Đà Nẵng vào "tầm ngắm" của các doanh nghiệp logistics Hồng Kông
Ông Takehiko Nakao tái đắc cử chức Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á
Khởi công dự án mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải, vốn đầu tư 200 tỷ đồng
Quỹ Mekong Capital đầu tư khoảng 15 triệu USD vào ABA
Tin kinh tế đọc nhanh 17-04-2016
- Cập nhật : 17/04/2016
Quý I: Giao dịch mua bán, sáp nhập BĐS tăng
Theo Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Vietnam (JLL), hoạt động M&A tiếp tục duy trì xu hướng từ năm 2015 với số lượng thương vụ giao dịch tăng lên trong ba tháng đầu năm và có nhiều thương vụ đã giao dịch thành công trong thời gian này.
Thị trường bất động sản đã chứng kiến một sự khởi đầu mạnh mẽ với những kết quả khá lạc quan trong hầu hết các phân khúc trong quý đầu năm, đặc biệt là số lượng nhà ở bán được tại các thành phố lớn và thành phố du lịch của Việt Nam.
Không nằm ngoài dự báo cúa JLL, hoạt động M&A tiếp tục duy trì xu hướng từ năm 2015 với số lượng thương vụ giao dịch tăng lên trong ba tháng đầu năm và có nhiều thương vụ đã giao dịch thành công trong thời gian này.
Danh sách một số thương vụ M&A trong quý I/2016:
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore”.
Giao dịch nổi trội trong quý I/2016 là thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư dự án Empire City tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, trong đó Keppel đã nhận chuyển nhượng 40% tương đương với 93,9 triệu USD.
Trong quý đầu tiên của năm 2016, JLL chứng kiến nhiều giao dịch tài sản đầu tư (các bất động sản chủ chốt đang hoạt động) như thương vụ A&B Tower (TPHCM), Khu resort The Nam Hai (Quảng Nam), TNT Tower (Hà Nội), và khu resort Six Sense Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu).
Thương vụ A&B Tower thu hút được nhiều sự quan tâm của thị trường vì đây là tòa nhà văn phòng có chất lượng tốt, và lượng giao dịch các bất động sản trong vị trí quận 1 thì khá hiếm.
Bên cạnh đó trong quý cũng có rất nhiều giao dịch liên quan đến các dự án đang phát triển giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
JLL kỳ vọng hoạt động M&A sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian còn lại của năm 2016 với lượng giao dịch nhiều hơn nữa nhờ vào những yếu tố tích cực gần đây như thị trường bất động sản cải thiện, những đổi mới tích cực liên quan đến hoạt động đầu tư và tình hình sự phát triển đang trên đà giảm tại một số nước trong khu vực.
Coalimex đưa 11 triệu cổ phiếu lên niêm yết tại HNX
CTCP Xuất nhập khẩu than - Vinacomin (Coalimex) vừa chính thức đưa 11 triệu cổ phiếu CLM lên niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) với giá tham chiếu 16.000 đồng/cổ phiếu.
Coalimex là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) với tỷ lệ sở hữu 55,4% vốn điều lệ. Coalimex hoạt động chính trong lĩnh vực xuất khẩu than với đa dạng các chủng loại than như than cục, than cám Vàng Danh, Uông Bí, than Hòn Gai …
Ngoài ra, Coalimex còn nhập khẩu ủy thác, nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ trong ngành. Cùng với đó là tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động, thị trường bất động sản.
Trong 2 năm 2013 và 2014, doanh thu của Coalimex ổn định ở mức 1.309 tỷ - 1.325 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 27,8 tỷ đồng và 17,4 tỷ đồng.
Với việc Coalimex niêm yết trên HNX thì đây là cổ phiếu thứ 8 niêm yết tại HNX trong năm 2016, nâng tổng số công ty niêm yết hiện tại trên sàn Hà Nội lên 384 công ty.
Viettel nắm giữ 49% cổ phần trong một DN viễn thông của Myanmar
Theo thông báo chính thức từ chính phủ Myanmar, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã được lựa chọn để tham gia liên doanh cho giấy phép viễn thông thứ 4, và là giấy phép cuối cùng tại Myanmar, nằm trong số 2 giấy phép dành cho DN trong nước.
Hai đơn vị được chỉ định đàm phán liên doanh với Viettel, sẽ chiếm 51% cổ phần, bao gồm một công ty trung gian địa phương (SPV) là The Myanmar National Holding Public Limited và một công ty nhà nước là Star High Public Company Limited.
Việc liên doanh với các công ty địa phương đã có nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp Viettel thuận lợi thâm nhập thị trường cũng như mau chóng xây dựng một mạng viễn thông rộng khắp đáp ứng nhu cầu đúng của người dân Myanmar.
Theo công bố của chính phủ Myanmar trong thư chào thầu, hiện tại tỉ lệ sử dụng smartphone tại đất nước này đã đạt trên 60%. Với tốc độ phát triển kinh tế tốt, tăng trưởng GDP trên 8% hàng năm, Myanmar sẽ có tốc độ phát triển về data tương ứng, đặc biệt có tới 80% người dân lựa chọn máy điện thoại thông minh smartphone khi mua máy.
