tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-04-2017

  • Cập nhật : 08/04/2017

Trung Quốc mua dầu của Mỹ nhiều nhất

Mặc cho Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang thực hiện cắt giảm sản lượng, xuất khẩu dầu thô của Mỹ vẫn đang trên đà tăng đều và giành được một trong những khách hàng lớn nhất trên toàn cầu là Trung Quốc.

trung quoc mua dau cua my nhieu nhat

Trung Quốc mua dầu của Mỹ nhiều nhất

Theo Business Insider, vào tháng 2.2017, Trung Quốc đã vượt qua Canada để trở thành nước mua dầu thô lớn nhất của Mỹ.

Dữ liệu của Mỹ cho thấy doanh số bán dầu của nước này tại Đại lục tăng bốn lần trong tháng 2.2017 so với tháng 1.2017. Cụ thể, số lượng dầu thô mà Trung Quốc nhập về tăng lên 8,08 triệu thùng và nhiều hơn so với 6,84 triệu thùng mà Canada đã mua.

Việc tăng cường nhập khẩu dầu từ những nền kinh tế lớn trên thế giới của Trung Quốc cũng giúp cho xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục 31,2 triệu thùng trong tháng 2 qua.

Theo Bloomberg, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng từ tháng 11.2016. Theo số liệu từ Đánh giá tác động môi trường (EIA), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mua 2,003 triệu thùng dầu thô của Mỹ vào tháng 1.2017.

“Mỹ là nước xuất khẩu dầu thô lớn hơn nhiều nước thuộc OPEC. Việc Trung Quốc mua nhiều hơn là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đã trở thành một nước lớn trên thị trường xuất khẩu dầu thô toàn cầu”, John Auers, Phó chủ tịch điều hành của Turner Mason & Co bình luận với Bloomberg.

Các dữ liệu mà Bloomberg thu thập được cho thấy dấu hiệu nhập khẩu dầu thô của Đại lục sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt khi Sinopec, tập đoàn hóa chất và dầu khí lớn nhất Trung Quốc, đã mua 1 triệu thùng dầu thô từ U.S Mars Blend để sử dụng trong tháng 4.2017.(TN)
-----------------------------------------------

Kiến nghị không ban hành khung giá đất

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất sửa đổi một số điều trong luật Đất đai 2013 theo hướng không ban hành khung giá đất.

Bởi theo HoREA, lâu nay việc tính giá đất đều do Chính phủ ban hành và không phù hợp với tình hình thực tiễn ở các địa phương, đặc biệt tại TP.HCM, Hà Nội… Điển hình như tại TP.HCM, bảng giá đất ở Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Q.1) chưa đến 200 triệu đồng/m2, trong khi thực tế đất ở đây hơn 1 tỉ đồng/m2. Có sự bất cập này, theo HoREA, từ khung giá đất của Chính phủ quy định, thì UBND TP.HCM chỉ được phép quy định mức giá đất cao hơn khung không quá 30%. Căn cứ vào khung giá đất của Chính phủ, TP đưa ra bảng giá đất, trong đó cao nhất thuộc các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ chỉ là 194,4 triệu đồng/m2.

Theo HoREA, bảng giá đất do TP ban hành hiện nay chỉ bằng khoảng 30 - 40% giá đất thực tế trên thị trường. Điều này đã cho thấy sự bất cập của chế định ban hành khung giá đất nên cần được xem xét sửa đổi cho phù hợp. HoREA kiến nghị Chính phủ không ban hành khung giá đất, mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm và quyết định ban hành bảng giá đất cho địa phương (Thanhnien)
----------------------------------------------

Cấm doanh nghiệp thỏa thuận giá, phân chia thị trường

Đó là một trong những nội dung trong dự thảo luật Cạnh tranh (sửa đổi), đang được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) lấy ý kiến rộng rãi để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 10 năm nay.

So với luật Cạnh tranh hiện hành được ban hành từ năm 2004, dự thảo đã điều chỉnh cách tiếp cận trong việc kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh, gồm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định cấm mặc nhiên đối với những hành vi thỏa thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, kiểm soát sản lượng và thông đồng đấu thầu. Đồng thời bổ sung quy định cấm tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi liên quan như: vận động, kêu gọi, dụ dỗ, ép buộc các doanh nghiệp tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; cung cấp thông tin nhằm hình thành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Ngoài ra, thay vì cấm tập trung kinh tế khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia từ 50% trở lên trên thị trường liên quan, dự thảo quy định Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thẩm định tập trung kinh tế trên cơ sở đánh giá cấu trúc thị trường, mức độ tập trung trên thị trường, khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường và tác động tích cực của việc tập trung kinh tế đối với nền kinh tế… Việc lấy ý kiến được kéo dài từ nay đến tháng 5.(TN)
------------------------------------------

Giá cao su xuất khẩu tăng hơn 80%

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 3, khối lượng cao su xuất khẩu ước đạt gần 250.000 tấn, tương đương kim ngạch 510 triệu USD, tăng 1,9% về khối lượng nhưng tăng 90,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

    Giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2017 đạt 2.023 USD/tấn, tăng 80,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của VN. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này tăng lần lượt là: gấp gần 3 lần, gấp 2,7 lần và 75,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự phục hồi của thị trường này sau nhiều năm giảm giá sâu. Giá xuất khẩu tăng, kéo theo giá nội địa tăng. Hiện giá thu mua mủ cao su trong nước khoảng 12.875 đồng/kg, tăng 2.375 đồng/kg so với đầu năm. Trong khi đó, giá bán bình quân của Tập đoàn công nghiệp cao su VN trong những ngày đầu tháng 3 đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2016 (gần 27 triệu đồng/tấn).

    Trở về

    Bài cùng chuyên mục