tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-11-2017

  • Cập nhật : 15/11/2017

Bộ Xây dựng "điểm mặt" nhiều hạn chế của Luật Kinh doanh bất động sản

sau 3 nam di vao thuc tien cuoc song, nhieu han che ton tai luat kinh doanh bat dong san 2014 da boc lo va da duoc bo xay dung lam ro.

Sau 3 năm đi vào thực tiễn cuộc sống, nhiều hạn chế tồn tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã bộc lộ và đã được Bộ Xây dựng làm rõ.

Sau 3 năm đi vào thực tiễn cuộc sống, nhiều hạn chế tồn tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã bộc lộ và đã được Bộ Xây dựng làm rõ.

Tại Báo cáo Tổng kết việc thi hành các luật liên quan đến  xây dựng, nhà ở, quy hoạch, bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng cho biết, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã định hướng, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước từng bước quản lý hiệu quả, đưa hoạt động của thị trường BĐS đi vào nề nếp, ngày càng minh bạch, công khai.

Từ sau khi Luật Kinh doanh BĐS 2014 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành đến nay, thị trường BĐS từng bước phát triển. Giao dịch trong 3 năm qua luôn duy trì ổn định, giá BĐS khá ổn định không có hiện tượng tăng giá đột biến; tồn kho liên tục giảm.

 Hàng hóa BĐS phát triển ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất của xã hội. Thị trường BĐS phát triển đã tạo động lực thu hút các nhà đầu tư cũng như tăng khả năng cạnh tranh của các DN, tác động tích cực tới sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo nhiều công ăn việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.  

Tuy nhiên, 3 năm thực hiện Luật cho thấy Luật Kinh doanh BĐS có nhiều tồn tại, bất cập, theo đó, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn có một số điều chưa phù hợp với Luật Đầu tư và Luật DN như quy định về vốn pháp định, điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện thành lập sàn giao dịch BĐS.

Về hoạt động của thị trường, theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS phát triển thiếu ổn định, cơ cấu các loại hình nhà ở phát triển mất cân đối, không hợp lý, các tổ chức hỗ trợ thị trường BĐS, hoạt động kinh doanh BĐS chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của thị trường, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Bên cạnh đó, tài chính, tín dụng cho phát triển thị trường BĐS chưa hoàn thiện; thị trường BĐS vẫn phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng; thông tin thị trường BĐS khó tiếp cận, thiếu minh bạch.

Một số tồn tại, bất cập, hạn chế cụ thể của Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã được Bộ Xây dựng nêu đích danh.

Ví dụ, Điều 10 của Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải thành lập DN hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là DN) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, hiện Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật DN số 68/2014/QH13 không còn quy định về vốn pháp định của DN khi thành lập. Như vậy, quy định này của Luật Kinh doanh BĐS không thống nhất với 2 Luật trên. Mặt khác, Luật Đất đai đã có quy định về điều kiện năng lực tài chính của DN khi làm chủ đầu tư dự án BĐS. Do vậy, việc quy định vốn pháp định trong Luật Kinh doanh BĐS là không cần thiết.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, Điều 62 của Luật Kinh doanh BĐS quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập DN và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS”.

Tuy nhiên, Luật DN quy định, khi thành lập DN thì chưa cần có điều kiện kinh doanh. Khi DN hoạt động kinh doanh các ngành nghề có điều kiện thì mới cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh cụ thể. Mặt khác, Điều 62 của Luật Kinh doanh BĐS đã quy định cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề. Do vậy, quy định nêu trên của Luật Kinh doanh BĐS là không cần thiết.

Cũng theo Bộ Xây dựng, khoản 3 Điều 62 Luật Kinh doanh BĐS quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS” là quy định không hợp lý vì cá nhân môi giới BĐS cũng có quyền mua hoặc bán BĐS của mình.

Tương tự, Điều 69 của Luật quy định: “DN kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BDS phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; người quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.”, theo Bộ Xây dựng, đây cũng là quy định không cần thiết.

