tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-07-2018

  • Cập nhật : 12/07/2018

EIA: Sản lượng dầu của Mỹ sẽ vượt 12 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến đạt trung bình hơn 12 triệu thùng/ngày vào cuối năm tới, lần đầu tiên vượt ngưỡng này trong lịch sử.

Sản lượng dầu của Mỹ tăng bởi công nghệ khai thác dầu đá phiến cải thiện. Sản lượng tăng 5,6% trong năm ngoái và dự kiến tăng 15,4% trong năm nay. Nếu các dự báo là hiện thực, sẽ khiến Mỹ trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, vượt Nga.

Linda Capuano, nhà điều hành EIA cho biết trong một tuyên bố sau khi báo cáo này phát hành “tăng trưởng sản lượng tại Mỹ, Brazil, Canada và Nga sẽ chiếm phần lớn tổng tăng trưởng nguồn cung toàn cầu trong năm 2019”.

Cơ quan này đã nâng dự báo năm 2019 thêm 40.000 thùng/ngày lên 11,8 triệu thùng/ngày và tăng dự báo của họ đối với quý 4/2019 thêm 50.000 thùng/ngày thành 12,02 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm nay dự kiến đạt trung bình 10,79 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo trong tháng trước. EIA dự kiến sản lượng trung bình 10,91 triệu thùng/ngày trong quý 3 và 11,29 triệu thùng/ngày trong quý 4.

Tổng nhu cầu dầu của Mỹ dự kiến là 20,35 triệu thùng/ngày trong năm nay, ít hơn 60.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Đồng thời cơ quan này cũng tăng triển vọng nhu cầu năm 2019 thêm 10.000 thùng/ngày thành 20,68 triệu thùng/ngày.

Nếu dự báo của EIA là đúng, tiêu thụ xăng năm 2019 sẽ là cao nhất trong lịch sử, vượt kỷ lục trước đó thiết lập vào năm 2017.(VITIC)
-------------------------

Mỹ: Khả năng một số nước được loại khỏi danh sách bị cấm nhập khẩu dầu từ Iran

 Washington sẽ xem xét đề nghị của một số nước yều cầu được đưa khỏi danh sách các nước cấm nhập khẩu dầu từ Iran theo lệnh trừng phạt của Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11 tới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 10/7 thông báo Washington sẽ xem xét đề nghị của một số nước yều cầu được đưa khỏi danh sách các nước cấm nhập khẩu dầu từ Iran theo lệnh trừng phạt của Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11 tới. 

Tuyên bố này cho thấy quan điểm mềm mỏng hơn của Mỹ trong việc gia tăng sức mạnh của các biện pháp trừng phạt Iran. 

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại Abu Dabi, nhân chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Pompeo cho biết sẽ có một số nước đưa ra đề nghị Mỹ nới lỏng danh sách các nước bị cấm nhập khẩu của Iran. Ông khẳng định Mỹ "sẽ xem xét yêu cầu đó". 

Tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào trong danh sách bị cấm nhập khẩu dầu của Iran và mục tiêu của Washington là giảm lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này còn 0%. 

Ông Pompeo đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn của Mỹ sau khi Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước tiêu thụ giàu mỏ lớn khác bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về ủng hộ tăng sức mạnh của các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran.

Tuy nhiên, ông Pompeo một lần nữa khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực từ 4/11. 

Nhật Bản được cho là một trong số nước sẽ đưa ra yêu cầu nói trên trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại sự ổn định của thị trường "vàng đen" bị đe dọa do thiếu hụt nguồn cung dầu từ Iran. 

Sau khi kết thúc chuyến thăm UAE, ông Pompeo ngày 10/7 đã tới thủ đô Brussels của Bỉ tham gia các cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của ông Pompeo trong chuyến đi này nhằm tăng cường sức ép đối với Iran và trấn an đồng minh về các nguồn cung dầu mỏ thay thế. 

Cũng theo quan chức trên, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã hoàn tất 3 ngày thảo luận với Saudi Arabia về Iran, đồng thời bàn thảo những cách mới nhằm cắt mọi nguồn thu của chính quyền Tehran.

 Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) vốn đã được Liên hợp quốc phê chuẩn, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Iran. 

