Nhà đầu tư ngoại được nắm 49% cổ phần của hãng hàng không nội; Trung Quốc tăng thuế 400% đối với một số trái cây nhập từ Mỹ; Các nền kinh tế châu Á hợp tác ứng phó với cuộc chiến thuế quan của Mỹ; Trung Quốc: Đề xuất áp thuế mới của Mỹ tổn hại tới hệ thống thương mại toàn cầu
Tin kinh tế đọc nhanh tối 11-07-2018
- Cập nhật : 11/07/2018
Dự án nuôi bò 4.500 tỷ “đổ bể”: Trồng cỏ nuôi bò chỉ đạt năng suất 1/5 khi lập dự án
Liên quan đến sự “đổ bể” của dự án chăn nuôi bò Bình Hà ở Hà Tĩnh, hiện công ty này đang xin trả hơn 1.000ha đất và xin điều chỉnh giảm quy mô đàn từ hơn 254.000 con/năm xuống còn 120.000 con/năm.
Chiều ngày 9/7, làm việc với PV, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Tĩnh - cho biết, ngày 6/7 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh chủ trì cùng với sự tham gia của Sở NNPTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế Hà Tĩnh, UBND các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, các phòng chuyên môn của 2 huyện này cùng lãnh đạo 6 xã vùng dự án đã có một cuộc họp để nghe Công ty Bình Hà báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất và nêu giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Tại cuộc làm việc, phía Công ty Bình Hà báo cáo, qua 3 năm triển khai, bình quân quy mô nuôi của công ty mới đạt 15.000 con bò/năm. Con số này chỉ đạt 6% quy mô được chấp thuận chủ trương đầu tư là 254.200 con/năm. Hiện nay, công ty đang nuôi 1.140 con bò tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), trang trại tại xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) xuất bán chuyến bò cuối cùng vào tháng 9/2017, hiện đang bỏ trống chuồng trại. Toàn bộ 678ha trồng cỏ đã phá dỡ, cày xới đất chuyển qua trồng chuối (đến tháng 5/2018 đã trồng được 212ha chuối). Phía công ty cũng đã kiến nghị cho phép được trả lại hơn 1.000ha đất trong tổng số 2.163ha được cấp để thực hiện dự án vì trồng cỏ phục vụ nuôi bò không hiệu quả. Sản lượng cỏ mà công ty trồng thời gian qua chỉ đạt 20 tấn/ha (trong khi, bình thường sản lượng cỏ phải đạt 100 tấn/ha). Phía công ty cũng xin cho phép giảm quy mô nuôi từ 254.200 con bò/năm xuống còn 120.000 con/năm.
“Tại cuộc họp đó, sau khi Công ty Bình Hà nêu kiến nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã yêu cầu công ty cần phải nêu cụ thể sẽ trả đất ở vị trí nào, vì sao trả...” - ông Thanh thông tin; đâu là nguyên nhân khiến dự án chăn nuôi bò lớn nhất Hà Tĩnh kém hiệu quả, nếu không muốn nói là “đổ bể”, ông Thanh cho rằng, có nhiều yếu tố tổng hòa như việc tổ chức sản xuất thế nào, nguồn lực thực chất của công ty ra sao, việc phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng thế nào, rồi thị trường tiêu thụ thế nào...
Liên quan đến trách nhiệm trong việc thẩm định tính khả thi dự án của Sở NNPTNT, ông Thanh cho rằng, Sở NNPTNT Hà Tĩnh cũng đã tham gia thẩm định có trách nhiệm. “Nguyên tắc thẩm định là nhà đầu tư đưa ra phương án, sau đó cơ quan chức năng xem xét. Việc thẩm định là góp ý để dự án thực hiện cho tốt hơn. Quan trọng nhất là việc tổ chức sản xuất của doanh nghiệp sau đó được thực hiện như thế nào. Ngoài ra, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư cũng đã khảo sát và thuê chuyên gia đánh giá tính khả thi của dự án. Ông Thanh cũng cho rằng, ban đầu dự án thí điểm quy mô nhỏ vẫn rất tốt, nhưng sau này mở rộng ra thì kém hiệu quả” - ông Thanh nêu quan điểm.(Laodong)
-----------------------
Việt Nam và Campuchia đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD
Việt Nam nằm trong số 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Campuchia. Campuchia có 18 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 58,12 triệu USD.