Bộ Xây dựng cho biết, khoản 3 Điều 69 của Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động”. Quy định này được thực hiện từ năm 2006, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS thì việc quy định về quy chế hoạt động, tên, địa chỉ, cơ sở vật chất, kỹ thuật là không còn cần thiết. (Baohaiquan)
---------------------------

“Thúc” doanh nghiệp Việt khai thác thị trường Trung Đông – Châu Phi

Với quy mô nhập khẩu hàng hóa năm 2016 lên tới 480 tỷ USD, Trung Đông – Châu Phi là thị trường vô cùng tiềm năng với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Nhằm quảng bá, phổ biến thông tin thị trường, chính sách thương mại, tập quán kinh doanh, các cơ hội giao thương, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước thuộc khu vực Trung Đông và Châu Phi, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường và xây dựng chiến lược thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực, Bộ Công Thương sẽ tổ chức “Hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông và châu Phi: Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa” vào ngày 21 tháng 11 năm 2017 tại Hà Nội.

Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương nhận định, khu vực Trung Đông – Châu Phi đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.

Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của Châu Phi đạt khoảng 480 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, Châu Phi sẽ nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ USD hàng hóa các loại.

Đối với khu vực Trung Đông, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 807 tỷ USD và đến năm 2020 dự kiến sẽ lên tới 1.500 tỷ USD.

Đây cũng là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả ba châu lục Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh, đặc biệt Dubai hiện trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới.

Trước thực tế các thị trường truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến độ bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là một hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Diễn giả: Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, đại diện Đại sứ quán UAE và Đại sứ quán Nam Phi tại Hà Nội.

Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Trung Đông các sản phẩm như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su tự nhiên, hạt điều, trái cây (đặc biệt là chuối, dứa, chanh..), thủy sản, các mặt hàng may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông, những năm qua liên tục gia tăng.

Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 10,887 tỷ USD, tăng hơn 100% so với năm 2011. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông đạt 8,059 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Đông đạt 2,828 tỷ USD.

Đối với thị trường châu Phi, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam- châu Phi đạt 5,364 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi đạt 2,762 tỷ USD và nhập khẩu là 2,602 tỷ USD.

Những mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi là gạo; điện thoại các loại và linh kiện; hàng thủy sản; cà phê. Việt Nam nhập khẩu từ châu Phi gồm hạt điều, bông, gỗ và các sản phẩm từ gỗ...(Baodautu)
-----------------------------

Luật Du lịch 2017: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2018 có một số quy định mới về hoạt động của doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và hướng dẫn viên du lịch. Trong đó, vẫn có những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Một trong những quy định mới trong luật là yêu cầu ký quỹ. Hiện tại, chỉ có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cho khách quốc tế vào Việt Nam và dịch vụ cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài mới phải đóng tiền ký quỹ. Luật mới yêu cầu kinh doanh dịch vụ du lịch nội địa cũng phải ký quỹ, với số tiền là 100 triệu đồng, ít hơn yêu cầu của hai mảng kia.

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, doanh nghiệp ký quỹ tại ngân hàng thương mại. Số tiền này sẽ được sử dụng trong các trường hợp xảy ra tai nạn với khách du lịch hoặc các trường hợp khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí kịp thời giải quyết; hoặc khi doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Du khách nước ngoài tại TPHCM - Ảnh: Đào Loan

Từ trước đến nay, với chuyện ký quỹ, vấn đề tranh cãi không chỉ là bao nhiêu tiền là hợp lý mà còn về những quy định để sử dụng số tiền này nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng và công ty du lịch. Tuy nhiên, luật mới không làm bật lên được nội dung này, không quy định rõ ràng những trường hợp khẩn cấp như thế nào thì được dùng tiền ký quỹ và ai là người có quyền quyết định rút số tiền này. Chẳng hạn, khi có sự cố, doanh nghiệp muốn đề nghị ngân hàng rút số tiền đó để giải quyết sự cố mà ngân hàng không chấp nhận thì cơ quan nào sẽ là nơi quyết định cuối cùng, thời gian bao lâu thì ngân hàng sẽ giải ngân?

