Doanh nghiệp Việt mới gặm được 1/5 miếng bánh 41 tỷ USD ngành dịch vụ hậu cần
Tài sản của nữ tỷ phú tự thân lập nghiệp trẻ nhất nước Mỹ giảm từ 4,5 tỷ USD "về mo" chỉ sau 1 đêm
Ngành thuế sẽ điều chỉnh hoạt động kiểm tra doanh nghiệp
“Trảm” dự án điện 7,5 tỉ USD
Nhiều cơ hội từ EVFTA
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-06-2016
- Cập nhật : 02/06/2016
Samsung được dự báo lãi “khủng” nhờ Galaxy S7
Theo phân tích của các chuyên gia Hàn Quốc, lợi nhuận của Samsung trong quý II/2016 sẽ tăng rất mạnh mẽ nhờ doanh thu của mẫu smartphone “ăn khách” Galaxy S7, Phone Arena đưa tin.
Trích dẫn từ báo đầu tư Shinhan của Hàn Quốc, Korea Times cho biết, lợi nhuận của Samsung trong quý II/2016 dự kiến sẽ tăng lên trên mốc 7 nghìn tỷ Won, nhờ hai yếu tố chính là sự thành công mạnh mẽ của dòng điện thoại Samsung Galaxy S7 và bộ phận sản xuất chip thẻ nhớ.
Trong đó, có đến hơn một nửa lợi nhuận của Samsung đến từ mảng kinh doanh điện thoại di động, ước tính đạt 3,6 nghìn tỉ Won.
Cũng theo các chuyên gia, nếu con số này được hiện thực hóa, Samsung sẽ đạt mức tăng trưởng lên tới 12,4% so với năm ngoái.
Như các thông tin cách đây vài tuần, bộ đôi smartphone Galaxy S7 và Galaxy S7 Edge của Samsung rất được ưa chuộng khi ra mắt từ hồi tháng 3/2016, với doanh số 10 triệu chiếc điện thoại thông minh.
Vì vậy, theo các nhà phân tích của báo đầu tư Shinhan, Samsung có khả năng sẽ đạt doanh số khoảng 14 triệu chiếc Galaxy S7 trong quý này cùng mức tăng 40% so với quý trước.
Tuy nhiên, không chỉ mẫu điện thoại cao cấp Galaxy S7 đang thu về lợi nhuận cho bộ phận kinh doanh thiết bị di động của Samsung mà các dòng điện thoại giá rẻ như Galaxy A và Galaxy J series cũng đang bán rất chạy.
Ngoài ra, việc kinh doanh chip bộ nhớ flash cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận tổng thể của Samsung với 2,6 nghìn tỷ Won lợi nhuận trong quý II/2016. (bizlive)
Thủy sản Nam Việt: Chưa thể thoái vốn khỏi Ngân hàng Hàng Hải
Ngày 28/05/2016 Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của CTCP Nam Việt (mã ANV) đã tiến hành thành công. Theo đó, các nội dung trình tại đại hội đều được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Liên quan đến 2 khoản đầu tư tài chính vào CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt 5,82 tỷ đồng và 135 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải, đại diện ANV cho biết ANV đã thoái hết vốn tại Quỹ Bản Việt trong tháng 2 năm 2016; còn khoản đầu tư vào MaritimeBank135 tỷ đồng công ty chưa thoái vốn được. ANV tiếp tục tìm đối tác để thoái vốn khỏi ngân hàng này.
Năm 2015, HNX lãi ròng 146 tỷ đồng, giảm 25,3%
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã công bố Báo cáo tài chính năm 2015. Theo đó, năm 2015, HNX ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 146 tỷ đồng, giảm 25,3% so với năm 2014.
Thế giằng co ở Bibica
Bibica đã có một năm 2015 khá thuận lợi với doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng so với kỳ - Ảnh: Bảo Trọng
Nửa đầu năm ngoái, khi PAN Food (thuộc PAN Group) và công ty con của PAN Food là Thủy sản Bến Tre (ABT) liên tục gom mua cổ phiếu BBC của Bibica, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên hơn 45% vốn điều lệ, vượt Lotte (Hàn Quốc) và trở thành cổ đông lớn nhất, giới đầu tư từng kỳ vọng, cục diện ở Bibica sẽ khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi Bibica vừa tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông năm 2016, tình hình ở công ty này vẫn chưa có nhiều chuyển biến, ngoại trừ việc PAN Food đã đưa được người vào Ban quản trị.
SSI và PAN Group có mối liên quan mật thiết vì cùng chung Chủ tịch là ông Nguyễn Duy Hưng. Giai đoạn 2012-2013, SSI là đối trọng đáng gờm của Lotte khi huy động lực lượng, tăng tốc chạy đua để gia tăng sở hữu tại Bibica. Từ năm 2014, SSI chuyển vốn đầu tư ở Bibica sang cho PAN Food, để PAN Food chính thức là cổ đông lớn thứ 2 sau Lotte tại Bibica. Có lúc nhóm PAN Food vượt lên, nhưng hiện tại Lotte đang thắng thế.
Một trong những vướng mắc đáng chú ý là dự án nhà máy Bibica miền Bắc (Hưng Yên) vẫn án binh bất động dù trong kế hoạch vạch ra ban đầu, giai đoạn 1 của dự án đáng lẽ phải bắt đầu từ năm 2008. Mãi tới năm ngoái, Bibica mới lên dự tính chi khoảng 18,5 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu thị trường và xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên mới nhất, giá trị đầu tư thực tế năm 2015 cho nhà máy Bibica miền Bắc chưa tới 400 triệu đồng.
Nhà máy Bibica miền Bắc là một trong những nguyên cớ đẩy căng thẳng ở Bibica lên cao. Sự việc quay về thời điểm cuối năm 2007, vì muốn kêu gọi hợp tác đầu tư nhà máy này cùng nhà máy Bibica miền Đông giai đoạn 2 (Bình Dương), Bibica đã bắt tay với Lotte. Theo tính toán của người đứng đầu Bibica, một khi hoàn thành các dự án, nhà máy Bibica miền Đông giai đoạn 2 sẽ chuyên sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng, dinh dưỡng chức năng.
Còn nhà máy Bibica miền Bắc sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ Lotte và sản xuất các sản phẩm của Bibica. Tuy nhiên, diễn biến thực tế đã không đi theo tính toán này. Bởi từ khi đi vào vận hành, nhà máy Bibica miền Đông giai đoạn 2 lại chỉ tập trung sản xuất sản phẩm bánh Pie - một dòng sản phẩm của Lotte. Riêng nhà máy Bibica miền Bắc liên tục “nằm đắp chiếu”. Cũng từ đây, sóng gió nổi lên và câu chuyện Lotte thâu tóm Bibica bùng nổ.
Đã 4 năm kể từ thời điểm Lotte lộ rõ ý định thâu tóm Bibica, đôi bên vẫn trong thế đối đầu. Trưởng phòng Phân tích ở một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng, chỉ khi nào một trong hai bên nhượng bộ, hoặc Bibica có cách phát hành thêm cổ phiếu, thế trận ở Bibica mới có thể ngã ngũ.
Trên thực tế, gần 10 năm kể từ năm 2008, Bibica chưa một lần tăng vốn đầu tư chủ sở hữu, vẫn giữ con số 154,2 tỷ đồng vốn điều lệ suốt từ đó đến nay. Theo ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Bibica, đây là một bất lợi. Tương tự, dù có trong tay 300 tỷ đồng tiền mặt nhưng những bất đồng trong nội bộ đã khiến Bibica gặp hạn chế trong các hoạt động đầu tư. Giá trị đầu tư thực tế của Bibica trong năm 2015 chỉ hơn 2 tỷ đồng, rất thấp so với kế hoạch 57,5 tỷ đồng mà Công ty đề ra.Trong khi đó, nhiều đối thủ của Bibica như Phạm Nguyên, Hải Hà, Tràng An, Hải Châu hay Kraft (Mỹ), Meiji (Nhật), Orion, Lotte (Hàn Quốc) đều gia tăng đầu tư. Đó là chưa kể, bánh kẹo từ các nước ASEAN ồ ạt đổ vào Việt Nam nhờ chính sách miễn giảm thuế. Tất cả khiến cho chặng đường phát triển kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của Bibica càng thêm áp lực.
Bibica mới chỉ đạt 8,6% thị phần, dù định hướng thị phần của Công ty năm 2015 từng có lúc mong muốn đạt tới 10%. Về kết quả kinh doanh, Bibica đã có một năm 2015 khá thuận lợi với doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, như thông tin Công ty chia sẻ, sự tăng trưởng này có yếu tố bên ngoài hỗ trợ. Đó là nhiều nguyên liệu đầu vào như chất dẻo, sữa, bao bì nhựa giảm và Bibica tiếp tục nhận hạn mức nhập khẩu đường 1.000 tấn với giá rẻ hơn giá đường nội địa tới 16%. Vì thế, sang năm 2016, khi các yếu tố hỗ trợ này không còn nữa, mục tiêu lãi sau thuế của Bibica dự kiến chỉ còn 65 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2015.
