Chuyên gia IMF: Trung Quốc đối mặt nguy cơ khi chuyển đổi kinh tế
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng của Trung Quốc có thể gập ghềnh và có phần nguy hiểm. Đây là nhận định của Phó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) David Lipton.
Theo Bloomberg, ông David Lipton nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin này rằng “sự chuyển đổi của Trung Quốc, sự tái cân bằng, thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào ngành xuất khẩu công nghiệp nặng để tập trung vào thu nhập hộ gia đình đang gia tăng”, và tiêu thụ là “những chuyển đổi quan trọng mà thế giới sẽ tập trung quan sát trong những năm tới, đây có thể là con đường gập ghềnh”.
Ông Lipton cho biết thêm: “Sẽ nguy hiểm nếu họ tiếp tục cấp tín dụng cho các lĩnh vực cũ và để các khoản nợ tiếp tục chất đống”.
Dù kinh tế Trung Quốc vừa tăng trưởng ổn định, điều này vẫn có một phần nguyên do từ sự đột biến trong tín dụng. Dữ liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy tài chính tổng hợp, thước đo tín dụng từ các ngân hàng, đạt tổng cộng là 2.340 tỉ nhân dân tệ, tương đương 361 tỉ USD, trong tháng 3.
Các khoản vay có thể đặt ra nhiều thách thức, trừ khi chính phủ nước này theo đuổi mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và làm sạch khu vực ngân hàng đang bị đè nặng bởi nợ xấu.
Ông Lipton trong cuộc phỏng vấn ở Washington (Mỹ) cũng kêu gọi Trung Quốc có hành động mạnh mẽ hơn và điều phối các chính sách tài chính, cấu trúc cùng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Nói về tình hình thế giới, Phó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho hay các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang phản ứng với sự mức tăng trưởng ì ạch của các nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung thêm biện pháp kích thích kinh tế hồi tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đồng thuận tiến hành chiến lược chậm thắt chặt tiền tệ còn Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thì có thể trì hoãn hành động đến sau cuộc trưng cầu dân ý về chuyện Anh quốc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong tuần này.
“Chúng tôi chưa gióng chuông báo động, nhưng chúng tôi nghĩ rằng nên có một số cảnh báo về áp lực tài chính đang gia tăng, các lỗ hổng, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp tại các quốc gia đã và đang chứng kiến giá dầu, giá hàng hóa giảm, những nơi bùng nổ tín dụng đã trở nên mạnh mẽ. Chắc chắn với các chính sách tiền tệ mà chúng ta đang có, việc theo dõi rủi ro xoay quanh ngành tài chính là cần thiết”, ông Lipton kết luận.
Hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư vào Quảng Trị
18 dự án trên các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… với tổng vốn hơn 10.600 tỷ đồng vừa được tỉnh Quảng Trị trao quyết định đầu tư.
18 dự án được trao chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Ảnh:Hoàng Táo
Ngày 17/4, UBND tỉnh Quảng Trị và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh, với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với diện tích tự nhiên khoảng 4.700 km2, dân số khoảng 620.000 người, các đại biểu nhấn mạnh Quảng Trị cần kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Đức Chính cam kết sẽ rộng cửa đón nhà đầu tư với thời hạn không quá 10 ngày để cấp chứng nhận đầu tư, bố trí quỹ đất sạch, đầu tư điện nước. Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ trực tiếp giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trên đường dây nóng...
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Quảng Trị có thuận lợi về giao thông, nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, có hệ thống di tích lịch sử và truyền thống kiên trung của con người... “Quảng Trị cần tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, cung cấp nguồn nhân lực tốt, đồng thời cũng phải tự vươn lên để thoát khỏi là một tỉnh nghèo”, Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 18 dự án với tổng mức đầu tư hơn 10.600 tỷ đồng. Trong số đó, BIDV cũng thỏa thuận tài trợ vốn với 5 dự án, tương đương mức cam kết 5.120 tỷ đồng
Báo Nhật: Doanh số iPhone đang sụt giảm nghiêm trọng
Theo báo cáo của trang Nikkei (Nhật Bản), doanh số bán ra của iPhone trong năm 2016 đang sụt giảm nghiêm trọng, chứ không thực sự lạc quan như những gì Apple chia sẻ.
Trước đó, CEO Apple - ông Tim Cook cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng doanh số iPhone sẽ sụt giảm trong quý này. Thế nhưng, mức suy giảm sẽ không đạt đến mức độ như mọi người dự đoán. Ngoài ra, chúng tôi sẽ không đưa ra bất cứ dự đoán nào về quý tới nữa".
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Nikkei, doanh số bán ra của iPhone 6S và 6S Plus không chỉ giảm trong quý 1/2016 (tính đến hết tháng 3) mà nó còn có thể kéo dài cho đến quý 2/2016 (tính đến hết tháng 6). Thậm chí, nguồn tin của Nikkei còn cho biết trong quý 1/2016 Apple đã phải giảm 30% lượng sản xuất iPhone so với cùng kỳ năm ngoái do tiến độ bán hàng ra thị trường không ổn định.