Về điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch, hiện tại, hướng dẫn viên chỉ cần có thẻ và có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp lữ hành là có thể hành nghề. Quy định mới yêu cầu hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng ba điều kiện là có thẻ; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa và có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Theo cơ quan quản lý, quy định mới nhằm quản lý hướng dẫn viên chặt chẽ hơn và tạo điều kiện cho hướng dẫn viên được chăm sóc tốt hơn về an sinh xã hội, đào tạo…Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp lữ hành thường đi thuê ngoài thay vì tuyển đủ số lượng hướng dẫn viên cần thiết. Cho nên, khả năng làm việc chính thức cho một công ty để có đủ chính sách an sinh xã hội là khó, chỉ còn cách thứ hai là gia nhập hội nghề nghiệp nào đó. Tuy nhiên, hội nghề nghiệp lại không có chức năng đóng các khoản bảo hiểm hay không bị bắt buộc phải đào tạo cho hướng dẫn viên. Vì vậy, nói quy định mới đem đến quyền lợi cho hướng dẫn viên là chưa thuyết phục.

Quy định cho phép cơ sở lưu trú được tự nguyện xếp hạng thay vì bắt buộc cũng là một nội dung mới trong Luật Du lịch 2017. Tuy nhiên, quy định cơ sở lưu trú “chỉ được sử dụng từ "sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch" cũng đang gây tranh cãi không ít.

Doanh nghiệp cho rằng, nếu quy định như thế thì không khác là mấy so với kiểu bắt buộc xếp hạng vì doanh nghiệp không có cách nào để gắn sao cho khách hàng nhận diện. Vì vậy, thay vì cấm thì nên cho phép doanh nghiệp được chọn lựa, có thể là gắn sao cùng với dòng chữ chứng nhận của tập đoàn quản lý hoặc gắn sao do cơ quan quản lý phong để tiện việc làm ăn.(TBKTSG)
----------------------------

Nhiều tập đoàn cam kết tăng đầu tư với Thủ tướng tại APEC

Các tập đoàn lớn của Nhật, Australia và Trung Quốc đều ngỏ ý định sẽ tăng đầu tư tại Việt Nam khi gặp gỡ Thủ tướng tại APEC.

Gặp Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitshubishi Omiya Hideaki chiều 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Mitshubishi mở rộng đầu tư các dự án công nghệ cao ở Việt Nam cũng như mở rộng việc đào tạo kỹ thuật viên và kỹ sư từ những sinh viên tài năng.

Đáp lại, ông Omiya Hideaki đánh giá cao tiềm năng và triển vọng kinh tế của Việt Nam nói chung và tay nghề của lao động Việt Nam nói riêng. Đại diện tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Mitshubishi hiện đang có nhà máy sản xuất linh kiện máy bay ở Hà Nội, trong đó có cánh cửa máy bay Boeing 777. Các linh kiện này được sản xuất và xuất khẩu thẳng sang Mỹ.

thu tuong tiep chu tich tap doan cong nghiep nang mitshubishi omiya hideaki. anh: vgp

Thủ tướng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitshubishi Omiya Hideaki. Ảnh: VGP

Cùng mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư, chủ tịch Tập đoàn Lưới điện phương Nam (Trung Quốc) Lý Khánh Khôi đã thông báo Thủ tướng về những thành công trong đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua. Ông cho rằng Việt Nam và Trung Quốc có tiềm năng lớn trong việc mở rộng hợp tác lĩnh vực năng lượng. Lãnh đạo công ty cũng cam kết bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ của các dự án đầu tư mà công ty triển khai ở Việt Nam.

Về phần mình, Thủ tướng hoan nghênh mong muốn thành lập liên doanh của tập đoàn này với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư vào các dự án nhà máy điện khác theo hình thức BOT.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo và lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Australia trong lĩnh vực y tế, hàng không, khai khoáng, khí đốt, sản xuất thép và lương thực đang tham dự các sự kiện của Tuần lễ cấp cao APEC.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thương mại và đầu tư là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Khi quan hệ Việt Nam – Australia được nâng cấp lên Đối tác chiến lược trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng kim ngạch thương mại sẽ đạt gấp đôi con số 5 tỷ USD hiện nay.

Tại các cuộc gặp với những tập đoàn lớn nước ngoài trong khuôn khổ APEC, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ phát triển. Đồng thời, gửi thông điệp đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, làm ăn cùng có lợi tại Việt Nam.

Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào các dự án năng lượng, chế tạo với công nghệ tiến tiến, hiện đại tại Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ cũng khuyến khích các công ty nước ngoài tăng cường chuyển giao công nghệ tiết kiệm nguyên liệu và thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam.(vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục