"Đội bóng" 80 tỷ đô đủ sức thay đổi nền kinh tế của Bộ Công thương
FPT Shop: Lợi nhuận 4 tháng đầu năm tăng trưởng 36% so với cùng kỳ
Doanh nghiệp vẫn làm ngơ với phòng vệ thương mại
Kiến nghị bỏ thời hạn giấy phép kinh doanh
Thế kẹt của Gang thép Thái Nguyên
Tin kinh tế đọc nhanh 02-06-2016
- Cập nhật : 02/06/2016
Gỗ Việt sẽ gặp rắc rối với TPP
Theo Báo cáo nghiên cứu Thực trạng và giải pháp chính sách cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), có quá nhiều rủi ro mà các doanh nghiệp (DN) ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt đang đối mặt.
Theo ông Tô Xuân Phúc, người có kinh nghiệm nghiên cứu ngành này, rất nhiều vấn đề có thể đẩy các DN xuất khẩu gỗ Việt rơi vào tình hình khó khăn. Hiện nay, quá trình hoạt động của ngành đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhất là nguồn gốc gỗ nguyên liệu không rõ ràng. Các loại gỗ nhập khẩu từ Lào, Campuchia khi xuất khẩu luôn bị cảnh báo về tính pháp lý nguồn nguyên liệu.
Nguyên do là trong tiến trình khai thác, chế biến và xuất khẩu gỗ của Lào, Campuchia còn nhiều tranh cãi, nên khi nhập khẩu vào Việt Nam dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề cho các DN sử dụng để sản xuất thành phẩm xuất khẩu. Theo thống kê, năm 2015, ngành gỗ Việt Nam đã nhập 4,8 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trị giá 1,7 tỷ USD từ 70-90 quốc gia, với 150-160 loại gỗ các loại.
Cũng theo ông Phúc, ngay như gỗ cao su khai thác trong nước, hiện tại việc xác định nguồn gốc cũng chưa chặt chẽ. Bộ Nông nghiệp cần có kế hoạch cụ thể để đáp ứng cho vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ cao su khai thác trong nước. Bởi gỗ cao su là một trong những thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam.
Theo số liệu mà nhóm nghiên cứu tiếp cận từ ngành Hải quan, nhiều loại gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam không có khai báo tên. Trong khi Luật Lacey của Hoa Kỳ đã có hiệu lực từ 2008 quy định phạt tiền và cả bỏ tù những người vi phạm.
Kết quả mà Báo cáo nghiên cứu về Thực trạng và giải pháp chính sách cho ngành gỗ thu thập được kết quả rất đáng buồn, có đến 70% DN cho biết đang tham gia xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ vẫn chưa áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, 20% DN xuất vào EU và 10% xuất vào Úc cũng có chung câu trả lời như vậy.
Một rủi ro nữa là tính pháp lý nguồn nguyên liệu, DN sẽ đối mặt thêm với việc không nắm thông tin các quy định của từng thị trường. Nhiều DN cho rằng, họ không kiểm soát được thị trường xuất khẩu do chỉ tập trung bán hàng cho đối tác, sản xuất theo yêu cầu của đối tác. Đây sẽ là vấn đề ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững của chính các DN và toàn ngành.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ Tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cũng công nhận mặt yếu của các DN trong ngành. Theo ông, lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ dần bị thu hẹp trong tương lai, đến lúc không thể cạnh tranh bằng giá lao động thì năng suất sẽ là yếu tố thay thế. Ngoài chất lượng sản phẩm, các DN cần quan tâm đến năng suất lao động.
Với quá nhiều bất cập, rủi ro cho ngành xuất khẩu đồ gỗ, theo ông Phúc, các nguyên nhân xuất phát từ vấn đề chính sách thiếu sự đồng bộ. Hiện tại, các ngành từ trồng rừng, chế biến, xuất khẩu vẫn tương đối hoạt động độc lập với nhau. Chưa có một chính sách mang tính kết nối, xâu chuỗi các khâu lại với nhau tạo thành chuỗi sản xuất mang tính thống nhất
PMI tháng 5 tăng nhờ lượng đơn đặt hàng mới vượt mạnh nhất 1 năm
Chỉ số nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers’ Index (PMI) - toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng nhẹ từ mức 52,3 điểm trong tháng 4 lên 52,7 điểm trong tháng 5, cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất đã cải thiện mạnh mẽ.