Về phần iPhone SE, mẫu smartphone mới vừa được Apple tung ra thị trường, các nhà phân tích vẫn tin rằng đây không phải là sản phẩm có thể giúp Apple kéo bù lại doanh số bán hàng. Theo Nikkei, Apple nên xem xét phát hành phiên bản chủ đạo sớm hơn so với tháng 9 thông thường (ám chỉ phiên bản iPhone 7 - PV).
Được biết, khi iPhone SE bắt đầu bán ra thị trường vào ngày 24.3 (tức rơi vào thứ 6 cuối tuần) thì sau 3 ngày mở bán, Apple đã từ chối công bố doanh số bán ra sản phẩm này, đây là điều trái ngược với nhiều thế hệ iPhone trước đây khiến giới phân tích tin rằng sản phẩm này không hề tạo ra được cơn sốt như kỳ vọng của Apple.
Theo dự kiến, Apple sẽ ra mắt iPhone 7 vào khoảng cuối năm nay mở ra một thiết kế mới mẻ hơn cho thế hệ iPhone. Tuy nhiên, thông qua các nguồn tin gần đây thì iPhone 7 vẫn sẽ dùng tấm nền màn hình LCD. Trong khi đó, tấm nền màn hình OLED có thể chỉ được áp dụng trên chiếc iPhone 7S ra mắt vào năm 2017, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến sức mua iPhone 7 của người tiêu dùng trong năm 2016 này.
Mặc dù vậy, mọi thứ vẫn chỉ là phỏng đoán, bởi Tim Cook từng nói rằng bản thân ông không quan tâm đến bất kỳ tin đồn nào liên quan đến hoạt động kinh doanh iPhone. Ông cũng nhấn mạnh rằng các dữ liệu từ các nhà phân tích đưa ra không thể nào nói tình hình của công ty, bởi lẽ chuỗi cung ứng của Apple là rất phức tạp khi hãng có rất nhiều nguồn sản xuất thành phần.
Tình cảnh bi đát của 4 nền kinh tế hàng đầu châu Phi
Giá dầu rẻ, bất ổn chính trị và vấn đề trong hệ thống ngân hàng đang đè nặng lên 4 nền kinh tế hàng đầu châu Phi - Ảnh: Reuters
Tăng trưởng kinh tế châu Phi vượt qua hầu hết các thị trường mới nổi những năm gần đây. Dù vậy giá dầu rẻ, bất ổn chính trị và hệ thống ngân hàng yếu kém đang đè nặng lên 4 nền kinh tế hàng đầu khu vực.
Theo CNN, dù có mức tăng trưởng khả quan, bốn nền kinh tế hàng đầu châu Phi vẫn tồn đọng nhiều vấn đề. Dưới đây là bức tranh kinh tế bi quan hiện tại của 4 nước này.
Nam Phi
Không có nhiều triển vọng tốt cho nền kinh tế tiên tiến nhất châu Phi. Kinh tế Nam Phi được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định sẽ chỉ tăng 0,6% trong năm nay. Đây là một trong những nước phát triển chậm nhất tại một trong các khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đồng rand Nam Phi giảm mạnh 30% giá trị trong năm ngoái không chỉ vì đợt bán tháo diễn ra ở các thị trường mới nổi mà còn vì bất ổn chính trị. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ khi thay thế Bộ trưởng Tài chính Pravin Gordhan bằng một chính trị gia ít được biết đến, sau đó lại quay về với ông Gordhan khi tìm cách ngừng đà rớt giá đồng rand.
Là một nước sản xuất bạch kim, vàng và than, Nam Phi nhạy cảm với các thay đổi trong chu kỳ hàng hóa. Nước này có khả năng bị hạ thêm xếp hạng tín nhiệm. Dù vậy, giới đầu tư cũng đang cho thấy vài tín hiệu tích cực ở quốc gia châu Phi khi mua vào 1,86 tỉ USD giá trị trái phiếu trong năm 2016, đợt khởi động năm tốt nhất kể từ năm 2010.
Nigeria
Nền kinh tế lớn nhất châu Phi đang khổ sở vì giá dầu. Dầu thô chiếm 70% nguồn thu chính phủ và chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nigeria. Nigeria có rất ít khả năng điều chỉnh ngân sách và đối với một thị trường mới nổi, điều này sẽ giảm tốc tăng trưởng.
Quốc gia Tây Phi được cho là sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm nay, mức thấp nhất trong 15 năm qua. Ngoài ra, Nigeria còn đối mặt với thâm hụt 11 tỉ USD trong ngân sách năm 2016. Các cuộc thảo luận về khoản vay hoặc tín dụng đi cùng với những cải cách chính sách giữa Nigeria và Ngân hàng Thế giới (WB) đang được tiến hành.
