Mekong Capital đã thoái xong gần 25% vốn tại Traphaco; Giá điện dự kiến chia 6 bậc, tính theo % giá bình quân; Maritime Bank: Lợi nhuận tăng 207%; TP.HCM sẽ được hưởng những cơ chế đặc thù nào?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-11-2017
- Cập nhật : 13/11/2017
Uber chấp thuận lời đề nghị đầu tư hàng tỷ USD của Softbank
Những bê bối hiện tại của công ty cũng có thể được giải quyết với sự tham gia của nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là Softbank.Nguồn ảnh: Financial Express
Uber đã chấp thuận lời đề nghị chào mua cổ phần của SoftBank đối với hãng kinh doanh dịch vụ gọi xe này, tạo ra giai đoạn lớn nhất từ trước tới nay.
Thỏa thuận cho phép SoftBank và các công ty khác đầu tư tới 1 tỷ USD vào Uber và tiếp tục chào mua lượng cổ phần trị giá lên đến 9 tỷ USD từ các nhà đầu tư hiện tại của Uber. Thỏa thuận vẫn có thể để bể nếu các cổ đông còn lại của Uber từ chối đề nghị này. Thỏa thuận cũng bao gồm những thay đổi về quản trị của Uber.
Uber nói trong một tuyên bố:"Chúng tôi tin tưởng vào thỏa thuận với nhóm nhà đầu tư do SoftBank và Dragoneer dẫn đầu. Chúng tôi cho rằng thỏa thuận này là một sự tin tưởng mạnh mẽ vào tiềm năng dài hạn của Uber. Khi hoàn tất, nó sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào công nghệ và việc mở rộng hoạt động trong và ngoài nước Mỹ, đồng thời tăng cường quản trị doanh nghiệp của chúng tôi. "
Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, các điều khoản đã được đàm phán trong nhiều tuần. Hội đồng quản trị của Uber đã được thông báo về các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận.
Cũng theo nguồn tin tên, như là một phần của thỏa thuận, công ty đầu tư mạo hiểm Benchmark đã đồng ý hoãn vụ kiện chống lại người đồng sáng lập Uber, Travis Kalanick, khi Công ty được SoftBank đầu tư và cũng tiến hành các cải cách về quản trị.
Kalanick đồng ý giao quyền quyết định cho hội đồng quản trị của Uber về số ghế tại hội đồng quản trị mà ông đang kiểm soát, nếu ông không có nhu cầu bổ sung thêm thành viên mà ông muốn.
Thỏa thuận này giúp Uber giải tỏa được một trở ngại lớn nhằm vượt qua một loạt các vụ bê bối. SoftBank có thể giúp Uber tấn công các đối thủ cạnh tranh của hãng ở Ấn Độ hoặc Đông Nam Á.
SoftBank cũng là nhà đầu tư lớn trong Ola và Grab, đối thủ của Uber ở các khu vực này.
Hội đồng quản trị Uber cũng đã thông qua một số cải cách về điều hành nhằm hạn chế vai trò của Kalanick tại công ty, bao gồm việc cân bằng quyền biểu quyết của các loại cổ phần khác nhau và tăng quy mô nhân sự hội đồng quản trị lên 17 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên hội đồng quản trị độc lập mới. Những thay đổi này sẽ tùy thuộc vào việc đầu tư của SoftBank vào Uber có diễn ra hay không.
Sau một cuộc đàm phán dài với Uber, SoftBank đã đồng ý mua cổ phần ở một mức giá duy nhất miễn là người bán sẽ không thể liên kết với nhau để đẩy giá lên. Khi đó, Kalanick đã ra điều kiện rằng ông sẽ đồng ý thương vụ, nếu Benchmark rút lại vụ kiện nhắm vào ông.
Sau cùng, Benchmark đã nhượng bộ sau khi Giám đốc điều hành mới của Uber, Dara Khosrowshahi, và các thành viên khác trong hội đồng quản trị kêu gọi Benchmark làm như vậy, theo nguồn tin thân cận của Bloomberg.
