Nepal xé bỏ thỏa thuận thủy điện 2,5 tỉ USD với Trung Quốc; Tiki.vn vừa gọi thêm vốn 1.000 tỉ đồng?; Trường Hải đem hơn 12.000 tỷ chia cổ tức, thưởng cổ phiếu cho cổ đông; Ba yếu tố khiến lãi suất quý IV khó giảm
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 13-11-2017
- Cập nhật : 13/11/2017
Tại sao các tổ chức tài chính phương Tây chuẩn bị đổ xô đến Trung Quốc?
Đã từ rất lâu, các tổ chức tài chính hàng đầu phố Wall luôn tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động tại thị trường chứng khoán còn non trẻ của Trung Quốc.
Morgan Stanley, Goldman Sachs và Citigroup cuối cùng hẳn cũng đã thở phào rằng sự kiên nhẫn của họ với thị trường Trung Quốc đã mang lại “trái ngọt”.
Theo Bloomberg, tại thị trường tiêu dùng khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đất nước có dân số đông nhất thế giới, họ đang có nhiều lợi thế hơn hẳn so với rất nhiều những tổ chức tài chính lớn nhất Mỹ khác sau khi chính phủ Trung Quốc chính thức cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài được sở hữu cổ phần lớn tại các tổ chức tài chính Trung Quốc.
Suốt bao nhiêu năm qua, các tổ chức tài chính Mỹ và châu Âu đã không ngừng chờ đợi thay đổi trên từ phía Trung Quốc. Sau quá nhiều năm chờ đợi mà không có kết quả, JPMorgan Chase cuối cùng đã bán cổ phần tại liên doanh Trung Quốc vào năm 2016 còn Bank of America thậm chí không hề có hoạt động tại Trung Quốc.
Ngược lại, Morgan Stanley đã kịp tăng cổ phần của họ lên mức 49% tại công ty chứng khoán Huaxin, mức kịch trần cho phép của chính phủ Trung Quốc. Goldman Sachs và Citigroup, mỗi ngân hàng đang nắm ước khoảng 33% cổ phần tại tổ chức tài chính mà họ có liên doanh. Và theo nhiều nguồn tin nội bộ, trong những tuần gần đây, Goldman Sachs đã rất cố gắng thuyết phục các bên bán lại cổ phần để có thể nắm quyền kiểm soát tổ chức này.
Đã từ rất lâu, các tổ chức tài chính hàng đầu phố Wall luôn tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động tại thị trường chứng khoán còn non trẻ của Trung Quốc, tuy nhiên tham vọng của họ bị cản trở bởi quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần.
Dù hiện tại ở Trung Quốc đã có quá nhiều công ty chứng khoán, tuy nhiên, có quá ít công ty có thể tự tạo ra sự khác biệt cho riêng họ, chính vì vậy, cơ hội thâm nhập thị trường của các tổ chức nước ngoài vẫn còn nhiều, theo phân tích của chuyên gia tại công ty chứng khoán Guangfa, ông Felix Luo.
Việc cho phép thêm các tổ chức tài chính nước ngoài gia nhập thị trường sẽ giúp làm lợi cho thị trường nội địa, theo phân tích của trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ đầu cơ Weiss Multi-Strategy Advisers, ông Jordi Visser.
Ông cho rằng lĩnh vực tài chính Trung Quốc sẽ cần thêm rất nhiều những kinh nghiệm chuyên môn và phát triển sản phẩm tài chính từ nước ngoài để phát triển lĩnh vực tài chính, việc chính phủ Trung Quốc quyết định mở cửa hệ thống tài chính sẽ giúp ích cho mục tiêu đó.
Nhiều tổ chức tài chính châu Âu cũng đã và đang thành lập liên doanh ở Trung Quốc và họ sẽ vẫn tiếp tục với tham vọng của mình. UBS AG, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ, trong ngày thứ Sáu khẳng định họ rất lạc quan với quyết định mới nhất từ chính phủ Trung Quốc và UBS AG đang rất cố gắng để tăng tỷ lệ sở hữu tại liên doanh với Trung Quốc trong thời gian tới.
