Thị phần năng lượng tái tạo thế giới tăng 50% vào năm 2050; Nguy cơ phế liệu ồ ạt tràn vào Việt Nam; Tổng Thư ký LHQ lên tiếng về tranh chấp thương mại Mỹ-Trung; Lazada Việt Nam có Tổng giám đốc mới người Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-07-2018
- Cập nhật : 12/07/2018
Doanh nghiệp tư nhân còn bị chèn lấn
“Khát” vốn, khó tiếp cận đất đai, vướng rào cản thủ tục... là một loạt nguyên nhân khiến khu vực kinh tế tư nhân vẫn bị chèn lấn, còi cọc, chưa thể lớn nổi.
Nhận định trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại diễn đàn Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân, do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức ngày 10.7.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cho biết xét về số lượng, các DN tư nhân chiếm ưu thế song hiệu quả hoạt động chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% doanh nghiệp (DN) kinh doanh không có lãi, riêng khu vực hộ cá thể đóng góp 33% trên tổng số 40% GDP của khu vực tư nhân. Nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân còn manh mún, có tới 96% DN nhỏ và siêu nhỏ. “Nền kinh tế VN đang thiếu trầm trọng DN cỡ vừa, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận vốn và thị trường, sức cạnh tranh không cao. Đối mặt với nhiều rào cản, rào cản về môi trường kinh doanh, bất bình đẳng với các khu vực kinh tế khác”, ông Phòng nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn, hiện nay trong số 1.000 DN lớn chiếm tới 56% số thu của cả quốc gia. Trong số đó chỉ thấy Viettel, Vietcombank, Honda, PVN... còn lại vắng bóng các DN tư nhân. Điều đó cho thấy thực trạng các DN tư nhân lớn hiện nay không đóng góp được nhiều cho ngân sách, số đông còn lại hoạt động chưa hiệu quả.
Chia sẻ quan điểm này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, phân tích điểm nghẽn của các DN tư nhân hiện nay là những khó khăn trong khâu tiếp cận vốn. Đối với nguồn vốn nhà nước, có 2 quỹ gồm Quỹ phát triển DN vừa và nhỏ thành lập năm 2014 vốn 2.000 tỉ đồng nhưng chưa khai thác được bao nhiêu. Quỹ bảo lãnh vay vốn của DN nhỏ và vừa thành lập từ 2003 nhưng 15 năm không làm được gì nhiều. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng không vay được nhiều. “DN tư nhân vẫn đang bị chèn lấn vốn, có sự phân biệt đối xử. Vốn dành cho DN nhà nước gần 30% nhưng đầu tư chưa hiệu quả. Lẽ ra dòng vốn đó phải được phân bổ cho tư nhân sẽ hiệu quả hơn”, ông Lực chia sẻ.
Nửa năm mới lấy được giấy phép xây dựng
Ông Đỗ Đình Hiệu, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, cho biết các DN gặp nhiều khó khăn trong thủ tục. “Để ra được giấy phép xây dựng mất nửa năm thì cơ hội của DN cũng bay mất rồi”, ông Hiệu nói.
Theo thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới - Viện Kinh tế và chính trị thế giới, các DN tư nhân trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc luôn được hỗ trợ rất mạnh, có nhà nước đứng đằng sau để tạo ra nhiều sản phẩm lớn. “Trong khi các DN tư nhân lớn của VN phần lớn là các DN bất động sản. Hơn 30 năm chưa có một DN tư nhân nào xứng tầm và có sản phẩm đứng được trên thế giới”, ông Sơn ái ngại.
Điều quan trọng nhất của VN, theo ông Sơn, cần phải đặt ra chiến lược xây dựng các công ty tư nhân của VN có tầm và sản phẩm quốc tế chứ không phải tăng về số lượng 1 hay 2 triệu DN. Nên giảm thiểu và loại bỏ DN nhà nước kém hiệu quả, cái gì không làm được để cho tư nhân làm. “Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là chính sách. Lâu nay, chính sách của chúng ta chưa rõ ràng, lại hay thay đổi thì không có DN nào làm được”, ông Sơn khẳng định.(Thanhnien)
--------------------
Đơn hàng dệt may, da giày sẽ tăng đột biến?
Đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh cuộc chiến thương mại có thể giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may, da giày tăng vọt
Thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 47% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam và tỉ lệ này với mặt hàng da giày là 37%. Do đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và mở rộng thêm nhiều lĩnh vực sẽ tác động đáng kể lên hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cơ hội nhiều, rủi ro cũng không ít
Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam, trong đó đáng lưu ý là nguy cơ các sản phẩm dệt may, da giày của Trung Quốc tràn vào nước ta. Ở góc độ khác, trong cuộc chiến thương mại này, Mỹ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ. Với ngành da giày, cơ hội sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc sang...
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết trước mắt trong 1-2 tháng tới, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại chưa lan tới ngành da giày xuất khẩu, bởi các mặt hàng Mỹ đánh thuế đợt đầu lên hàng hóa Trung Quốc chủ yếu là nhóm công nghệ, kỹ thuật cao như hàng điện tử. Tuy nhiên, nếu giai đoạn kế tiếp, Mỹ tiếp tục áp thuế vào hàng Trung Quốc thì tác động sẽ lan sang các nhóm ngành hàng khác, trong đó tập trung vào hàng tiêu dùng như giày dép, quần áo... Khi đó, ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp với cả cơ hội và nguy cơ.