Các điều kiện kinh doanh đã tốt lên trong suốt sáu tháng qua với mức cải thiện gần đây nhất là lớn nhất trong một năm.
Nhân tố chính dẫn đến sự cải thiện các điều kiện kinh doanh gần đây là mức tăng đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới. Tốc độ tăng đã nhanh hơn thành mức nhanh nhất trong 12 tháng và là một trong những mức tăng nhanh nhất trong lịch sử khảo sát.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng, mặc dù với mức độ yếu hơn so với tháng 4. Số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn dẫn đến sản lượng ngành sản xuất tiếp tục tăng, và đây là lần tăng thứ sáu trong sáu tháng. Hơn nữa, mức tăng gần đây nhất là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 5 đã gia tăng tháng thứ hai liên tiếp và là nhanh nhất kể từ tháng 8/2014.
Vì giá cả đầu vào tiếp tục tăng, các nhà sản xuất đã tăng giá cả đầu ra tương ứng. Mặc dù tăng nhanh hơn tháng 4, tốc độ tăng giá cả đầu ra vẫn là nhẹ.
"Bộ dữ liệu PMI mới nhất của Việt Nam đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng về sức khỏe của lĩnh vực sản xuất. Mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới là điểm nhấn của kết quả chỉ số của tháng 5 và sẽ dẫn đến sự cải thiện tiếp theo về sản lượng và việc làm trong những tháng tới. Một điều trở nên rõ ràng hơn là thời kỳ áp lực giảm phát gần đây đã kết thúc, nhưng các công ty Việt Nam cho đến nay vẫn có thể hạn chế mức độ tăng giá cả đầu ra của họ. Điều này có thể thay đổi nếu tốc độ tăng chi phí tiếp tục gia tăng", chuyên gia Andrew Harker tại Markit nhận xét.(Bizlive)
Doanh nghiệp Đức ở Việt Nam tin tưởng vào kinh tế vĩ mô hơn ở Trung Quốc
“Mở hầu bao” cho trái phiếu Chính phủ
Theo cập nhật mới nhất từ Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, dòng vốn khả dụng của thị trường tiền tệ hiện khá dư thừa, đẩy lãi suất giảm khá sâu.
Tiền tệ bơm tiền cho tài khóa
Cụ thể, tính đến 27/4/2016, tín dụng (nội, ngoại tệ) toàn hệ thống đạt 4,83 triệu tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối 2015, trong khi mức tăng cùng kỳ gần 4%. Ở chiều huy động, tăng tới 4,5%, số dư đến đầu tháng 4/2016 đạt hơn 5,39 triệu tỷ đồng.
Tính riêng huy động và tín dụng VND (loại bỏ ngoại tệ), ước đến hết tháng 5/2016 so với đầu năm, mức tăng lần lượt là 5,3% và 4,3%.
Trên thị trường 2, do tác động từ tăng trưởng tín dụng VND chỉ 4,3% trong khi huy động tăng 5,3% như nói trên, kết hợp với việc trong tháng 4và 5/2016, Ngân hàng Nhà nước bơm khoảng 72 nghìn tỷ đồng qua kênh ngoại hối nên thanh khoản khá dư thừa, đưa mặt bằng lãi suất thị trường 2 giảm mạnh.
Một thông tin đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào dự trữ ngoại tệ khoảng 7 tỷ USD.
Đã có một mối liên hệ nhất định giữa diễn biến thanh khoản thị trường từ đầu năm đến nay và một động thái mới nhất từ điều hành của Ngân hàng Nhà nước đến từ Thông tư 06/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014.
So quy định mới tại Thông tư 06 với quy định cũ tại Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước quy định giới hạn sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đầu tư trái phiếu Chính phủ của các nhóm như sau: Ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn: 25% (tăng 10%), nhóm cổ phần và ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 35% (giữ nguyên), chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài: 35% (tăng 20%), tổ chức tín dụng phi ngân hàng giữ nguyên 5% và Ngân hàng Hợp tác xã 35% (giảm 5%).