Trước đây, chính phủ Trung Quốc từng tăng tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính và ngân hàng nước này từ 33% lên 49%. Theo quy định mới, mức trần tỷ lệ sở hữu ban đầu khi mới thành lập sẽ là 51% và sau ba năm, nhà đầu tư nước ngoài có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên mức tối đa.
Dù tỷ lệ sở hữu đã được tăng lên, thế nhưng việc các ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài sẽ được hưởng lợi như thế nào từ đó lại là câu chuyện khác. Hiện tại, dù mức trần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã là 49%, nhưng lợi nhuận các tổ chức nước ngoài thu về còn khiêm tốn.
Trong 125 công ty chứng khoán tại Trung Quốc hiện nay, lợi nhuận của JP Morgan năm 2016 chỉ đứng thứ 120. Trong khi đó, lợi nhuận của UBS Securities đạt 296 triệu nhân dân tệ, đứng thứ 95. Dù ở vị trí khiêm tốn nhưng lợi nhuận của UBS Securities như vậy cao nhất so với tất cả các công ty chứng khoán còn lại.
Chủ tịch quỹ Willett, ông Steve Rattner, phân tích: “Cuối cùng thì rõ ràng người Trung Quốc chỉ thích công ty chứng khoán Trung Quốc, vì thế cho nên nếu bạn sở hữu được 51% cổ phần của một ngân hàng hay công ty chứng khoán, bạn có hưởng lợi được gì từ đó hay không mới là điều quan trọng.” Và chắc chắn, các tổ chức tài chính Âu, Mỹ sẽ phải cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng trước khi rót tiền vào thị trường này.(bizlive)
----------------------
TPP đã được cứu khỏi “vực thẳm” sụp đổ?
Bộ trưởng Kinh tế Nhật, ông Toshimitsu Motegi, cho biết 11 nước thành viên còn lại của TPP đã thống nhất về một hiệp định khung của TPP.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từng bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chối bỏ nay đang tiến gần hơn đến khả năng được thông qua sau nhiều ngày lãnh đạo cao cấp các nước đàm phán tích cực tại Việt Nam, theo khẳng định của Bloomberg.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật, ông Toshimitsu Motegi, cho biết 11 nước thành viên còn lại của TPP đã thống nhất về một hiệp định khung của TPP. Dù một ngày trước đó, đại diện của Canada không đến tham gia đàm phán nhưng tuy nhiên cho đến nay đã có nhiều thay đổi mới, phía Canada cho biết họ đã có được những sự nhượng bộ cần thiết.
Tuy nhiên, đại diện của đoàn Canada khẳng định vẫn còn quá nhiều việc phải làm trước khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết.
Ông Motegi đã đưa ra những thông tin trên đến báo giới trong buổi gặp vào tối muộn ngày thứ Sáu sau khi các bộ trưởng họp và xác nhận về thỏa thuận chung, trong đó có nhiều vấn đề đã không được bàn thảo sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào đầu năm nay. Trong ngày thứ Bẩy sẽ có họp báo để công bố về chi tiết của thỏa thuận.
Bộ trưởng Thương mại Canada, ông Francois-Philippe Champagne, trong khi đó bảo vệ cho lập trường của Canada khi đại diện của đoàn vắng mặt trong buổi đàm phán TPP trước đó.
Ông khẳng định phía Canada không muốn vội vàng đi đến ký kết thỏa thuận khi còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Việc đoàn Canada không đến tham gia đàm phán đã làm dấy lên nhiều nỗi lo lắng về khả năng TPP sụp đổ sau nhiều năm các bên cùng nỗ lực.
Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Bộ trưởng Thương Mại Canada, ông ông Francois-Philippe Champagne, tuyên bố: “Chúng tôi cuối cùng đã giành được quyền tiếp cận thị trường Nhật, ngoài ra chúng tôi cũng đã tạm ngưng được một số cuộc đảm phán liên quan đến những vấn đề có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng tôi. Chúng tôi phải bảo vệ quyền lợi của Canada.”