Chính phủ Myanmar quy hoạch tất cả 4 giấy phép viễn thông, trong đó 2 giấy phép dành cho công ty tư nhân nước ngoài và 2 giấy phép dành cho DN trong nước.
Nếu được cấp phép thành công, Viettel sẽ lan tỏa kinh nghiệm đầu tư viễn thông của mình trên 10 quốc gia trên thế giới tới Myanmar.
Trong lần thuyết trình trước chính phủ Myanmar vào cuối tháng 3/2016, liên doanh Viettel tại Myanmar cho biết sẽ dự kiến cùng đầu tư 1,5 tỷ đô la Mỹ để xây dựng một mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp toàn đất nước Myanmar, phủ tới gần 95% dân số trong vòng ba năm.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển nhanh về dữ liệu data và CNTT tại Myanmar, Viettel sẽ xây dựng mạng lưới dựa trên công nghệ 3G tần số 900Mhz và 2100 Mhz. Viettel cũng sẽ nhanh chóng cung cấp dịch vụ 4G trên dải tần 1800Mhz nếu được chính phủ Myanmar cấp phép bổ sung vào cuối năm nay.
Với quan điểm đầu tư bền vững và hiệu quả đã được duy trì xuyên suốt từ trước tới nay, Viettel sẽ nhanh chóng thực hiện các thủ tục đàm phán liên doanh cũng như chuẩn bị các phương án tài chính kĩ thuật và kinh doanh cần thiết cho dự án.
Kinh nghiệm thúc đẩy viễn thông phát triển vượt bậc của Viettel với chiến lược phổ cập viễn thông cho mọi người đã được kiểm chứng qua vị trí nhà mạng dẫn đầu tại các thị trường mới nổi như Campuchia (Metfone), Lào (Unitel), Đông Timor (Telemor), Mozambique (Movitel), và Burundi (Lumitel).
Chính vì vậy, Viettel đã sở hữu gần 15 giải thưởng quốc tế uy tín về kinh doanh và viễn thông, từ các tổ chức quốc tế với các danh hiệu như: DN tăng trưởng nhanh nhất, Nhà mạng có giải pháp tốt nhất, Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất tại các nước đang phát triển, DN dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực di động…
Bảo hiểm “ghi điểm” cho môi trường đầu tư
“Nhớ lại năm 2014 khi có sự cố ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai, cùng với các cơ quan của Chính phủ, các DN bảo hiểm là đơn vị đầu tiên cùng Bộ trưởng Tài chính đã đến tận hiện trường gặp NĐT. Ngay lúc đó sự xuất hiện của DN bảo hiểm đã làm an lòng NĐT”, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính nhớ lại.
Vào thời điểm đó, số tiền bảo hiểm dự tính chi trả là 144 tỷ đồng, nhưng đến nay các DN thiệt hại đã được bồi thường hơn 900 tỷ đồng. Sự vào cuộc kịp thời của DN bảo hiểm khi đó đã chứng minh sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam không chỉ là động viên, thăm hỏi, mà còn bằng biện pháp thiết thực, kịp thời.
Với khoản tiền chi trả này, hoạt động sản xuất của DN đã sớm được khôi phục, làm an lòng NĐT và còn tăng thêm niềm tin cho NĐT về sự cầu thị khắc phục hậu quả của Chính phủ. Nhờ đó, môi trường đầu tư Việt Nam đã được ghi điểm kịp thời trước nguy cơ tụt hạng trầm trọng.
Hiện nay, tổng số tiền bảo hiểm chi trả bồi thường trung bình hàng năm là hơn 20.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm tính đến hết năm 2015 ước đạt 157.266 tỷ đồng, tăng 1,99 lần so với năm 2010, hoàn thành vượt chỉ tiêu nêu tại Quyết định 193/QĐ-TTg vào cuối năm 2015. DN bảo hiểm thông qua huy động vốn đã đầu tư lại nền kinh tế và phần lớn là các khoản đầu tư dài hạn. 50% trái phiếu Chính phủ được mua lại bởi các DN bảo hiểm.
Với những hoạt động rót vốn lâu dài và bền vững này, hệ thống DN bảo hiểm đã làm tốt nhiệm vụ và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Không chỉ là bảo đảm quyền lợi cho các cá nhân tham gia bảo hiểm, DN bảo hiểm còn có đóng góp quan trọng khi đầu tư lại nền kinh tế, sớm khắc phục sản xuất khi có sự cố xảy ra, tham gia các chương trình bảo hiểm lớn, như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản… Đây là những hoạt động đầu tư có ý nghĩa để hoá giải các rủi ro trong môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm cho biết, giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng, trong đó tổng giá trị tài sản được bảo hiểm của khu vực DN thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng; tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 1 triệu tỷ đồng; trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, sức khỏe là 700 triệu tỷ đồng...