Nhật báo Khmertimes, số ra ngày 10/7 vừa có bài viết của Đại sứ nước ta tại Campuchia Vũ Quang Minh, trong đó nhấn mạnh những kết quả tốt đẹp trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua; đồng thời tin tưởng hai bên sẽ tiếp tục tăng cường các thỏa thuận đã ký kết nhằm đạt được những kết quả cao hơn, trong đó có mục tiêu trao đổi kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD trong những năm tới.
Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, nền kinh tế Campuchia đang phát triển đúng hướng với tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2018 - 2019. Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự đoán kinh tế Campuchia sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 6,9 - 7% trong năm 2018 và 2019.
Đại sứ Vũ Quang Minh đã dẫn một số thành tựu phát triển kinh tế của Campuchia trong 20 năm qua, trong đó theo số liệu mới nhất của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, nền kinh tế đang trải qua thời kỳ phát triển ấn tượng trong vòng vài năm qua. GDP tăng gần 7 tỷ USD từ năm 2013 đến 2017, đạt gần 22,1 tỷ USD năm 2017 và có thể đạt mức 24,5 tỷ USD vào cuối năm 2018.
Do sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân theo đầu người cũng tăng đáng kể, từ mức 393 USD vào năm 2013 lên mức 1.435 USD vào năm 2017, dự kiến tăng lên mức 1.568 USD vào năm 2018.
Các nhân tố khác gồm tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức 2% vào tháng 01/2018; tỷ lệ thâm hụt tài khoản vãng lai được duy trì ổn định, khoảng 8,4% GDP vào năm 2017; cũng như sự gia tăng dự trữ ngoại hối, đạt 8,9 tỷ USD vào đầu năm 2018. Nợ nước ngoài duy trì ở mức thấp 6,6 tỷ USD tương đương 30% GDP vào cuối năm 2017.
Chi tiêu công năm 2018 dự kiến là 6,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017, trong đó Chính phủ đặt kế hoạch thu ngân sách hơn 4 tỷ USD tiền thuế. Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, sự phát triển kinh tế ấn tượng trên của Campuchia có sự đóng góp từ những kết quả tốt đẹp của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua.
Theo đó, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia năm 2017 đạt mức 3,8 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,77 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2016.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Campuchia gồm sản phẩm sắt, thép các loại (521 triệu USD, tăng 69,7%), xăng dầu (375 triệu USD, tăng 30%).
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 1 tỷ USD, tăng 40,6%, chủ yếu là cao su, gỗ (214 triệu USD, tăng 16,9%), hạt điều (168 triệu USD, tăng 46%), cao su (138 triệu USD, tăng 64%).
Đại sứ Vũ QuangMinh cho biết, Lãnh đạo Việt Nam và Campuchia đã đồng ý đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai nước và nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD trong những năm tới.
Về đầu tư, Việt Nam đã có 196 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng vốn cam kết đạt 2,94 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp. Việt Nam nằm trong số 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Campuchia. Campuchia có 18 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 58,12 triệu USD.
Năm 2017, Việt Nam có 835.000 lượt du khách tới thăm Campuchia, trở thành nước có lượng du khách nhiều thứ hai đến Campuchia, sau Trung Quốc.
Năm 2017, Việt Nam và Campuchia đã ký Bản thỏa thuận khung về kết nối hai nền kinh tế, hai nước đang tiếp tục bàn thảo về kế hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế. Ngày 31/03/2018, Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Hai nước cũng đang hoàn thiện đàm phán để ký Hiệp định về Thương mại biên giới.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Văn hóa và Khoa học kỹ thuật diễn ra ở Hà Nội vào ngày 17/5/2018, hai nước đã đưa ra những định hướng cụ thể về hợp tác đa diện giữa Việt Nam và Campuchia, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Những khuôn khổ hợp tác kinh tế này sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy quan hệ kinh tế sâu hơn giữa Việt Nam và Campuchia, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch.(TTXVN)
-----------------------
“Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới”
Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thập kỷ qua đã tăng gấp 10 lần, vượt mặt các đối thủ cạnh tranh trong khu vực nhưng hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng mang lại còn nhiều hạn chế.
FDI thế hệ một có giá trị thấp
Phát biểu tại Hội thảo "Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020-2030", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia thế giới đã mổ xẻ ưu điểm và hạn chế trong quá trình thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam.
Ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 6 năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 331,2 tỷ USD, vốn giải ngân luỹ kế khoảng 180,7 tỷ USD. Tính theo tỷ lệ %GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn vượt các nước ASEAN.
Hiện có 128 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí số 1 về thu hút vốn FDI với tỷ lệ 58%, tiếp theo là kinh doanh bất động sản với tỷ lệ 16%.
Mặc dù đóng góp của FDI tại Việt Nam như tạo ra phương thức thu hút đầu tư lớn, góp phần quan trọng vào xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ,… Song, đến nay vẫn chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút, sử dụng FDI. Tác động lan toả từ khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Đồng quan điểm, ông Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân, Tổ chức Tài chính quốc tế cho rằng, phần lớn đầu tư FDI vào Việt Nam chỉ tập trung vào các ngành thuộc nhóm khai thác thị trường như bất động sản, chế tạo, chế biến giá trị gia tăng tương đối thấp.
Khảo sát của cơ quan này thực hiện chỉ ra rằng, hầu như không doanh nghiệp nào thấy tỷ lệ lao động có trình đọ kỹ thuật cao hay chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi đó, những công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, Thái Lan hay Philippines đều cho biết những quốc gia này lao động có tay nghề cao hơn và chuỗi cung ứng tốt hơn hẳn Việt Nam.
"Khi chi phí nhân công tăng lên và miễn, giảm thuế hết hiệu lực thì sẽ có nhiều nội dung cần phải cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài, trở thành nước có thu nhập cao", vị này nói.
Thay đổi chiến lược để FDI thế hệ mới "chất" hơn
Từ thực tế đó, các chuyên gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới đưa ra các khuyến nghị Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, trong đó tập trung vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.
Kết quả sàng lọc những ngành nghề cần chủ động ưu tiên xúc tiến đầu tư nhất và FDI mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất trong thời gian tới được kể đến như là: Chế tạo chế biến, dịch vụ - Logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế. Dù vậy, những ngành then chốt khác như dệt may, da giày, quần áo, dịch vụ gia công thuê ngoài, chế biến sơ cấp kim loại, khoáng chất vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
Theo nhóm này, các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động cấp độ 4.0 nhưng thể chế và môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn ở cấp 2.0. Lấp đầy sự chênh lệch này chính là mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới.
Do đó, giới chuyên gia đến từ quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên thành lập "Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới" thay thế Cục Đầu tư nước ngoài hiện tại. Theo IFC, chức năng và nhiệm vụ của Cục Đầu tư nước ngoài hiện tại bị phân tán mạnh giữa nhiều bộ, ngành. Chưa có tổ chức nào ở Việt Nam có đủ năng lực, kỹ năng nhân sự và thẩm quyền đầu mối để thực hiện xúc tiến đầu tư phù hợp với FDI thế hệ mới.
Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới sẽ có đại diện đáng kể của doanh nghiệp; khả năng thu hút nhân lực có kinh nghiệm và kỹ năng từ tư nhân.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành. Cả cấp trung ương và địa phương cần đổi mới tư duy từ quan điểm hào phóng, lãng phí, đua nhau ưu đãi bằng cách giảm chi phí sang quan điểm cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, các tài sản chiến lược, thế mạnh của Việt Nam.
Nhóm này cũng khuyến nghị Việt Nam cần có môi trường kinh doanh 4.0, mở cửa thị trưởng các lĩnh vực quan trọng để tạo thuận lợi cho đầu tư FDI thế hệ mới…
Đánh giá cao những khuyến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, nội dung nghiên cứu và đề xuất của nhóm chuyên gia sẽ được bộ tiếp thu và tổng hợp vào trong báo cáo đánh giá tổng kết 30 năm của Việt Nam. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ vào tháng 10 tới. (Vneconomy)