Dự trữ của Nigeria đã giảm xuống và đất nước đang thực hiện kiểm soát vốn, khiến việc tiếp cận với USD rất khó khăn. Với một nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu, việc khó tiếp cận với USD khiến các doanh nghiệp chật vật.
Nigeria cũng đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu. Dù là nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi nhưng nước này không có đủ năng lượng đã được tinh chỉnh, xử lý và USD khan hiếm càng làm cho tình hình khó khăn hơn, vì các nhà nhập khẩu khó lòng nhập được khí đốt. Cuộc chiến chống nhóm khủng bố Boko Haram liên quan đến Al-Qaeda cũng gây sức ép lên sức khỏe tài chính Nigeria.
Angola
Từng là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Phi nhưng giờ đây, Angola phải cầu viện sự giúp đỡ từ IMF. Sau khi tham gia thị trường quốc tế hồi năm 2015, Angola không thể đáp ứng các nghĩa vụ về ngân sách, nợ và phải yêu cầu sự trợ giúp từ IMF. Đây là nước sản xuất dầu lớn thứ hai châu Phi và dầu thô chiếm 95% nguồn thu chính phủ.
Angola từng dùng dầu thô làm tài sản thế chấp cho các khoản vay mượn từ Trung Quốc và đây là yếu tố gây thêm sức ép với tình hình tài chính đất nước. IMF dự báo Angola tăng trưởng 3,5% trong năm nay, giảm xuống từ mức 6,8% vào năm 2013.
Kenya
Kinh tế Kenya vững chãi và đa dạng hơn, song nước này gặp phải vấn đề lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Quốc gia Đông Phi có 43 ngân hàng song hầu hết trong số chúng bị phóng đại lợi nhuận và đang oằn mình dưới sức nặng của các khoản nợ xấu và mức giảm lớn trong lượng tiền gửi. Một chục nhà băng cuối cùng có thể nằm dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương trong bối cảnh Kenya đang cố gắng làm sạch khu vực tài chính.
Yếu tố trên gây sức ép cho triển vọng tăng trưởng của Kenya. IMF vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng nước này từ 6,8% xuống còn 6% trong năm 2016.
Mừng lo cho hạt gạo Việt Nam xuất khẩu
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì tháng 3 xuất khẩu (XK) gạo đạt khối lượng khoảng 629.000 tấn, với giá trị đạt 274 triệu USD. Như vậy, XK 3 tháng đầu năm đối với mặt hàng này ước đạt gần 1,6 triệu tấn với giá trị 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Nhận định của các chuyên gia nông nghiệp thì dự báo XK gạo năm 2016 có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng gần 7% so với năm 2015. XK gạo có nhiều khởi sắc từ đầu năm đến nay với hàng loạt hợp đồng được ký kết. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, XK gạo những tháng đầu năm tăng mạnh là do thị trường Philippines, Indonesia tăng cường nhập khẩu gạo vì những nước đang phải chịu hạn hán nặng cần phải dự trữ. XK khởi sắc, lượng gạo tồn trong doanh nghiệp gần như không còn.
Nhìn bức tranh toàn cảnh quý I/2016 XK gạo của Việt Nam tăng nhưng chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, sau 2 tuần giá gạo XK của Việt Nam có xu hướng giảm trong khi giá lúa vẫn ở mức cao. Đến tuần thứ 2 của tháng 4, giá gạo XK duy trì ở mức 370USD/tấn, giảm 10USD/tấn so với tuần trước và giảm 5USD/tấn so với tháng 3/2016.
Trong bối cảnh đó, các nước có thế mạnh cạnh tranh lại vẫn giữ được giá cao và tiếp tục ký được hợp đồng lớn cung cấp gạo như Thái Lan vừa ký được 7 hợp đồng cung cấp gạo cho các nhà cung cấp gạo ở Hồng Kông….
Như vậy, có thể nói hạt gạo Việt Nam đang đứng trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt để giữ thương hiệu và nâng cao giá trị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất gạo và diễn biến hoạt động XK gạo để có các giải pháp kịp thời, vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước và điều hành hiệu quả hoạt động XK gạo.
Một trong những thách thức, khó khăn với nông nghiệp Việt Nam trong đó có sản xuất lúa, gạo, đó là tình trạng xâm nhập mặt, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Đánh giá bước đầu đến nay sản lượng lúa bị giảm 700.000 tấn (tương đương với 350.000 tấn gạo). Vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cân đối lượng gạo cho XK năm 2016 do ảnh hưởng của El Nino mà chưa có giải pháp khắc phục ngay.
Với người nông dân hai sương một nắng thì thấy giá bán cao rất mừng, doanh nghiệp ký được hợp đồng với khách hàng mới với khối lượng và giá trị cao không khỏi phấn khởi, nhưng bài toán về cung-cầu, giá cả và giá trị sản phẩm đặc biệt là lúa gạo Việt Nam - một trong những sản phẩm thế mạnh cần lắm chiến lược, hoạch định chính sách hợp lý của ngành nông nghiệp.
(
Tinkinhte
tổng hợp)