Ông Champagne khẳng định sẽ còn cần đến nhiều tháng đàm phán để TPP có thể trở thành hiện thực.
Hiệp định TPP, hiệp định có sự tham gia của các nền kinh tế với tổng quy mô lên đến 40% GDP toàn cầu đã từng bị ngưng trệ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút đi để bảo vệ cho việc làm của người Mỹ. Các cuộc đàm phán về TPP tại Việt Nam lần này tập trung chủ yếu về những vấn đề mà các nước thành viên còn lại còn vướng mắc trong nỗ lực xây dựng TPP mà không cần đến Mỹ.
Dưới thời của cựu Tổng thống Obama, TPP từng được coi như một minh chứng rõ ràng cho ảnh hưởng của nước Mỹ đối với khu vực châu Á trong bối cảnh Trung Quốc ngày một mạnh lên.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thời Tổng thống Obama thậm chí còn khẳng định TPP còn quan trọng hơn nhiều vấn đề quân sự. TPP có độ phủ lớn hơn tất cả các thỏa thuận truyền thống xoay quanh các vấn đề như bản quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và quyền lao động.
Bộ trưởng Thương Mại Canada khẳng định rằng việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau vắng mặt trong buổi họp TPP ngày thứ Năm không phải vì không muốn đến mà vì có vướng một cuộc họp khác kết thúc muộn hơn dự kiến. Thủ tướng Malaysia trong khi đó khẳng định với báo giới rằng ông tin cuối cùng TPP sẽ thành công.(Bizlive)
-----------------------------
APEC trước hai chiến lược thương mại đối kháng Mỹ-Trung
Nhân thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã có hai nhãn quan đối chọi nhau về thương mại toàn cầu trong bài phát biểu của mình tại APEC hôm thứ Sáu 10/11/2017 ở Đà Nẵng.
Quan điểm về thương mại của ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump dường như 'ngược chiều' sau bài phát biểu của các ông ở Thượng đỉnh APEC chiều 10/11/2017. Ảnh Reuters
Theo AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Đà Nẵng vào buổi trưa, vài giờ trước khi thượng đỉnh thường niên của APEC khai mạc.
Các nhà lãnh đạo trong vùng kinh tế năng động nhất địa cầu, tạo ra hơn 60% của cải thế giới, chờ Tổng thống Donald Trump làm sáng tỏ nhãn quan "Một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở" trong chủ trương "Nước Mỹ trước đã".
Quyết định của ông Trump rút bỏ Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ba ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống đã làm nhiều nước thành viên bối rối.
Trong khi nước Mỹ của Donald Trump co cụm trong chủ thuyết "Kinh tế quốc gia chủ nghĩa" thì Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình tiến lên một bước, với hàng loạt đề án hợp tác trong vùng.
Theo nhà phân tích Ian Bremmer của nhóm chuyên gia Eurasia Group, Hoa Kỳ càng ngày càng bị xem như là một đồng minh "thiếu nhất quán".
Đối đầu với "Nước Mỹ trước đã", Chủ tịch Trung Quốc Tập Bình tuyên bố "Tự do thương mại là xu thế lịch sử không thể đảo ngược" và thông báo Trung Quốc "nới rộng thị trường đón tiếp doanh nghiệp thế giới".
Theo Chủ tịch Trung Quốc thì cần phải "Ủng hộ mậu dịch tự do, giúp cho các nước đang phát triển hưởng được lợi nhuận thương mại và đầu tư ».
Giới phân tích, rút kinh nghiệm thực tế, thận trọng trước những tuyên bố của chính quyền Trung Quốc, nhưng thông báo này tạm thời xoa dịu chỉ trích của các đối tác và hướng mọi chú ý vào chủ trương "ngược trào lưu" của ông Donald Trump.