DN bảo hiểm cũng là những đơn vị đóng góp ngân sách quan trọng. Trong giai đoạn 2011-2015, khối này đóng góp gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế thu nhập DN cho ngân sách nhà nước. Nhờ đó, đã góp phần ổn định kế hoạch huy động nguồn thu, hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước. Hiện nay, 80% công trình xây dựng trên cả nước đã tham gia bảo hiểm, cho thấy DN đã đánh giá vai trò của bảo hiểm ngày càng cao trong việc bảo toàn giá trị các khoản đầu tư.
“Có thể nói, các chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đạt được”, ông Phùng Ngọc Khánh khẳng định. Tính đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 DN kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, có 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 17 DN bảo hiểm nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 12 DN môi giới bảo hiểm.
Không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng cho môi trường đầu tư, DN bảo hiểm cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ an sinh xã hội. Phân khúc thị trường có thu nhập thấp đều được bảo hiểm thông qua sản phẩm bảo hiểm vi mô, 280.000 hộ nghèo được cung cấp bảo hiểm.
Hiện nay gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%).
Mất mát vì biến động
Sự biến động mạnh của các thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2015 tiếp tục kéo dài sang quý I/2016. Các chỉ số giảm khá sâu trong nửa đầu quý I/2016, và phục hồi trở lại trong nửa sau của quý đầu năm.
Ngược lại với “hiệu ứng tháng Một”, vốn cho thấy thị trường chứng khoán ở các quốc gia thường tăng điểm tốt thì thời gian này năm nay lại là lúc u ám của các thị trường. Sự giảm điểm này bắt nguồn từ mối lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Cụ thể chỉ trong 4 ngày đầu năm 2016, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm sốc và bị “ngắt cầu chì giao dịch”.
Bên cạnh đó, sự lo lắng về tình trạng lao dốc của giá dầu (giảm 6,8% trong tháng Một) cũng góp phần vào đà giảm của thị trường chứng khoán thế giới. Theo đó, chỉ số MSCI All country world index (MSCI ACWI) đã giảm 6,4% chỉ trong tháng Một. Các thị trường chỉ bắt đầu đà hồi phục kể từ giữa tháng 2/2016 chủ yếu nhờ đà phục hồi của giá dầu. Chỉ số MSCI ACWI đã tăng 6,4%, lấy lại toàn bộ mức giảm trước đó.
Mặc dù vậy, chỉ có các chỉ số chứng khoán của Mỹ (chỉ số Dow Jones tăng 1,5% và chỉ số S&P500 tăng 0,8% còn chỉ số Nasdaq giảm 2,4%) và một vài chỉ số chứng khoán ở châu Á như TSEC của Đài Loan, JKSE của Indonesia, Kospi của Hàn Quốc… tăng điểm trong quý I/2016. Trong khi đó chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc và Nikkie 225 của Nhật giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt 11% và 12%.
Thị trường chứng khoán ở các nước châu Âu tăng khá tốt trong tháng Ba với việc ECB tiếp tục hạ lãi suất đối với các tổ chức tài chính thêm 0,1 điểm phần trăm về mức -0,4%, cùng với việc ECB sẽ đẩy mạnh việc mua trái phiếu từ mức 60 tỷ euro lên mức 80 tỷ euro hàng tháng từ tháng 4/2016.
Dẫu vậy mức tăng không đủ bù đắp giai đoạn mất điểm trước đó, nên các chỉ số tiêu biểu như FTSE 100, CAC 40 và DAX giảm lần lượt 1%, 5% và 7% kể từ đầu năm đến nay.
Trái ngược với sự suy giảm và biến động mạnh của các chỉ số chứng khoán và giá dầu, giá vàng đã tăng rất tốt trong quý I vừa qua. Theo số liệu thống kê từ Bloomberg và GoldMoney, không chỉ giá vàng niêm yết theo đồng USD tăng mạnh trong quý I/2016, mà giá vàng niêm yết theo 20 đồng tiền lưu hành phổ biến nhất cũng tăng rất mạnh, trung bình 18%.
Giá vàng đã bắt đầu tăng từ đầu năm 2014 sau khi đã tạo đáy vào năm 2013. Bên cạnh đó, theo GoldMoney thống kê, từ năm 1971 đến nay, trung bình giá vàng sẽ có khoảng 4-5 năm tăng giá khi bước vào chu kỳ tăng. Như vậy, khả năng cao là giá vàng sẽ còn tiếp tục đi lên trong 2 năm nữa. Mặc dù sự bình tĩnh đã quay trở lại với các thị trường chứng khoán từ nửa sau quý I/2016, nhưng vẫn còn khá nhiều rủi ro trước mắt.
Cụ thể, đó là khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất lần thứ 2 vào tháng Sáu sắp tới. Bên cạnh đó, viễn cảnh nước Anh rời khỏi khối EU (hay còn gọi là “Brexit”) vẫn đang hiện hữu. Việc Anh rời khỏi EU được đánh giá sẽ tác động khá lớn đến thị trường tiền tệ (đồng euro và pound mất giá), qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế của Anh, EU nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.
Cuối cùng là những rủi ro địa -chính trị vẫn còn khá lớn. Sự biến động của các thị trường có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian còn lại của năm 2016 – một năm đầy khó khăn và thử thách đối với các nhà đầu tư toàn cầu.(TBNH)