Cần nhớ, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn chiếm giữ khoảng 50% thị phần hệ thống, mức tăng 10% của nhóm này sẽ tạo ra dòng tiền đáng kể cho kênh huy động Trái phiếu chính phủ. Mặt khác, nhóm chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài, thị phần ít nhưng được tăng tới 20%.
Một chuyên gia phân tích: “Điều kiện thị trường hiện tại đang cho phép Ngân hàng Nhà nước giải quyết nguồn vốn cho trái phiếu chính phủ thay vì thắt chặt như quy định cũ; đồng thời, các nhóm trong hệ thống đều có cơ hội đầu tư vào kênh vốn này. Có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đang đi khẽ, nói nhẹ và…cười duyên!”.
Nhiều mối lo từ vốn trái phiếu
Tại phiên họp với các bộ, ngành ngày 30/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: giải ngân mạnh mẽ các nguồn vốn cho xây dựng cơ bản, để đồng vốn đến các công trình, dự án, phát huy hiệu quả. Không để tình trạng có tiền mà không giải ngân được, không để vốn ODA, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn ngân sách còn dư mà không giải ngân được.
Rõ ràng, hệ thống ngân hàng đã trợ lực khá tốt cho ngân sách nhưng một trăn trở lâu nay chính là sự khê đọng vốn trái phiếu Chính phủ. Thực tế cho thấy, do giải ngân chậm trễ, một tỷ lệ lớn nguồn vốn này đã chảy ngược vào các ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn với giá rất rẻ do phần lớn đều ở dạng tiền gửi không kỳ hạn.
Bất cập bắt đầu đây: Chính phủ trả lãi cho ngân hàng, rồi ngân hàng lại trả lãi cho Chính phủ, tạo nên vòng luẩn quẩn, giảm khả năng sinh lời của vốn.
Chưa kể, nhờ nguồn vốn giá rẻ này mà các ngân hàng lớn đã chèn ép các ngân hàng nhỏ hơn, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần than thở: “Khách hàng ruột của chúng tôi ở vùng than Quảng Ninh, làm ăn bao nhiêu năm qua, nay bị các ngân hàng thương mại Nhà nước chào vốn rẻ, tranh giành khách, dẫn đến chúng tôi cũng phải hạ giá vốn, không những thiệt hại trực tiếp mà còn làm rối loạn môi trường kinh doanh”.
Một bất cập tiếp theo, đó chính là việc cạnh tranh vốn giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, dẫn đến nỗ lực giảm lãi suất khó khả thi.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho rằng, theo kế hoạch năm 2016, Kho bạc Nhà nước có kế hoạch phát hành 220 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ tham gia 85% như hiện nay, các tổ chức tín dụng sẽ đầu tư khoảng 187 nghìn tỷ đồng.
“Để giảm sức ép lên lãi suất và cạnh tranh nguồn vốn trung dài hạn, Chính phủ nên xem xét giảm lượng phát hành trái phiếu khoảng 10%. Nguồn bù đắp cho phần thiếu hụt này sẽ lấy từ nguồn siết chặt đầu tư công và khoản chi thường xuyên của ngân sách”, ông Hà nói.
Ngoài ra, theo số liệu sơ bộ tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, hai địa phương chiếm tới 60 - 65% thị phần huy động vốn và cho vay cả nước (tùy thời điểm) thì tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chỉ 65% - 70% nhưng tỷ trọng tín dụng trung dài hạn trên 60%.
Sự lệch pha của kỳ hạn là căn bệnh kinh niên của hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước từng xác định đó là một trong những nguyên nhân tạo nên rủi ro thanh khoản hệ thống.
Bức tranh tiền tệ hiện nay cho thấy, hệ thống ngân hàng đang loay hoay xoay vốn cho nền kinh tế, từ khu vực tư nhân đến Nhà nước. Nhưng như vậy, lại càng làm trầm trọng thêm sự lệch lạc, méo mó của các kênh vốn thị trường tài chính cũng như sự bất bình đẳng giữa đầu tư Nhà nước và tư nhân.(VNeconomy)
Thời kỳ “trăng mật” của nhân dân tệ sắp đến hồi kết