SoftBank, cùng với Dragoneer Investment Group và General Atlantic, dự kiến sẽ đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào Uber và mua cổ phiếu Uber trị giá 9 tỷ USD từ các nhà đầu tư hiện tại. Softbank dự kiến sẽ mua cổ phần của công ty với mức định giá hiện tại là gần 70 tỷ USD.
Nguồn tin của Bloomberg cũng cho hay các nhà đầu tư như TPG, Tiger Global, DST Global và Tencent cũng có thể mua cổ phần Uber như là một phần của thỏa thuận.
Giao dịch có thể giúp Kalanick thu được hàng tỷ USD nếu ông quyết định bán một lượng lớn cổ phần của mình trong Công ty. Đây cũng có thể là đợt chào bán cổ phần riêng lẻ lớn nhất từ trước tới nay và San Francisco sẽ có thêm nhiều triệu phú USD khi mà các nhân viên của Uber quyết định bán cổ phần mình nắm giữ tại Công ty.(NCĐT)
------------------------
Hiệp định RCEP "hoãn" đến năm 2018
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của Trung Quốc, Nhật Bản và 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không đạt được thoả thuận trong năm 2017.
Đây là kết quả của cuộc họp cấp bộ trưởng tổ chức ngày 12/11 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 tại Manila, Philippines. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2013 sẽ tiếp tục vào năm 2018.
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết các bên vẫn còn rất nhiều vấn đề cần thảo luận trước khi đi đến thỏa thuận. Trong tương lai, ông đề nghị tổ chức các cuộc đối thoại song phương thường xuyên hơn và tập trung vào các lĩnh vực cụ thể để đẩy nhanh quá trình đàm phán.
Bộ trưởng Thương mại các nước chụp ảnh trong Hội nghị Bộ trưởng RCEP tại Manila ngày 12/11
Các quốc gia thành viên, đặc biệt là Trung Quốc, từng hy vọng đạt được thỏa thuận trong năm nay. Tuy nhiên, Nhật Bản và Australia lại đang tìm kiếm một hiệp định chất lượng cao bao gồm các dịch vụ và đầu tư chứ không chỉ là giảm thuế quan.
Trong khi đó, Nhật Bản và ASEAN đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về hợp tác kinh tế bao gồm đầu tư và dịch vụ. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) sẽ giảm bớt các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ cải thiện thương mại dịch vụ tài chính và viễn thông. Tokyo hy vọng sẽ ký hiệp định vào đầu năm 2018 và đưa AJCEP vào hiệu lực càng sớm càng tốt.(NDH)
--------------------------------
Sau VNM, nhiều cuộc đấu giá dự báo sẽ hấp dẫn dòng tiền
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thoái vốn thành công 3,33% cổ phần VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, thu về gần 9.000 tỷ đồng. SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả.
Nhiều yếu tố làm nên thành công
Chia sẻ tại buổi đấu giá cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, nếu như đợt thoái vốn tại VNM năm ngoái, nhiều nhà đầu tư lo ngại về giá nguyên vật liệu và thị trường ảnh hưởng đến tiềm năng và triển vọng của Công ty, thì kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay, Ban điều hành VNM đã chứng minh được hiệu quả và tiềm năng của doanh nghiệp với nhà đầu tư.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, rút kinh nghiệm năm ngoái khi SCIC đưa ra mức giá khởi điểm khá cao so với giá thị trường, làm giảm sự hấp dẫn với nhà đầu tư, thì mức giá đưa ra lần này là phù hợp và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia hơn, qua đó tăng tính cạnh tranh.
Có 19 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua đợt đấu giá cạnh tranh cổ phần VNM, trong đó có 6 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, 5 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 8 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua là hơn 73,8 triệu cổ phần, vượt 53% so với tổng số cổ phần chào bán.
Kết quả, một nhà đầu tư ngoại đã chiến thắng trong cuộc đấu giá khi đặt mức giá 186.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24% so với mức giá khởi điểm (150.000 đồng/cổ phiếu) và cao hơn giá giao dịch trên sàn tại thời điểm đấu giá (khoảng 173.000 đồng/cổ phiếu).
