Nga giúp Trung Quốc làm nhà máy điện hạt nhân; Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu; Hà Nội: Thị trường nhà ở gắn liền với đất xu hướng giảm
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 13-11-2017
- Cập nhật : 13/11/2017
Thương mại điện tử trong APEC dự báo tăng gấp đôi lên 467 tỷ USD
Tính riêng về thương mại điện tử bán lẻ B2C, doanh thu xuyên biên giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020.
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC 2017 ngày 8/11 đã thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017. Một trong số đó là Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC.
Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC tập trung vào 5 trụ cột làm việc bao gồm hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý thương mại điện tử của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới trong khu vực, thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực, giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng thời, tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới, thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC.
APEC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nhận thấy vai trò ngày càng tăng của thương mại điện tử trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, APEC đã đặt thương mại điện tử thành một trong những trọng tâm lớn của Chương trình nghị sự năm nay.
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, thương mại điện tử xuyên biên giới (bao gồm giao dịch doanh nghiệp – doanh nghiệp B2B và bán lẻ B2C) ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ.
Tính riêng về thương mại điện tử B2C, doanh thu xuyên biên giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020.
Thương mại điện tử xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.
Theo Bộ Công Thương, riêng tại Việt Nam, con số thống kê những năm qua cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao (25-35%/năm), mức độ phổ cập trong cộng đồng và doanh nghiệp đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực.
Theo kết quả khảo sát về tình hình phát triển thương mại điện tử do Bộ Công Thương thực hiện, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 5 tỷ USD và dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.(Bizlive)
-----------------------
Piaggio triệu hồi hơn 3.000 chiếc Medley tại Việt Nam
Piaggio Việt Nam thực hiện chương trình triệu hồi với 3.335 xe Medley 125/150 ABS sản xuất từ tháng 2-8/2016 để nâng cấp khung chính.
Sau khi được phê duyệt từ Cục đăng kiểm Việt Nam, hãng xe Piaggio chính thức phát đi thông báo triệu hồi đối với 3.335 chiếc Medley 125/150 ABS, sản xuất từ tháng 2-8/2016 đã bán ra thị trường.
Liên doanh xe máy này cũng cho biết thêm đây là chương trình triệu hồi nằm trong chính sách chung của tập đoàn Piaggio.
Nguyên nhân của đợt triệu hồi này được xác định do hãng phát hiện có trường hợp ống khung chính của một số lô xe Piaggio Medley ABS 125/150 nói trên, trong điều kiện xe tải quá nặng hay cách thức sử dụng không theo tiêu chuẩn sử dụng thông thường, có thể bị hư hỏng.
Tập đoàn Piaggio quyết định triệu hồi các xe Medley nói trên để kiểm tra tổng quát miễn phí và nâng cấp khung xe bằng cách tăng cường độ cứng vững thân ống chính. Đồng thời, những xe trong diện triệu hồi sẽ được gia hạn bảo hành thêm 1 năm hoặc 10.000 km.
Chiến dịch triệu hồi này bắt đầu từ 10/11/2017 đến 31/10/2018. Thời gian kiểm tra và nâng cấp dự kiến mất khoảng 2 phút. Người dùng có thể mang xe đến các đại lý của Piaggio trên toàn quốc để kiểm tra, nâng cấp.
Ra mắt thị trường Việt Nam hồi tháng 3/2016, Piaggio Medley là dòng xe tay ga cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với Honda SH. Xe tay ga của Piaggio cũng có tùy chọn phiên bản động cơ 125 cc và 150 cc như đối thủ. Lúc ra mắt, dòng xe tay ga cao cấp này còn nổi trội hơn khi trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS, tích hợp cổng sạc USB cho các thiết bị cầm tay.
Piaggio Medley hiện có giá 71,5-86 triệu đồng tùy phiên bản. (Zing News)
-------------------------
Hơn nửa người Việt vay ngân hàng để mua điện thoại đắt tiền
Trên 50% giao dịch mua điện thoại đắt tiền ở các siêu thị điện thoại lớn tại Việt Nam đều là trả góp.
Số liệu thống kê tại Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS cho thấy hơn nửa giao dịch mua điện thoại trên 10 triệu đồng đều thực hiện bằng phương thức trả góp.
Tại Thế Giới Di Động, chuỗi đang chiếm khoảng 40% thị phần di động tại Việt Nam, lượng người mua trả góp chiếm 48% đối với các máy trên 10 triệu đồng.
Trong khi đó, FPT Shop - chuỗi bán lẻ thị phần đứng ngay sau Thế Giới Di Động - ghi nhận đến 60% người mua máy trên 10 triệu đồng thanh toán bằng hình thức trả góp. Chuỗi bán lẻ CellphoneS cho biết phân khúc này cũng có 56% các thanh toán sử dụng tiền vay từ các tổ chức tài chính.
