Người bám sát Jack Ma trong cuộc đua tỷ phú số một Trung Quốc; Kiến nghị thuê tư vấn nước ngoài điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất; Đại án Ngân hàng Oceanbank: Hàng loạt bị can bị đổi tội danh; Có hơn 2 tỷ người dùng, Facebook kiếm "bộn tiền" nhờ quảng cáo
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-04-2017
- Cập nhật : 08/04/2017
Ấn Độ xoá nợ cho 21 triệu nông dân
Chính quyền bang lớn nhất Ấn Độ - Uttar Pradesh thông báo sẽ xoá tổng số nợ khoảng 5,6 tỷ USD của nông dân tại các ngân hàng.
Hơn 21 triệu nông dân nghèo sở hữu dưới 2 ha đất nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Trong đó, khoảng 700.000 nông dân không có khả năng trả nợ ngân hàng. Họ sẽ không phải trả các khoản vay để phục vụ sản xuất nông nghiệp trước đó.
Xoá nợ từng là một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Narendra Modi và Đảng Nhân dân Ấn Độ. Giải pháp này nhằm mục đích hỗ trợ những nông dân nghèo đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, động thái mới nhất của Chính phủ đã gặp phải chỉ trích nặng nề từ Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Các ngân hàng cho rằng, xoá nợ không phải là phương thức tốt để hỗ trợ nông dân vì nó sẽ ảnh hưởng đến thói quen vay tiền của họ sau này.
"Chính phủ đang có nguy cơ khuyến khích văn hoá tín dụng vô kỷ luật", một quan chức tại Ngân hàng Trung ương Ấn Độ tỏ ra lo ngại.
Nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp luôn là một vấn đề lớn tại Ấn Độ. Chính phủ nước này thường xuyên phải giải quyết. Năm 2008, Chính phủ Ấn Độ từng xóa khoản nợ trị giá 17 tỷ USD của 40 triệu nông dân trên khắp cả nước. (VNEX)
------------------------------------------------
7 đại gia Việt chia nhau hơn 1.800 tỷ từ Nhật Bản
Nhóm cổ đông của CTCP Á Mỹ Gia sẽ chia nhau khoản tiền hơn 1,8 ngàn tỷ đồng sau khi bán doanh nghiệp có vốn 15 tỷ đồng cho một tập đoàn của Nhật.
Theo Reuters, Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản Earth Chemical trong tháng 5 tới sẽ hoàn thương vụ mua 100% cổ phần CTCP Á Mỹ Gia, một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh hóa mỹ phẩm với giá 8,9 tỷ yen (hơn 1,8 ngàn tỷ đồng).Á Mỹ Gia là một doanh nghiệp thành lập năm 2003 tại Bình Dương, chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm hóa phẩm tẩy rửa và vệ sinh gia dụng và doanh thu vài trăm tỷ đồng/năm.
Sau khi thương vụ kết thúc, 7 cổ đông sáng lập của Á Mỹ Gia sẽ chia nhau số tiền ngàn tỷ nói trên. Hai cổ đông lớn nhất, mỗi người sẽ thu về khoảng 420 tỷ đồng.
Trước đó, hàng loạt các tập đoàn nước ngoài đến từ Nhật, Thái Lan, Ấn Độ,... đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp Việt có tiềm năng, nổi bật như các thương hiệu: Daina (băng vệ sinh), X-Men (dầu gội), Prime (gạch xây dựng),...
Gần đây, Tập đoàn SCG (Thái Lan) cũng vừa bỏ ra 156 triệu USD mua lại một công ty xi măng tại miền trung Việt Nam sau khi đã mua Prime với giá gần 5.000 tỷ đồng hồi 2012 và mua các DN nhựa hàng đầu Việt Nam.
Hầu hết các tập đoàn nước ngoài chi hậu hĩnh cho các thương vụ thâu tóm nói trên. Mức giá thường cao gấp nhiều lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, đây thường là các thương hiệu hàng đầu và chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Nhiều thương hiệu sau đó trở thành đế chế với thị phần gần như tuyệt đối tại thị trường nội địa như Colgate, P/S hay Diana.(VietnamNet)
--------------------------------------------------
Trung Quốc buộc Samsung bồi thường cho Huawei hàng chục triệu USD
11,6 triệu USD là số tiền mà Samsung phải bồi thường cho Huawei vì cáo buộc vi phạm bản quyền về sở hữu trí tuệ.