Một yếu tố quan trọng khác làm nên thành công của đợt bán đấu giá là lựa chọn thời điểm. Cuộc đấu giá VNM lần này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan.
Giá cổ phiếu VNM trên sàn liên tục có diễn biến tăng, trái ngược so với đợt SCIC tổ chức bán 9% vốn VNM cuối năm 2016. Trong đó, khối ngoại góp phần rất lớn vào đà tăng của cổ phiếu VNM, trong khi năm ngoái có dấu hiệu “ép giá” cổ phiếu này.
Về vấn đề này, ông Khánh nhìn nhận, năm ngoái, giá khởi điểm đấu giá VNM khá cao so với giá trên sàn, khiến nhà đầu tư có cảm giác bị mua đắt, nên có khuynh hướng bán ra, dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Sau đó, nhà đầu tư sẽ mua lại với mức thấp hơn. Năm nay, mức giá khởi điểm hợp lý hơn so với giá thị trường.
Mặt khác, có thể quan điểm đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài có phần thay đổi, bởi Việt Nam có nền kinh tế được đánh giá là tăng trưởng ổn định và VNM vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường.
Danh tính nhà đầu tư mua 3,3% cổ phần VNM chưa được công bố, nhưng một số ý kiến cho rằng, nhiều khả năng là F&N Dairy Investment PTE Ltd (đang sở hữu 16,04% cổ phần tại VNM). Đại diện công ty này có xuất hiện tại buổi chào bán.
Trước đó, F&N đã công bố đăng ký mua 21,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1/2 lượng cổ phần SCIC chào bán để tăng tỷ lệ sở hữu tại VNM thông qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh qua sàn. Tuy nhiên, trong thông báo sau đó, F&N đã bổ sung phương thức tham gia đấu giá cạnh tranh và thỏa thuận trực tiếp thông qua hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Sắp tới sẽ thoái vốn tại VCG, NTP, BMP, FPT
Lãnh đạo SCIC cho biết, từ nay đến cuối năm, Tổng công ty sẽ tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại TP.HCM và Hà Nội cho các đợt chào bán cổ phần doanh nghiệp nằm trong danh mục thoái vốn năm nay.
Đợt thoái vốn lớn tiếp theo của SCIC là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG). Ngày 16/11 tới, SCIC sẽ tổ chức buổi giới thiệu cơ hội tại đầu tư 96,25 triệu cổ phiếu, tương đương 21,79% vốn điều lệ VCG.
Ngoài ra, trong năm nay, SCIC dự kiến tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư và hoàn thành bán vốn tại các doanh nghiệp khác như NTP, BMP, FPT.
Nhiều ý kiến đánh giá, đây đều là các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, có vị thế hàng đầu trong ngành. Theo đó, thị trường dự kiến sẽ đón dòng vốn khá lớn, đến từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để các đợt bán vốn tiếp tục hiệu quả, kinh nghiệm từ đợt bán vốn VNM lần này cần được SCIC linh hoạt áp dụng.(ĐTCK)
---------------------------
Tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng
Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm). Trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở.
Với 86,56% ĐB tán thành, sáng nay, QH thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Kết quả biểu quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2018
Theo đó, QH quyết tổng số thu ngân sách nhà nước là 1,3192 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước là 1,5232 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng.
Tiết kiệm triệt để chi thường xuyên
QH giao Chính phủ điều hành thận trọng chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Về chính sách thuế, QH yêu cầu Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật về thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế; chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2018-2020, tiếp tục thực hiện điều tiết 100% số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách TƯ; giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu như đối với năm 2017.
Thu vào ngân sách nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2018; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ảnh: Hoàng Anh
QH cũng yêu cầu Chính phủ tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan TƯ và địa phương; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công.
Nghị quyết cũng nêu rõ việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2018.
Giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.(Vietnamnet)