Người mua hàng trả góp có thể trả trước một khoản tiền, sau đó chọn hình thức trả góp phổ biến trong vòng 6-12 tháng.
Đại diện Thế Giới Di Động cho biết trả góp hiện nay đang là xu hướng, “bây giờ đi đâu cũng thấy khuyến mại trả góp lãi suất 0%, trả góp trả trước 0 đồng” - vị này nói.
“FPT Shop kết hợp cùng với hãng và các đối tác để đem đến cho khách hàng các chương trình trả góp ưu đãi 0% hoặc 0 đồng giúp kích cầu tiêu dùng”, FPT Shop cho biết.
Tổng lượng máy bán trả góp tại Thế Giới Di Động hiện nay là 26% trên toàn bộ máy bán ra. Trong khi đó, tại FPT Shop con số này vào khoảng 30%. Dù chỉ chiếm 26% số lượng máy nhưng doanh thu mang lại từ trả góp tại Thế Giới Di Động lại lên đến 47%, tức chiếm gần nửa lượng tiền thu về.
Xu hướng trả góp không chỉ cao ở nhóm điện thoại đắt tiền. Tại Thế Giới Di Động, có đến 61% người mua máy ở phân khúc giá 4,5 triệu - 10 triệu sử dụng hình thức trả góp. Con số này tại CellphoneS là 38%. Tại FPT Shop, một nửa người mua máy ở phân khúc 5-10 triệu đồng chọn vay ngân hàng để thanh toán.
Với nhóm máy ở phân khúc dưới 5 triệu đồng, người mua chọn hình thức trả góp cũng khá lớn. Tại Thế Giới Di Động, 11% người mua máy dưới 4,5 triệu chọn hình thức trả góp; con số này tại CellphoneS là 6%.
“Thay vì phải trả trước một khoản tiền lớn, em chọn chia nhỏ số tiền ra thành 12 tháng cho đỡ “ngán”, mà không phải chịu lãi suất nên em mới mua trả góp”, một bạn trẻ làm việc tại một công ty đa quốc gia nói với ICTnews khi quyết định mua trả góp chiếc smartphone gần 20 triệu đồng.
Trước đây khi nói về xu hướng giá trung bình của điện thoại tăng lên, tức người Việt chi nhiều tiền hơn cho smartphone, ông Võ Lê Tâm Thanh - chuyên viên nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam - cho biết nguyên nhân chính là do các chương trình trả góp được phổ biến vào các siêu thị di động.
Tuy nhiên xu hướng trả góp không diễn ra ở tất cả các hệ thống bán lẻ. Ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống cửa hàng lâu đời Mai Nguyên Luxury, cho biết khách mua hàng tại các cửa hàng của ông chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt.(ICT News)
-----------------------------
Máy bay “made in China” sẵn sàng thách thức Airbus, Boeing
Máy bay do Trung Quốc sản xuất vừa hoàn tất chặng bay thử đường dài đầu tiên.
Theo CNBC, chiếc C919 cất cánh từ Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải hôm 10/11, bay gần 2 giờ 30 phút trước khi hạ cánh tại Xi'an Yanliang ở tỉnh Thiểm Tây. Máy bay có sức chứa từ 158 đến 168 chỗ ngồi, tầm bay tối đa khoảng hơn 5.470 km. C919 được xem là đối thủ của Boeing 737 và Airbus A320.
Báo chí Trung Quốc đưa tin hãng Commercial Aircraft Corp of China (COMAC) cho biết chuyến bay “đánh dấu bước đi vào hoạt động nghiên cứu và phát triển thử nghiệm bay”. Mặc dù được dán mác "made in China", động cơ C919 là hàng Pháp - Mỹ, còn hệ thống định vị và liên lạc thì do công ty Rockwell Collins cũng của Mỹ cung cấp.
COMAC cho biết hồi tháng 9 rằng họ nhận nhiều đơn đặt hàng, tổng cộng 730 chiếc C919 từ 27 khách hàng. Tất cả khách hàng là hãng hàng không Trung Quốc, trừ GE Capital Aviation Services là công ty Ireland - Mỹ.
COMAC dự kiến sản xuất 6 chiếc máy bay thử nghiệm. Chiếc thứ hai dự kiến sẽ bay thử lần đầu vào cuối năm nay. Hiện C919 đã hoàn tất 6 chuyến bay. Từ tháng 4, cơ quan an toàn hàng không châu Âu đã đồng ý bắt đầu quá trình chứng nhận an toàn cho máy bay.(Thanhnien)