Bibica đã đề ra khá nhiều kế hoạch cho năm 2016, như đầu tư dây chuyền bánh kẹo mềm cao cấp, khai thác dây chuyền bánh Pie thêm 30%, đầu tư thiết bị trộn màu sôcôla cho bánh Orienko, tạo thêm các sản phẩm mới, gia tăng độ phủ từ 95.000 cửa hàng lên 120.000 cửa hàng... Nhưng thực tế những năm qua cho thấy, các mục tiêu này có thể không đạt được nếu vấp phải lực cản từ trong nội bộ.
Nhà đầu tư đang hy vọng thế giằng co ở Bibica sẽ sớm bị phá vỡ, nhất là khi mới đây, đại diện PAN Food úp mở về khả năng 2 nhóm cổ đông lớn ở Bibica có thể đạt sự đồng thuận 100%. Bởi lẽ, ABT đã rút khỏi Bibica, trong khi PAN Food lại không tăng sở hữu. Do đó, ưu thế dường như đang nghiêng về phía Lotte.
Hiện tại, trừ mâu thuẫn nội bộ cản trở đường đi, còn lại Bibica có những yếu tố hơn hẳn các doanh nghiệp cùng ngành. Đó là Bibica vẫn giữ được thương hiệu nổi tiếng, nền tảng tài chính lành mạnh, không đi vay nợ, với khả năng sinh lời, khả năng thanh toán hiệu quả hơn qua từng năm và vượt trội hơn các công ty cùng ngành.
“Vận đen” vẫn đeo bám ngành sòng bạc Macau
Theo tin từ Bloomberg, tổng doanh thu ngành sòng bạc Macau trong tháng vừa qua giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 18,4 tỷ Pataca, tương đương 2,3 tỷ USD, hoàn tất chuỗi giảm hai năm liên tục. Mức giảm của tháng 5 nhỉnh hơn mức giảm 9,5% của tháng 4, và cao hơn mức dự báo giảm 8% mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Đối phó với thực trạng này, các công ty sòng bạc ở Maccau bắt đầu chuyển trọng tâm sang khách du lịch và những khách hàng đánh bạc để giải trí. Theo đó, nhiều công ty sòng bạc như Wynn Macau và Sands China đều sẽ mở cửa các khu nghỉ dưỡng (resort) mới trong năm nay.
Chính quyền Macau hiện đang chuẩn bị đưa ra các quy định ngặt nghèo hơn đối với ngành sòng bạc, bao gồm tăng mức vốn tối thiểu đối với các công ty môi giới casino. Đây là các công ty trung gian dẫn khách VIP cho sòng bạc và cung cấp các khoản vay để khách VIP đánh bạc.
Ngoài ra, từ đầu tháng 5 vừa qua, Macau cũng đã cấm đặt cược qua điện thoại - một loại hình đặt cược mà một số con bạc VIP ở Trung Quốc đại lục ưa thích.
Với tình hình kinh doanh sòng bạc sa sút, Macau đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các casino. Với doanh thu khoảng 30 tỷ USD mỗi năm, ngành sòng bạc đóng góp 80% nguồn thu thuế của Macau.
Để giảm sự lệ thuộc vào các casino, chính quyền Macau muốn hạn chế tốc độ tăng trưởng số lượng bàn chơi bạc, đồng thời tăng phần đóng góp doanh thu của các hoạt động ngoài sòng bạc như khách sạn, giải trí... vào tổng doanh thu của các casino. Hiện nay, hoạt động chơi bạc đóng góp khoảng 90% tổng doanh thu của các công ty casino ở Macau.
Tuy nhiên, việc thuyết phục du khách Trung Quốc đại lục tiêu nhiều tiền hơn ở Macau vẫn là một việc khó. Trong quý 1 năm nay, du khách tới Macau chi trung bình 220 USD/người cho hoạt động mua sắm ngoài sòng bạc, giảm khoảng 1/3 so với năm 2014. Khách Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 2/3 du khách ở Macau.
Nền kinh tế Macau giảm 13,3% trong quý 1 năm nay, đánh dấu quý giảm thứ 7 liên tục, phản ánh sự suy yếu doanh thu của các sòng bạc.