Theo Channel News Asia, tòa án Trung Quốc đã yêu cầu một chi nhánh của Samsung tại Đại lục phải trả 80 triệu nhân dân tệ, tương đương 11,6 triệu USD cho Huawei Technologies vì đã vi phạm bản quyền sáng chế.
Khoản bồi thường này được xem là chiến thắng đầu tiên trong số các vụ kiện của công ty Trung Quốc đối với tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc có liên quan đến các thách thức pháp lý về sở hữu trí tuệ.
Một phát ngôn viên của Huawei nói rằng họ rất hoan nghênh quyết định này của tòa án.
Tờ Quanzhou Evening News, một tờ báo do chính phủ Trung Quốc điều hành, cho biết Samsung có ba sản phẩm về điện thoại thông minh và máy tính bảng đã bị tòa án Tuyền Châu tuyên bố vi phạm bằng sáng chế từ một thiết bị điện tử cầm tay của Huawei.
Được biết, Huawei đã đệ trình các đơn kiện chống lại Samsung từ tháng 5.2016 tại các tòa án ở cả Trung Quốc và Mỹ. Trong đó, tại Đại lục Huawei đã nộp đơn kiện không chỉ một mà tới ba tòa án bao gồm một đơn vị ở Huệ Châu, một ở Thiên Tân và một ở Tuyền Châu.
Công ty công nghệ Trung Quốc này đã đòi Samsung phải bồi thường cho hơn 30 triệu sản phẩm được cho là vi phạm bản quyền sáng chế đã bán ra, bao gồm cả Galaxy S7, với tổng giá trị 12,7 tỉ USD.
Samsung sau đó đã lên tiếng phản đối các cáo buộc của Huawei ở Đại lục và cho biết sẽ xem xét kỹ các phán quyết từ tòa án.(TN)
-------------------------------------------
EU tăng thuế chống bán phá giá lên thép Trung Quốc
Ủy ban châu Âu (EC) vừa tăng thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc. Quốc gia Đông Á tuyên bố đáp trả ngay sau đó.
Theo Russia Today, thuế đối với sản phẩm thép của Trung Quốc vừa tăng từ 13,2% lên 22,6% sau khi các nhà sản xuất Liên minh châu Âu (EU) là ArcelorMittal, Tata Steel và ThyssenKrupp khiếu nại.
Theo các nhà sản xuất châu Âu, Đại lục bán thép với mức giá lỗ vì dư thừa công suất. Đầu năm 2016, Trung Quốc cam kết cắt giảm 150 triệu tấn thép sản xuất dư thừa trong vòng 5 năm tới song sản lượng của nước này lại tăng hồi năm ngoái.
Bắc Kinh cho hay công suất thép dư thừa không chỉ là mối lo ngại ở Trung Quốc mà còn là vấn đề toàn cầu. EC cho biết cuộc điều tra chống bán phá giá tương tự được thực hiện đối với hàng nhập khẩu từ Brazil, Iran, Nga, Serbia và Ukraine đang được tiến hành và sẽ kéo dài sáu tháng.
“Quyết định không áp đặt nhiều biện pháp tạm thời với hàng nhập khẩu từ Brazil, Iran, Nga, Serbia và Ukraine không gây trở ngại cho kết quả cuối cùng của cuộc điều tra”, phát ngôn viên EC nói.
Đại lục giận dữ trước quyết định của EU. Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay động thái trên xuất phát từ việc sử dụng phương pháp tham khảo giá không công bằng, thiếu hợp lý.
Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, nước này đồng ý để các thành viên WTO còn lại xem xét thuế chống bán phá giá với mình trong tư cách một nền kinh tế phi thị trường trong 15 năm. Điều khoản trên đã kết thúc từ ngày 11.12.2016 song theo Bắc Kinh, hiện nó vẫn được dùng để đánh giá thép xuất khẩu của Trung Quốc.
Quan chức Wang Hejun thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay: “Phía Trung Quốc yêu cầu EU phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, quy định của WTO, ngừng sử dụng phương pháp cũ và đối xử công bằng, không phân biệt đối xử với doanh nghiệp Đại lục”. Theo ông Wang, quyết định của Brussels chỉ dựa trên cáo buộc và suy đoán.
Ông này nói thêm: “Trung Quốc thúc giục phía châu Âu sửa chữa sai lầm càng sớm càng tốt”. Chính phủ Bắc Kinh sẽ thực hiện nhiều “biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích hợp pháp bị tổn thương “nghiêm trọng” của doanh nghiệp nước nhà.(Thanhnien)