Đơn hàng xuất khẩu da giày, dệt may có thể tăng đột biến trong thời gian tới, vượt khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước Ảnh: Vĩnh Tùng
Nếu thuận lợi, đơn hàng có thể tăng đột biến từ Trung Quốc chuyển sang khi các nhà nhập khẩu muốn tránh bị áp thuế cao ở thị trường này và Việt Nam là sự lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, không chỉ ngành da giày mà các ngành xuất khẩu khác như dệt may, đồ gỗ... cũng sẽ có sự dịch chuyển đơn hàng và cần nhân công. Khi đó, áp lực cạnh tranh về nguồn nhân lực sẽ rất lớn giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Siết chặt việc "mượn" xuất xứ
"Điều lo lắng hơn cả là trong bối cảnh dịch chuyển đơn hàng này, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đổ sang Việt Nam. Bên cạnh những nhà đầu tư thật, sẽ có những DN chỉ "mượn" Việt Nam làm nơi chuyển tải sản phẩm bán thành phẩm, nghĩa là chỉ đặt nhà máy ở nước ta, nhập hàng bán thành phẩm để làm công đoạn cuối rồi gắn xuất xứ và xuất khẩu qua Mỹ" - ông Diệp Thành Kiệt nói.
Lãnh đạo Lefaso nhìn nhận việc này từng xảy ra khoảng 10 năm trước, khi DN Trung Quốc tận dụng hạn ngạch xuất khẩu của Việt Nam đem sản phẩm da giày thành phẩm qua, chỉ gắn thêm nhãn "made in Vietnam" rồi đóng gói, xuất khẩu.
"Điều này cực kỳ nguy hiểm, bởi khi đó toàn bộ ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị vạ lây. Chỉ cần vài DN da giày, dệt may làm ăn không đàng hoàng, mượn xuất xứ thì cả ngành xuất khẩu sẽ bị đình đốn. Đây là điều mà hiệp hội và cơ quan quản lý lo ngại. Dù vậy, nhà nước đã có kinh nghiệm kiểm soát vấn đề này những năm trước" - ông Kiệt nhận định.
Với ngành dệt may, thời gian qua đã có sự dịch chuyển về số lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo báo cáo về ngành dệt may của Công ty Chứng khoán SSI, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc giảm gần bằng mức tăng xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái (khoảng 3 tỉ USD). Chi phí nhân công cạnh tranh, mạng lưới các hiệp định thương mại là lợi thế giúp Việt Nam trở thành điểm đến Trung Quốc +1. Chính phủ nước này cũng đang từng bước chuyển trọng tâm kinh tế vĩ mô từ hàng dệt may sang các ngành công nghiệp khác như công nghệ...
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho rằng sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục diễn ra. Cơ quan quản lý của Việt Nam cần cảnh giác với chiêu núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ né xuất xứ rồi xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ.
Nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng những bất ổn liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến xuất khẩu dệt may Việt Nam. Cụ thể, nếu tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc tăng đột biến khoảng 20%-30% trong các quý tới, Việt Nam có thể bị vào diện theo dõi đặc biệt từ Mỹ và áp dụng mức thuế cao hơn. (NLĐ)
---------------------
Đề nghị Trung Quốc phối hợp siết chất lượng cá tra
Lo ngại về chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi một số công văn báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương về việc đề nghị siết chặt hơn nữa hoạt động kiểm soát chất lượng hàng cá tra.
Theo VASEP, yêu cầu các DN hội viên chủ động tuân thủ chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng Chứng thư Thủy sản xuất khẩu theo quy định. Đồng thời, DN cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản xuất khẩu nói chung cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu.
Trong thời gian tới, VASEP cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để phát hiện, xử lý những trường hợp gian lận thương mại, góp phần giữ vững uy tín hình ảnh cá tra, basa Việt Nam, phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường lớn Trung Quốc và các thị trường khác.
Việt Nam kiểm soát chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo thông tin của Bộ Công Thương, hiện nay, theo đề nghị của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo đó cung cấp thông tin chi tiết về: Hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu nói chung và cá tra nói riêng sang thị trường Trung Quốc từ khâu nuôi trồng, kiểm soát chất lượng nước nuôi, giám sát dư lượng hóa chất kháng sinh trong sản phẩm nuôi, quản lý hoạt động thu gom, sơ chế, chế biến, xuất khẩu.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường phối hợp, kiểm tra các lô hàng thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc và chỉ cho phép nhập khẩu các lô hàng thủy sản được sản xuất bởi các cơ sở Việt Nam có tên trong danh sách được phép xuất khẩu sang thị trường này kèm theo chứng thư do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp.
Hiện nay, số lượng DN Việt Nam trong danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc là 669 DN. Số lượng các DN Trung Quốc nằm danh sách được phép xuất khẩu vào Việt Nam là 699 DN.
Tính đến hết tháng 5-2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 203 triệu USD, chiếm 26% tổng xuất khẩu cá tra và tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam.(PLO)