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước thành viên OPEC này dẫn lý do để "ngăn chặn các nỗ lực của Tehran phát triển vũ khí hạt nhân". 

Mỹ đã gây sức ép đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ từ Iran bằng cách yêu cầu những nước này ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Tehran từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.

 Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC sau Saudi Arabia và Iraq. Iran hiện đang tìm cách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.

Tuy nhiên, Iran sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ khi Mỹ đang tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân và thực thể ở nước này. 

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó khăn khi hợp tác và làm ăn tại Iran. (TTXVN)
----------------------------

Vàng sẽ 'lên ngôi' khi chiến tranh tiền tệ chấm dứt sự thống trị của đồng USD

Các chuyên gia cho rằng, thế giới đang đối mặt với một cuộc chiến tiền tệ và loại tài sản duy nhất có thể bảo vệ nhà đầu tư trước sự sụp đổ của đồng bạc xanh là vàng. Trong bối cảnh sức mạnh địa chính trị đang dịch chuyển từ Tây sang Đông, sự thống trị của Mỹ có thể sẽ sớm kết thúc.

Một trong những dấu hiệu của quá trình trên là sự “hồi hương” của vàng ra khỏi nước Mỹ. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Hà Lan đã bắt đầu chuyển vàng về nước. Lý do là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và các nước không còn nhìn thấy Nga như một mối đe dọa, theo ông Claudio Grass – một nhà tư vấn kim loại quý độc lập và là Đại sứ Viện Nghiên cứu Mises.

“Các ngân hàng trung ương từng di dời số vàng của họ vì cảm thấy bị Liên Xô đe dọa và nhìn thấy Mỹ như một đồng minh tự nhiên. Thực tế rằng các ngân hàng trung ương đang chuyển vàng về nước cho thấy vấn đề trên đã thay đổi. Nó cũng cho thấy họ không còn xem Nga là mối đe dọa lớn hơn Mỹ. Châu Âu đang ở tâm điểm của sự dịch chuyển quyền lực địa chính trị này và một số nước rõ ràng đang tin rằng cất giữ vàng tại nước nhà là điều khôn ngoan hơn”, ông Grass nói với hãng tin RT.

Ông cho biết thế giới bắt đầu sống trong khủng hoảng từ năm 2008, nhưng cuộc chiến tiền tệ bắt đầu còn sớm hơn. Các ngân hàng trung ương in hàng nghìn tỷ USD từ hư không, đồng thời hạ giá tiền tệ và bơm tiền vào đủ loại tài sản tài chính, bất động sản và trái phiếu.

“Tuy nhiên, rõ ràng là các vấn đề mang tính hệ thống vẫn chưa được giải quyết, mà ngược lại, các rủi ro ngày càng lớn hơn và mong manh hơn so với một thập kỷ trước. Ta đã biết hơn 65% dự trữ tiền tệ trong hệ thống ngân hàng trung ương được giữ bằng đồng tiền toàn cầu mà hiện vẫn là đồng USD. Chính vì vậy, nắm giữ vàng chắc chắn là cách phòng thủ tốt nhất chống lại sự sụp đổ của một đồng tiền, và do đó cũng chống lại sự sụp đổ của đồng USD”, ông Grass nói.

Các chuyên gia lưu ý, nợ toàn cầu đã tăng vọt lên 230 nghìn tỷ USD khi nền kinh tế thế giới sa lầy vào hệ thống “Trò chơi cờ tỷ phú” vốn dự trên đòn bẩy tài chính và nợ.

“Đợt chuyển dịch địa chính trị gần đây nhất, diễn ra vào thời Thế chiến thứ nhất và kết thúc vào Thế chiến thứ hai, đã đặt Mỹ vào vị trí thống lĩnh, vì họ sở hữu và giữ 70% dự trữ vàng của thế giới tự do. Đây cũng là lý do chính khiến đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trong 30 năm qua, chúng ta có thể chứng kiến một đợt chuyển dịch quyền lực địa chính trị từ Tây sang Đông. Như các bạn biết, mọi thứ đều vận hành theo chu kỳ của nó”, ông Grass cho biết.(KTTD)

Trở về

Bài cùng chuyên mục