Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á gọi Bitcoin là "trò lừa đa cấp"; Bộ Công thương công bố phương án và lộ trình thoái vốn cho Sabeco; Home Credit bổ nhiệm tổng giám đốc mới; Venezuela chính thức vỡ nợ, chìm sâu vào khủng hoảng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-11-2017
- Cập nhật : 14/11/2017
Túi PE đựng sữa mẹ chịu thuế NK 15%
Túi nhựa bằng PE dùng để đóng gói và bảo quản sữa mẹ được phân loại vào nhóm 39.23 “các sản phẩm dùng trong vận chuyển hoặc đóng gói hàng hóa, bằng plastic; nút, nắp, mũ van và các loại nút đậy khác, bằng plastic”, mã số 3923.29.90, thuế suất thuế NK 15%.
Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan với vướng mắc của Cục Hải quan Hải Phòng liên quan tới mặt hàng túi PE đựng sữa mẹ của Công ty TNHH hàng tiêu dùng Việt Châu.
Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK, đồng thời căn cứ Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Và tham khảo Chú giải chi tiết HS 2012 của Tổ chức Hải quan thế giới.
Theo đó, mặt hàng túi nhựa bằng PE dùng để đóng gói và bảo quản sữa mẹ được dùng phổ biến cho các bà mẹ trong thời kỳ đầu mới sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ; sữa mẹ được vắt, đóng gói vào túi có thể vận chuyển từ nơi này sang nơi khác (ví dụ: tại các văn phòng, nhà máy thì nhân viên văn phòng, công nhân vắt sữa, đóng gói vào túi và vận chuyển về nhà để sử dụng), phân loại vào nhóm 39.23 “các sản phẩm dùng trong vận chuyển hoặc đóng gói hàng hóa, bằng plastic; nút, nắp, mũ van và các loại nút đậy khác, bằng plastic”, mã số 3923.29.90. “Loại khác”, thuế suất thuế NK 15%.(Baohaiquan)
---------------------------
Đến 31/10, bội chi NSNN khoảng 40,6 nghìn tỷ đồng, mới bằng 22,77% dự toán
Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 31/10/2017 ước tính đạt 972,6 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán năm.
Trong đó thu nội địa đạt 776,8 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4%; thu từ dầu thô 37,86 nghìn tỷ đồng, bằng 98,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 237 nghìn tỷ đồng, bằng 83,2%.
Trong thu nội địa, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ước đạt 605,7 nghìn tỷ đồng, bằng 77,4% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2016.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 31/10/2017 ước tính đạt 1.013,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm.
Trong đó chi thường xuyên đạt 735,9 nghìn tỷ đồng, bằng 82,1%; chi trả nợ lãi 80,9 nghìn tỷ đồng, bằng 81,8%; riêng chi đầu tư phát triển đạt 191,9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 53,7% dự toán năm (trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 53,3%); vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch giải ngân chỉ đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% dự toán năm. Ngoài ra, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch 2016 được chuyển sang năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội giải ngân đến nay đạt xấp xỉ 3 nghìn tỷ đồng, bằng 17,2% số chuyển nguồn.
Như vậy tính đến hết 31/10/2017, bội chi ngân sách Nhà nước ước khoảng 40,6 nghìn tỷ đồng, mới bằng 22,77% mức bội chi cả năm mà Quốc hội phê duyệt là 178,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,5% GDP).
Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2016, ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch 2018 gửi đại biểu Quốc hội, tính đến cuối năm 2016, nợ công là 2.863.868,9 tỷ đồng (bằng 63,6% GDP), nợ Chính phủ là 2.368.209 tỷ đồng (bằng 52,6% GDP), nợ được Chính phủ bảo lãnh là 461.616 tỷ đồng (bằng 10,25% GDP), nợ chính quyền địa phương là 34.043 tỷ đồng (bằng 0,76% GDP).
Chính phủ cũng dự kiến cuối năm 2017 nợ vẫn trong giới hạn, trong đó dư nợ công khoảng 62,6% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP. Đến cuối năm 2018, dư nợ công ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ Chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép.(TBNH)
--------------------------------
Tín dụng 10 tháng ước tăng 13,5%; lãi suất cho vay giảm nhẹ
Tín dụng 10 tháng đầu năm ước tăng 13,5%; cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế có chuyển biến tích cực. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định; lãi suất cho vay giảm nhẹ so với đầu năm.
“Tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực”, Ủy ban Giám sát mở đầu phần đánh giá về thị trường tiền tệ trong Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 10 và 10 tháng năm 2017.
Ủy ban cho biết, tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016. Đáng chú ý, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn giảm trong khi tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng. Cụ thể, tín dụng trung và dài hạn ước chiếm 53,7% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%); trong khi Tín dụng ngắn hạn ước chiếm 46,3% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%).
Điểm tích cực nữa trong bức tranh tín dụng 10 tháng qua là cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế có chuyển biến tích cực. Cụ thể, tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 9,9% (10 tháng năm 2016 là 8,3%); trong khi tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%).
Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017 phù hợp với những xu hướng gia tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.
Về huy động vốn, Ủy ban cho biết, huy động vốn 10 tháng đầu năm 2017 tuy giảm so với cùng năm trước nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%).
Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 24,4%. Huy động ngoại tệ tăng 3,7%, chiếm khoảng 10,1% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động.
Mặc dù tín dụng tăng trưởng tích cực, song thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm (bình quân giảm khoảng 0,2 điểm% so với tháng trước) và tiếp tục được duy trì ở mức thấp (lãi suất O/N ở mức 0,9%/năm, lãi suất 1 tuần là 0,9%/năm, lãi suất 1 tháng là 1,5%/năm).
“Thanh khoản hệ thống ổn định do NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, và cung ứng tiền ròng khoảng 130 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay”, Ủy ban cho biết và dẫn chứng thêm: Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống giảm nhẹ so với tháng trước, đạt khoảng 86,75% (giảm khoảng 0,21 điểm % so với tháng 9/2017).
Một điểm sáng nữa trong bức tranh tiền tệ - tín dụng những tháng đầu năm đó là lãi suất cho vay giảm nhẹ so với đầu năm. Hiện tại, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, cá biệt có NHTM ở mức 6%; với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biển ở mức 9,3-11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Trong khi đó, lãi suất huy động ổn định so với tháng trước. Tính đến tháng 10, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%, 6 tháng ở mức 5,7%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12-36 tháng ở mức 7,1%.(TBNH)
-----------------------------
Siết đầu tư mới bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng
Hoạt động này nhằm tránh tình trạng dư thừa, tồn kho trên thị trường, theo đánh giá từ Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án bất động sản lớn, sử dụng nhiều quỹ đất. Nguồn: internet
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án bất động sản lớn, sử dụng nhiều quỹ đất, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án du lịch nghỉ dưỡng, dự án bất động sản cao cấp. Hoạt động này nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, tránh tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng kiến nghị, các cấp có thẩm quyền sớm xem xét bố trí đủ kế hoạch vốn trung hạn để cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Kiểm soát chặt chẽ khi quyết định hoặc chấp thuận đầu tư các dự án căn hộ trung, cao cấp. Khuyến khích các dự án căn hộ diện tích nhỏ, giá trung bình để tránh xảy ra tình trạng lệch pha cung - cầu dễ gây bất ổn cho thị trường.
Cơ quan này nhấn mạnh việc tái cơ cấu thị trường bất động sản, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, với những loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến loại hình bất động sản này.
Bộ cũng nhìn nhận, thực trạng công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị tại một số địa phương thời gian qua có biểu hiện buông lỏng quản lý, dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra vẫn còn chậm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm trật tự kéo dài, theo cơ quan này là do lực lượng Thanh tra xây dựng tại các địa phương còn mỏng, chính quyền một số địa phương và lực lượng Thanh tra xây dựng trên địa bàn chưa làm hết trách nhiệm trong việc theo dõi, xử lý, đôn đốc việc thực hiện trật tự xây dựng.
Cũng theo Bộ Xây dựng, trên thị trường hiện đã có dấu hiệu về đầu cơ, làm sai lệch thông tin thông qua khâu phân phối. Cơ quan này đề nghị địa phương, cũng như ngành xây dựng thường xuyên nắm bắt thông tin diễn biến thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và bong bóng bất động sản.
Bộ Xây dựng cho biết, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn. Tốc độ giảm tồn kho những tháng gần đây có chậm lại do phần lớn các dự án tồn kho nằm ở xa trung tâm, hạ tầng chưa có nên rất khó bán được hàng.
Theo cơ quan quản lý, hiện cả nước còn có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ. Có 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 44.700 căn hộ đề nghị điều chỉnh thành 60.000 căn hộ.(Vnexpress)