện hợp đồng, không thể trực tiếp xuất gạo cho đối tác Singapore.
Bởi vì, dù có nhà máy nhưng DN này không thể được cấp phép xuất khẩu gạo do không đáp ứng được quy định của Nghị định 109/NĐ-CP năm 2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo nghị định này, doanh nghiệp (DN) phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất 1 một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Cuối cùng đối tác Singapore đã hủy giao dịch vì không tin tưởng vào Cỏ May.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng phải thốt lên: Ở Việt Nam đầy những quy định phản cạnh tranh, phi cạnh tranh. Họ áp dụng các hình thức phản cạnh tranh một cách phi điều kiện. Quan trọng hơn và thách thức hơn là tư duy vì thị trường, thân thiện với thị trường ở ta quá xa lạ.
Ông Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên của CIEM liệt kê ra hàng loạt những quy định được ban hành theo kiểu “nói không với cạnh tranh” .
Đó là, trao quyền kinh doanh độc quyền cho một nhà cung cấp như điện, than… Bên cạnh đó là việc nâng chi phí cho việc gia nhập, hay rút lui khỏi thị trường.
Đơn cử theo Nghị định 86/NĐ-CP năm 2014, DN vận tải muốn được kinh doanh phải có từ 20 xe trở lên đối với ở địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, và 10 xe trở lên ở các địa phương còn lại. Trong khi trước đó chỉ cần có 1 xe cũng được quyền gia nhập thị trường và cạnh tranh trên đường.
Hay là việc giá xăng được ấn định, trong đó có cả lợi nhuận định mức và hoa hồng định mức khiến không DN nào có nhu cầu cạnh tranh, không làm tốt hơn, không giảm giá…
Phá sản cả hãng ô tô để môi trường cạnh tranh
Ông Micheal Woods, chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh đã kể một trường hợp của một hãng ô tô Australia như một minh chứng cho việc các nước tôn trọng sự cạnh tranh như thế nào.
Ông Micheal Woods chia sẻ: Tại Australia một hãng ô tô lớn đã không thể trụ được vì không thể cạnh tranh với ô tô nhập khẩu. Khi đó Chính phủ đã hỗ trợ DN đó từ nguồn thuế để duy trì hoạt động vì lợi ích của người lao động và DN đang nắm giữ nhiều đất đai lao động. Thế nhưng Ủy ban Công bằng cạnh tranh quốc gia đã có ý kiến với Chính phủ để DN đó phá sản.
“Đó là điều bình thường, vì trong cạnh tranh chúng ta phải chấp nhận những thiệt hại, mất mát. Một lượng lớn lao động sẽ mất việc nếu DN phá sản nhưng đó là điều bình thường” – ông Micheal Woods nói.
“Điều bình thường” ấy ở Australia dường như còn xa lạ với Việt Nam.
Dẫn lại câu chuyện ưu đãi thuế gần 3 tỉ đô la cho lọc dầu Nghi Sơn, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Nhà máy đầu tư 9 tỉ đô la nhưng hỗ trợ thuế nhập khẩu có thể phải lên tới 3 tỉ đô la, chưa nói đến các ưu đãi đất đai. Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN còn đại diện cam kết bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn trong khi bản thân PVN cũng có 25% cổ phần ở nhà máy này.
“Đây là điều đáng suy nghĩ cho ngân sách trong khi chúng ta đang truy thu, tận thu thuế các DN nhỏ và vừa” , bà Lan phát biểu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chỉ ra ở Việt Nam không chỉ có bất bình đẳng giữa DN Nhà nước với khu vực tư nhân trong nước, mà còn có sự bất bình đẳng giữa khu vực FDI với DN tư nhân trong nước. Vì vậy các DN tư nhân trong nước ngày càng nhỏ đi. Đó là những bất bình đẳng trong cạnh tranh.
Theo ông Micheal Woods, muốn xây dựng chính sách cạnh tranh thì không nên tạo ra lợi thế cho DN nhà nước bởi vì họ được sở hữu bởi nhà nước. Nếu cạnh tranh không bình đẳng thì chúng ta sẽ bóp méo thị trường. Điều này không góp phần nâng cao năng suất lao động, không giảm giá thành sản phẩm, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
TS Nguyễn Đình Cung kết luận: Tôi chưa thấy được cải cách môi trường kinh doanh thật sự tại Việt Nam.
“Nếu giao cho các bộ bỏ giấy phép con là không bao giờ làm được, chỉ có tăng lên. Chỉ khi có một cơ quan độc lập làm thì mới có thể bỏ được. Các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN có nguy cơ không bỏ được giấy phép con” – ông Nguyễn Đình Cung lo ngại.
Vietcombank báo lãi 2.300 tỷ đồng trong quý I/2016, tăng 61,7%
Sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế quý I/2016 của ngân hàng đạt 2.300 tỷ, tăng 61,7% so với cùng kỳ.
Cụ thể, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, tăng trưởng của Vietcombank trong quý đầu năm khá tích cực, nguồn vốn quý I tăng 2,7%, cơ cấu tăng trưởng chủ yếu ở nguồn vốn giá rẻ. "Hiện Vietcombank có lãi suất thấp nhất thị trường nhưng nhờ thương hiệu mạnh nên nguồn vốn huy động được rất lớn", ông Thành cho biết.
Tăng trưởng tín dụng quý I đạt 6,5%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, do đó, lãnh đạo ngân hàng cho rằng, có đầy đủ cơ sở để Vietcombank thực hiện mục tiêu tăng trưởng 17,5% trong năm nay.
Ông Thành cũng cho biết, hiện Vietcombank đã có tờ trình Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn mức bình quân.
Nợ xấu quý I/2016 của ngân hàng ở mức 1,76%, giảm so với mức 1,84% cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, do tín dụng tăng nhẹ nên có số nợ xấu tuyệt đối tăng nhẹ so với năm trước. Trích lập dự phòng rủi ro trích lập đạt 1.300 tỷ, so với kế hoạch cho cả năm là 5.500 tỷ.
Sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế quý I/2016 của ngân hàng đạt 2.300 tỷ, tăng 61,7% so với cùng kỳ.