Trong bối cảnh này, Nhật Bản và nhóm TPP-11 cố gắng tìm một đồng thuận để có thể "trình làng" Hiệp định TPP để kéo Mỹ trở lại. Sau ba ngày thương lượng vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung.
Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn cứng rắn khuyến cáo nhóm TPP-11: Hoa Kỳ không bao giờ ký kết "các hiệp định quan trọng" ép buộc nước Mỹ "từ bỏ chủ quyền".
Trong một bài bình luận trên New York Times, Tony Blinken, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ thời Tổng thống Barack Obama than phiền là Ông Donald Trump đã nhượng vai trò lãnh đạo thế giới cho ông Tập Cận Bình".
Trong khi: "Ông Trump chạy trốn chủ nghĩa đa phương và vai trò lãnh đạo thế giới thì ông Tập càng ngày càng nắm lấy thời cơ".(Bizlive)
------------------------
Saudi Arabia tuyên bố thiệt hại hàng trăm tỷ USD vì tham nhũng
Tình trạng tham nhũng của các nhân vật hoàng gia và quan chức Saudi Arabia đã khiến quốc gia vùng Vịnh này thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD trong vài thập kỷ qua.
Theo hãng tin CNN, ước tính thiệt hại trên được ông Sheikh Saud Al Mojeb, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Saudi Arabia đưa ra ngày 9/11.
Ông Mojeb cũng cho biết 208 cá nhân đã bị thẩm vấn trong cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn đang diễn ra ở nước này. Đã có 7 người trong số này được thả mà không chịu bất kỳ lợi buộc tội nào.
"Dựa trên các cuộc điều tra trong 3 năm qua, chúng tôi ước tính ít nhất 100 tỷ USD đã bị sử dụng sai mục đích do tham nhũng có hệ thống và biển thủ trong mấy thập kỷ qua", vị Bộ trưởng nói. "Đã có bằng chứng rõ ràng cho những hành động sai trái này, khẳng định nghi ngờ dẫn tới việc nhà chức trách tiến hành điều tra".
Cuối tuần trước, cơ quan chức năng Saudi Arabia đã bắt giữ hàng chục nhân vật hoàng gia, doanh nhân và quan chức chính phủ cấp cao - trong một động thái thanh trừng tham nhũng gây chấn động.
Trong số những người bị bắt có hoàng tử Alwaleed bin Talal, người giàu nhất Trung Đông; ông Khaled Al-Tuwaijri, cựu chánh án tòa án hoàng gia; và ông Waleed Al-Ibrahim, một "đại gia" truyền thông.
Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã đóng băng tài khoản cá nhân của những người bị điều tra. Ngoài ra, còn có tin nhà chức trách Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đề nghị các ngân hàng nước này cung cấp thông tin về tài sản được gửi của 19 nhân vật hoàng gia và quan chức Saudi Arabia.
Có vẻ như Saudi Arabia đang chuẩn bị cho một cuộc điều tra tham nhũng kéo dài. Một số người bị bắt được cho là đang bị tạm giữ ở khách sạn 5 sao Ritz Carlton ở Riyadh, nơi đã ngừng nhận đặt phòng từ cuối tuần trước cho tới tận ngày 1/2/2018.
Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi thành lập một ủy ban chống tham nhũng mới do thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu. Ủy ban này có quyền điều tra, bắt giữ, ra lệnh hạn chế đi lại, và đóng băng tài sản của các nghi phạm tham nhũng.
Giới chức Saudi Arabia nói các vụ bắt giữ này là một phần trong nỗ lực nhằm củng cố quyền lực của thái tử Mohammed, theo đó giúp vị vua tương lai 32 tuổi thúc đẩy cải tổ nền kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc của Saudi Arabia vào dầu lửa. Đến nay, đã có nhiều thay đổi lớn được thực hiện ở quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới này, bao gồm cắt giảm trợ cấp, ban hành thuế mới, và chấm dứt lệnh cấm phụ nữ lái xe.(Vneconomy)